Wednesday, 9 April 2014

ĐÊ BAO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG : SAI LẦM "VĨ ĐẠI" TRONG LỊCH SỬ CẬN ĐẠI - KỲ 4 (Đảng Xanh)





Nếu như khẳng định của loạt bài này là đúng, thì còn có nỗi bất hạnh thêm cho ngót 18 triệu dân Đồng bằng Sông Cửu Long, thiệt hại thêm cho cả nước, và khó gỡ hơn là ở chỗ “sai lầm vĩ đại” này lại gắn liền với tên tuổi tượng đài số 1 của “Đổi mới” – cố TT Võ Văn Kiệt.

Bên trong cái “khó gỡ” đó lại còn có bóng dáng của khá nhiều trí thức có tiếng hiện nay đã và đang có những tiếng nói phản biện tích cực, cả về chính trị, kinh tế lẫn nhiều lĩnh vực, được đông đảo người dân ủng hộ. Nhiều người trong số họ từng “nương tựa” vào tượng đài Võ Văn Kiệt, từng coi ông như người Anh Cả, là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn sinh mệnh chính trị trong cuộc tranh đấu cho con đường phát triển dân chủ, đất nước hùng cường. Oái oăm thay, trong số họ lại còn có những người cũng từng gắn tên tuổi của mình vào “siêu dự án xuyên thiên niên kỷ” trị thủy Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng xem ra chưa có tinh thần cầu thị.

Đã có triệu chứng những phản ứng thiếu tinh thần khoa học, biết lắng nghe vì lợi ích chung, mà lại mang nét cảm tính, thậm chí rất có thể cả những nghi kỵ khi bị đặt lại vấn đề lớn lao này. Đó là (vô tình hay cố ý) nghi vấn phải chăng lại muốn lật đổ “thần tượng” Võ Văn Kiệt, để mà tấn công vào những trí thức tiến bộ, hay để “đổ tội” cho tình trạng hiện nay, không xuất được lúa gạo, được mùa rớt giá, nông dân càng làm càng lỗ, nuôi trồng thủy sản cũng thất bát liên hồi, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, v.v..

Với những người trí thức đi đầu tranh đấu cho dân chủ, ngoài việc vạch ra được những sai trái của chính quyền đương thời, còn cần phải có khả năng tự vấn mình, nhận thấy, nói ra và sửa được những sai lầm của mình, có phần mình tham gia trong quá khứ. Có như vậy mới khỏi tránh được vết xe đổ của những người cộng sản, thắng lợi rồi, giành được chính quyền rồi, là tưởng như mình là nhất mực toàn tài.

Những Dung Quất, Bô-xít Tây Nguyên, Đường sắt cao tốc, Điện hạt nhân Ninh Thuận với những thiệt hại hoặc tiềm ẩn mối nguy đã từng được công luận mổ xẻ nhiều, ít nhiều mang lại tác động để sửa chữa sai lầm. Tiếc rằng, với cách trị thủy Đồng bằng Sông Cửu Long như đã nói, tầm mức tác hại, tiền của hao tốn về mặt nào đó có thể lớn hơn những dự án kia rất nhiều, song với những điểm đặc thù như đã nói, nó đã ít được quan tâm. Mặt khác, “sai lầm” trong vấn đề Đồng bằng Sông Cửu Long cùng với các đại dự án kia lại gắn liền rất khăng khít với sai lầm của cả một đường hướng phát triển kinh tế, xã hội, nên muốn nhìn nhận nó và sửa chữa, sẽ phải sửa cả toàn cục, khó vô cùng. Mối nguy hại càng lớn thêm!

Đã chững lại dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, có ý kiến từ Thủ tướng lùi thời gian khởi công Điện hạt nhân, Cảng Kê Gà cho bô xít đã bỏ, Dung Quất mới có tin đang được bán bớt ... Vậy với trị thủy Đồng bằng Sông Cửu Long cần có sự xem xét lại toàn bộ, từ những công trình khoa học mới, với những đánh giá hệ quả trong gần 20 năm qua, có tính phản biện, có xem xét trong tổng thể liên quan tới Mê kông – ví như mặt lợi/hại của thủy điện trên các nhánh chi lưu (như nêu ở phần 3), cho tới toàn bộ vấn đề pháp lý (xem phần 2).

Để kết thúc loạt bài này, xin đưa ra một điều mong mỏi nhỏ, là giá mà Đài truyền hình Việt Nam kết hợp Đài truyền hình TPHCM, phát huy ý nghĩa của bộ phim 2 tập “Đồng bằng Sông Cửu Long: chống lũ hay sống chung với lũ” (đã đưa trong phần 1 bài này), và bộ phim dài tập tốn kém “Mê Kong ký sự”, hãy làm một bộ phim về cuộc sống của người dân Tây Nam Bộ, toàn bộ mặt phải, trái của chương trình thủy lợi trên toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long suốt gần 20 năm qua. Sức lan tỏa, tác động dư luận của nó sẽ hơn nhiều những bài viết.

-----------------------------------

Đê Bao Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tô Văn Trường: Nói lại cho rõ về đê bao – bờ bao (1/4/2014)
05/04/2014
Lê Phú Khải  8-4-2014

Phóng sự nhiều kỳ Mê Kông ký sự của Đài truyền hình TPHCM:

Mê kông ký sự là bộ phim tài liệu chỉ dành riêng để nói về dòng chảy của Mê Kông -- một đại trường giang của Châu Á. "Mê kông ký sự" là bộ phim tài liệu truyền hình dài tập nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Khi thực hiện bộ phim, đoàn làm phim chỉ mong muốn được giới thiệu dòng chảy của Mê Kông hoàn toàn không chứa đựng những phát hiện, những phân tích sâu sắc, những lý giải khoa học mà đơn thuần chỉ là những thông tin, những ghi chép tản mạn về những chuyến đi, những cố gắng tiếp cận, với hy vọng cung cấp đôi điều hạn hẹp từ trong cái mênh mông ngàn đời đầy bí ẩn của dòng sông hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến một phần quan trọng của đất nước và đến diện mạo của xã hội Việt Nam. Mê Kông ký sự sẽ đưa chúng ta đến với nơi khơi nguồn của dòng nước phát nguyên từ vùng đất mái nhà thế giới, từ đỉnh níu tuyết vĩnh hằng mà ngày ngày dòng sông này vẫn đem đến cho cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long những đồng lúa trĩu hạt, những vườn cây trái bốn mùa, nhưng đồng thời cũng đem đến cho họ lắm tai ương, lũ lụt, hạn hán xảy ra làm cho cuộc sống của những dư dân này luôn là nổ lực bền bỉ, gầy dựng lại tất cả sau mỗi trận thiên tai.


 Xem một clip về sông Cữu Long:
Dirty Waters, Dangerous Fish



No comments:

Post a Comment

View My Stats