Friday, 18 April 2014

BẢN CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ QUA VIỆC BẮT & THẢ NGƯỜI (Nguyễn Hưng Quốc)




17.04.2014

Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam quyết định trả tự do cho khá nhiều người bị xem là bất đồng chính kiến, trong đó, được dư luận chú ý nhất là việc thả ông Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung vào ngày 12/4; trước đó gần một tuần, thả và cho phép luật sư Cù Huy Hà Vũ cùng vợ được sang Mỹ với lý do “chữa bệnh”; trước đó nữa, ông Nguyễn Hữu Cầu cũng được thả sau 38 năm bị giam cầm; và trước đó nữa nữa, nhà giáo Đinh Đăng Định cũng được thả khi sức khỏe đã hoàn toàn cạn kiệt (mấy tháng sau đó, ông mất).

Theo nhà bình luận Phạm Chí Dũng, “đầu năm 2014 đã chứng kiến một đợt thả tù nhân chính trị lớn nhất và mang tính ‘Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước’ sắc nét nhất tính từ thời điểm năm 1975 đến giờ”.

Với một sự kiện đáng chú ý như thế, không có gì lạ khi số người tham gia tranh luận, đặc biệt trên các diễn đàn mạng, rất đông. Nhiều vấn đề, đặc biệt lý do khiến chính quyền Việt Nam trả tự do cho năm “tù nhân chính trị” trong một quãng thời gian ngắn ngủi như thế, đều có tính chất phỏng đoán. Không có ai có đủ thông tin từ trong Bộ Chính trị hoặc Trung ương đảng để có thể khẳng định được một cách chính xác. Bởi vậy, thay vì phỏng đoán tìm nguyên nhân, tôi chỉ ghi nhận một số phân tích từ các sự kiện ai cũng thấy.

Mô tả bản chất độc tài của một chế độ, người ta có thói quen tập trung vào các vụ án. Các phiên tòa trở thành tụ điểm của sự áp bức. Tuy nhiên, phần lớn người ta chỉ chú ý đến giai đoạn đầu: giai đoạn buộc tội và kết án. Thì cũng đúng. Tất cả các phiên tòa liên quan đến chính trị ở Việt Nam đều có hai đặc điểm nổi bật: Một là bắt bớ và buộc tội một cách vô cớ hoặc, nếu có cớ, những chứng cớ ấy không có chút chính đáng gì cả. Lý do để bắt: hoặc “hai cái condom đã qua sử dụng” hoặc trốn thuế. Lý do để buộc tội thường là “tuyên truyền chống phá nhà nước”, một cái tội vô duyên không thể tìm thấy ở bất cứ một quốc gia tự do nào trên thế giới, nơi người ta hợp thức hóa và hợp pháp hóa vai trò đối lập, một hình thức “chống phá chính phủ” bất bạo động. Hai là án lệnh dành cho những người bất đồng chính kiến bao giờ cũng nặng, nặng đến mức vô nhân đạo.

Với hai đặc điểm ấy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thế giới thường quan tâm đến các phiên tòa xét xử các nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tôi, khi quá chú ý vào các phiên tòa với những lời buộc tội và kết án oan ức, người ta mắc phải một sai lầm là ít chú ý đến những gì xảy ra sau các phiên tòa, trong đó, bao gồm cả việc trả tự do một cách bất bình thường.

Liên quan đến việc thả năm tù nhân chính trị vừa rồi, nhiều nhà bình luận cho nguyên nhân chính là chủ trương hòa hoãn của nhà cầm quyền Việt Nam trước yêu sách của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Nếu đúng, điều đó lại có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nói theo lời của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Quốc tế (CPJ) mới đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng các nhân vật đối lập như những “con tin để đổi lấy sự nhượng bộ của cộng đồng quốc tế về kinh tế hay quân sự”.

Thứ hai, bằng những sự “trao đổi” dã man như vậy, nhà cầm quyền cũng mặc nhiên thú nhận cái gọi là tòa án, hay rộng hơn, pháp luật ở Việt Nam, không có chút giá trị gì cả: Người ta muốn bắt lúc nào thì bắt, muốn thả lúc nào thì thả, tùy theo các ý đồ chính trị chứ không phải là căn cứ vào pháp luật.

Nếu những việc bắt giữ và kết tội một cách oan ức, thậm chí, vô lý, tố cáo sự tàn bạo của nhà cầm quyền, ngay cả việc trả tự do để đáp ứng một đòi hỏi của nước ngoài, tự nó, cũng là một việc làm tàn bạo: Nó không coi trọng những giá trị căn bản của con người. Nó chỉ xem con người như một phương tiện hay một món hàng.

Thật ra, đàng sau sự tàn bạo ấy là một sự yếu đuối đến hèn hạ. Trấn áp những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền bất bạo động, không có một vũ khí gì trong tay trừ ngôn ngữ là một sự sợ hãi bệnh hoạn. Khuất phục trước các yêu sách thả tù nhân chính trị trong nước để hy vọng nhận được một ân huệ gì đó từ nước ngoài cũng là một việc làm rất thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin ấy lại làm phô bày bản chất bất nhân và trơ tráo của chế độ: Nó trở thành hèn hạ.

Nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần chú ý không phải ở phạm trù đạo đức với những sự tàn bạo hay hèn hạ mà là ở phạm trù chính trị: Một chế độ sử dụng luật pháp để trấn áp dân chúng trong nước và để trao đổi với nước ngoài nhất định không phải là một chế độ dân chủ.

Một trong những đặc điểm lớn nhất trong chính trị thế giới từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây là luật pháp không còn là tiêu chí để phân biệt một chế độ dân chủ với một chế độ độc tài. Bởi, mọi chế độ đều có luật pháp và đều nhân danh luật pháp cho mọi chính sách và mọi hành động của mình. Nói cách khác, mọi chế độ độc tài thời hiện đại đều mang bộ mặt dân chủ: Họ cũng có hiến pháp và luật pháp. Họ cũng có bầu cử và tòa án. Họ có tất cả những gì các nước dân chủ có.

Sự khác biệt giữa một chế độ dân chủ và một chế độ độc tài không phải ở những cái có mà ở những cách thức thực thi những cái có ấy. Ví dụ, liên quan đến luật pháp. Một, ở các nước dân chủ, luật pháp là tối thượng. Không có ai ở trên và/hoặc ở ngoài luật pháp. Hai, ở các nước độc tài, ngược lại, luật pháp được sử dụng như một công cụ để hợp thức hóa các hành động độc quyền và trấn áp của họ: những người hoặc nguyên cả tầng lớp lãnh đạo đều ở trên và/hoặc nằm ngoài luật pháp. Trường hợp trên được gọi là pháp quyền (rule of law); trường hợp dưới gọi là pháp trị (rule by law).

Chính quyền Việt Nam, trên mọi thứ giấy tờ chính thức, đều tự nhận là một nhà nước pháp quyền. Thực chất, họ chỉ là pháp trị: Họ sử dụng luật pháp để cai trị: Luật pháp chỉ có tác dụng đối với tầng lớp bị trị. Còn với tầng lớp thống trị thì không: Ở đó, họ chỉ có các “điều lệ đảng”. Mà các điều lệ đảng thì do họ viết và họ có thể thay đổi từ điều lệ đến cách diễn dịch các điều lệ một cách dễ dàng.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment

View My Stats