Monday 26 November 2012

Ý ĐỒ ĐẰNG SAU TẤM "HỘ CHIẾU LƯỠI BÒ" (Hải Đăng - TuanVietNam)




Hải Đăng  -  TuanVietNam
26/11/2012 10:16

Từ tuyên bố phi pháp về “đường lưỡi bò”, “đường đứt khúc chín đoạn” đến việc cho in đường lưỡi bò lên hàng triệu tấm hộ chiếu mới, từ nay sẽ mang tên “hộ chiếu lưỡi bò”, Trung Quốc đã trượt thêm một bước nguy hiểm trong việc hiện thực hóa chính sách cưỡng chiếm toàn bộ Biển Đông.

Bắc Kinh lại vừa tung ra một đòn mới, tinh vi, xảo trá và hết sức hiểm độc nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông: In bản đồ hình lưỡi bò - biểu thị yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển đảo chung quanh - trên hàng triệu tấm hộ chiếu bắt đầu được lưu hành từ mấy tháng nay.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông và thể hiện yêu sách này trên một tấm bản đồ gồm 9 đường gián đoạn - gọi là "đường lưỡi bò" - được Bắc Kinh chính thức công bố vào tháng 5/2009. Đường ranh này bao trùm khoảng 80-85% diện tích Biển Đông, gộp cả các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bãi Macclefield, đồng thời ăn sâu vào vùng biển của các nước láng giềng từ Việt Nam, Philippines, cho đến Brunei, Malaysia, thậm chí lấn luôn một phần nhỏ của vùng Natuna của Indonesia.

Quyết không cho "lưỡi bò" nhập cảnh!
Hộ chiếu phổ thông của Trung Quốc có hình bản đồ "lưỡi bò" đã bị thẳng thừng từ chối đóng dấu khi chủ nhân xin nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam. Các nhân viên phụ trách nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam đã cương quyết từ chối đóng dấu lên những tấm hộ chiếu có in bản đồ hình "lưỡi bò" bất hợp pháp, thay vào đó, đã đóng thị thực vào một quyển riêng biệt khác.
David Li, 19 tuổi, đến từ Quảng Đông cho biết trên tờ Telegraph (Anh): Việt Nam "tuyên bố hộ chiếu của chúng tôi vô giá trị!" Việt Nam nói rằng trên tấm bản đồ in trong hộ chiếu mới, biên giới lãnh hải của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam. "Nếu họ đóng dấu vào tấm hộ chiếu đó, điều ấy có nghĩa là họ thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc". Li kể lại như thế và cho biết thêm: các hành khách khác trên chuyến bay của David Li cũng gặp trường hợp tương tự và những vị khách mang "hộ chiếu lưỡi bò" đều buộc phải mua thị thực rời với giá 50.000 VNĐ/một tấm.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 22/11/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc bao gồm đường đứt đoạn (đường lưỡi bò), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nhấn mạnh:
- "Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông".
- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm "đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên".

Ý đồ đằng sau?
Việc in hình ảnh lãnh hải nước khác vào hộ chiếu của công dân nước mình là một tiền lệ chưa từng có trong quan hệ quốc tế. Nhà đương cục Trung Quốc ngang nhiên phát hành hộ chiếu mới cho in hình bản đồ lãnh hải của quốc gia khác vào đấy, như một loại giấy tờ tùy thân dành cho công dân nước mình khi xuất ngoại, mang nhiều thâm ý xảo trá và hiểm độc bên trong.
Nếu lần này Việt Nam "bỏ qua" thì có nghĩa là chính phủ Việt Nam buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, một khi cho phép các nhân viên của khẩu cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của mỗi một công dân Trung Quốc.
Việt Nam, vì vậy, đã lệnh cho các cơ quan lãnh sự cấp 1 tờ thị thực rời cho công dân Trung Quốc khi họ xin nhập cảnh vào Việt Nam thay cho việc xác nhận trực tiếp vào từng tấm hộ chiếu.
Quyết định không đóng dấu vào thị thực vào hộ chiếu có in hình lưỡi bò, thậm chí không cấp bất cứ giấy tờ nhập cảnh nào cho người có tấm hộ chiếu ấy là một đối sách kịp thời và đúng đắn.
Các đồn biên phòng Lào Cai, Móng Cái đã "nướng lưỡi bò" tại trận.
Tuy nhiên, đấy vẫn là giải pháp tình thế!
Giải pháp ấy chỉ có hiệu lực đối với những công dân mang hộ chiếu phổ thông. Còn đối với người mang hộ chiếu công vụ hay hộ chiếu ngoại giao vốn dĩ được miễn thị thực, theo một thỏa thuận hỗ tương giữa hai chính phủ, thì vấn để loại bỏ thị thực nhập cảnh trên những tấm hộ chiếu ấy (nếu Trung Quốc cố in hình lưỡi bò trên đấy) có thể nói là bất khả thi!
Và còn đối với những công dân Trung Quốc mang các "hộ chiếu lưỡi bò" ấy đi ra thế giới thì sao? Sẽ có những những nước nào trên thế giới ủng hộ Việt Nam và các nước Đông Nam Á bị xúc phạm, không cấp visa, hay chỉ cấp visa rời đối với những công dân Trung Quốc ấy?
Để đối phó với thủ đoạn khiêu khích, nắn gân này của Trung Quốc, nếu Việt Nam không có hành động tương thích, phối hợp với cộng đồng quốc tế, trước hết là với 4 nước trong ASEAN cùng chung cảnh ngộ bị Trung Quốc chèn ép, để hóa giải đòn cân não này thì rất có khả năng Trung Quốc sẽ lấn tới. Và chắc chắn Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại bằng việc phát hành hộ chiếu có in đường lưỡi bò!
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng dư luận không thể không liên tưởng và kết nối hai trong hàng loạt các hành động phi pháp và phản luật pháp quốc tế nhất mà nhà cầm quyền Trung Quốc vừa tung ra từ mùa hè này.
Thứ nhất, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ra tuyên bố đấu thầu quốc tế các lô dầu khí trên biển Đông, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trắng trợn vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Điều này từng gây ngạc nhiên cho cả khu vực. Trung Quốc đưa ra tuyên bố này trước thềm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF19).
Thứ hai, Trung Quốc công bố những tấm "hộ chiếu lưỡi bò" lần này. Lần công bố hành động phi pháp, phản luật quốc tế này rơi đúng vào lúc đại hội 18 ĐCS/TQ vừa kết thúc, Việt Nam vừa gửi điện chúc mừng, còn thế giới đang chăm chú theo dõi mọi động thái lớn/nhỏ của ban lãnh đạo mới.

Cả thế giới phản đối
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam lên tiếng phản đối các mưu toan áp đặt chủ quyền của Trung Quốc. Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã chính thức lưu ý Trung Quốc về những tấm hộ chiếu mới này, trong khi hai bên đang thảo luận, đến nay vẫn chưa có kết quả thì Trung Quốc ngang ngược công khai hóa vấn đề này.
Trước khi Trung Quốc tung ra những "tấm hộ chiếu lưỡi bò" này, Trung Quốc đã áp dụng nhiều thủ đoạn khác hòng hợp thức hóa các đồi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên toàn bộ Biển Đông. Tung các đội tàu cá hùng hậu ra đánh bắt tại các vùng ở Biển Đông đang tranh chấp, chận bắt hay xua đuổi ngư dân các nước khác đến hoạt động tại các nơi mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình .
Đấy là chưa kể đến các hành vi nhằm củng cố tình trạng đã rồi tại những vùng mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng như thành lập "thành phố Tam Sa" ngay tại quần đảo Hoàng Sa để cai quản ba quần đảo mà họ đòi chủ quyền; xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), cử đơn vị quân đội đồn trú tại đấy, thúc đẩy hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, du lịch trên một số đảo.
Trong chuỗi hành động ngang ngược đó, theo một nhà ngoại giao cao cấp tại Bắc Kinh giấu tên, được báo Financial Times trích dẫn, việc in yêu sách chủ quyền ngay trên hộ chiếu là "một sự leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc đang phát hành hàng triệu hộ chiếu mới loại này, và hộ chiếu dành cho người lớn có giá trị trong 10 năm".
Đối với nhà quan sát này, sự kiện trên nghiêm trọng vì TQ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây.
Việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu "lưỡi bò" diễn ra trong bối cảnh các Hội nghị ASEAN21 và EAS7 tại Phnom Penh vừa kết thúc, Thủ tướng Trung Quốc một lần nữa đã lớn tiếng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.
Ngay đối với công dân và giới học giả Trung Quốc, không phải ai cũng đồng ý với quyết định dùng hộ chiếu để áp đặt chủ quyền của nhà đương cục Trung Quốc. Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng việc in yêu sách chủ quyền trên hộ chiếu có thể làm cho vấn đề "vốn đã rắc rối lại càng phức tạp thêm".
Trên thực tế, đồng thời cùng một lúc với phản ứng của Việt Nam, Philippines đồng thời đã lên tiếng phản đối Trung Quốc về vụ này. Hãng AFP vào hôm 23/11 đã nêu bật tuyên bố đầy quan ngại của ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines: "Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông".
Ấn Độ và Đài Loan vừa lên tiếng phản đối, tuy mỗi bên ở một góc độ khác, trước hành động của Trung Quốc cho in bản đồ về lãnh thổ và lãnh hải vào hộ chiếu của công dân họ.

Hải Đăng






No comments:

Post a Comment

View My Stats