BBC
Cập nhật: 04:08 GMT - thứ bảy, 12 tháng 4,
2014
Bộ
trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jacob Lew đã kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực nhằm
giúp Ukraine giải quyết khó khăn về kinh tế.
Ông nói với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng "nhu
cầu về tài chính khá lớn" của Ukraine đồng nghĩa với việc nước này cần
thêm sự hỗ trợ từ các nước khác, bên cạnh gói viện trợ một tỷ đôla dưới hình
thức cho vay bảo đảm của Hoa Kỳ.
Lời kêu gọi của Hoa Kỳ được đưa ra sau khi thủ tưởng
tạm quyền của Ukraine đề nghị tăng thêm quyền cho khu vực phía đông nước này,
nơi những người ly khai thân Nga đang biểu tình chống lại chính phủ.
Trong khi đó, Washington hôm 11/4 đã công bố các
lệnh trừng phạt mới nhằm vào những cá nhân liên quan trực tiếp đến việc Nga sáp
nhập Crimea.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết đã đóng băng tài sản
tại Hoa Kỳ của một cựu quan chức Ukraine, một hãng năng lượng có trụ sở tại
Crimea và sáu lãnh đạo Crimea, trong đó có chủ tịch ủy ban bầu cử Crimea và thị
trưởng Sevastopol.
'Những
biện pháp cấp thiết'
Ông Lew nói Hoa Kỳ đang "đẩy mạnh chương trình của IMF thông qua một gói viện trợ bổ sung, trong
đó bao gồm một khoản cho vay bảo đảm trị giá một tỷ đôla và các hình thức hỗ
trợ về mặt kỹ thuật khác."
"Cộng đồng quốc tế - các ngân hàng phát triển đa phương và song
phương - cần có những biện pháp cấp thiết nhằm hỗ trợ cho chương trình của IMF
thông qua các khoản viện trợ tài chính," ông nói.
IMF đã công bố một gói viện trợ trị giá 18 tỷ đôla
hồi tháng trước nhằm giúp Ukraine cải thiện nền kinh tế.
Cho đến nay, tổng giá trị gói viện trợ này đã lên
đến 27 tỷ đôla, nhờ sự đóng góp của châu Âu và Hoa Kỳ.
Đổi lại, IMF đã yêu cầu Ukraine phải tiến hành các
biện pháp cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế.
Nền kinh tế Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề sau
khi Nga quyết định ngưng bán khí đốt với mức giá ưu đãi cho nước này.
Mức giá này đã được Tổng thống Nnga Vladimir Putin
và cựu Tổng tống Ukraine Viktor Yanukovych thống nhất trong một thỏa thuận
trước khi ông Yanukovych bị truất quyền. Vào lúc đó, Nga cũng đã tuyên bố sẽ
mua một lượng trái phiếu chính phủ từ Ukraine với tổng trị giá 15 tỷ đôla.
Trong một diễn biến riêng lẻ, hôm 11/4, thủ tướng
tạm quyền của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk, đã đề nghị tăng thêm quyền cho
khu vực phía đông của nước này. Ông Yatsenyuk đang đàm thoại với các lãnh đạo
địa phương ở Donetsk, nơi những người biểu tình đang yêu cầu được tự trị và đã
chiếm đóng một tòa nhà chính phủ.
Những cuộc biểu tình đòi ly khai ở các thành phố
phía đông Ukraine diễn ra sau hành động sáp nhập Crimea của Nga hồi tháng
trước, vốn được cho là cuộc đối đầu chính trị lớn nhất giữa Moscow với châu Âu
kể từ Chiến Tranh Lạnh.
IMF cũng đang yêu cầu Ukraine phải tăng cường chống
tham nhũng và chấm dứt chương trình hỗ trợ đồng hryvnia của ngân hàng trung
ương nước này.
Chính phủ mới của Ukraine cho biết nước này cần 35
tỷ đôla để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Ukraine cũng chưa hoàn tất việc trả khoản nợ 2,2 tỷ
đôla tiền khí đốt cho tập đoàn Gazprom của Nga.
Cao ủy phụ trách về năng lượng của châu Âu, ông
Guenther Oettinger, nói với đài ORF của Úc rằng ông đang xây dựng một kế hoạch
giúp Ukraine chi trả tiền nhập khẩu khí đốt và bảo đảm rằng các khoản nợ của
nước này không tiếp tục tăng.
Nguồn
cung cấp khí đốt
Ngày 11/4, Tổng thống Putin đã lên tiếng trấn an EU
rằng Nga sẽ không ngắt nguồn cung cấp khí đốt. Brussels cho biết sẽ hỗ trợ cho
chính phủ mới ở Kiev nếu Điện Kremlin đe dọa ngắt đường dẫn khí đốt sang
Ukraine.
"Tôi muốn khẳng định lại một lần nữa: Chúng tôi không có ý định
ngưng việc vận chuyển khí đốt cho Ukraine," ông Putin nói trong một buổi họp với Hội đồng An ninh được phát trên
truyền hình, hãng thống tấn Reuters đưa tin.
Nga từng ngắt đường dẫn khí đốt sang Ukraine vào các
năm 2006, 2009. Riêng vụ việc hồi năm 2009 đã khiến nguồn cung cấp khí đốt cho
EU thông qua Ukraine bị gián đoạn trong suốt hai tuần.
EU và Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm
vào các quan chức Nga và Ukraine nhằm đáp lại việc Nga sáp nhập Crimea.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết các lệnh trừng phạt mới
nhằm vào tài sản tại Hoa Kỳ của một cựu quan chức Ukraine, một hãng năng lượng
có trụ sở ở Crimea và sáu lãnh đạo Crimea, trong đó có chủ tịch ủy ban bầu cử
và thị trưởng Sevastopol.
Cuộc
đối thoại bốn bên đầu tiên kể từ khi khủng hoảng bùng nổ giữa Nga, Ukraine, Hoa
Kỳ và EU sẽ diễn ra vào ngày 17/4 tại Geneva.
---------------------------------
Trọng Thành - RFI
Thứ bảy 12 Tháng Tư 2014
Hôm
qua, 11/04/2014, theo AFP, Hoa Kỳ tuyên bố đưa thêm sáu lãnh đạo Crimée, một
cựu lãnh đạo Ukraina và một công ty khí đốt, hiện do Nga quản lý, vào danh sách
trừng phạt. Những nhân vật và công ty nói trên bị nghi ngờ đe dọa « hòa bình và
ổn định tại Ukraina ».
Loạt trừng phạt mới này được ra năm hôm trước cuộc
họp bốn bên, Ukraina, Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến diễn ra vào
ngày 17/04 tại Genève, nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina.
Thông
tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington :
Trong danh sách trừng phạt có những người chủ trương
ly khai, như Roustam Temirgaliev, Phó thủ tướng, người thúc đẩy việc tổ chức
cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée, cũng như Thị trưởng Sébastopol Alexeï Tchaly.
Cũng trong danh sách này còn có Serguei Tsekov, cựu Phó chủ tịch Quốc hội
Ukraina.
Bảy người này cũng nằm trong danh sách những nhân
vật bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt, ông David Cohen, Thứ trưởng Tài chính Hoa
Kỳ nhấn mạnh. Thứ trưởng Daniel Cohen là người thông báo quyết định của Hoa Kỳ.
Tổ hợp khí đốt Tchernomorneftegaz ở Crimée, hiện nằm
dưới sự quản lý của Nga, cũng nằm trong số các đối tượng trừng phạt. Nhân sự
của công ty này, nếu có tài sản tại Hoa Kỳ, sẽ bị phong tỏa, và chính quyền
cũng cấm các công ty Mỹ làm ăn với cơ sở bị trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra cùng lúc
với việc Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov điện thoại cho người tương nhiệm Mỹ
John Kerry đề nghị Washington yêu cầu Kiev không « đổ thêm dầu vào lửa » trong
cuộc xung đột hiện nay giữa chính quyền trung ương và lực lượng ly khai tại
miền Đông Ukraina.
Trước đó, cuối tháng 3/2014, Hoa Kỳ đã ra quyết định
phong tỏa tài sản của 31 quan chức và cơ sở Nga hay thân Nga, trong đó có ngân
hàng Rossia, ngân hàng của Tổng thống Putin và một số lãnh đạo Nga.
Thứ Năm, 10/04, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cảnh
báo việc leo thang căng thẳng tại Ukraina có thể dẫn đến các trừng phạt mới
chống lại Matxcơva, từ phía Châu Âu và Hoa Kỳ.
Cuộc họp G7 (gồm bảy nước công nghiệp phát triển
nhất là Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada, Anh) tối qua tại Washington, đã
đề cập đến « tình hình » Ukraina. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tuyên bố «
trong G7 có một đồng thuận rộng rãi và mạnh mẽ về việc gia tăng trừng phạt, nếu
Nga có động thái leo thang ».
No comments:
Post a Comment