14.04.2014
Chuyện Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và được sang Mỹ
với vợ đang làm xôn xao dư luận, đặc biệt trên mạng, trong hơn một tuần vừa
qua. Người thì mừng, người thì thất vọng và lo, thậm chí, thất vọng và lo quá
thành trách móc, cho là ông chọn một con đường dễ dãi và chỉ có lợi cho bản
thân và gia đình.
Thật ra, cần nói ngay, sự trách móc, lo lắng hay thất vọng đều là những phản ứng rất cảm tính, hơn nữa, có cái gì như vô lý. Không ai có thể đòi hỏi người khác phải làm anh hùng. Người ta không có bổn phận làm anh hùng. Anh hùng là một sự lựa chọn và chấp nhận hy sinh. Không phải lúc nào người ta cũng có thể lựa chọn được như vậy. Bình thường, người ta ưu tiên chọn lựa sự an toàn cho bản thân và gia đình trước. Không có người nào có thể bị trách móc vì các chọn lựa đầy nhân tính và nhân tình ấy.
Vấn đề đáng bàn hơn ở đây là: Liệu người ta có thể tiếp tục tranh đấu một cách có hiệu quả khi sống ngoài đất nước?
Câu hỏi trên bao gồm hai khía cạnh: tranh đấu và tranh đấu một cách có hiệu quả.
Với khía cạnh thứ nhất, câu trả lời tương đối dễ dàng: Dĩ nhiên là được. Ở hải ngoại có hai điều kiện thuận lợi hơn trong nước: Một là an toàn và hai là tự do. Người ta có thể phát biểu hoặc tập hợp lực lượng một cách thoải mái mà không phải sợ hãi bất cứ điều gì. Chế độ độc tài ở xa, nếu muốn, chỉ có thể đánh lén bằng cách gieo rắc những tin đồn làm giảm uy tín hoặc làm hoang mang dư luận. Hết.
Nhưng chính sự an toàn và tự do ấy lại trở thành một nguy cơ cho mọi nhà đối kháng hay tranh đấu chống lại độc tài. Một là người ta đánh mất cơ hội làm anh hùng, và từ đó, cơ hội để trở thành thần tượng, qua đó, tập hợp quần chúng. Xin lưu ý: anh hùng không phải là tính cách có sẵn và bất biến. Không ai là anh hùng cả. Người ta chỉ trở thành anh hùng. Và người ta chỉ có thể trở thành anh hùng chỉ bằng một cách duy nhất: chấp nhận đương đầu với nguy hiểm, thậm chí, sẵn sàng chấp nhận cả sự hy sinh. Sự an toàn và tự do ở hải ngoại tước mất tất cả những cơ hội ấy: Người ta trở thành một người bình thường như mọi người.
Là một người bình thường, người ta cũng đánh mất cơ hội được chú ý và được lắng nghe. Không phải chỉ trong nội bộ cộng đồng người Việt với nhau mà cả với quốc tế cũng vậy. Trên thế giới, người ta chỉ thích tập trung sự chú ý vào các chứng nhân và các nạn nhân, nghĩa là những người đang sống trong nước, hằng ngày đương đầu với bạo quyền. Tất cả những người lưu vong, may lắm, chỉ được xem là một học giả. Mà với tư cách một học giả, người ta lại chịu một sự thiệt thòi khác: thành kiến cho là họ thiếu khách quan và công bằng khi phê phán nhà cầm quyền ở quê nhà. Đó là điều dường như tất cả các trí thức Việt Nam sống ở hải ngoại đều có kinh nghiệm và đều phải chịu đựng.
Một trong những bằng chứng cụ thể nhất là Dương Thu Hương. Lúc còn sống trong nước, các tác phẩm cũng như các bài viết của bà được đón nhận một cách nồng nhiệt. Từ năm 2006, bà sang sống hẳn ở Pháp. Sống ở đâu thì Dương Thu Hương vẫn là Dương Thu Dương thôi. Vẫn thông minh, sắc sảo, thẳng thắn và tài hoa. Không có gì thay đổi. Nhưng rõ ràng là sự tiếp nhận của những người chung quanh, từ cộng đồng người Việt đến cộng đồng quốc tế, đã thay đổi: Bà chỉ còn là một nhà văn chứ không phải nhà văn đối kháng nữa. Với bà, người ta hờ hững dần. Và bà cũng im lặng dần.
Mà không phải chỉ có Dương Thu Hương. Lớn hơn Dương Thu Hương rất nhiều, nhà văn Alexander Solzhenitsyn, giải Nobel văn chương năm 1970, bị trục xuất khỏi Nga vào năm 1974; và sau một thời gian ngắn sống ở Tây Đức và Thụy Sĩ, ông được mời sang Mỹ. Ông định cư ở Mỹ cho đến năm 1994, khi chế độ cộng sản đã sụp đổ tại Nga, ông mới về nước. Trong gần 20 năm ở Mỹ, Solzhenitsyn chỉ sống một cách lặng lẽ ở một địa phương khuất lánh heo hút. Trừ sự ồn ã ở vài năm đầu, sau đó, dường như người ta quên mất ông, hơn nữa, có khi còn bực bội vì ông. Một số quan điểm của ông, lúc còn nằm trong nhà tù Xô Viết, được xem là dũng cảm; lúc đã sống ở Mỹ, ngược lại, lại bị xem là cực đoan.
Cả Solzhenitsyn lẫn Dương Thu Hương đều không phải là những người làm chính trị. Họ chỉ là những nhà văn, khi còn trong nước, được xem là đối kháng. Nhưng ngay cả khi là một nhà văn, người ta còn không được nghe, huống gì chỉ là một người hoạt động chính trị? Cơ hội để được nghe chắc chắn sẽ hiếm hoi hơn nhiều.
Là một người bình thường, người ta phải đối diện và giải quyết những nhu cầu rất ư là đời thường: học ngoại ngữ, kiếm việc làm, mua xe và mua nhà, lo cho đời sống của cá nhân và gia đình. Tất cả những công việc ấy nuốt gần hết thời gian và sức lực của một người bình thường. Nếu từ chối những công việc bình thường ấy, chịu sống một cách thanh bạch và kham khổ để tiếp tục đấu tranh, người ta lại bị cộng đồng chung quanh nhìn như một kẻ thất bại, và cuối cùng, xa lánh dần với một lý lẽ rất đơn giản: đời sống riêng của anh/chị còn lo chưa xong, nói gì đến những chuyện đại sự?
Nếu sự an toàn và tự do, một mặt, tước mất cơ hội làm anh hùng của các nhà đối kháng; mặt khác, nó lại tạo cơ hội cho sự hẹp hòi và ganh tị nảy nở xum xuê. Ai cũng có quyền lên tiếng chụp mũ và dèm pha người khác. Khi Nguyễn Chí Thiện còn ở trong tù, đọc thơ ông, hầu như ai cũng thương và khen ngợi nức nở. Đến lúc ông được sang Mỹ, người ta lại tung tin đồn: đó là Nguyễn Chí Thiện giả, do công an Cộng sản cho ra hải ngoại để phá hoại cộng đồng!
Bởi vậy, rất khó để người ta có thể tranh đấu một cách có hiệu quả sau khi đã rời bỏ quê hương. Có thể có. Nhưng hiếm. Cực hiếm.
Thay cho lời kết luận, có một điều tôi xin được nhấn mạnh: Nhân dịp Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ, tôi muốn phân tích một số thuận lợi và khó khăn của những người đối kháng ở hai môi trường khác nhau. Tôi không hề có ý chê trách Cù Huy Hà Vũ. Mà cũng không có ai có quyền chê trách ông được. Không có lý do gì để chê trách ông cả. Hơn nữa, thành thực mà nói, tôi cũng chưa bao giờ đặt bất cứ một kỳ vọng gì ở ông. Dù tôi rất kính phục sự can đảm của ông.
Trong chuyện tranh đấu, can đảm không chưa đủ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thật ra, cần nói ngay, sự trách móc, lo lắng hay thất vọng đều là những phản ứng rất cảm tính, hơn nữa, có cái gì như vô lý. Không ai có thể đòi hỏi người khác phải làm anh hùng. Người ta không có bổn phận làm anh hùng. Anh hùng là một sự lựa chọn và chấp nhận hy sinh. Không phải lúc nào người ta cũng có thể lựa chọn được như vậy. Bình thường, người ta ưu tiên chọn lựa sự an toàn cho bản thân và gia đình trước. Không có người nào có thể bị trách móc vì các chọn lựa đầy nhân tính và nhân tình ấy.
Vấn đề đáng bàn hơn ở đây là: Liệu người ta có thể tiếp tục tranh đấu một cách có hiệu quả khi sống ngoài đất nước?
Câu hỏi trên bao gồm hai khía cạnh: tranh đấu và tranh đấu một cách có hiệu quả.
Với khía cạnh thứ nhất, câu trả lời tương đối dễ dàng: Dĩ nhiên là được. Ở hải ngoại có hai điều kiện thuận lợi hơn trong nước: Một là an toàn và hai là tự do. Người ta có thể phát biểu hoặc tập hợp lực lượng một cách thoải mái mà không phải sợ hãi bất cứ điều gì. Chế độ độc tài ở xa, nếu muốn, chỉ có thể đánh lén bằng cách gieo rắc những tin đồn làm giảm uy tín hoặc làm hoang mang dư luận. Hết.
Nhưng chính sự an toàn và tự do ấy lại trở thành một nguy cơ cho mọi nhà đối kháng hay tranh đấu chống lại độc tài. Một là người ta đánh mất cơ hội làm anh hùng, và từ đó, cơ hội để trở thành thần tượng, qua đó, tập hợp quần chúng. Xin lưu ý: anh hùng không phải là tính cách có sẵn và bất biến. Không ai là anh hùng cả. Người ta chỉ trở thành anh hùng. Và người ta chỉ có thể trở thành anh hùng chỉ bằng một cách duy nhất: chấp nhận đương đầu với nguy hiểm, thậm chí, sẵn sàng chấp nhận cả sự hy sinh. Sự an toàn và tự do ở hải ngoại tước mất tất cả những cơ hội ấy: Người ta trở thành một người bình thường như mọi người.
Là một người bình thường, người ta cũng đánh mất cơ hội được chú ý và được lắng nghe. Không phải chỉ trong nội bộ cộng đồng người Việt với nhau mà cả với quốc tế cũng vậy. Trên thế giới, người ta chỉ thích tập trung sự chú ý vào các chứng nhân và các nạn nhân, nghĩa là những người đang sống trong nước, hằng ngày đương đầu với bạo quyền. Tất cả những người lưu vong, may lắm, chỉ được xem là một học giả. Mà với tư cách một học giả, người ta lại chịu một sự thiệt thòi khác: thành kiến cho là họ thiếu khách quan và công bằng khi phê phán nhà cầm quyền ở quê nhà. Đó là điều dường như tất cả các trí thức Việt Nam sống ở hải ngoại đều có kinh nghiệm và đều phải chịu đựng.
Một trong những bằng chứng cụ thể nhất là Dương Thu Hương. Lúc còn sống trong nước, các tác phẩm cũng như các bài viết của bà được đón nhận một cách nồng nhiệt. Từ năm 2006, bà sang sống hẳn ở Pháp. Sống ở đâu thì Dương Thu Hương vẫn là Dương Thu Dương thôi. Vẫn thông minh, sắc sảo, thẳng thắn và tài hoa. Không có gì thay đổi. Nhưng rõ ràng là sự tiếp nhận của những người chung quanh, từ cộng đồng người Việt đến cộng đồng quốc tế, đã thay đổi: Bà chỉ còn là một nhà văn chứ không phải nhà văn đối kháng nữa. Với bà, người ta hờ hững dần. Và bà cũng im lặng dần.
Mà không phải chỉ có Dương Thu Hương. Lớn hơn Dương Thu Hương rất nhiều, nhà văn Alexander Solzhenitsyn, giải Nobel văn chương năm 1970, bị trục xuất khỏi Nga vào năm 1974; và sau một thời gian ngắn sống ở Tây Đức và Thụy Sĩ, ông được mời sang Mỹ. Ông định cư ở Mỹ cho đến năm 1994, khi chế độ cộng sản đã sụp đổ tại Nga, ông mới về nước. Trong gần 20 năm ở Mỹ, Solzhenitsyn chỉ sống một cách lặng lẽ ở một địa phương khuất lánh heo hút. Trừ sự ồn ã ở vài năm đầu, sau đó, dường như người ta quên mất ông, hơn nữa, có khi còn bực bội vì ông. Một số quan điểm của ông, lúc còn nằm trong nhà tù Xô Viết, được xem là dũng cảm; lúc đã sống ở Mỹ, ngược lại, lại bị xem là cực đoan.
Cả Solzhenitsyn lẫn Dương Thu Hương đều không phải là những người làm chính trị. Họ chỉ là những nhà văn, khi còn trong nước, được xem là đối kháng. Nhưng ngay cả khi là một nhà văn, người ta còn không được nghe, huống gì chỉ là một người hoạt động chính trị? Cơ hội để được nghe chắc chắn sẽ hiếm hoi hơn nhiều.
Là một người bình thường, người ta phải đối diện và giải quyết những nhu cầu rất ư là đời thường: học ngoại ngữ, kiếm việc làm, mua xe và mua nhà, lo cho đời sống của cá nhân và gia đình. Tất cả những công việc ấy nuốt gần hết thời gian và sức lực của một người bình thường. Nếu từ chối những công việc bình thường ấy, chịu sống một cách thanh bạch và kham khổ để tiếp tục đấu tranh, người ta lại bị cộng đồng chung quanh nhìn như một kẻ thất bại, và cuối cùng, xa lánh dần với một lý lẽ rất đơn giản: đời sống riêng của anh/chị còn lo chưa xong, nói gì đến những chuyện đại sự?
Nếu sự an toàn và tự do, một mặt, tước mất cơ hội làm anh hùng của các nhà đối kháng; mặt khác, nó lại tạo cơ hội cho sự hẹp hòi và ganh tị nảy nở xum xuê. Ai cũng có quyền lên tiếng chụp mũ và dèm pha người khác. Khi Nguyễn Chí Thiện còn ở trong tù, đọc thơ ông, hầu như ai cũng thương và khen ngợi nức nở. Đến lúc ông được sang Mỹ, người ta lại tung tin đồn: đó là Nguyễn Chí Thiện giả, do công an Cộng sản cho ra hải ngoại để phá hoại cộng đồng!
Bởi vậy, rất khó để người ta có thể tranh đấu một cách có hiệu quả sau khi đã rời bỏ quê hương. Có thể có. Nhưng hiếm. Cực hiếm.
Thay cho lời kết luận, có một điều tôi xin được nhấn mạnh: Nhân dịp Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ, tôi muốn phân tích một số thuận lợi và khó khăn của những người đối kháng ở hai môi trường khác nhau. Tôi không hề có ý chê trách Cù Huy Hà Vũ. Mà cũng không có ai có quyền chê trách ông được. Không có lý do gì để chê trách ông cả. Hơn nữa, thành thực mà nói, tôi cũng chưa bao giờ đặt bất cứ một kỳ vọng gì ở ông. Dù tôi rất kính phục sự can đảm của ông.
Trong chuyện tranh đấu, can đảm không chưa đủ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment