Vũ Quí
Hạo Nhiên
Viết cho BBC từ Little Saigon, California
Cập nhật: 11:46 GMT - thứ hai, 28 tháng 4,
2014
Từ phía sau Villa Aurora nhìn xuống triền đồi, qua khỏi đó là trời xanh
biển xanh gần như cùng màu
Chỗ
ở mới của Đoan Trang, một nhà báo và blogger có khả năng viết khỏe, viết sâu
sắc, bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh, tự dưng đùng một cái trở thành đề tài
bàn tán trên mạng.
Dường như có hai lý do cho sự xôn xao này. Một là vì
nơi ở của cô trên vùng Pacific Palisades ở miền Nam California quá khang trang.
Vùng Palisades là một khu sang trọng của Los
Angeles, nơi nhiều tài tử Hollywood sinh sống, như Nicole Kidman, vợ chồng Ben
Affleck/Jennifer Garner, vợ chồng Tom Hanks/Rita Wilson. Hai vợ chồng Arnold
Schwarzenegger và Maria Shriver cũng có thời ở đây.
'Sang
trọng'
Villa Aurora, chỗ ở của Đoan Trang là một tòa nhà to
như lâu đài, nằm trên triền đồi sát biển nhìn ra Thái Bình Dương.
Tầng trên cùng của tòa nhà nằm trên đỉnh đồi, cửa
vào phía trên đấy. Phòng khách rộng mênh mông, khắp nơi kê tủ sách. Có cây
piano, từ bên Đức mang qua, làm từ thời mà các phím trắng còn làm bằng ngà voi
thật.
Phía sau vườn, nhìn xuống chân đồi là cây xanh bao
bọc những biệt thự làng giếng, rồi xa hơn nữa là biển Nam Cali, mỗi buổi chiều
mặt trời lặn đẹp không thể tưởng.
Người Việt Nam mình vốn nghèo, sống khổ quen rồi, tự
nhiên thấy một người mới hôm trước vật chất còn chật vật bỗng hôm sau sống
trong một ngôi biệt thự như vậy -- dù chỉ là khách mời dài hạn, cũng đủ làm
người ta bàn tán.
Và bên trong những lời bàn tán ấy tất nhiên là có sự
dèm pha. Rằng đấu tranh để được hưởng. Rằng ham tiền đô la. Những lời quen
thuộc.
Nhưng một lý do khác khiến nhiều người tò mò, là làm
sao Đoan Trang lại đến đó.
Cô đến đây trong một chương trình “fellowship” - một
dạng nghiên cứu - của quỹ học bổng Villa Aurora, liên kết với đại học
University of Southern California (USC).
Những lời đàm tiếu cũng dựa vào đấy để gọi đây là
“tiền đế quốc” hay một thứ âm mưu đen tối của bàn tay lông lá nào đấy.
Đoan
Trang và học bổng Feuchtwanger
Nhưng sự thật thì những chương trình fellowship này
là một hoạt động rất phổ thông và gần như đặc trưng của nền văn hóa phương Tây.
Người phương Tây hiểu rằng một nhà trí thức cần có
thời gian, không gian, và sự giao lưu với những trí thức khác để có sáng kiến
và nguồn cảm hứng cho công việc của mình.
Do đó, những người trí thức, khi qua đời, thường để
lại tài sản và kêu gọi bằng hữu đóng góp vào một quỹ để hỗ trợ cho những
fellowship như này.
Villa Aurora là một trường hợp tiêu biểu.
Tòa nhà này trước đây là của văn sĩ Lion
Feuchtwanger, một nhà văn thiên tả người Đức đạo Do Thái nổi tiếng từ đầu thế
kỷ 20. Ông chống Đức Quốc Xã từ khi đảng này chưa lên nắm quyền.
Biệt thự Villa Aurora, nơi Đoan Trang đang sống, là nơi ở cũ của nhà
văn Fechtwanger
Khi Hitler lên nắm quyền, sách của ông bị liệt kê
vào số sách phải đốt khắp nước. Bị Đức bắt giam ở Pháp, ông trốn khỏi châu Âu,
đến Mỹ năm 1941, và sống tại đây cho tới khi qua đời năm 1958.
Tuy nhiên, ông là người thiên tả, hay nói thẳng ra
là thân cộng.
Năm 1937 ông đi Liên Xô, ca ngợi đời sống ở Liên Xô
dưới thời Stalin và tán đồng những phiên tòa do Stalin dàn dựng thanh trừng
giới cách mạng Bolshevik lão thành.
Năm 1953, chính quyền Cộng hòa Dân chủ Đức trao giải
thường quốc gia hạng nhất cho ông. Sau này, Đông Đức còn in tem có hình chân
dung ông.
Đông Đức từng in tem có chân dung Lion Feuchtwanger
Lai lịch tòa nhà là như vậy, và trong số người sống
tại đây, Đoan Trang được nhận học bổng mang chính tên nhà văn thân cộng này, Feuchtwanger
Fellowship.
Học bổng Feuchtwanger dành cho nhà văn và nhà báo
viết về nhân quyền.
Fellowship
trong đời sống phương Tây
Vậy fellowship là gì? Nói chung, là một sự tài trợ
cho người có chuyên môn để làm nghiên cứu hay sáng tạo hay nói chung là để họ
rảnh tay lo việc chuyên môn của họ.
Có những chương trình fellowship ngắn hạn, dài hạn,
và cách sinh hoạt khác nhau. Có những chương trình chú trọng sự yên tĩnh, và
cũng có những chương trình chú trọng sinh hoạt dồn dập tập trung. Hoặc cả hai.
Nhà văn Monique Trương, tác giả hai quyển tiểu
thuyết The Book of Salt và Bitter in the Mouth, cũng đã từng nhận nhiều
fellowship như vậy để cô có thể tĩnh tâm viết sách. Một trong những fellowship
này đưa cô tới Bắc Âu.
Năm 2012, Monique Trương là nhà văn đầu tiên được
nhận fellowship tại Helsinki Collegium for Advanced Studies ở Phần Lan.
Nhờ ba tháng đó, cô có thời gian nghiên cứu thêm cho
cuốn tiểu thuyết thứ ba của cô, mặc dù cuốn sách có cốt truyện ở Hy Lạp, Mỹ và
Nhật chứ không phải ở Phần Lan. Cô giải thích về lợi ích của chương trình
fellowship:
“Fellowship là món quà về thời gian, không gian, và cả tiền nữa, nhưng
điều tôi thấy quý nhất là cơ hội được đi và khám phá môi trường mới.”
“Khi tôi đến Helsinki vào đầu tháng tư, biển Baltic đang đóng băng,” cô hồi tưởng lại. “Tôi chưa bao
giờ thấy biển bị đóng băng bao giờ. Tôi không giải thích được tại sao điều đó
lại có ấn tượng mạnh như vậy với tôi, nhưng nó đã như vậy. Đầu óc tôi bỗng
thoáng hẳn ra.”
Phòng khách Villa Aurora có nhiều sách, tranh ảnh và cây đàn
piano làm từ thời phím trắng còn làm bằng ngà voi thật
Mang một người từ nơi họ quen thuộc, để trải nghiệm
những điều họ chưa từng thấy, đó cũng là một lý do nhiều chương trình
fellowship chú trọng tới việc tiếp người ngoại quốc thay vì người nội địa.
Có những chương trình fellowship khác còn đi kèm lớp
học. Chương trình World Fellowship tại đại học Yale chẳng hạn, tuyển người
fellow đã có một phần sự nghiệp, đưa họ đến Yale và học các chương trình chính
sách công toàn cầu trong 15 tuần, tương đương một học kỳ.
Trong số những người từng là World Fellow tại Yale
có những kẻ "phản động" như nhà báo Ma Jun của Trung Quốc, được tạp
chí Time xem là 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, qua những nghiên cứu
chống ô nhiễm nước uống ở quốc gia này; hay nhà báo Aboubakr Jamaï người
Morocco, một người chống đối mạnh mẽ nhà vua Mohammed VI, đồng minh của Mỹ,
từng bị chính quyền Morocco xử phạt hàng triệu đô la đến nỗi bị phá sản.
Tại sao một trường đại học ở Mỹ lại có thể dung túng
và tài trợ cho một kẻ có thể xem là phá đám một đồng minh như vậy? Thực ra, câu
hỏi này không xa gì câu hỏi, tại sao nước Mỹ lại có thể dung túng một nhà văn
thân cộng và giao du mật thiết với Liên Xô như Lion Feuchtwanger ngay trong
thời gian căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh?
Cả hai đều có cùng câu trả lời, đó là sự tự do học
thuật, tự do tư tưởng ở Mỹ, và môi trường học càng cao thì tự do học thuật, tự
do tư tưởng càng được xem là quan trọng.
Mời
Đoan Trang đến sống và làm việc tùy ý chính là một cách thể hiện sự tự do học
thuật, tự do tư tưởng của quỹ Villa Aurora cũng như của đại học USC.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn
của tác giả, cựu Tổng thư ký tòa soạn Báo Người Việt, California, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment