Saturday, 5 April 2014

BẦU CỬ Ô KHẢM : MÈO LẠI HOÀN MÈO ! (Thụy My - RFI)




Thụy My -  RFI
Thứ bảy 05 Tháng Tư 2014

Hai năm sau khi được tự do bầu lên người đứng đầu ủy ban địa phương, một chiến công sau vụ nổi dậy đã trở thành biểu tượng đầy ý nghĩa, dân làng Ô Khảm vừa lại đi bầu. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, quyền hành thực sự vẫn nằm trong tay đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nhà quan sát từ hai năm trước đã dự đoán là cuộc bầu cử địa phương độc nhất vô nhị tại ngôi làng ở vùng duyên hải tỉnh Quảng Đông, vẫn sẽ là ngoại lệ duy nhất về dân chủ. Bất bình trước các vụ tịch thu đất đai diễn ra từ nhiều năm qua, 13.000 người dân của làng Ô Khảm đã nổi dậy vào tháng 12/2011, đánh đuổi các cán bộ đảng Cộng sản mà họ tố cáo là đã làm giàu trên nỗi khổ của họ.

Cho dù bị kiểm duyệt, vụ nổi dậy đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước, và làng chài này trở thành biểu tượng cho khát vọng dân chủ ở Trung Quốc. Điều bất ngờ là chính quyền tỉnh Quảng Đông cuối cùng đã chấp nhận cho tổ chức một cuộc bầu cử tự do.

Nhưng vào thời điểm bầu lại người đại diện vào thứ Hai 31/03/2014, việc bắt giữ các lãnh tụ cuộc nổi dậy năm 2011 cùng với việc đòi lại đất không mấy thành công, cộng thêm những trận mưa như trút nước, rốt cuộc kết quả bầu cử lần này là một trong những cán bộ cũ, ông Lâm Tổ Loan (Lin Zualan) được bầu làm chủ tịch trở lại.

« Cuộc bầu cử lần này ít minh bạch hơn, nhất là trong việc kiểm phiếu » - giáo sư Hùng Vĩ (Xiong Wei) khi được hỏi về việc thành lập các phòng phiếu ở Ô Khảm đã khẳng định như trên. Ông phân tích : « Chính quyền địa phương muốn kiểm soát cuộc bầu cử và đảm bảo rằng Lâm Tổ Loan sẽ tái đắc cử. Nếu Dương Sắc Mậu (Yang Semao) không bị bắt bất ngờ, thì ông ấy đã được dân bầu làm chủ tịch rồi ».

Được ủng hộ nhiều hơn Lâm Tổ Loan, nhưng Dương Sắc Mậu đã rút lui không tham gia vòng hai trong tuần này, tuy đã nhận được nhiều ngàn lá phiếu trong vòng đầu. Ông bị bắt giữ vài tuần cùng với một lãnh tụ nổi dậy khác trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Trong căn nhà nhỏ với bức tường lát gạch ca-rô trắng, ông thổ lộ với AFP là chính quyền địa phương « không có khả năng chấp nhận một nền dân chủ hoàn toàn, vì họ sợ những người khó bảo sẽ được bầu lên ».

Tuy vậy đối với đa số người dân, được đi bầu đã là một tiến bộ sau mấy chục năm thống trị của các cán bộ đảng địa phương – những cán bộ này rốt cuộc đã bị lãnh án vì tham nhũng, sau cuộc nổi dậy năm 2011. « Chính quyền địa phương buộc phải chấp nhận một ít tiến bộ dân chủ » - ông Dương Sắc Mậu nhìn nhận.

Vừa mới được bầu lên, ông Lâm Tổ Loan đã chủ trương hòa giải. Ông nói, không có sự hỗ trợ của chính quyền « tôi thấy có những làng mà toàn bộ dân làng khó khăn lắm mới kiếm được miếng ăn ».
Cách phòng phiếu chừng vài phút đi bộ, trên một khu đất mà theo Lâm Tổ Loan là được bán một cách bất hợp pháp, một khách sạn mới tinh tách biệt khỏi một dãy nhà theo kiểu tân cổ điển. Tại một trong những tòa nhà này, có một cửa hàng bán rượu vang nhập khẩu từ Pháp. Rượu ở đây có giá trên 1.000 nhân dân tệ (120 euro) một chai.

Dưới mắt người dân Ô Khảm, các cơ ngơi sang trọng này chứng tỏ những người từ bên ngoài đến luôn hưởng lợi từ những mảnh đất tước đoạt của nông dân. 

Một cô nhân viên bán hàng, vừa lau bụi bám trên những chiếc ly uống rượu vang xếp trên quầy bằng cẩm thạch, vừa giải thích : « Ông chủ của chúng tôi từ Lục Phong (Lufeng) đến. Ông đưa khách tới mua hàng ở đây, nếu không chẳng ai lại đến một cái làng hẻo lánh như thế này ».

Các cuộc bầu cử địa phương được cho phép từ vài chục năm qua tại Trung Quốc, nhưng các ứng cử viên phải được Đảng bộ cộng sản địa phương duyệt trước. Khoảng ba triệu viên chức địa phương đã được bầu như thế. 

« Điều này làm cho người dân có ấn tượng là có thêm được một ít quyền ». Kerry Brown, giám đốc trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc của trường đại học Sydney, tác giả một cuốn sách về việc bầu cử tại các làng xã, nhận xét như trên. Ông nói : « Trong những năm gần đây, việc bầu cử tại các làng bị kiểm soát nhiều hơn, vì chính quyền địa phương bắt đầu tính toán » - ông muốn nhắc đến các vụ mua bán đất béo bở.

Những dự án cho bầu cử ở cấp cao hơn làng xã đã bị dẹp bỏ cách đây hơn mười năm, dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Ông Brown giải thích : « Sự nhiệt thành với dự án này đã biến mất, nhường chỗ cho nỗi ám ảnh về ổn định chính trị ».

Sang thăm Đức sau khi đã đến Pháp, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố nước mình đã thử nghiệm chế độ đại nghị và đa đảng trong quá khứ, nhưng « chẳng có chế độ nào là ổn cả. Cuối cùng Trung Quốc đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa ».


No comments:

Post a Comment

View My Stats