Friday 19 July 2013

PHỐ TÀU ĐÃ HIỆN DIỆN KHẮP NƠI TRÊN ĐẤT VIỆT (Nhã Nam - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ năm, 18 Tháng 7 2013 22:04

Báo mạng Vietnamnet hôm nay có bài viết kèm nhiều hình ảnh ở làng nghề mộc Đồng Kỵ, Phù Khê thuộc thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Làng nghề này chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km, bài báo đã đặt tựa là "Sát nách thủ đô, cả phố trưng biển tiếng Trung Quốc". 

Quả thật, hình ảnh tại bài báo cho thấy khá nhiều biển quảng cáo tại những con phố ở thị xã Từ Sơn này, giống như một khu phố ở đất nước Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Tuy vậy, những con phố tương tự không chỉ xuất hiện "sát nách thủ đô" mà vài năm nay đã tràn lan nhiều tỉnh thành. Có thể kể đến những khu phố với các biển hiệu rặt chữ Tàu ở các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh. 

Ông Thượng tá Trương Xuân Tịnh - Trưởng công an H.Kỳ Anh - cho biết: “Hiện trên địa bàn có trên 420 người Trung Quốc. Họ ở tại các văn phòng, nhà dân, khách sạn. Người Trung Quốc rất khó quản lý, họ đã không trình báo như người các nước châu Âu mà còn trốn tránh sự kiểm tra. Nhiều người thuộc diện hợp đồng lao động ngắn hạn đã tìm mọi cách ở lại khi hết thời hạn. Nhiều người ở luôn trong các container tại công trường nên rất khó kiểm soát. Cũng đã có vụ 2 người Trung Quốc đánh 1 người Việt Nam”.

Ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng thế, tại tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển Bãi Cháy của TP. Hạ Long đầy rẫy biển hiệu in chữ Trung Quốc. Hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ Đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng “chú thích” dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt. Các chủ cửa hàng tuy là người Việt, nhưng khách của họ là những đoàn người Trung Quốc tràn sang chơi bời mua sắm.

Tại xã Khánh Phú, H.Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, người dân địa phương đặt cho một đoạn đường của quốc lộ 10 chạy qua địa bàn cái tên “Phố của người Trung Quốc”, bởi mỗi khi phố lên đèn, hàng trăm thanh niên Trung Quốc từ các ngả đường đổ về con phố này. Một người dân địa phương cho biết: “Trước kia ở đây bình yên lắm, nhưng từ khi người Trung Quốc đến đây, phố xá ồn ào hẳn lên. Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường”. Tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 người Trung Quốc đang làm việc. Trong đó, chỉ có 82 người giữ chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, 514 người làm kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông, họ đều làm những công việc bình thường như phụ hồ, kéo sắt, kéo cáp... Đáp ứng cho nhu cầu của họ, những hàng quán dành cho người Trung Quốc đua nhau mọc lên.

Ở huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng từ năm 2006, nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Hải Phòng 1 (ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) được khởi công và bên trúng thầu toàn bộ là các doanh nghiệp của Trung Quốc. Nên hàng nghìn công nhân Trung Quốc ùn ùn kéo đến sinh sống... làm lao động chân tay thi công nhà máy nhiệt điện. Những con phố nhỏ với các biển hiệu dù quán cóc rìa làng, quán bia hơi đến khách sạn, nhà nghỉ, tường rào, nhà máy... đều ghi chữ Trung Quốc. Nhà nào, quán hàng nào cũng treo đèn lồng đỏ Trung Quốc. Sinh sống lâu ngày tại đây, họ bắt đầu kiếm vợ, kiếm gái người Việt. Một số thành vợ chồng, nhiều người chỉ quan hệ qua đường.

Tại tỉnh Bình Dương, vài năm nay phía sau những khu công nghiệp Bình Dương bỗng dưng mọc lên hàng loạt cửa hàng, quán ăn… của người Trung Quốc. Cũng từ lâu người dân Bình Dương quen gọi đây là phố Tàu. Người Trung Quốc đến đây không chỉ làm để làm việc trong nhà máy, xí nghiệp. Họ tự mở cửa hàng, quán ăn, khách sạn và cả những trung tâm dạy tiếng Trung Quốc, đơn vị tiền tệ khi giao dịch mua bán là cả tiền đồng VN lẫn đồng nhân dân tệ. Ngay chính quyền địa phương cũng dành một khu riêng, xây dựng mới chỉ dành cho người Trung Quốc mua để ở.

Đó là chưa kể đến những "đặc khu" tại các công trường thuộc Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn (Thanh Hóa), KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), Thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, Quảng Nam), Nhà máy Bauxite Nhân Cơ (Daklak), Bauxite Tân Rai (Lâm Đồng)... Tại mỗi địa phương nói trên, ngay cả chính quyền và Ban Quản lý các công trường, công trình đều không biết được chính xác có bao nhiêu người Trung Quốc đang sinh sống hoặc làm việc trong địa bàn. Chỉ riêng Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau đã có hơn 1.700 lao động người Trung Quốc, trong đó chỉ gần 690 lao động được cấp phép, số còn lại là làm việc và cư trú trái phép, đây là một công trình trọng điểm quốc gia.

Như vậy là từ cực bắc đến cực nam, từ vùng cao nguyên cho đến duyên hải, từ chốn hẻo lánh đến phố xá khắp đất nước ta, người Trung Quốc đã tràn lan không kiểm soát nổi. Khác với các Chinatown ở nhiều nước đã có từ lâu đời, thường chỉ tập trung 1 điểm ở mỗi đô thị lớn, và họ thường chỉ lo buôn bán. Các "Chinatown" tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn tự phát, lộn xộn và bất ổn bởi nhiều yếu tố. Tựu trung chỉ mang lại điều không hay cho xã hội Việt Nam. 

Người Trung Quốc đến, mang theo những tập tục, những nét văn hóa đa dạng từ đất nước mênh mông của họ đến Việt Nam, nhiều xung đột đã xảy ra. Chưa nói đến mối lo lớn hơn là có bao nhiêu "Trọng Thủy" đang tìm kiếm và nắm giữ "nỏ thần của Kim Quy".

Nhã Nam


---------------------------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats