Thứ Năm, 03/04/2014
GPAR
(Nhóm Hợp tác Thúc đẩy quản trị và Cải cách hành
chính công)
GENCOMNET (Mạng Giới và Phát triển cộng đồng)
CIFPEN (Mạng lưới An ninh lương thực và Giảm nghèo)
GENCOMNET (Mạng Giới và Phát triển cộng đồng)
CIFPEN (Mạng lưới An ninh lương thực và Giảm nghèo)
Hà Nội ngày 02/4/2014
V/v:
Đề nghị chấp thuận các khuyến nghị về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam
từ Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền, tháng
2/2014.
Kính thưa Chủ tọa, thưa Quý vị Đại biểu,
Đầu tiên, thay mặt ba mạng lưới của các tổ chức xã
hội dân sự trong nước tham gia và quan tâm đền tiến trình UPR, chúng tôi xin
chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc đã
mời chúng tôi tham gia hội thảo hôm nay.
Chúng tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những
thành công ở Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền tại Hội đồng Nhân
quyền Liên Hợp Quốc trong tháng Hai vừa qua. Số lượng kỷ lục các quốc gia tham
gia đối thoại với Việt Nam về nhân quyền cùng những khuyến khích, chia sẻ và
khuyến nghị là một bằng chứng rõ ràng về sự chú ý của cộng đồng quốc tế với
những nỗ lực và vị thế của Việt Nam. Mặc dù không trực tiếp tham dự phiên kiểm
điểm ở Geneva, chúng tôi, cùng nhiều người dân Việt Nam có quan tâm, đã theo
dõi sát tiến trình UPR. Chúng tôi cũng tìm hiểu và phân tích 227 khuyến nghị
Việt Nam đã nhận được theo báo cáo do Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân
quyền công bố.
Trong những năm qua, các tổ chức xã hội dân sự trong
nước đã tích cực đóng góp vào quá trình đổi mới và phát triển của đất nước. Các
tổ chức xã hội dân sự thường làm việc ở cấp cơ sở với các nhóm được coi là yếu
thế. Chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, luôn có những
thách thức để thực hiện đầy đủ tất cả các quyền con người, dù ở hoàn cảnh một
đất nước đang phát triển như Việt Nam hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhận
thức được sự tất yếu đó và luôn luôn nỗ lực hơn để cải thiện tình hình là một
tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mong muốn chung của tất cả chúng ta ở đây
và những người không có cơ hội tham gia hội thảo này về một tổ quốc Việt Nam
độc lập, tự do và hạnh phúc, nơi mọi người sinh ra bình đẳng và sống bình đẳng
trong sự tôn trọng tất cả các quyền và phẩm giá của tất cả mọi người mà không
có bất kỳ phân biệt đối xử nào.
Với 227 khuyến nghị UPR cần được phúc đáp tại Hội
đồng Nhân quyền vào tháng 6 tới, chúng tôi có những đề nghị sau đây:
Thứ
nhất, các khuyến nghị rất rộng và đề cập đến nhiều lĩnh
vực khác nhau, đòi hỏi nhiều biện pháp và nguồn lực để thực thi trong thực tế.
Chúng tôi sẵn sàng đóng góp năng lực chuyên môn và công sức để cùng Nhà nước
thực thi các khuyến nghị này, trên cơ sở nhận thức rằng việc thực hiện hiệu quả
các khuyến nghị không chỉ là để đảm bảo uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
mà quan trọng hơn là để đảm bảo một cách thực chất các quyền con người của mỗi
cá nhân trong xã hội chúng ta.
Thứ
hai, chúng tôi đề nghị cần có một tiến trình tham vấn
sâu rộng và công khai đối với các khuyến nghị UPR. Các cuộc tham vấn có thể
được tiến hành theo cụm chủ đề, với các ngành dọc. Một khuyến nghị được chấp
thuận hay không cần dựa trên đánh giá tính khả thi của khuyến nghị cũng như các
chuẩn mực quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ. Từ
việc chấp thuận một khuyến nghị, cần có chương trình hành động cũng như các chỉ
số để có thể đo đếm kết quả. Quá trình thảo luận và thực hiện khuyến nghị đó
cần có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội dân sự và giới báo chí. Nếu
làm được như vậy, chắc chắn tiến trình UPR ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả
thực chất và được hoan nghênh như một điển hình tốt trên toàn cầu.
Thứ
ba, chúng tôi đặc biệt quan tâm và đề nghị chấp thuận
đối với một số khuyến nghị cụ thể sau đây:
a) Các khuyến nghị liên quan đến việc áp dụng những
biện pháp cụ thể để bảo vệ và thúc đẩy quyền của người yếu thế như nông dân,
trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người đồng tính, song tính,
chuyển giới (LGBT), xóa bỏ những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội.
(Một số khuyến nghị như số 33-Bolivia, 47 và 49-Madagascar, 48-Myanmar,
54-Triều Tiên, 55-Kazakhstan, 56-Nga, 57-Venezuela, 84-Slovenia, 85-Trung Quốc,
86-Serbia, 87-Hà Lan). Đặc biệt là khuyến nghị số 88 của Chile về xây dựng một
Luật chống phân biệt đối xử. Luật chống phân biệt đối xử là một công cụ pháp lý
đã chứng tỏ là rất hiệu quả và là một công cụ căn bản trong khuôn khổ pháp lý
của nhiều nước để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội.
b) Chúng tôi đặc biệt coi trọng và ủng hộ các khuyến
nghị về nâng cao hiểu biết về quyền con người của người dân nói chung, và quan
trọng hơn là với các cán bộ thực thi công vụ. Các khuyến nghị số 52-54 của
Triều Tiên, 58-Mali, 59-Ai Cập, 60-Uzbekistan, 61- Venezuela, 62-Belarus,
63-Djibouti, 64-Myanmar, 65-Morocco, 81-Cambodia, 82-Ethiopia,
83-Liechtenstein, nếu được chấp thuận và thực thi hiệu quả sẽ góp phần quan
trọng vào việc xây dựng một Nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật và lấy con
người làm trung tâm. Các tổ chức xã hội dân sự cũng sẵn sàng cùng Nhà nước thực
hiện những khuyến nghị này. Chúng tôi đề nghị Chính phủ ủng hộ và tạo điều kiện
cho sự tham gia chủ động của xã hội dân sự vào các hoạt động giáo dục về quyền
con người một cách rộng rãi.
c) Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ chấp thuận và
thực thi các khuyến nghị về thực thi đầy đủ nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo các
quyền và tự do căn bản, đặc biệt là các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và
hội họp hòa bình. Đặc biệt chúng tôi đề nghị chấp thuận và thực hiện khuyến
nghị số 169 của Tây Ban Nha và 174 của Cộng hòa Séc về xây dựng một môi trường
pháp lý và thực tế tốt cho sự công nhận, đăng ký và tạo điều kiện cho các tổ
chức phi chính phủ (NGO) hoạt động.
d) Chúng tôi nhận thấy việc thực thi đầy đủ các
quyền con người ở Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức chủ quan và
khách quan. Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập để
thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả nhất. Các nguyên tắc Paris hướng dẫn
việc thành lập và hoạt động cơ quan nhân quyền quốc gia này là một công cụ có
ích và được áp dụng ở những mức độ khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới và
ngay trong khu vực ASEAN. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính phủ cân nhắc tích cực
những khuyến nghị liên quan đến vấn đề này, cũng như cân nhắc việc hợp tác sâu
rộng và cởi mở hơn với các cơ chế chuyên gia độc lập trong bộ máy Nhân quyền
của Liên Hợp Quốc.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!
No comments:
Post a Comment