Sunday, 13 April 2014

CÔNG AN VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC ĐÀO TẠO VỀ CÁC KHÁI NIỆM QUYỀN CON NGƯỜI ? (FB Mạnh Kim)




12-4-2014

Chưa bao giờ dư luận lại phẫn nộ trước tình trạng công an đánh dân bằng lúc này. Không chỉ bị đánh, dân còn tra tấn tàn bạo đến tử vong. Công an làm gì có cái “quyền” đánh dân, huống hồ “giết dân” – như cách nói thẳng thừng và xác đáng của ông Đinh Văn Quế, cựu chánh án Tòa hình sự TAND tối cao (Pháp Luật TPHCM 12-4-2014). Bây giờ là thời nào lại xảy ra cái chuyện bạo quyền lộng hành xem trời bằng vung và xem dân như cỏ rác!? Sống bằng tiền thuế của dân, như một cái “nghề” trong bộ máy hành chính công quyền nói chung, với nhiệm vụ thuần túy bảo vệ trật tự xã hội, những công an phạm luật rõ ràng không còn hiểu những điều căn bản như vậy nên mới ngang ngược chà đạp luật pháp, ngồi đè trên đầu thần Công lý và láo lếu thách thức dư luận.

Có lẽ phải xét đến yếu tố tuyển dụng và đào tạo trong ngành công an. Ai và tiêu chuẩn nào được xét để có thể vào công an? Loại nhân thân có trình độ thấp quen sống cái lối như những kẻ du côn đầu đường xó chợ hở ra là chửi thề hở ra là vung nắm đấm có thể được vào công an không? Có vẻ như, không dám khẳng định, ngành công an đang “sơ hở” để bọn vô học “trà trộn” vào nhằm phá hỏng hình ảnh bộ máy công quyền để “gieo tiếng xấu” cho chế độ?

Thứ nữa, công an được đào tạo như thế nào, được dạy gì và có được dạy không về những khái niệm căn bản như quyền con người? Có được dạy không về quyền và giới hạn của người làm luật? Có được dạy không về sự khác biệt giữa điều tra và xét xử, giữa thẩm cung và tra tấn ép cung? Có được dạy không về Hiến pháp, về thể chế, về các mối liên hệ xã hội trong đó có những ý được khẳng định rất rõ, như “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Điều 8, Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013)? Không hiểu những điều này, làm sao công an hiểu được vị trí ở đâu và vai trò như thế nào của họ? Họ có được dạy không? Có không?

Không thể không để ý đến chi tiết rằng hầu hết những vụ công an đánh chết người đều ở các tỉnh. Có phải bởi đó là những nơi mà sự hiểu biết luật pháp của người dân còn hạn chế nên công an mới “làm trời làm đất”? Như vậy công tác “tuyên truyền giáo dục” quần chúng có vấn đề? Tại các cuộc họp dân cư địa phương với đại diện chính quyền, người dân chưa từng được nghe và bàn về quyền của họ cũng như vai trò của công an?

Viết trên BBC tiếng Việt (10-4-2014), luật sư Ngô Ngọc Trai nói rằng: “Cho nên khi chê trách người thì cũng phải nhìn nhận lại mình. Hành xử của cán bộ công quyền thực chất là tấm gương phản chiếu và tương xứng với thái độ trách nhiệm của công dân. Nêu ra vấn đề đạo đức công dân đặt trong mối tương quan với đạo đức công vụ của Công an là nhằm thúc đẩy mọi người sống có trách nhiệm hơn, chứ không phải chê trách. Vì chê trách không phải là giải pháp”. Nói vậy nghe không ổn. Cần nhấn mạnh, tất cả các vụ công an đánh chết người đều chẳng liên quan một kilogram nào đến “đạo đức công dân đặt trong mối tương quan với đạo đức công vụ”. Đó đều là những vụ hành xử bạo quyền của một công an hoặc một nhóm công an đối với một nạn nhân hoặc một nhóm nạn nhân mà trong hầu hết trường hợp các nạn nhân không có thái độ hay biểu hiện cho thấy họ mất “đạo đức công dân” cả. Họ là nạn nhân, đơn giản là nạn nhân, vậy thôi! Những gì báo chí tường thuật liên quan đến các trường hợp cụ thể (chẳng hạn vụ Ngô Thanh Kiều) đều cho thấy điều đó. Nạn nhân, đơn giản họ là nạn nhân! Cớ gì phải chụp cái mũ “đạo đức công dân” nói chung vào một trường hợp cụ thể để miêu tả một vụ việc cụ thể, trong khi trong thực tế họ đã bị đánh túi bụi cho đến chết ngay từ trước khi kịp có ai đó nhắc họ về “đạo đức công dân”!

Nói như ông Đinh Văn Quế (nguồn đã dẫn) mới thật chính xác: “Khi không được coi là thi hành công vụ thì mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác cũng không được coi là trong khi thi hành công vụ. Chủ thể của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ phải là người đang thi hành một công vụ hợp pháp, còn nếu thi hành một công vụ không hợp pháp hoặc lợi dụng việc thi hành công vụ mà đánh chết người thì phải xử về tội giết người với tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “bằng cách lợi dụng nghề nghiệp”.

___________________




No comments:

Post a Comment

View My Stats