Trọng Thành - RFI
Thứ bảy 19 Tháng Tư 2014
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140419-hong-kong-khai-mac-bao-tang-dau-tien-ve-tham-sat-thien-an-mon
AFP
hôm qua, 18/04/2014, loan tin viện bảo tàng đầu tiên về cuộc thảm sát đẫm máu
tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sẽ mở cửa tuần tới. Đây sẽ là bảo tàng
đầu tiên trên thế giới dành cho biến cố lịch sử diễn ra cách nay 25 năm. Giám
đốc bảo tàng cho biết ông sẵn sàng đối mặt với các thách thức về pháp lý, đe
dọa cuộc triển lãm.
Dự kiến ngày 26/04 tới, bảo tàng về thảm sát Thiên
An Môn sẽ khai trương, để vinh danh những người bị giết hại trong cuộc đàn áp
tàn bạo nhắm vào phong trào nổi dậy của sinh viên Trung Quốc vì nền dân chủ,
ngày 03 và 04 tháng 4 năm 1989.
Bảo tàng, với diện tích khoảng 75 mét vuông, nằm tại
khu phố thương mại East Tsim Sha Tsui (Đông Tiêm Sa Chủy), do liên hiệp hội của
người Hồng kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước Trung Quốc tài trợ. Bảo
tàng có kế hoạch, hàng năm vào ngày 04/06, tổ chức một nghi thức thắp nến tưởng
niệm các sinh viên ngã xuống, với sự tham gia của hàng chục nghìn người.
Bảo tàng về thảm sát Thiên An Môn sẽ trưng bày ảnh
về các cuộc biểu tình và đàn áp từ phía chính quyền với sự tham gia của quân
đội, trong đó có bức ảnh nổi tiếng người thanh niên một mình đối diện với đoàn
xe tăng. Tại triển lãm cũng có bức tượng cao hai mét, biểu tượng cho Nữ thần Dân
chủ, giống như bức tượng đã được dựng lên tại quảng trường Thiên An Môn 25 năm
trước.
Tại Trung Quốc, chính quyền cấm đoán mọi hình thức
tưởng niệm cuộc đàn áp đẫm máu năm 1989, khiến hơn một nghìn người chết tại
quảng trường Thiên An Môn, không kể tới những người bị giết tại các tỉnh. Đông
đảo người dân Trung Quốc hiện nay không hề hay biết về giai đoạn lịch sử đen
tối này. Chính quyền cộng sản không bao giờ đưa ra một thông báo chính thức về
các nạn nhân của thảm sát.
Trả lời báo giới, chủ tịch liên hiệp hội Hồng Kông
vì dân chủ tại Trung Quốc, ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), giải thích việc tổ
chức bảo tàng này nhằm bảo tồn ký ức để nhắc nhở mọi người, đồng thời thúc đẩy
ý thức đấu tranh cho dân chủ. « Khi biết được những gì thực sự đã diễn ra, người
xem sẽ nổi giận với đảng Cộng sản, đã bắn vào dân chúng để bảo vệ quyền lực.
Những đồng hương chúng ta tại Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận điều này », ông
nói.
Đối diện với các đe dọa dùng con đường tư pháp để
khiếu nại việc bảo tàng gây náo động khu dân cư, do tính chất chính trị rất cao
của hoạt động này, ông Lý Trác Nhân nói ban tổ chức đã chuẩn bị các biện pháp
pháp lý cần thiết.
Hồng Kông, kể từ khi được Anh Quốc trao trả cho
chính quyền Bắc Kinh vào năm 1997, được hưởng một chế độ bán tự trị, với các
quyền tự do dân sự được bảo đảm, khác hẳn với phần còn lại của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment