Thanh Hà - RFI
Chủ nhật 20 Tháng Tư 2014
Trong
bối cảnh khủng hoảng Ukraina chưa tới hồi kết, Washington xác định tin chuẩn bị
tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Trung và Đông Âu. Kế hoạch cụ thể sẽ
được công bố trong một vài ngày tới. Theo một số nguồn tin, Mỹ chuẩn bị đưa từ
150 đến 175 binh sĩ đến khu vực, tham dự các cuộc thao diễn quân sự với các
đồng minh Ba Lan và Estonia.
Thông
tín viên RFI Jean Louis Pourtet tường trình từ Washington :
« Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak,
cách nay hai ngày, trả lời báo Mỹ Washington Post, đã cho biết, Lầu Năm Góc
đang chuẩn bị gửi quân sang Ba Lan và các nước vùng Baltic. Tin trên đã được
một quan chức Hoa Kỳ xác nhận và cho biết thêm là lính Mỹ sẽ được điều tới
Estonia và Ba Lan.
Sau cuộc tiếp xúc giữa ông Tomasz Siemoniak và đồng
nhiệm Mỹ Chuck Hage, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, ông John Kirby, khẳng
định Hoa Kỳ tham gia tập trận cùng với các đồng minh Đông Âu nhằm « tăng cường
khả năng ứng phó trên bộ, trên không và trên biển ». Một số hoạt động trong
cuộc thao diễn quân sự đó sẽ được « quyết định song phương giữa phía Hoa Kỳ với
các đồng minh trong NATO », một số khác sẽ do chính các thành viên của Liên
Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO - tiến hành ».
Trên thực tế, quyết định nói trên của Washington
nhằm trấn an các nước Đông Âu đang rất lo ngại trước những diễn biến tình hình
tại Ukraina và những quốc gia đó đang tự hỏi là liệu họ sẽ có còn được Hoa Kỳ
hỗ trợ hay không trong trường hợp cần thiết.
Các quốc gia vùng Baltic đặc biệt đang rất lo lắng :
Họ đã đã gia nhập khối NATO từ ăm 2004 và luôn trong thế khó xử vì muốn tránh
chọc giận ông Putin. Kể từ sau vụ Nga thôn tính vùng tự trị Crimée của Ukraina,
Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã phải xét lại chính sách của mình và đang có
khuynh hướng tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, bằng cách gửi máy bay
và tàu tuần duyên đến vùng này nhiều hơn.
Việc Mỹ điều quân – dù chỉ rất khiêm tốn về mặt số
lượng - sang Ba Lan và Estonia đáp ứng nguyện vọng của ông James Jeffrey, cựu
đại sứ Hoa Kỳ tại Irak. Trong tuần, phát biểu trên nhật báo Washington Post,
ông này chủ trương Mỹ nên triển khai lực lượng trên bộ để bắn đi một tín hiệu
mạnh với đối phương. Theo ông Jeffrey, đưa quân tới hiện trường là một biện
pháp có hiệu quả hơn, đáng sợ hơn là việc triển khai máy bay tiêm kích hay khu
trục hạm để thị oai ».
-----------------------------------
Tú Anh - RFI
Thứ bảy 19 Tháng Tư 2014
Hai
ngày sau khi đạt được thỏa thuận tại Genève, Washington gây sức ép với Nga để
buộc phe thân Nga tại Ukraina tuân thủ ngưng chiếm đóng công sở. Mặc dù chính
quyền Kiev đưa ra một số đề nghị mới nhưng phe thân Nga vẫn bất chấp. Ngoại
trưởng Mỹ cho rằng Ukraina đang ở trong « giai đoạn quyết định » cho tương lai
mọi bên.
Chính quyền Washington, qua tuyên bố của cố vấn an
ninh Tổng thống Mỹ Susan Rice, cảnh báo là Hoa Kỳ sẽ theo dõi « sát sao để xem
Nga có đảm nhận trách nhiệm và bổn phận buộc các toán dân quân trả lại các công
sở hay không ».
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng gọi điện thoại cho
đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov thúc giục Nga tôn trọng « toàn bộ và ngay lập tức
» thỏa thuận thông qua ngày 17/04.
Tại Donetsk, hai tuần sau khi phe theo Nga tuyên bố
thành lập « cộng hòa độc lập » những thành phần võ trang bịt mặt vẫn chiếm giữ
đường phố và công sở. Phe này tuyên bố là không có quan hệ gì với thỏa thuận
Genève quay định việc giải giới và rút khỏi các nơi chiếm đóng.
Tại Slavianks, một thành phố khác ở sát biên giới
Nga, những toán võ trang mặc quân phục không phù hiệu vẫn phong tỏa thành phố.
Hôm thứ Sáu, trong thông điệp toàn quốc, Tổng thống
lâm thời Olexander Tourtchinov và Thủ tướng lâm thời Arseni Iatsenouk kêu gọi
phe nổi loạn di tản khỏi các công sở, đổi lại bản thân họ được ân xá và miền
đông của họ được hưởng chính sách tản quyền cũng như một quy chế đặc biệt bảo
vệ tiếng Nga.
Cũng trong cử chỉ hòa giải, cựu Thủ tướng và cũng là
ứng cử viên Tổng thống Ioulia Timochenko đến tận Donetsk, tiếp xúc nhiều tiếng
đồng hồ với một số nhóm đang chiếm đóng tòa thị chính. Bà Ioulia Timochenko
tuyên bố rất có khả năng « đi đến một thỏa hiệp » và hứa sẽ tổ chức một « hội
nghị bàn tròn vào tuần tới ».
Theo nhận định của tướng Volodymyr Zamana, cựu tham
mưu trưởng quân đội Ukraina thì các nỗ lực vận động chính trị không mang lại
kết quả. Các vụ phá hoại gia tăng không những tại miền đông mà còn xảy ra ở
phía nam. Tướng Volodymyr Zamnana kêu gọi chính phủ phải chuẩn bị những biện
pháp mà ông gọi là « bất cân xứng » để đẩy lui một cuộc xâm lăng của Nga.
Chiều hôm qua, lần đầu tiên chính quyền Matxcơva,
qua tuyên bố của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov nhìn nhận Nga dàn
quân áp sát biên giới Ukraina.
--------------------------
No comments:
Post a Comment