Những kẻ côn đồ cúi mặt khi bị bắt dàn cảnh vụ gây
rối. Trong hình tôi bất hợp tác về việc gây rối trong tư thế ngồi thiền
Sau khi lực lượng tổng hợp gồm an ninh, cảnh sát,
dân phòng và côn đồ đàn áp, đánh đập và bắt về đồn công an phường Lộc Thọ vào
lúc 8h45 ngày 19/4/2014, liên tiếp theo đó là thái độ khiêu khích và hăm dọa
của lực lượng an ninh ngay trong đồn nhằm áp chế tinh thần của chúng tôi. Nhưng
trước thái độ bình thản và không sợ hãi của chúng tôi, sự mất bình tĩnh lại bao
trùm lên các lực lượng an ninh có mặt lúc đó.
Đến khoảng 12 giờ trưa, sau khi từ chối về trụ sở
công an TP, tôi được đưa lên tầng hai của đồn Lộc Thọ, làm việc với tôi gồm an
ninh tên Phú, Phước, Lâm và một bạn ghi chép mà tôi không nhớ tên. Phú đề nghị
sẽ quay phim buổi làm việc này nhưng tôi đưa ra hai phương án: Một, nếu muốn
quay phim thì phải cho người thân tôi vào chứng kiến và ghi âm lại để tránh
tình trạng cắt xén, gán ghép sau này, hai, nếu các anh vẫn quay thì tôi sẽ im
lặng để cho các anh độc thoại. Cả hai phương án đều không được chọn và chúng
tôi bắt đầu làm việc mà không có máy quay.
Anh Phước, người lớn tuổi nhất trong tổ làm việc với
tôi, anh đề nghị ăn cơm trưa xong rồi bắt đầu làm việc nhưng tôi từ chối và yêu
cầu làm việc cho xong rồi ăn, thế là cả nhóm phải nhịn đói để làm việc với tôi.
Ban đầu, các anh cố tỏ ra cởi mở nhưng không che hết được vẻ mặt căng thẳng khi
nhìn dòng chữ trên áo tôi đang mặc "Stop Police Killing
Civilians". Tôi cố trấn an các anh bằng cách đùa lấy hai tay che dòng
chữ trên áo lại và giải thích ý nghĩa thông điệp mà chúng tôi muốn nhắm đến.
Bầu khí làm việc diễn ra nhẹ nhàng sau đó, duy chỉ có những câu hỏi mang tính
chất dẫn dắt, mớm cung của anh Phước khiến tôi phản ứng bất hợp tác. Tôi nói
trước là tôi chỉ trả lời những gì tôi muốn nói và ngoài ra tôi sẽ không ký bất
cứ giấy tờ nào.
Đến khoảng 1h30 thì anh Phước có biểu hiện mệt mỏi,
da mặt tái nhợt và thường đưa ra nhiều câu hỏi lan man, sau đó mới biết là anh
bị tụt huyết áp do đói bụng, anh bàn giao lại công việc rồi chào mọi người ra
về. Tôi nói các anh còn lại nên đi ăn cơm đi, tôi có thể ngồi thiền không ăn
được, còn các anh không quen sẽ đói bụng, dễ dẫn đến trạng thái căng thẳng
trong khi nói chuyện rồi mất bình tĩnh trong tranh luận lại lao vào đánh tôi
thì khổ (cười).
Sự ra về của anh Phước giúp cho bầu khí làm việc
thoải mái hơn, vì những an ninh còn lại đều trẻ tuổi, chừng trên dưới 8x. Chính
vì vậy mà buổi làm việc diễn ra như một cuộc đối thoại, chúng tôi nêu ra những
quan điểm khác biệt và tranh luận trên tinh thần tôn trọng nhau.
Đến khoảng 6h chiều, sau khi hoàn tất việc ghi chép
lại nội dung biên bản làm việc, các anh yêu cầu tôi ký tên nhưng tôi từ chối và
nhắc lại nguyên tắc đã nêu ra ngay từ đầu, các anh đành phải kêu người làm
chứng ký thay.
Khoảng 20 phút sau, một người đàn ông trung niên, da
ngâm đen đi vào nhìn tôi với ánh mắt tỏ vẻ uy lực, anh này được giới thiệu tên
là Trung, hình như cấp phó phòng an ninh điều tra. Anh diễn giải, lý luận các
kiểu chỉ để tỏ vẻ anh ta là con người biết suy nghĩ, và khuyên tôi cũng nên
biết suy nghĩ như anh ta mà ký vào biên bản. Tôi chỉ ngồi cười, khen anh ta nói
hay nhưng tôi khẳng định lại là tôi không ký. Thế là anh ta chuyển sang nói
chuyện nghĩa khí giang hồ, nói không phải hăm dọa nhưng khuyên tôi nên biết
điều mà ký vào. Tôi cũng vui vẻ khẳng định lại là tôi không ký.
Đến khoảng 7h thì một người đàn ông có vẻ ngoài cao
to, mang áo sơ mi dài tay đóng thùng xuất hiện, anh trạc tuổi 50, được giới
thiệu tên là Quang, thượng tá Trương Vinh Quang, trưởng phòng an ninh điều tra,
ấn tượng ban đầu khá tốt. Nhưng với vẻ ngoài lịch lãm đầy tri thức chỉ để tỏ vẻ
quyền uy đó không che giấu được sự ấu trĩ, ngu muội bên trong khi ông cất giọng
tuyên giáo, đại ý là "Đảng cộng sản đã chiến thắng hai cuộc kháng chiến
chống Mỹ, chống Pháp, để xây dựng chế độ hôm nay mà tụi mày nghĩ những trò cafe
Nhân Quyền này có thể chống phá hay sao?" (Tôi định nói nhưng lòng
không thèm chấp nên cười mỉm và im lặng).
Ông Quang nói tiếp "Tụi mày đòi Nhân Quyền
cái gì, mày thấy như Mỹ không, Nhân Quyền đó, người dân mà vào nhà Trắng xem nó
bắn chết ngay tại chỗ không. Còn ở Việt Nam, người dân ra vào các trụ sở ủy ban
thoải mái chứ có bị gì đâu?" Nghe đến đây tự nhiên tôi cười nhăn cả
mặt và có vẻ ông Quang cảm thấy hơi lố khi độc thoại nên ông ngưng và sau đó đi
ra ngoài.
Trong khoảng hai giờ đồng hồ sau đó không có ai làm
việc với tôi nữa, và đến khoảng hơn 9h thì cán bộ công an phường Lộc Thọ đọc
quyết định phạt cảnh cáo và tịch thu 19 cái áo in dòng chữ "Stop Police
Killing Civilians". Tôi ký biên bản thu giữ và chào cả phường ra về.
Những điều ông Quang nói khiến tôi suy nghĩ nhiều,
không phải nghĩ về lý luận của ông mà nghĩ về tư tưởng của ông Quang, Trung, và
Phước, những con người lớn tuổi và có chức trong hàng ngũ an ninh đều nói cùng
một giọng điệu, cùng một thứ lý lẽ và cùng một thái độ thù địch. Tất cả đều
được lập trình như một cái máy mà đảng cộng sản gọi là "quán triệt tư
tưởng", nên có thể hiểu tại sao những người mà tuổi tác và tuổi ngành càng
cao lại có những tư tưởng là lập luận một cách u mê như vậy. Điều này khác
nhiều so với lực lượng an ninh trẻ sau này, như những người tôi làm việc hôm
nay, họ sẵn sàng lắng nghe những sự khác biệt, nhưng tiếc là với khả năng đó họ
sẽ khó mà thăng tiến trong cơ chế này, một hệ thống bóp nghẹt tất cả sự khác
biệt nhằm biến con người thành công cụ cực đoan để bảo vệ quyền lực của các
nhóm lợi ích.
Sài Gòn 23/4/2014
Bài
đã đăng: Câu
chuyện về an ninh - Giàn cảnh đòi nợ
Nguồn
: Facebook
Paulo Thành Nguyễn
----------------------------------
Nguồn : Facebook
- Paulo Thành Nguyễn
No comments:
Post a Comment