Monday, 26 November 2012

VĂN PHÒNG QUỐC TẾ CHAMPA DỰ HỘI NGHỊ LHQ VỀ DÂN TỘC THIỂU SỐ (Hòa Ái - RFA)




Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-11-26

Văn phòng Quốc Tế Champa, International Office of Champa (gọi tắt là IOC), sẽ tham dự Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 về Dân tộc Thiểu số ở Geneva, Thụy Sĩ trong 2 ngày 27 và 28/11.

Văn phòng Quốc tế Champa được xem là một tổ chức tiếng nói của cộng đồng người Chăm. Đây là lần thứ 3, tổ chức IOC được Liên Hiệp Quốc mời tham dự Diễn đàn về Dân tộc Thiểu số.

Thông điệp của IOC

Trả lời phỏng vấn từ Paris, Tiến sĩ Po Dharma, Đại diện tổ chức IOC, cho biết nhận xét của tổ chức IOC về chính sách của Nhà nước Việt Nam dành cho cộng đồng dân tộc Chăm ở trong nước hiện nay:
Theo chúng tôi nghĩ là nhà nước Việt Nam lúc nào cũng tuyên bố, phát biểu trước diễn đàn LHQ, cũng viết trên báo chí là Nhà nước Việt Nam luôn luôn trung thành với những gì mà nhất là “Quyền của Dân tộc Thiểu số” do LHQ đưa ra. Tiếc rằng trong chính sách đó khi thực hiện lại không hoàn hảo, không phù hợp với yêu cầu của dân tộc thiểu số, với những điều lệ do hiến chương của LHQ liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số. Đó là vấn đề rắc rối nhất và khó khăn nhất.

Hòa Ái: Trong lần tham dự này thì thông điệp mà tổ chức IOC muốn mang đến LHQ là gì, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Po Dharma: Trong diễn đàn lần này, chúng tôi muốn điểm lại những gì Nhà nước Việt Nam đã giúp cho dân tộc thiểu số tại Việt Nam nói chung và dân tộc thiểu số người Chăm nói riêng. Trong những phần chính phủ Việt Nam đang giúp đỡ thì chúng tôi rất cảm ơn. Chúng tôi không dám nói là nhà nước Việt Nam không chăm lo cho dân tộc thiểu số nhưng tiếc rằng trong các dự án lo cho dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số người Chăm là chính sách đó chưa phát triển nhiều và không đem lại kết quả mỹ mãn. Như vậy, chúng tôi sẽ đề nghị lại với Diễn đàn LHQ 6 vấn đề đối với nhà nước Việt Nam.

Hòa Ái:Theo như Tiến sĩ chia sẻ, lần này tổ chức IOC sẽ trình bày 6 điểm. Vậy 6 điểm cụ thể là gì?
Tiến sĩ Po Dharma: Cụ thể thứ nhất là dân tộc người Chăm là một thành phần dân tộc thiểu số ở Việt Nam lâu đời, có chiều dài lịch sử là thần dân của Vương quốc Champa thời trước, ở miền Trung Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần phải biết.
Điểm thứ hai, sau ngày Vương quốc Champa bị mất nước-1832, Vua Thiệu Trị đã lập lại quy ước mới là cho lại quy chế đặc biệt cho dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Và quy chế đặc biệt này trong suốt thời kỳ Thiệu Trị, Từ Đức, Khải Định, Bảo Đại và cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn áp dụng. Sau 1975, quy ước đó không còn nữa. Dân tộc Chăm hôm nay chỉ yêu cầu Nhà nước Việt Nam nghiên cứu thế nào đó là tái lập lại quy ước-chính sách đặc biệt do Vua Thiệu Trị ban hành để cho họ có một cuộc sống thoải mái hơn, có kinh tế phát triển hơn và nhất là đất đai của họ, riêng trong vùng Bình Thuận, Ninh Thuận mà thôi.
Vấn đề thứ ba, Nhà nước Việt Nam với danh nghĩa là một quốc gia có chính quyền, Nhà nước Việt Nam có quyền quốc hữu hóa hay thu phục lại tất cả đất đai người Chăm, đó quyền của Nhà nước Việt Nam. Nhưng rất tiếc rằng, đất đai của người Chăm, ruộng nương của họ, chính họ là người tự tạo ra, do mồ hôi nước mắt họ tạo ra, Nhà nước lấy hết đất đai của họ mà không bồi thường gì hết. Họ sống nhờ ruộng nương, họ không biết làm nghề gì hết ngoài vấn đề cày ruộng. Đó là điểm thứ ba chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam cứu xét lại.
Thứ tư, một cộng đồng thôn quê không có đất đai, không có tiền bạc, không có gì để sống, làm sao họ thoát khỏi ra được vấn đề nghèo đói? Từ chỗ đó, chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam nếu không giúp về đất đai được thì ít ra Nhà nước Việt Nam phải tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm để có kinh tế ưu đãi hơn.
Riêng về thứ năm, chúng tôi yêu cầu muốn cho dân tộc Chăm được sống lại thì dân tộc Chăm phải có lực lượng dân sự mạnh, phải có những người trí thức, phải có những người nghiên cứu, phải có những sinh viên tại đại học. Có như thế, những trí thức đó trở lại để giúp làng xã của họ được.
Về yêu cầu cuối cùng của chúng tôi, nhất là trong lực lượng dân sự của hệ thống Nhà nước Việt Nam hôm nay, từ cấp xã, cấp quận, cấp tỉnh, cho tới cấp trung ương không có người Chăm trong đó. Tất cả những vấn đề liên quan đến vấn đề người Chăm thì hoàn toàn người Chăm không biết gì hết. Chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam làm thế nào để cho người Chăm có một tiếng nói cho biết quan điểm của họ như thế nào về các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị.

Phù hợp luật pháp

Hòa Ái: Có thể nói 6 yêu cầu mà tổ chức IOC đệ trình lần này không mang tính chất yêu sách quá mức, trọng điểm là cộng đồng người Chăm mong muốn Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho cuộc sống dân sinh của họ được ổn định và phát triển. Tuy nhiên, có những thông tin chống phá tổ chức IOC vì cho rằng tổ chức hoạt động với mục đích chống đối lại chính phủ Việt Nam. Ý kiến của Tiến sĩ như thế nào trước sự việc này?
Tiến sĩ Po Dharma: Chúng tôi chỉ góp phần với tư cách là nhà khoa học, vì tôi là nhà khoa học. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế mà chúng tôi thấy Nhà nước Việt Nam chưa thực hiện đúng mức, chứ không phải là tôi chỉ trích nhà nước Việt Nam. Nhưng rất tiếc rằng khi chúng tôi đề nghị ra vấn đề gì đó thì người ta lại cho là phản động. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận điều đó, cho tôi là người không có đồng tình với chính phủ Việt Nam. IOC không bao giờ làm bất cứ điều gì mà đi ngược lại với quy chế hiệp ước, ngược lại với chính sách nhà nước, hoàn toàn phù hợp với luật lệ Nhà nước Việt Nam và luôn luôn phù hợp với luật lệ LHQ.

Hòa Ái: Với tư cách là một người đã tham dự Diễn đàn nhiều lần, Tiến sĩ thấy rằng sẽ có hy vọng nào cho cộng đồng người Chăm với 6 yêu cầu của tổ chức IOC đệ trình lần này không, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Po Dharma: Chúng tôi rất hy vọng. Chúng tôi hy vọng rằng lần này, Nhà nước Việt Nam phải công nhận rằng dù sao đi nữa trên dải đất Việt Nam hôm nay có đến 45 Dân tộc Thiểu số. Mỗi Dân tộc Thiểu số có lịch sử riêng của họ. Và Dân tộc Thiểu số là thành phần dân tộc đã từng góp phần đấu tranh, bảo vệ, nhất là bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam. Tất cả những người Dân tộc Thiểu số hôm nay đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành cơ sở Việt Nam. Khi chúng tôi đã tham gia vào công trình xây dựng lịch sử Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam phải suy xét lại điều này.

Hòa Ái: Cảm ơn Tiến sĩ Po Dharma đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

-------------------------------


Written by BBT Champaka.info   
Sunday, 28 October 2012 09:52

Vào ngày 27 và 28 tháng 11 năm 2012, Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức diễn đàn lần thứ 5 vể dân tộc thiểu số (Fifth Session of the Forum on Minority Issues) tại Geneva (Thụy Sĩ) mang chủ đề: “Thực hiện tuyên ngôn về Quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc hay sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ: Xác định các thành quả và cơ hội”
(Implementing the Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities: Identifying positive practices and opportunities).

Theo nguồn tin từ Hoa Kỳ, IOC-Champa sẽ gởi một phái đoàn sang Thụy Sĩ để tham dự diễn đàn quốc tế này hầu đấu tranh bảo vệ quyển lợi của dân tộc Chăm, một thành phần dân tộc ít người tại quốc gia Việt Nam đa chủng tộc.

Diễn đàn về dân tộc thiểu số là chương trình nằm trong dự án của “Bản tuyên ngôn về các quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc hay sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ” (Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities), viết tắt là Tuyên Ngôn về Quyển Dân Tộc Thiểu Số do Hội Đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết vào ngày 18-12-1992 tại New York. Đây là qui chế pháp lý quốc tế mà nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam thường đưa ra nhiều khái niệm khác nhau, do tính chất  nhạy cảm từ các góc độ chính trị, lịch sử, kinh tế, tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc và xã hội. Chính đó là trọng tâm của bài viết mà BBT Champaka.info xin gởi đến độc giả nhằm giải thích thế nào là quyền của dân tộc thiểu số nằm trong bản Tuyên Ngôn này.
  
Tuyên Ngôn về Quyển Dân Tộc Thiểu Số là nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các quyền đặc biệt của người thiểu số trong một quốc gia đa chủng tộc và đồng thời nêu những nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng của các quốc gia đã ký vào bản tuyên ngôn này để thực hiện những quyền của dân tộc thiểu số. Đối với Liên Hiệp Quốc, chính sách thực thi các quyền của người thiểu số sẽ góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị và xã hội của những quốc gia đó. Tuyên ngôn này cũng nêu ra những trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và tổ chức của Liên Hợp Quốc nhằm góp phần vào việc thực hiện đầy đủ những quyền của người thiểu số được nêu trong bản Tuyên Ngôn. Thêm vào đó, bản tuyên ngôn này cấu thành yếu tố pháp lý mà các quốc gia trên thế giới sẽ dựa vào đó nhằm tham khảo và sử dụng trong việc xây dựng luật pháp và chính sách quốc gia liên quan đến người thiểu số.

1). Các quyền của người thiểu số được qui định trong bản Tuyên Ngôn:

• Được Nhà nước bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hoá, tôn giáo và ngôn ngữ của của họ (Điều 1).

• Được hưỏng nền văn hoá riêng của họ, được thừa nhận và thực hành tôn giáo riêng của họ, được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ trong đời sống riêng tư hay công cộng (Điều 2.1).

• Được tham gia một cách hiệu quả vào đời sống văn hoá, tôn giáo hay xã hội, kinh tế và đời sống công cộng của quốc gia đó (Điều 2.2).

• Được tham gia một cách có hiệu quả vào những quyết định có ảnh hưởng đến dân tộc thiểu số ở các cấp quốc gia, khu vực và địa phương (Điều 2.3).

• Được thành lập và duy trì các hội đoàn riêng của họ (Điều 2.4).

• Được thành lập và duy trì các cuộc tiếp xúc tự do và hoà bình ở trong nước cũng như qua biên giới với các thành viên khác cùng nhóm của họ và với những người thuộc các nhóm thiểu số khác (Điều 2.5).

• Được tự do thực hiện các quyền của họ với tư cách cá nhân, cũng như trong cộng đồng cùng với các thành viên khác trong nhóm của họ mà không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử nào (Điều 3).

2). Trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước được qui định trong bản Tuyên Ngôn:

• Đảm bảo rằng người thiểu số có thể được thực hiện đầy đủ và hiệu quả tất cả các quyền con người và những tự do cơ bản của họ mà không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử nào trước pháp luật (Điều 4.1).

• Tạo điều kiện thuận lợi cho người thiểu số được thể hiện những đặc điểm riêng của họ và được phát triển văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống và tập quán của họ (Điều 4.2).

• Cho phép người thiểu số có đầy đủ những cơ hội được học bằng tiếng mẹ đẻ của họ hoặc được giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ của họ (Điều 4.3).

• Khuyến khích phát triển kiến thức về lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ và văn hoá của người thiểu số đang sống trong phạm vi lãnh thổ của họ và đảm bảo rằng người thiểu số có đầy đủ những cơ hội để có được kiến thức xã hội tổng thể (Điều 4.4).

• Cho phép người thiểu số tham gia vào sự phát triển và tiến bộ kinh tế (Điều 4.5).

• Xem xét những lợi ích chính đáng của người thiểu số trong việc xây dựng và thực hiện những chính sách, chương trình quốc gia và các chương trình hợp tác, trợ giúp quốc tế (Điều 5).

• Hợp tác với những quốc gia khác về những vấn đề liên quan đến người thiểu số, gồm việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy lòng tin và hiểu biết lẫn nhau (Điều 6).

• Thúc đẩy sự tôn trọng những quyền được nêu ra trong Tuyên ngôn này (Điều 7).

• Thực hiện những nghĩa vụ và cam kết quốc tế mà họ đã đảm nhận theo các điều ước và thoả thuận quốc tế mà họ là thành viên (Điều 8).

Bài đọc thêm:







No comments:

Post a Comment

View My Stats