Trọng Nghĩa
- RFI
Thứ ba 15 Tháng Tư 2014
Tình
hình Ukraina càng lúc càng gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và
Matxcơva. Ngày 14/04/2014, Lầu Năm Góc tố cáo việc Không quân Nga cho chiến đấu
cơ đến « khiêu khích » một khu trục hạm Mỹ đang hoạt động tại vùng Biển Đen.
Cùng lúc, Tổng thống Barack Obama cũng đã có một cuộc điện đàm gay gắt với đồng
nhiệm Nga Vladimir Putin về diễn biến tình hình ở miền Đông Ukraina.
Sự cố trên Biển Đen đã được chính một phát ngôn viên
của Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo. Theo Đại tá Steven Warren, vào ngày 12/04/2014,
một chiến đấu cơ Su-24 của Nga đã rất nhiều lần bay theo khu trục hạm USS
Donald Cook của Mỹ đang di chuyển trong vùng biển quốc tế ở phía tây Biển Đen,
ở một độ cao rất thấp, gần sát chíếc tàu.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc còn cho biết chiếc Su-24
- NATO gọi là Fencer - đã bay qua tàu Mỹ tổng cộng 12 lần, với một số lần sát
mặt nước, trong khoảng 90 phút đồng hồ, « có vẻ như không mang theo vũ khí » vì
không thấy tên lửa gắn dưới cánh.
Theo Đại tá Warren, chiếc phi cơ Nga đã không phản
ứng trước các câu hỏi và lời cảnh báo của Khu trục hạm Donald Cook được trực
tiếp gởi đến viên phi công thông qua các kênh liên lạc khẩn cấp quốc tế. Ông tố
cáo : « Đây là một hành động khiêu khích và không chuyên nghiệp, đi ngược lại
với các quy trình quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết ».
USS
Donald Cook là khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa
Aegis, được Mỹ điều động từ căn cứ hải quân Rota ở Tây Ban Nha đến vùng Biển
Đen từ hôm 10/04/2014 với nhiệm vụ chính thức là tham gia tập trận cùng với các
đồng minh khu vực và ghé cảng hữu nghi.
Căng thẳng Mỹ-Nga không chỉ leo thang trên Biển Đen,
mà còn diễn ra trên thượng tầng nhà nước. Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng
nhiệm Nga Vladimir Putin, cũng vào hôm qua, đã tranh cãi gay gắt với nhau trên
hồ sơ Ukraina trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại mà Washington xác định
là được thực hiện theo yêu cầu của Matxcơva.
Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, ông Obama tố
cáo Nga là đã hậu thuẫn cho « các thành phần ly khai vũ trang thân Nga đang đe
dọa làm suy yếu và gây bất ổn cho chính phủ của Ukraina ». Đối với Tổng thống
Mỹ, « tất cả các lực lượng không chính quy tại Ukaraina đều phải buông súng ».
Ông Obama còn thúc giục đồng nhiệm Putin « dùng ảnh hưởng của mình trên các
nhóm võ trang thân Nga tại Ukraina để họ rời khỏi các cơ sỏ chính quyền mà họ
đang chiếm giữ ».
Đề nghị của Tổng thống Mỹ dĩ nhiên đã bị đồng nhiệm
Nga bác bỏ. Theo điện Kremli, ông Putin đã phản bác các cáo buộc từ phía Mỹ.
Đối với Matxcơva, những lời tố cáo Nga can thiệp vào miền Đông Ukaraina đều «
không có cơ sở ».
Diễn tiến tình hình hiện nay tại miền Đông Ukraina
đang gợi lại kịch bản mà Matxcơva vừa mới sử dụng hồi tháng 3/2014 để sáp nhập
vùng lãnh thổ Crimée của Ukariana vào Nga.
No comments:
Post a Comment