Monday, 12 November 2012

VỀ SV NGUYỄN THIỆN THÀNH (BA SÀM)




Posted by basamnews on 13/11/2012

Nguyễn Thiện Thành chỉ có 1 ngày sinh, nhưng theo bài trên trang Đảng Làm Báo: Điệp viên Công An Nguyễn Thiện Thành và Tuổi Trẻ Yêu Nước thì Thành sinh năm 1985, còn theo Lệnh truy nã của CA thì Thành sinh năm 1989. Vậy thì, hoặc là trang Đảng Làm Báo bịa chuyện, hoặc là CA bịa ngày sinh của Thành.

Theo thông tin chúng tôi có được từ vài người bạn học cùng khóa với Thành ở trường ĐH CNTP cho biết, năm sinh và các thông tin ghi trong lệnh truy nã là đúng. Mời nghe lại bài ông Thương, cha của 2 anh em Nguyễn Thiện Thành và Nguyễn Thiện Khánh hồi tháng 12 năm ngoái: Chuyện người Cha tìm hai con bị công an bắt (RFA). Hai anh em Thành bị bắt gần 3 tháng sau, gia đình không biết tin tức.
*
*
Chuyện người Cha tìm hai con bị công an bắt
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-12-15

Gần ba tháng trước, cùng chung với đợt sinh viên công giáo bị bắt giữ có hai anh em ruột là anh Nguyễn Thiện Thành và Nguyễn Thiện Khánh.

Anh Nguyễn Thiện Thành và Nguyễn Thiện Khánh là sinh viên công nghệ thông tin bị công an bắt với lý do tuyên truyền phản động và âm mưu đặt bom khủng bố.

Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thương là cha ruột của hai anh em này để tìm hiều thêm thông tin chi tiết sau đây:

Bị bắt giữ khi tìm con

Mặc Lâm: Thưa, trước tiên xin ông cho biết về trường hợp của anh Thành, người con trai lớn của ông, hiện nay ra sao?
Ông Nguyễn Văn Thương: Nói thì rất dài dòng nhưng tóm tắt lại là công an bắt con tôi ở tại phường Đông Hưng Thuận và mấy ổng giữ luôn cả tôi. Giữ tôi rồi nói con tôi đua xe và sau đó thì qua tôi mấy ổng cần cái địa chỉ và bắt con tôi cho đến khi không còn liên lạc điện thoại được nữa vào khoảng 4 giờ chiều. Công an giữ tôi tại phường ở quê tôi và cách ly, không cho điện thoại. Lúc đó tôi về nhà thì gia đình tôi mới biết rằng con tôi bị bắt. Và sau khi con tôi bị bắt thì công an giữ tôi một bữa nữa. Bữa sau, tới buổi chiều tôi mới lên, tôi đi thẳng tới phường, tới chiều tối thì tôi thấy công an giải thằng con lớn tôi lên quận, còn thằng con nhỏ thì tôi không biết bị giữ ở đâu.

Mặc Lâm: Xin ngắt lời ông một chút tại đây, ông có nói là ông cũng bị công an giữ tại Ủy ban vì vấn đề con của ông tham gia đua xe, ông cho thể cho biết việc cáo buộc đua xe này nó ra sao, nó như thế nào ạ?
Ông Nguyễn Văn Thương: Con tôi hồi đó tới giờ không có đua xe, nhân cách rất đàng hoàng. Con tôi đang học công nghệ thông tin. Nếu có vấn đề thì là vấn đề công nghệ thông tin. Công an có hỏi “Theo anh là vấn đề gì?” thì tôi nói là tôi không biết, vấn đề đó là của mấy ông, mà bây giờ mấy ông nói con tôi đua xe thì tôi không tin. Và sau đó lên phường thì tôi mới biết là con tôi bị bắt và vì vấn đề trang web.

Mặc Lâm: Cả hai anh em Thành và Khánh bị bắt vì một trang web có thông tin chống nhà nước, xin ông có thể nói cụ thể hơn, được hay không ạ?
Ông Nguyễn Văn Thương: Trang web đó coi như là đăng những tin mà sau khi công an cho tôi coi thì tôi thấy trang web đó mấy ổng nói với tôi là con tôi phạm vào điều 88 coi như là treo cờ của Việt Nam Cộng Hòa và âm mưu đặt bom tượng bác Hồ. Nói chung là vấn đề chống nhà nước, lật đổ chính quyền. Nhà nước đặt con tôi vào tình trạng đó nên tôi rất là lo sợ, bởi vì tôi nghĩ con tôi không làm như vậy.

Mặc Lâm: Thưa ông, khi công an cho ông xem trang web này thì ông thấy gì trên đó? Có đúng như lời cáo buộc của họ hay không?
Ông Nguyễn Văn Thương: Riêng cá nhân của tôi thì lúc đó tôi rất là buồn. Họ chiếu cho tôi coi thì tôi chỉ dòm thôi, tôi thấy mang máng thôi. Theo suy nghĩ cá nhân tôi thì thấy rằng mấy đưa nhỏ nó học công nghệ thông tin thì nó có quyền nó vào nó coi, còn vấn đề nó có tham gia hay không thì tôi không có biết.
Nhưng bây giờ công an đặt vấn đề là con tôi tham gia, và vì vấn đề đó mà họ bắt giữ tôi 2 ngày và sau đó thì quản lý tại phường, và mấy ổng không cho về nhà. Tôi có xin về nhà mà họ cho. Tới nay thì đứa con lớn của tôi bị công an giữ cho tới nay tôi không biết nó ở đâu. Hỏi công an thì công an nói trả tự do rồi, nhưng tôi có nói rằng con tôi không có tự do bởi vì con tôi mấy ông còn giữ, mấy ông còn quản lý tại phường, không có cho về nhà. Tôi ở Long An, còn con tôi thì ở thành phố HCM, ở tuốt trên thành phố ở trên đó cho tới bây giờ.

Mặc Lâm: Chính xác ngày anh Thành bị bắt là ngày nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thương: Dạ, bị bắt ngày 19 tháng 9 là ngay ngày sinh nhật của thằng em nó, lúc 3 giờ.

Mặc Lâm: Còn riêng về em của anh Thành là anh Khánh thì sao?
Ông Nguyễn Văn Thương: Cũng bị bắt luôn, hai đứa bị bắt. Công an phường trả thằng Khánh về phường nhưng mà quản lý tại nhà trọ ở trong phường, tới bây giờ cũng chưa về nhà nữa, giấy tờ cũng không trả lại.

Mặc Lâm: Khi ông lên phường để hỏi tin tức của anh Thành thì ông được trả lời như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thương: Họ đưa tôi ra tỉnh bởi vì tôi ở tỉnh mà, họ mời tôi liên tục ra tỉnh và bắt tôi cam kết không được khiếu nại con tôi, không được trả lời phỏng vấn và nếu tôi trả lời thì công an bắt tôi. Mấy ổng đã ép tôi phải làm như vậy thì tôi phải làm như vậy thôi.

Biện hộ bằng lòng tin

Mặc Lâm: Vâng, công an đã răn đe như vậy mà ông vẫn trả lời cho Đài Á Châu Tự Do ngày hôm nay thì ông có nghĩ là họ sẽ có biện pháp mạnh với gia đình ông hay không?
Ông Nguyễn Văn Thương: Sau đó tôi có phản ứng, tôi nói rằng tôi không lý do gì mà để sợ trả lời phỏng vấn hết. Tôi không có tội gì hết. Vấn đề con tôi mất tích thì tôi được quyền hỏi bất cứ ở đâu. Bởi vì cơ quan giữ con tôi, tôi suy nghĩ hứa thì hứa nhưng mà đó là đặt vấn đề, còn trả lời hay không là quyền của tôi. Tôi không thích làm chuyện giả dối.

Mặc Lâm: Xin quay trở lại trường hợp của em anh Thành là anh Khánh, chúng tôi được biết là anh ấy vẫn đang theo học tại TPHCM, vậy thì anh có bị trở ngại gì hay không sau khi bị bắt và được thả ra, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thương: Rất là trở ngại! Bây giờ thì nhà trọ họ đuổi, bất đắc dĩ lắm nên họ còn cho con tôi ở lại đó nhưng họ thâu tiền rất cao, tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước rất là cao mà gia đình tôi thì chỉ biết lao động hàng ngày tất cả đều cho con, rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng tương lai của nó sẽ bị gián đoạn vì nhà nước sẽ phân biệt đối xử với con tôi khi dính vô trang web, nhất là thằng anh nó đã dính vô trang web mà nó hỗ trợ.
Tới bây giờ thì công an cũng từng nói với tôi rằng tương lai của nó sẽ không có. Tôi muốn con tôi ăn học nhưng mà nhà nước không có trợ giúp cho tôi vấn đề giấy tờ, con tôi không lãnh học bổng được và không giấy chứng minh để giao dịch với ngân hàng hay là để đăng ký nhà trọ. Về hình thức thì đó như là đuổi rồi. Coi như 3 tháng nay mà không mướn được nhà trọ thì coi như là đuổi con tôi.

Mặc Lâm: Xin được hỏi một câu cuối là để tranh đấu cho việc anh Thành bị bắt giữ thì ông có định nhờ luật sư để bảo vệ cho anh ấy khi ra tòa hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thương: Tôi rất là tuyệt vọng vì trong đất nước của tôi thì có luật sư hay không không thành vấn đề. Trên dưới đều do đảng – nhà nước lãnh đạo. Tôi nghĩ vào câu đó nên tôi không bao giờ tin tưởng vào luật sư. Nếu có biện hộ thì chính người dân biện hộ. Và lối biện hộ của tôi là lòng tin và chịu đựng thôi, chớ tôi không biết nói gì hết. Tùy theo mấy ổng muốn xử con tôi như thế nào, xử chết thì con tôi chết, mà bỏ tù thì con tôi ở tù, chớ tôi không biết phải làm sao hết.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin được cám ơn ông.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

-------------------------------------

CUỘC TRỐN THOÁT CỦA SINH VIÊN NGUYỄN THIỆN THÀNH
(Đăng lại nhân vụ Nguyễn Phương Uyên)

Audio :

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-01-03

Sinh viên Nguyễn Thiện Thành trong nhóm Tuổi trẻ Yêu nước vừa trốn khỏi sự giám sát của công an trong khi bị áp giải về nhà để lục soát tìm chứng cứ của những người hoạt động chung nhóm.

Sinh viên Nguyễn Thiện Thành (phải) trong nhóm Tuổi trẻ Yêu nước và anh Trần Vũ Anh Bình (trái).  RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/student-escp-fr-police-01032012061659.html/Thanh—Binh-305.jpg
Trả lời với Mặc Lâm anh Thành cho biết thêm chi tiết các hoạt động của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước và cuộc trốn thoát ly kỳ và may mắn này như sau:


Yêu nước cũng bị cấm?

Nguyễn Thiện Thành: Tôi sinh năm 1989, là sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt khoảng thời gian ở trong nước thì tôi đã hoạt động bằng việc vận động tất cả các anh em sinh viên tuổi trẻ như chúng tôi ở trong nước thành lập nhóm Tuổi trẻ Yêu nước và làm cái website tuoitreyeunuoc.com và tuoitreyeunuoc.net. Trong quá trình làm thì cũng có những hành động là treo cờ vàng ba sọc đỏ, rồi tham gia dán truyền đơn tẩy chay dân bầu, kêu gọi tự do tôn giáo. Sau đó chúng tôi có tổ chức những cái việc là đả đảo Trung Quốc.

Mặc Lâm: Xin anh cho biết nguyên do nào anh và các bạn trong nhóm lại chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng để đấu
tranh?

Nguyễn Thiện Thành: Bằng những hiểu biết mà chúng tôi có được là lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng có từ thời Hai bà Trưng. Sau này Chính phủ Việt Nam Cộng hòa dùng lại lá cờ vàng ba sọc đỏ của thời vua Thành Thái, một triều đại kháng Pháp. Cho nên lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do và độc lập, là niềm tự hào của dân tộc mình;còn cái lá cờ sao vàng thì thấy nó chỉ là lá cờ của đảng Cộng sản Việt Nam thôi. Với lá cờ đó chỉ nói lên cái ý thức của cả dân tộc mình thôi. Có một số lá chúng tôi chụp hình được, tại vì khi mà treo lá cờ đó lên thì rất là nguy hiểm. Tôi treo ở một số tỉnh miền Tây.

Mặc Lâm: Anh nói là cách tranh đấu chính của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước là viết những bài viết tung lên hai trang web của nhóm, anh có thể cho biết nội dung chính của các bài viết này là gì hay không?
Nguyễn Thiện Thành: Sinh viên chúng tôi có đường lối đấu tranh như là viết lách vậy thôi, chúng tôi viết những bài viết chống cái bọn Trung Cộng cưỡng chiếm Trường Sa, nói lên cái sự nhu nhược của chính quyền Việt Nam. Rồi tôi tham gia biểu tình ở Sài Gòn.

Mặc Lâm: Sau đó rồi anh bị bắt vào lúc nào, thưa anh? Cụ thể là vào ngày nào?
Nguyễn Thiện Thành: Ngày 19 tháng 9, có khoảng là 40 công an họ ập vô nhà tôi, ập vô cái nhà trọ tôi lúc đó chỉ có hai anh em tôi ở nhà thôi. Họ tiến hành thu giữ cái máy tính của tôi và họ chở anh em tôi về phường Đông Hưng Thuận quận 12. Trưa ngày 20, tôi bị họ chở trên ô tô chuyên dụng vô đồn công an PA24 ở quận Bình Thạnh. Họ làm việc với tôi ở công an PA24, tối ngày 21 họ thả tôi ra. Có 4 công an theo tôi ngày đêm, canh gác ở nhà trọ tôi.

Mặc Lâm: Trong khi bị tạm giữ cơ quan an ninh lấy lời khai của anh ra sao, anh đã ký nhận những việc anh làm là tự nguyện hay bị ép cung?
Nguyễn Thiện Thành: Có những người thì họ hăm dọa, nạt nộ; có những người thì họ nhẹ nhàng, có những người thì họ dụ dỗ.Tối ngày 21 thì họ viết sẵn một cái lá đơn là đơn xin nhận tội và họ bắt tôi ký vào cái biên bản là vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự tuyên truyền chống phá Nhà nước như là những cái tội là treo cờ, rải truyền đơn rồi biểu tình chống Trung Quốc, viết bài nữa. Họ bắt tôi đọc, rồi họ tiến hành quay phim. Sau đó họ mới cho tôi đi về và cho 4 công an đi theo tôi.

Mặc Lâm: Riêng việc cơ quan an ninh cáo buộc anh có hành vi khủng bố như âm mưu đặt chất nổ tại tượng đài Hồ Chí Minh thì sự thật như thế nào?
Nguyễn Thiện Thành: Chúng tôi là những người sinh viên, chúng tôi chỉ biết viết lách bằng máy computer thôi. Hồi xưa giờ chúng tôi đâu biết vũ khí đâu mà đặt bom khủng bố, với lại khi mà họ bắt gia đình tôi thì họ nói tôi đua xe. Mà khi họ bắt tôi cam kết thì vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Khi mất dấu tôi rồi thì họ kết tội tôi là khủng bố.

Đào thoát để tiếp tục đấu tranh

Mặc Lâm: Trong khi bị giam tại PA24 làm cách nào mà an ninh cho anh ra ngoài để anh có dịp trốn khỏi sự giám sát của họ?
Nguyễn Thiện Thành: Khi tôi vào trong PA24 thì tôi thấy là anh Trần Vũ Anh Bình và trong quá trình khai lời khai thì họ biết được anh em tôi là hoạt động đa số là ở trên internet và những hệ thống bí mật của nhóm. Họ muốn dùng công để khai thác những anh em khác cho nên họ tạo điều kiện là cho tôi về nhà sử dụng internet tại dịch vụ mà họ chỉ định.
Họ nói, tao cho mày về nhà, mày có 4 người công an canh theo tối ngày, họ ngồi trước cửa thay phiên nhau canh 24/24 đó. Đi ăn, theo dõi họ cũng đi theo thôi. Tới trưa ngày 22 thì tôi đi vào dịch vụ internet bằng những kiến thức mà tôi học được từ nhóm do Vũ Trực là chuyên viên hướng dẫn thì tôi vô hiệu hóa những cây blog mà công an họ đã cài sẵn ở trong đó. Tôi bắn cái thư tín bằng tín hiệu mật mã cho anh Vũ Trực thì nhận được cái lời của anh Vũ Trực là hãy trốn thoát gấp.
Ngày 22 thì chiều tối thì tôi về tới nhà. Cũng may mắn cho tôi là nhà kế bên họ có đám cưới và cái khu phố tôi ở là đường hẻm, cho nên khi họ dựng rạp thì nó che úp trên cái cửa trước nhà tôi thì công an cũng gặp khó khăn cho họ vì ngồi trước cửa đó. Sau đó tôi mới lợi dụng tình hình, tôi mới mở cửa sau ra, leo qua cái hành lang của cái nhà kế bên rồi tôi trốn thoát. Tôi chạy lên đường Nguyễn Văn Quá tiếp giáp với quốc lộ 1A, tôi mượn điện thoại của người đi đường gọi cho anh em tôi tới đón tôi tới nơi bí mật.

Mặc Lâm: Trong tình hình hiện nay tuy đang ở một nơi tạm gọi là bí mật nhưng sự nguy hiểm vẫn chưa hết, vậy anh và nhóm các bạn trẻ thanh niên yêu nước có quyết định như thế nào về sự ra đi của anh, đến một nước thứ ba chẳng hạn?
Nguyễn Thiện Thành: Tôi cũng có thảo luận với lại tất cả anh em trong tổ chức của chúng tôi thì họ nói, nếu mà tôi ở lại thì tội của tôi rất là nặng. Nếu tôi đi được đến nước thứ ba thì sẽ giúp ích được cho anh em ở trong nước và tiếp tục điều hành những anh em sinh viên liên hệ với chúng tôi.

Mặc Lâm: Cách đây không lâu chúng tôi có phỏng vấn thân phụ của anh. Hôm nay anh có muốn nhắn tin gì cho gia đình thông qua làn sóng của RFA hay không?
Nguyễn Thiện Thành: Dạ thưa Quý đài, xin phép cho tôi gọi thân phụ tôi bằng thầy vì thân phụ tôi tu theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Sau khi Giáo hội đó trong nước bị hạn hẹp, thầy tôi không có đồng tình với đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lập gia đình, rồi về nhà tu giữ được cái truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, cho nên tôi gọi bằng thầy.
Khi tôi nói tiếng thầy tôi trên làn sóng của RFA thì tôi rất là cảm động. Thông qua đài này, thì tôi xin nhắn tới thầy và gia đình là xin thầy hãy tha lỗi cho con, cái tội bất hiếu của con đối với gia đình. Nhưng mà con nhớ những lời thầy dạy con với em con, đại hiếu là hiếu với Tổ quốc và tiểu hiếu là hiếu với gia đình. Trong tình cảnh đất nước mình bây giờ không có sự dân chủ thì con xin chọn đại hiếu.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn anh.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Xem thêm :




No comments:

Post a Comment

View My Stats