Monday 28 April 2014

CÂU CHUYỆN 1,5 TỶ ĐÔ LA ĐỂ VIẾT LẠI SÁCH GIÁO KHOA (Trần Vinh Dự)




24.04.2014

Những ngày gần đây một trong những câu chuyện thời sự “nóng” nhất ở Việt Nam là chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án đổi mới sách giáo khoa với chi phí lên tới 34.275 tỷ Đồng (tương đương hơn 1,5 tỷ USD).

Trước đây hồi năm 2011 MOET cũng đã từng công bố một bản dự thảo đề án 30 trang có tên là "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015" cùng "khái toán" lên tới 70 nghìn tỉ đồng để các chuyên gia góp ý. Vụ này sau đó bị công luận phản ứng dữ dội. Vietnamnet phê phán rằng “đề án này không dựa trên một cái gốc khoa học. Nó xuất hiện như thể từ trên trời rơi xuống vậy! Người ta không thấy một quá trình tiệm tiến được bàn giao giữa các đề án đổi mới giáo dục ở các nhiệm kỳ bộ trưởng kế tiếp nhau” và cho rằng MOET làm giáo dục theo kiểu làm dự án (thực chất là đánh quả kiếm tiền).

Khi MOET trình đề án lần này, nhiều người đã lầm tưởng rằng con số 70 nghìn tỷ hồi năm 2011 đã giảm được xuống còn 34.275 nghìn tỷ, tức là chỉ còn khoảng gần một nửa. Thế nhưng hóa ra lại không phải. Trong cuộc họp báo ngày 15 tháng 4 vừa qua, báo Thanh Niên dẫn lời ông Đỗ Ngọc Thống, thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, cho biết số tiền 70.000 tỉ đồng của đề án năm 2011 là do gộp cả 2 đề án về chương trình sách giáo khoa (CT-SGK) và đề án cơ sở vật chất trường học. Nay tách ra thì riêng đề án về CT-SGK chiếm 34.275 tỉ và tất nhiên chưa kể việc đầu tư vào cơ sở vật chất. Điều đó có nghĩa MOET không phải tìm ra cách tiết kiệm hơn để thực hiện đề án, mà đơn giản là chỉ tách làm 2 phần và trình một phần trước nên số tiền đề xuất mới nhỏ đi.

Xin tiền nhưng không biết tiêu vào việc gì

Tình tiết kỳ lạ nhất trong chuỗi sự kiện này, theo báo Thanh Niên, là MOET không thể giải trình được cho công chúng là tiền sẽ chi vào đâu. Trong cuộc họp báo này ông Thống chỉ cho biết “thú thực là tôi không nhớ vì phần này tôi không phụ trách. Nhưng số kinh phí đó không chỉ chi cho chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) mà nó còn đào tạo, bồi dưỡng lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp. Đó là việc rất lớn và SGK chỉ là công việc đầu tiên. Nó không thể chiếm tới 35.000 tỉ đồng được,” và “Khái toán thì đúng là cũng phải có các phần. Tôi không nhớ để tôi có thể lần lượt kể ra từng việc là bao nhiêu tỉ nhưng nó gồm rất nhiều việc”.

Lý giải cho việc khó đưa ra các con số chính xác, ông Thống còn nói MOET “không giấu giếm gì chuyện này nhưng trong bối cảnh này mà nói một con số chính xác là cực kỳ khó khăn. Tôi xin nói, 2 năm nữa xã hội này thay đổi như thế nào chúng tôi còn khó hình dung, nữa là đề án này kết thúc vào 10 năm sau thì sự biến động sẽ rất lớn”.

Đổi mới có đổi được không?

Việt Nam đã nhiều lần làm lại sách giáo khoa và chưa lần nào thực sự tạo được bước ngoặt đáng kể, thậm chí còn tệ hại hơn. Thí dụ đợt cải cách gần nhất theo Chương trình năm 2000 (CT-2000) bị coi là thất bại. Chương trình này đã dẫn tới một vấn đề xã hội lớn là học sinh bị học quá tải. Nhà giáo Phạm Toàn viết trên báo Tia Sáng một cách mỉa mai rằng “vụt cái đến năm 2008 thì báo Tuổi trẻ lần đầu tiên đã phát biểu bằng một từ ngắn gọn “quá tải”. Rồi các quan chức giáo dục bắt đầu dùng từ giảm tải, có lúc còn dùng từ giảm tải sâu. Các tác giả mới đầu huy động tư duy cụ thể để nhờ người cân cặp sách của học sinh, và ngây thơ công bố chiếc cặp nặng vì các em mang theo nhiều thứ không phải là sách giáo khoa. Kịp đến khi được dư luận xã hội nhắc nhở rát quá, bà con liền được nghe lời thanh minh về nguyên nhân của quá tải là “tính hàn lâm”!”

Nhiều người cho rằng tư duy của những người làm giáo dục vẫn không có gì thay đổi, và cách làm đổi mới sách giáo khoa xem ra vẫn giống như trước. VietnamNet nói bóng gió rằng “ai không biết cách học bài học quá khứ, sẽ lặp lại quá khứ” còn ông Phạm Toàn thì hoài nghi “Có gì bảo đảm sách cải cách cuốn chiếu bắt đầu từ năm 2015 hoặc 2017 gì đó sẽ không rơi vào vết xe cũ của CT-2000?”


Đổi mới khó hay không?

Theo nhiều chuyên gia, việc này có vẻ không quá khó, và cũng không tốn kém gì nhiều. Một số người như ông Phạm Toàn cho rằng có thể bắt đầu từ các nhóm tự phát trong xã hội dân sự. Thực ra, Việt Nam đã có ít nhất 2 mô hình thí điểm từ trước.

Thứ nhất là hệ thống các trường quốc tế dạy hoàn toàn theo chương trình của nước ngoài như chương trình IB – tú tài quốc tế (học bằng tiếng Anh). Học sinh Việt Nam học trong các trường này phải học thêm một số môn bằng tiếng Việt như lịch sử Việt Nam. Đương nhiên vì học phí của các trường này rất cao nên không có khả năng nhân rộng. Nhiều người cũng nghi ngờ rằng các học sinh Việt Nam học các trường này dễ bị “mất gốc” hay “tây hóa” mặc dù không ai chỉ rõ được cụ thể các “gốc” cần giữ là gì, và “tây hóa” thì có phải là vấn nạn hay không.

Thứ hai là hệ thống các trường song ngữ dạy vừa chương trình của MOET vừa dạy chương trình của nước ngoài (thí dụ IGCSE – tú tài quốc tế của Anh). Học sinh các trường này vừa học bằng tiếng Việt các môn của MOET vừa học bằng tiếng Anh các môn của IGCSE. Học phí của các trường này cũng rất cao so với khả năng chi trả của người dân Việt Nam, vì thế cũng không có khả năng nhân rộng. Không có ai phàn nàn gì về chuyện mất gốc hay tây hóa của học sinh Việt Nam học tại các trường này.

Ẩn ý của hai mô hình thí điểm này là gì? Là việc học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể học các giáo trình đã được chuẩn hóa của nước ngoài. Điều đó có nghĩa Việt Nam có thể đơn giản chỉ cần Việt hóa các môn học của họ để giảng dạy ở trường phổ thông. Dĩ nhiên có hai vấn đề sẽ gặp phải: Thứ nhất là các môn khoa học xã hội (như lịch sử Việt Nam) sẽ cần phải tự soạn lấy. Thứ hai là câu chuyện phí bản quyền.

Đối với vấn đề thứ nhất, điều quan trọng là các môn khoa học tự nhiên không cần phải “nội địa hóa” và chúng chiếm phần lớn chương trình giảng dạy ở phổ thông. Vì thế nếu làm theo cách này có lẽ sẽ tiết kiệm được phần lớn thời gian và chi phí biên soạn lại từ đầu. Thêm nữa nếu Việt Nam tự làm cũng không thể hay hơn các giáo trình chuẩn mà quốc tế đã làm.

Đối với phí bản quyền, Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán để mua lại với giá thấp. Trên thực tế, nhiều nơi còn sẵn sàng cho không. Thí dụ chương trình CBSE-i là hệ thống giáo trình quốc tế của Ấn Độ biên soạn với chất lượng rất cao để cạnh tranh với IGCSE của Anh Quốc. Chương trình này được chính phủ Ấn Độ gần như cho sử dụng hoàn toàn miễn phí.

 * Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats