Tổ Quốc 146
Phát hành
: 15/11/2012
Đại hội
18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kết thúc. Không có quyết định nào đáng nói
ngoài những thay đổi nhân sự đã được dự đoán từ lâu. Ông Hồ Cẩm Đào, tổng bí
thư mãn nhiệm, đánh giá biến cố này như một thắng lợi lớn, chỉ vì đã không có
xung đột và đổ vỡ.
Không có quyết định đồng nghĩa với bế tắc vì Trung Quốc đang
đứng trước một khúc quanh hiểm nghèo. Mô hình xã hội của nó không còn hợp thời
nữa. Xuất khẩu đã sút giảm nghiêm trọng trong một bối cảnh kinh tế mà quan tâm
của mọi nước, nhất là những nước khách hàng chính của Trung Quốc, là giảm nhập
khẩu để quân bình cán cân thương mại. Tăng trưởng kinh tế đã khựng lại và sự
thực chắc chắn còn khó khăn hơn nhiều so với những con số chính thức được công
bố. Trong năm năm qua Trung Quốc đã cố duy trì một tỷ lệ tăng trưởng cao bằng
những quyết định duy ý chí trong hai hướng chính: một là buộc các ngân hàng
tiếp tục cho vay để các công ty giữ nguyên nhịp độ sản xuất dù không bán được sản
phẩm; hai là gia tăng chi tiêu công cộng để thực hiện những công trình xây dựng
hạ tầng cơ sở dù không có nhu cầu. Kết quả là nợ xấu chồng chất trong các ngân
hàng, hàng tồn kho chồng chất trong các công ty, chiếc bong bóng địa ốc tiếp
tục phình lên. Tình trạng này không thể kéo dài. Những yếu kém ngày càng thấy
rõ. Trung Quốc có thể chỉ là một sự phá sản chưa thú nhận, tương tự như Liên Xô
ba thập niên trước. Nhưng mối nguy lớn nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc
không phải là kinh tế mà là những căng thẳng trong xã hội do bất công và tham
nhũng ngày càng lớn. Theo các nghiên cứu nghiêm chỉnh tăng trưởng kinh tế đã
chỉ chủ yếu làm giầu cho 6% dân chúng, tương đương với con số 83 triệu đảng
viên cộng sản .
Trên thực tế Trung Quốc không khác một quốc gia bị chiếm đóng,
dày xéo và bóc lột. Chỉ khác các chế độ thực dân trước đây ở chỗ kẻ bóc lột
không phải là nước ngoài mà là đảng cộng sản. Và không phải chỉ có thế. Đất
nước Trung Quốc còn bị tàn phá và hủy hoại, người dân Trung Quốc còn mất cả
không khí sạch để thở và nước sạch để uống do chính sách công nghiệp hóa hoang
dại bất chấp môi trường. Tình trạng này là một trái bom nổ chậm khi mà gần 500
triệu người Trung Quốc đã biết sử dụng Internet và được thông tin về những gì
đang xảy ra tại Trung Quốc và trên thế giới. Hồ Cẩm Đào nói rằng tham nhũng có
thể làm sụp đổ chế độ và đảng cộng sản, nhưng làm sao chống tham nhũng khi tất
cả các quan chức đều tham nhũng? Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình không phải là những
ngoại lệ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 2/3 dân chúng Trung Quốc muốn có
cải tổ chính trị. Nguyện vọng này chắc chắn sẽ ngày một mạnh, nhất là nếu để bù
lại sự sút giảm của xuất khẩu Trung Quốc bắt buộc phải tăng cường thị trường
nội địa, mà hậu quả tự nhiên là thêm sức mạnh cho xã hội dân sự. Nhưng cải tổ
chính trị có thể là gì khác hơn là dân chủ hóa? ĐCSTQ sẽ có tương lai nào khi
mà người Trung Quốc đã có quyền chọn lựa người cầm quyền?
Và chính Trung Quốc sẽ ra sao? Đừng quên rằng trong suốt dòng
lịch sử dài của nó sự thống nhất của Trung Quốc đã chỉ được duy trì bằng bạo
lực và tàn sát, không có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ tồn tại được với dân số và
lãnh thổ hiện nay sau cuộc chuyển hóa bắt buộc và khẩn cấp về dân chủ.
Trung Quốc đang đứng trước những thử thách rất hiểm nghèo nhưng
chưa có dấu hiệu là đã nhìn ra giải đáp.
Ban Biên
Tâp Tổ Quốc
Liên lạc: toquocmagazine@yahoo.com
DOWNLOAD :
---------------------------------------------
CÁC SỐ BÁO CŨ :
No comments:
Post a Comment