April 21, 2014 8:49 AM
Đã 39 năm kể từ ngày Sàigòn sụp đổ, và từ ngày mà
Sàigòn mất tên, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đã tìm mọi phương tiện để
bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Sau làn sóng di cư tháng 7
năm 1954 đúng sáu mươi năm trước với một triệu người miền Bắc từ bỏ làng quê và
thành thị để lên tầu há mồm của Hải Quân Hoa Kỳ lánh nạn Cộng Sản vào miền Nam;
ba cuộc di tản, vượt biên và tái định cư sau Tháng Tư Đen trong 39 năm qua là
những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử cận đại của dân Việt. Những làn sóng
di cư và di tản khổng lồ này đã nói lên tinh thần khao khát yêu chuộng Tự Do
của người dân Việt, và là tiếng nói phản kháng mạnh mẽ nhất chống lại sự đàn áp
của Cộng Sản bóp nghẹt các quyền căn bản của con người ở trong nước.
Ngay trước khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt cuối tháng Tư năm 1975, có hơn 130 ngàn người miền Nam đã được di chuyển ra khỏi nước bằng đường hàng không và đường biển. Họ là những người tỵ nạn đầu tiên, là những người di tản đầu tiên rời miền Nam ra ngoại quốc. Đợt vượt thoát bằng đường biển trên những ghe thuyền mong manh của hàng triệu thuyền nhân đã lay động lương tâm nhân loại là một chương bi hùng ca vĩ đại nhất trong các cuộc di dân của dân Việt để thoát ra khỏi bao tầng áp bức của Cộng Sản ở trong nước. Chương trình nhân đạo H.O của chính phủ Hoa Kỳ khởi đầu từ năm 1990 chuyên chở bằng đường hàng không hàng vạn gia đình các cựu tù nhân chính trị từ miền Nam qua Mỹ là đợt thứ ba của người tỵ nạn VN phải bỏ nước ra đi – Là một chương bi ai hào hùng không kém về những người tù đã sống sót từ hàng trăm nhà tù tập trung khổ sai của Cộng Sản tại VN.
Hiện nay với gần bốn triệu người đang định cư ở trên một trăm lẻ ba quốc gia tại năm lục địa trên thế giới, các cộng đồng người Việt đã từ từ hình thành và trở nên những trung tâm phát triển mạnh mẽ về cả văn hóa lẫn kinh tế và chính trị. Với tinh thần chịu khó cần cù nhẫn nại ham học hỏi của cha ông để lại, qua bao nhiêu năm tháng làm ăn và học hỏi miệt mài, những cộng đồng này tập trung nhiều nhất tại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Châu Âu (Pháp) và Úc Châu, đã thành công vượt bực trên nhiều lĩnh vực, là những trung tâm chống Cộng hữu hiệu và cũng là nơi bảo tồn, phát huy phong tục tập quán văn hóa tốt đẹp của tổ tiên dân Lạc Hồng ở hải ngoại.
Sự vững mạnh của các cộng đồng người Việt hải ngoại không phải là điều tự nhiên mà do tích lũy của bao nhiêu năm phấn đấu cam go đầy thử thách mà mỗi người Việt tỵ nạn và mỗi di dân đã phải đối phó từ những ngày đầu chập chững trên xứ lạ quê người để vượt lên trên các trở ngại về ngôn ngữ và tâm sinh lý mà đi thẳng đến thành công trên con đường ổn định cuộc sống và có được một đội ngũ khoa học kỹ thuật chiếm đến 18.5% có bằng đại học (trong dân số của cộng đồng tại Hoa Kỳ). Chưa kể hàng ngàn tấm gương sáng của những con người can đảm với ý chí sắt đá đã tạo dựng được cuộc sống xứng đáng nơi quê người sau khi gia đình họ phải gánh chịu bao tang thương đổ vỡ và mất mát do Cộng Sản gây nên.
Trong thời gian bị lưu đầy ngoài Bắc, chúng tôi ở cùng trại với một anh bạn thân rất hiền lành là Thiếu Tá Dũng. Một hôm anh cho biết một tin rất cảm động và đầy nhân bản từ lá thư của người vợ gửi về từ Úc Châu. Sau năm năm bặt tin chồng, chị nghĩ rằng một là chồng mình đã chết trong ngục tù Cộng Sản, hai là ngày về sẽ là thời gian vô hạn định, và trong niềm tuyệt vọng chị đã quyết định cùng các con còn rất nhỏ đi vượt biên. May mắn chị và các cháu đã đến được bến bờ tự do và được nước Úc giang tay đón nhận. Phước bất trùng lai vì sau ngày định cư vào Úc chị bị một cơn bạo bệnh và tính mệnh như mành chỉ treo chuông. Các con nhỏ của chị đều tập trung bên giường để chờ giây phút mẹ chúng sẽ ra đi. Khi chị mở mắt nhìn các con lần cuối thì hình ảnh của người chồng không rõ sống chết ra sao trong ngục tù, và hình ảnh các con còn quá nhỏ đang đứng bên giường bệnh làm chị xúc động và chị quyết tâm phải giành lại sự sống để nuôi con và chờ ngày người chồng có thể về đoàn tụ. Tình yêu của chị dành cho chồng và cho con mạnh đến độ chị nghĩ rằng mình không thể chết để các con bơ vơ nơi đất khách quê người được. Và như một phép lạ, chị đã từ từ hồi phục trước con mắt kinh ngạc của BS người Úc. Chị đã chiến thắng Thần Chết hay ông Trời đã nhủ lòng thương cứu chị vì tấm lòng nhân hậu của người vợ tù? Nhưng cũng mất gần mười năm sau anh mới đoàn tụ thực sự với chị và các cháu qua chương trình nhân đạo H.O của chính phủ Mỹ.
Theo Wikipedia, với gần 1.8 triệu người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ ]vào thời điểm năm 2010, số người Việt ở Mỹ chiếm khoảng một nửa số người Việt trên toàn thế giới. Họ thường tập trung ở miền Tây, chủ yếu là ở các khu vực đô thị. Riêng tiểu bang California chiếm phân nửa, tập trung đông đảo nhất tại Quận Cam, sau đó là San Jose, California và Houston, TX – Là những nơi tập trung nhiều nhân tài và kinh tế phát triển của người Việt. Chúng ta có những thị trưởng người Mỹ gốc Việt như Tạ Đức Trí, Michael Võ, Giám Sát Viên Janet Nguyễn, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, cố ca nhạc sỹ Việt Dzũng, có những tổ chức văn hóa, những tổ chức đồng hương, các tổ chức chống Cộng, các hội đoàn, các Hội quân binh chủng, Tập Thể cựu Chiến Sỹ VNCH, có Đền Hùng, v.v.. Nhìn qua Úc Châu, nhiều người Úc gốc Việt là những tấm gương thành công trong đời sống. Nhiều người nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyển Úc như ông Lê Văn Hiếu là Phó Toàn Quyền tiểu bang Nam Úc, bà Lâm Lệ Hoa là thị trưởng thành phố Auburn, New South Wales và là phụ nữ Úc cũng như người Châu Á đầu tiên giữ chức vụ thị trưởng tại Úc, Nguyễn Minh Sang từng là thị trưởng trẻ nhất quận hạt Richmond và hiện là nghị sĩ tiểu bang Victoria. Về khoa học, nữ Tiến sĩ Vũ Thị Ngọc Trang là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Viện Khoa Học Kỹ Thuật Hoàng Gia, kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội Thực Nghiệm Úc, giáo sư – tiến sĩ sử học Trần Mỹ Vân tại Đại Học Nam Úc (University of South Australia) (Wikipedia 2010).
Sự thành công và sự trưởng thành vững mạnh của các cộng đồng người Việt trên thế giới là một cái gai trong mắt của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), nhưng tiềm năng to lớn về nhân, vật, tài lực của các cộng đồng này lại là một miếng mồi ngon mà CSVN rất thèm muốn. Bởi vậy, sau những năm đầu khi xâm chiếm được miền Nam thi hành chính sách đóng cửa, CSVN đã nhìn thấy cái xuẩn ngốc của họ và sau đó họ đã mở tung cửa trải thảm đón “kiều bào” về “thăm quê hương” để lột hết ngoại tệ của “việt kiều” qua đầu tư, làm từ thiện hay ăn chơi. Cũng vì thế mà Nghị Quyết 36 ra đời để một mặt len lỏi vào mọi sinh hoạt của các cộng đồng ở hải ngoại kể cả các hội ái hữu cựu HS nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ, phá hoại tiềm năng ở hải ngoại. Mặt khác chiêu dụ các “con bò sữa” về để vắt kiệt sữa các con bò này và trao đổi bằng ít cỏ khô, vô hình chung làm giầu thêm cho các trọc phú Cộng Sản trong nước. Tuy nhiên, NQ 36 này chỉ đạt được ý đồ của nó trong một giới hạn nào mà thôi vì đa số người Việt cũng có kinh nghiệm với các thủ đoạn lừa đảo của CSVN, và nhiều âm mưu của NQ 36 đã bị cộng đồng người Việt hải ngoại bẻ gẫy. Dù bị đánh phá ngầm, các cộng đồng người Việt trên thế giới vẫn trưởng thành theo đà phát triển của các nước sở tại; và trên hết họ vẫn không bao giờ quên quê hương mình đang bị cai trị bởi một đảng Cộng Sản độc tài và hung bạo nhất trên thế giới.
Phạm
Gia Đại
No comments:
Post a Comment