Friday 4 April 2014

HOA KỲ KHÔNG DỰ LỄ KỶ NIỆM HẢI QUÂN TRUNG QUỐC VÌ NHẬT BẢN KHÔNG ĐƯỢC MỜI (Thụy My - RFI)




Thụy My -  RFI
Thứ sáu 04 Tháng Tư 2014

Hoa Kỳ hôm 03/04/2014 loan báo sẽ không gởi chiến hạm đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 65 năm thành lập hải quân Trung Quốc, để tỏ tình đoàn kết với Nhật Bản vì Bắc Kinh không mời Tokyo. Lẽ ra Mỹ sẽ gởi một chiến hạm đến tham dự buổi lễ trọng thể được tổ chức trong tháng này ở ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, nhưng cuối cùng đã thay đổi ý kiến.

Một viên chức cao cấp không muốn nói tên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết : « Do Nhật Bản không được mời, nên chúng tôi đã quyết định không tham gia để tỏ tình đoàn kết ».

Tuy vậy các nhân vật cao cấp của Mỹ như Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Jonathan Greenert, và Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris sẽ hiện diện tại một hội nghị chuyên đề dự kiến diễn ra tại Thanh Đảo trong dịp kỷ niệm.

Nhật Bản dường như cũng được mời tham gia hội nghị chuyên đề này, cùng với các chỉ huy hải quân của trên 20 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ Nhật-Trung đã xẩu hẳn đi trong thời gian gần đây, chủ yếu do Tokyo vào tháng 9/2012 quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh cũng yêu sách chủ quyền.

--------------------------------------

18:44 04-04-2014

Mỹ đang hủy các kế hoạch đưa tàu hải quân để tham gia vào lễ duyệt hạm ở Thanh Đảo để kỷ niệm tròn 65 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, sau khi đồng minh thân cận nhất ở châu Á- Nhật Bản đã không được Trung Quốc mời, một quan chức của Mỹ ngày 3.4 cho hay.

Quyết định được đưa ra trước thềm chuyến công du của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ- Chuck Hagel đến Nhật và Trung Quốc.

Mỹ đã được mời tham dự lễ duyệt hạm, thực chất là một cuộc thao diễn các tàu hải quân, như một phần của các hoạt động liên quan đến Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương, được tổ chức trong tháng này ở Thanh Đảo, một thành phố cảng ở miền đông Trung Quốc.

Một quan chức của Mỹ phát biểu với Reuters rằng: “Chúng tôi vẫn tham gia vào Diễn đàn hải quân và dự lễ duyệt hạm, tuy nhiên chúng tôi sẽ không điều tàu hải quân vào đội hình duyệt hạm”.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản- Itsunori Onodera cũng đã xác nhận trong cuộc họp báo rằng họ đã không được mời tham dự lễ duyệt hạm dù Nhật rất muốn được tham gia Diễn đàn hải quân được tổ chức thường xuyên này. Đáng tiếc là Trung Quốc đã hành động như thế.

Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương với sự tham gia của quan chức hải quân hơn 20 nước, chỉ riêng duy chỉ có Nhật Bản không được mời tham gia lễ duyệt hạm. Cách làm này của Trung Quốc như một tín hiệu nữa cho thấy mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” Trung-Nhật càng trở lên xấu hơn sau những tranh chấp các hòn đảo trên biển Hoa Đông.

Đây rõ ràng cũng là một trong những khó khăn cho người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chuyến thăm vào tuần tới đến một số nước châu Á, để đảm bảo những cam kết của Washington đối với vấn đề an ninh của Tokyo, cũng như tìm kiếm một mối quan hệ cải thiện hơn đối với Bắc Kinh.

“Tôi luôn xem Trung Quốc là bạn. Dù chúng tôi có sự khác biệt, chúng tôi là những đối thủ cạnh tranh, chúng tôi không cùng quan điểm về các khu vực, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không là kẻ thù của nhau. Hiện chúng tôi đang làm rất nhiều việc cùng nhau để có thể tìm được một một vài điểm chung”, ông Hagel nói thêm.

Tổng thống Mỹ- Barack Obama cũng sẽ có chuyến thăm đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines từ ngày 22.4.

Vũ Kiều (theo Chinadailyasia)

Chú thích ảnh: Tàu ngầm và tàu chiến của hải quân Trung Quốc tham gia lễ duyệt hạm quốc tế chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập của Lực lượng hải quân tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, 23.4.2009


No comments:

Post a Comment

View My Stats