26/04/2014
Tháng Tư 1975, tác giả là một Tiểu Đoàn Trưởng thuộc
Sư đoàn 18 Bộ Binh, đơn vị chiến đấu tại vòng đai Sàigòn cho tới phút cuối
cùng, trước khi phải tuân lệnh đầu hàng: Nguyên một tiểu đoàn thiện chiến 300
chiến sĩ phải tự nạp vũ khí cho một toán du kích xã tại làng Long Thạnh Mỹ. Bút
ký sau đây là kể về những giờ phút cuối cùng của cuộc chiên.
*
* *
2. Sau lệnh đầu hàng
Chao ơi, đối với người lính chiến đấu, hai chữ “đầu hàng” không bao giờ có bởi đây là nỗi nhục nhả lớn nhất của người cầm súng bảo vệ Tổ Quốc. Biết chắc chắn rằng khi buông súng là tự trói mình, không còn nhân phẩm nhưng chúng ta phải tuân lệnh. Đành làm kẻ bại trận chấp nhận nhục nhả, thương đau.
”Người anh em”, kẻ chiến thắng hãy đến đây nhận vũ khí đầu hàng…
Anh em đồng đội ơi, cho đến giờ phút này, tuy lòng đau đớn, nhưng chúng ta thật bình thản, không hề mảy may sợ hãi bởi vì chúng ta là kẻ chiến đấu để giữ giang sơn bờ cõi trong tinh thần dân tộc, không thẹn với lương tâm bởi tinh thần mã thượng và nhân đạo; luôn luôn nghĩ rằng mình và họ đều là Việt Nam. Chúng ta cầm súng để tự vệ, không mảy may thù hận. Đến hôm nay, xem như chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.
Lúc này là 11 giờ 30. Hơn ba trăm tay súng, bỗng chốc tự mình trở thành những người tù. Nếu không có những mẹ già, những chị, những em, đồng bào trong xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức đứng hai bên đường vổ tay mừng đón “các anh chiến sĩ quân lực VNCH” của họ thì đoàn người mộng du này vẫn cứ bước đi trong sững sờ, ngơ ngác.
Những người thất trận cố nở nụ cười. Mẹ, chị, em, nhiều người đang lau nước mắt. Dân làng Long Thạnh Mỹ quận Thủ Đức đang đón mừng những chiến sĩ của họ, của toàn thể miền Nam VN. Mọi người mừng mà khóc.
Phải chăng khi đã thật sự thấy tận mắt những gương mặt hốc hác, những nụ cười không lành lặn, trọn vẹn, những áo bạc màu rách vai, những đôi dày vẹt đế đầy bùn đất, đồng bào mới hiểu được rằng bao năm tháng qua, có quá nhiều sự hy sinh chịu đựng tận cùng nơi người lính miền Nam của họ. Mừng các con còn sống. Mừng các anh yên lành.
Bao nhiêu lần bị thương nhưng chưa có vết thương nào sâu hơn, chảy máu nhiều hơn lần này phải không các anh em. Không phải vì vết thương quá lớn, quá sâu mà vết thương từ trái tim đau khi thấy mẹ, thấy chi., thấy anh, thấy em đang mừng đón.
Chúng ta thật có tội với đồng bào. Thật vô cùng hổ thẹn đã buông súng!.
*
Sân chùa xã Long Thạnh Mỹ đầy lính và dân. Người Xã Đội Trưởng du kích tay cầm súng, lên tiếng hỏi:
- Ai là cấp chỉ huy ở đây?
Mọi người chờ đợi. Tiểu Đoàn Trưởng bước ra, trả lời:
- Tôi!
- Anh cho tập họp tất cả binh lính.
Xã đội trưởng cố cao giọng nói như để trấn áp sự hồi hộp và mất bình tĩnh của mình trước ba trăm con người phong trần, rắn rỏi đang nhìn hắn.
TĐT tập họp rồi cho lệnh anh em binh sĩ ngồi xuống cơi giày vớ. Thật là thoải mái! Phải không bạn, chúng mình mang những đôi vớ này đã mấy ngày từ hôm rút khỏi Trãng Bom mà không có thì giờ để thay chiếc khác.
Đồng bào cười vui khi thấy toàn những chiếc vớ rách gót, nặng mùi bùn đất. Nhiều bà con chạy vội về nhà đem dép ra cho. Lính và dân trao nhau giày, dép như trao tặng vật với những nụ cười thân mật. Cám ơn em đã cho anh đôi dép, đôi dép khiến đôi bàn chân anh nhẹ nhàng. Cám ơn anh đã cho em đôi giày lính, rất có ích cho em sau này.
Đồng bào vui mừng khi nhận những đôi giày lính mòn đế khiến người lính ngạc nhiên, nhưng rồi chợt hiểu. Phải, chính từ giờ phút này đây, cuộc đổi đời dưới hình thức con người XHCN quần rách, áo vá, giày xơ đang đón chờ.
Khoảng hai giờ chiều, đồng bào đem thức ăn đến sân chùa Long Thạnh Mỹ mời những người chiến bại của họ với lời lẻ thân thương chân tình khiến người lính nghẹn ngào. Các con ăn cơm cho đở đói!. Các anh ăn cho thật no nghe! Đồng bào thương các anh lắm!
Đã lâu lắm rồi, đây là bữa cơm thịnh soạn nhất mà người lính được ăn. Lính ăn. Đồng bào vây quanh nhìn, cười mãn nguyện.
- Trưa nay ăn thịt kho, chiều nay ăn cá lóc kho nghe các con!
- Ra giếng chùa tắm mát rồi đi nghĩ cho khoẻ nghe các con! Vị Sư già trụ trì chùa nhắc nhở. Tội nghiệp người không quen mùi thức ăn sinh vật, nhưng cũng đi từ nhóm này đến nhóm khác, ân cần thăm hỏi như là một người cha chăm sóc cho đàn con đi xa mới về.
Hầu hết anh em binh sĩ đều ăn uống tự nhiên, rất ngon lành. Những sĩ quan chỉ huy, có người không nuốt nổi vì nước mắt lưng tròng. Khóc vì sung sướng. Trong suốt cuộc đời chinh chiến, đây là bữa cơm ngon nhất, xứng đáng nhất, trọn vẹn tình nghĩa quân dân nhất. Ăn chén cơm ngon mà ứa nước mắt, cảm thấy hổ thẹn quá chừng. Chao ơi, chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ tự do hạnh phúc đồng bào miền Nam.
Buổi chiều sân chùa vắng lặng vì anh em binh sĩ vào chơi trong làng. Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng và vài sĩ quan ở lại nghe vị sư già nói chuyện.
Thầy từng có chức vụ trong uỷ ban kháng chiến Liên khu 5 ở miền Trung, nhưng rồi bỏ trốn vào Nam lập chùa khi nhận rõ bản chất của người CS. Thầy nói:
- Quân Đội miền Nam có lý tưởng nhưng không tinh nhuần lý tưởng, lại thiếu khôn ngoan xảo quyệt, nhân nghĩa giả như CS.
Nói về tương lai của miền Nam thì thầy lắc đầu:
- Thầy e rằng rồi đây ngay những chiếc áo tu nâu sồng nghèo khó cũng khó được mặc.
Dôi mắt thầy thật buồn nhìn về xa xôi:
- Từ khi cuộc chiến bùng nổ lớn, mất miền Trung, đồng bào hàng hàng lớp lớp chết vì chạy giặc, kinh kệ không vào trong đầu óc thầy nữa.
Giọng xúc động của ai đó:
- Chúng con hiểu tâm lành của thầy đã không an vì đôi mắt thầy luôn hướng ra ngoài cửa Phật, thương chúng sanh. Chúng con hôm nay có được giây phút an lạc hiếm hoi trong cuộc đời nhờ cửa chùa rộng mở, chỉ sợ rồi đây khi bước ra khỏi cửa chùa…
Sư chắp tay hướng lên bàn thờ Phật:
- A Di Đà Phật, các con lo âu là đúng, nhưng đừng nên quá phiền não mà phải can đảm chấp nhận tất cả những điều sẽ xảy đến. Mong rằng họ sẽ khôn ngoan giải quyết mọi điều trong tình nghĩa huynh đệ, đồng bào ruột thịt thì mới mong oán oán không chất chồng.
Giọng thầy trầm xuống:
- Một điều mà các con phải luôn lấy làm hãnh diện là hình ảnh các con luôn ở trong tâm đồng bào..
Khi nghe thầy hỏi thăm gia cảnh mình, mọi người cảm thấy xót xa trong lòng. Gia đình, cha mẹ, vợ con, thật sự trong mấy ngày qua, từ khi trận chiến Xuân Lộc bùng nỗ, không ai nghĩ đến, nhớ đến. Bao ngày qua, người lính chỉ biết chiến đấu, lo an nguy của đơn vị, chăm sóc cho nhau mà thôi.
Không biết mẹ còn ở Huế hay thất lạc phương nào? Không biết đứa con gái ba tuổi bị thương lúc chạy giặc ở Xuân Lộc được đưa về Sài Gòn bây giờ ra sao, có bị cưa mất bàn tay trái không?.
Mắt người nào cũng đỏ như sắp khóc. Đôi mắt thầy cũng vậy. Vì thương nhớ quê nhà, lo âu cho đạo pháp hay biết trước số phận sắp tới của những con người còn trẻ đang quây quần trước mặt mà thầy khóc!
- Đêm nay thầy không thỉnh kinh, các con vào chánh điện mà nghỉ. Thầy nói, rồi đứng dậy. Anh em đứng dậy chắp tay cúi chào.
Thầy bước đi, dáng gầy xiêu xiêu. Màu nắng chiều cuối tháng Tư nhạt nhòa trên vai áo nâu sồng, loan lổ trên những bậc thềm chùa như những mảnh vá trong tâm hồn những người lính thất trận.
Buổi tối anh em binh sĩ về sân chùa đầy đủ. Dưới ánh trăng mờ mọi người nằm la liệt, có người ngủ say bất động như xác chết. Một vài tiếng ho, ú ớ từ đâu đó vang lên.
Không ngủ được, Nguyễn Mạnh Tông ngồi dậy nói:
- Anh em mình đi một vòng trong sân thử xem anh ba. Khi TĐT và TĐP đứng dậy thì Trần Văn Minh, đại đội trưởng và Ngô văn Đức, Sì Quan hành quân cũng đứng dậy theo.
- Em đi theo anh ba và anh tư. Minh nói.
- Có đếm thử xem anh em còn đủ không? Tông hỏi.
- Chắc không ai bỏ đi đâu.
TĐT nghĩ thầm: Bỏ đi là quyền của anh em vì đơn vị đã tan hàng rồi, nhưng chắc không ai đành lòng vì tình huynh đệ và tính kỷ luật vốn có nơi người lính VNCH, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện tại ai cũng muốn gần nhau trong những giờ phút cuối của đời lính.
Mọi người ngước mắt nhìn bầu trời phương xa đang treo lơ lửng một vài trái sáng. Chắc chắn đâu đó, quanh Sài Gòn và ngay trong lòng Sài Gòn còn có những người vẫn tiếp tục chiến đấu. Còn vùng 4 chiến thuật nữa. CS khó chiếm được nếu các danh tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng không tuân lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Vùng bốn dân đông, kinh tế phồn thịnh sẽ là nơi quy tụ anh hùng, duy trì chế độ tự do dân chủ thật sự.
Khi ba người trở lại chỗ cũ thì thấy mấy anh em thuộc Trung đội quân báo của thượng sĩ Bé đang ngồi nhìn dáo dác chung quanh. Bé nói:
- Em giật mình thức dậy không thấy Thiếu Tá và hai Đại Úy nên gọi anh em dậy đi tìm.
TĐT cám ơn rồi bảo mọi người đi ngủ. Tình cảm mọi người vẫn còn gắn bó quá, anh em không có gì thay đổi dù TĐT bây giờ không còn là TĐT, sĩ quan không còn là sĩ quan...
Đặt lưng nằm xuống, nhưng ba người vẫn không ngủ được. Giờ phút này, thật sự chỉ có giờ phút này, mới nghĩ đến gia đình vợ con. Chao ơi, có khi nào miền Nam sẽ toàn góa phụ và con côi không?
Sáng 1 tháng 5, nắng lên ngoài sân chùa. Những người lính đang ngồi bên nhau cười đùa, tưởng như biến cố xảy ra hôm qua là một ác mộng đã qua.
- Mời Trung Tá, Thiếu Tá uống trà. Nguyễn Toàn, nguyên là người phụ trách cơm nước cho TĐT pha trà và mời.
- Thôi anh Toàn, đừng gọi Trung Tá, Thiếu Tá, Đại Úy gì nữa, mọi người đều như nhau, cùng một hoàn cảnh cả.
- Dạ, nhưng tụi em vẫn xem như không có gì thay đổi.
TĐT quay qua người lính quân báo bên cạnh, hỏi nhỏ:
- Cây súng nhỏ của tôi cậu còn giữ không?
Người lính nỡ nụ cười:
- Em xin lỗi, em cố giữ như lời TT bảo, nhưng mấy anh em khuyên em liệng nó đi, coi chừng TĐT nóng nảy làm bậy khổ cho gia đình. Tụi em thấy mấy người du kích có vẻ nể nang chúng ta, họ không dám làm nhục TĐT và các vị sĩ quan đâu. Loạng quạng tụi em bẻ họng tụi nó hết.
Khoảng trưa, xã đội trưởng xuống gặp TĐT yêu cầu tập trung binh sĩ để nhận giấy chứng nhận cho ra về.
Theo lời TĐT, mọi người kéo nhau xuống tập họp tại sân ủy ban xã. TĐT và các Sĩ Quan nhận giấy rồi phát lại cho anh em binh sĩ.
Đứng trước anh em đang tập họp, Xã đội trưởng VC nghiêm sắc mặt rồi nói:
- Chính phủ CM lâm Thời Miền Nam VN khoan hồng cho tất cả các binh sĩ nguỵ về với gia đình. Yêu cầu khi về địa phương phải đến trình diện chính quyền Cách Mạng.Các sĩ quan cấp úy cũng sẽ được ra về nội trong chiều naỵ. Riêng sĩ quan cấp Tá sẽ được chuyển lên Ủy Ban Quận quyết định. Ai nhận giấy tờ xong bây giờ có thể ra về.
Xa Đội Trưởng dứt lời, đưa mắt nhìn anh em binh sĩ. Anh em vẫn đứng yên, mắt hướng về những người chỉ huy cũ chờ đợi.
TĐT bước đến trước anh em nhưng miệng như không thốt ra được lời nào. Một phút rồi hai phút, bỗng trong hàng quân có tiếng khóc. Các sĩ quan chỉ huy cũ cũng bước ra. Không ai nói được lời nào.
Không, không thể để trái tim mình thất trận trong trận đánh ngắn ngủi vài phút giây này được. TĐT liếc nhìn anh em và nói lớn:
- Anh em! Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy anh em yếu đuối, ngay cả khi chứng kiến sự hy sinh của bạn mình, thì bây giờ cũng vậy phải không anh em? Chiến tranh chấm dứt, nhiệm vụ của chúng ta cũng đã hết. Anh em về với gia đình, xây dựng cuộc đời mới, chúng ta phải cười vui mà chia tay nhau chứ.
TĐT nói và mỉm cười, một nụ cười mà những người lính đang đứng nghiêm chỉnh trước mặt chưa bao giờ thấy qua bao tháng năm.
Mọi người mỉm cười theo, rồi cười thành tiếng. Vui hay buồn! Chỉ có người trong cuộc mới biết. Cũng có người đang sụt sịt.
- Bây giờ anh em có thể ra về, nhưng hãy đáp lời tôi một lần sau cùng trước khi chia tay nhau.
TĐT với thế đứng chống nạnh quen thuộc như những lần sinh hoạt cũ, liếc nhanh mọi người, hô lớn:
- Tất cả, ngồi...
- Xuống!
- Đứng!...
- Dậy!
Gần ba trăm người đáp lời TĐT, âm thanh hùng hồn vang động một góc làng Long Thạnh Mỹ, làm rung rinh tâm hồn những cán binh du kích VC và gây xúc động đồng bào đang chứng kiến khiến tất cả đều đồng loạt vỗ taỵ
Khi mọi người bắt tay từ giả nhau, TĐT quay qua hỏi Trung Sĩ Truyền Tin Lê Văn Tạo
- Ngoài anh Tạo biết gia đình Sơn, còn có ai nữa không?
- Chỉ một mình em biết thôi, em đã chuẩn bị tất cả rồi, xác Sơn đã được đưa lên xe lam, chốc nữa em sẽ đưa Sơn về nhà cho gia đình Sơn. Giọng Tạo thật buồn:
- Nó cố giữ cái máy truyền tin nên bị hụt cẳng khi qua sông, em kêu nó buông cái máy ra mà nó không chịu nghe. Đánh nhau không chết bây giờ lại chết, may mà sáng nay xác nổi lên còn không thì...
- Có mấy trăm đây, em thêm mà trả tiền thuê xe lam. TĐT nói.
- Thưa Thiếu Tá, người chủ xe lam không lấy tiền!
Sơn ơi,
Cái chết của em đau lòng mọi người lắm, nhưng em sẽ bất tử trong lòng anh em bởi vì tất cả chúng ta không ai quên được những giờ phút Tiểu đoàn lội qua sông để mong đến với Sài Gòn đang kêu cứu.
*
Gã tù binh đứng như trời trồng giữa buổi trưa ngày cuối tháng Tư nắng gắt. Gã nhắm mắt lại, tai nghe lao xao những lời từ giã. Tay gã muốn cử động khi có bàn tay ai nắm chặt, nhưng bàn tay gã như đã khô và cứng ngắt.
Gã đứng đó, mắt thấy một dòng sông đang chảy xiết với hình ảnh những người lính vội vã lội qua sông. Sơn ơi sao em không chịu buông cái máỵ truyền tin, còn giữ nó làm chi trong giờ phút sau cùng khi không còn gọi được một ai, không còn nghe ai gọi mình!
Hởi con sông đang chảy xiết, chảy mãi trong trái tim đau đớn của ta! Chao ơi, làm sao quên được dòng chảy ào ạt của ngươi đã nhận chìm, cuốn trôi những bàn tay người lính đang nâng chiếc máy truyền tin, những nòng súng lên cao khỏi mặt nước!
Hỡi em, những người lính muốn qua sông về với Sài Gòn mà chưa qua được, anh vẫn thấy đôi mắt em hướng về Thủ đô trước khi khép kín đời đời. Mới đây thôi: Ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Nguyễn Phúc Sông Hương
No comments:
Post a Comment