Sunday, 25 November 2012

TỰ DO & QUỐC GIA (Milton Friedman)





25-11-2012

Trong đoạn được trích dẫn nhiều trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Kennedy nói, "Hãy đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho ta-hãy hỏi ta có thể làm gì cho quốc gia." Cả hai vế của câu tuyên bố này đều không diễn tả mối quan hệ giữa công dân và chính quyền mà xứng đáng với những lý tưởng của người tự do trong xã hội tự do. "Quốc gia có thể làm gì cho ta" có tính gia trưởng ấy ám chỉ chính quyền là cha, công dân là con, một quan điểm không hợp với niềm tin của người tự do về trách nhiệm của chính mình đối với số phận của chính mình. "Ta có thể làm gì cho quốc gia" có tính lệ thuộc ấy ám chỉ chính quyền là chủ hay thần thánh, công dân là đầy tớ hay tín đồ nhiệt tâm.

Đối với người tự do, quốc gia là tập hợp những cá nhân tạo thành quốc gia ấy, không phải cái gì đấy bao trùm lên họ hay cao hơn họ. Người tự do tự hào về di sản chung và trung thành với những truyền thống chung. Nhưng người tự do xem chính quyền là phương tiện, công cụ, không phải người ban ân huệ và quà tặng, cũng không phải người chủ hay thần thánh để tôn thờ và phục vụ mù quáng. Người tự do không thừa nhận mục tiêu quốc gia nào ngoại trừ mục tiêu ấy là sự đồng ý chung về những mục tiêu mà các công dân phục vụ riêng. Người tự do không thừa nhận mục đích quốc gia nào ngoại trừ mục đích ấy là sự đồng ý chung về những mục đích mà các công dân mưu cầu riêng.

Người tự do sẽ không hỏi quốc gia có thể làm gì cho mình và cũng sẽ không hỏi mình có thể làm gì cho quốc gia. Đúng ra người tự do sẽ hỏi "Tôi và đồng bào tôi có thể làm gì qua chính quyền" để giúp chúng tôi làm tròn trách nhiệm cá nhân của chúng tôi, để đạt được những thành tựu và mục đích riêng của chúng tôi, và quan trọng nhất, để bảo vệ tự do của chúng tôi? Và người tự do sẽ hỏi kèm câu hỏi này với câu hỏi khác: Làm thế nào chúng tôi có thể ngăn cản chính quyền do chúng tôi tạo ra trở thành một ác quỷ mà sẽ hủy diệt chính tự do mà chúng tôi lập ra chính quyền để bảo vệ?

Tự do là một loại cây hiếm và mỏng manh. Trí tuệ chúng ta mách với chúng ta, và lịch sử xác nhận, rằng mối đe dọa rất lớn đối với tự do là sự tập trung quyền lực. Chính quyền cần thiết để gìn giữ tự do của chúng ta, chính quyền là công cụ qua đó chúng ta có thể thực thi tự do của chúng ta; tuy nhiên khi quyền lực tập trung vào những nhà chính trị, quyền lực ấy cũng là mối đe dọa đối với tự do. Cho dù những người nắm quyền lực này ban đầu có thiện ý và cho dù họ không bị quyền lực họ thực thi làm cho họ thối nát, quyền lực ấy nhất định sẽ hấp dẫn họ và khiến họ trở thành những người khác hẳn.

Sự gìn giữ tự do là lý do bảo vệ nhằm hạn chế và phi tập trung quyền lực của chính quyền. Nhưng cũng có lý do hữu ích. Những tiến bộ lớn lao của nền văn minh, dù trong kiến trúc hay hội họa, trong khoa học hay văn chương, trong công nghiệp hay nông nghiệp, đều chưa bao giờ xuất phát từ chính quyền được quy về trung ương. Columbus đã không bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường mới đến Trung Quốc theo chỉ thị đa số của nghị viện, tuy ông được chính thể quân chủ chuyên chế tài trợ một phần. Newton và Leibnitz; Einstein và Bohr; Shakespeare, Milton và Pasternak; Whitney, McCormick, Edison và Ford; Jane Addams, Florence Nightingale, và Albert Schweitzer; không có ai trong những người này đã mở ra những chân trời mới trong kiến thức và hiểu biết của con người, trong văn chương, trong những tiềm năng kỹ thuật, hay trong nỗ lực làm giảm đi sự khổ đau của con người theo những chỉ thị của chính quyền. Thành tựu của họ là sản phẩm của thiên tài cá nhân, của quan điểm thiểu số kiên định, của bầu không khí xã hội cho phép sự muôn màu muôn vẻ.

*

Milton Friedman là nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng. Ông được trao tặng giải Nobel kinh tế năm 1976.

Nguồn: Trích từ lời tựa của tác phẩm "Chủ nghĩa tư bản và Tự do" (1962) của Milton Friedman. Tựa đề của người dịch.

Bản tiếng Việt:







No comments:

Post a Comment

View My Stats