Wednesday, 7 November 2012

TRUNG QUỐC: THẾ HỆ LÃNH ĐẠO THỨ NĂM – THẾ HỆ CỦA HY VỌNG CẢI CÁCH (South China Morning Post)




South China Morning Post

Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by basamnews on 07/11/2012

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong quá trình chuyển giao lãnh đạo 10 năm mới diễn ra một lần. Trước những biến đổi xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước thách thức phải tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực để đáp ứng kịp sự thay đổi của thời đại và duy trì vị thế cầm quyền của mình. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng vừa đăng bài viết về khả năng tiến hành cải cách của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thế hệ thứ năm. Dưới đây là nội dung bài viết:

Ban lãnh đạo sắp tới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa và “mở cửa” trong những năm 1980, nhưng những lợi ích thương mại có lẽ là một trở ngại của sự thay đổi. Những kỳ vọng đã được đặt lên vai các nhà lãnh đạo thuộc cái gọi là thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người được thiết kế để nắm giữ những vị trí quyền lực chủ chốt tại Đại hội 18 sẽ diễn ra vào tháng tới.

Người Trung Quốc nói rằng một con người trước tiên cần phải biết nếm trải cay đắng trước khi người đó hiểu được sự ngọt ngào, và không có thế hệ nào ở đất nước Trung Quốc hiện đại có thể hiểu điều này hơn thế hệ lãnh đạo thứ năm, những người hiện đang trong độ tuổi 50, 60. Nhiều người trong số họ chỉ đang là những cô cậu thanh thiếu niên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa hết sức hỗn loạn, là những Hồng Vệ binh và sau đó trở thành những thanh niên bị đẩy về các miền quê để sống trong cảnh đói nghèo và “học tập từ những người nông dân”.

Gần như toàn bộ trong số họ tiếp tục trải qua tuổi xuân bốc đồng và dùi mài kinh sử ở những trường đại học Trung Quốc trong những năm 1970 và 1980. Thiên An Môn là một sự kiện mang tính bước ngoặt – đối với một số người, nó là ngục tù và lưu vong, trong khi những người khác đã vượt qua được để leo lên các chức vụ trong bộ máy quan liêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc để chứng kiến và hưởng những thành quả ngọt ngào của công cuộc hiện đại hóa. Với những nền tảng đó, không ngạc nhiên khi có nhiều người Trung Quốc coi các nhà lãnh đạo sắp tới của đất nước là những người thông minh nhất tính đến thời điểm này, những người biết cảm thông nhờ thực tế trải qua và có tầm nhìn xa trông rộng cùng sự kiên cường.

Lấy ví dụ Lý Khắc Cường, người gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo. Ông Lý Khắc Cường được các bạn học tại Đại học Bắc Kinh biết đến là một người có tài ứng đối nhanh nhạy và là một sinh viên luật xuất sắc, người luôn vượt trội trong các cuộc tranh luận trong bầu không khí của phái tự do vào thời điểm đó, Tiến sĩ Vương Quân Đào, một bạn học thời sinh viên của Lý Khắc Cường và là người đã đề cử Lý Khắc Cường vào vị trí Chủ tịch Hội sinh viên, hồi tưởng lại về nhà lãnh đạo này: “Ông ấy là một người có đầu óc sắc bén, sôi nổi và là một người có suy nghĩ độc lập”.

Ba thập kỷ đã trôi qua. Số phận của họ không thể khác hơn. Lý Khắc Cường là vị Phó Thủ tướng cấp cao nhất của Trung Quốc và được sắp đặt trở thành nhân vật quyền lực số hai của đất nước tại Đại hội 18, sự kiện khai mạc ngày 8/11 tới. Vương Quân Đào, Chủ tịch đảng Dân chủ Trung Quốc, hiện đang sống lưu vong sau khi bị tống giam vì bị coi là “Bàn tay Đen” của phong trào ủng hộ dân chủ Thiên An Môn năm 1989.

Theo các chuyên gia phân tích, đó là những loại hình đầu tiên của những cuộc đụng độ ban đầu với những người có nền tảng chính trị và trí tuệ khác nhau, làm dấy lên hi vọng rằng ban lãnh đạo sắp tới sẽ có những quan điểm hiện đại hơn về quản trị và một quan điểm về thế giới rộng mở hơn so với thế hệ lãnh đạo cũ.

Giáo sư Michel Bonnin, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại và Hiện đại ở Pari (Pháp) nhận định: “Ban lãnh đạo mới có lẽ sẽ rất khác với thế hệ Hồ cẩm Đào. Những con người này đã ở trường đại học khi các trường đại học đang thu hút những ý tưởng của phương Tây và đang có một bầu không khí tự do hơn ở các khu trường sở”.

Tuy nhiên, chính kinh nghiệm ban đầu của họ về thử thách gian khổ ở vùng nông thôn làm gia tăng những kỳ vọng rằng những nhà lãnh đạo mới sẽ có sự cảm thông lớn hơn đối với người nghèo. Là “thanh niên có giáo dục,” nhiều người đã được gửi đến các nông trang, nơi họ đã trải qua cảnh nghèo đói thê thảm của người nghèo ở nông thôn, Thật khó để tưởng tượng rằng điều này sẽ không có tác động đến cuộc sống của họ, khiến họ nhạy cảm hơn với hoàn cảnh khó khăn của người dân nghèo và có cái nhìn thực tế về những vấn đề của đất nước.

Bonnin, người đã viết cuốn sách “Thế hệ mất mát: Cuộc sống ở nông thôn của những thanh niên có giáo dục ở Trung Quốc, 1968-1980” tin rằng các nhà lãnh đạo của thế hệ lãnh, đạo mới đã sống qua những ngày tháng tuổi trẻ của mình trong cuộc Cách mạng Văn hóa kinh hoàng, và cũng đã nếm trải bầu không khí tự do của những năm 1980, sẽ nhận thấy rằng những vấn đề của đất nước sẽ cần được giải quyết thông qua sự cai trị của luật pháp và cải cách chính trị. Bonin nói: “Đó là một ý tưởng sai lầm bởi vì những người này là những Hồng Vệ binh trong kỷ nguyên Cách mạng Văn hóa, họ sẽ là những người Cộng sản theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Xuống các vùng nông thôn khiến họ suy nghĩ về thực tế và… họ chống lại các khẩu hiệu rỗng tuếch. Tôi nghĩ rằng những con người này, những người đã trải qua Cách mạng Văn hóa, sẽ tìm cách hiện đại hóa Trung Quốc theo phương hướng cai trị của luật pháp. Họ sẽ hiểu rằng đây là giải pháp duy nhất – và phương pháp của Mao Trạch Đông về sự động viên và tuyên truyền là không tốt cho việc giải quyết các vấn đề của Trung Quốc”.

Chuyên gia lịch sử Viên Vĩ Thời tin răng các nhà lãnh đạo mới hiểu được nhân dân, cộng với quan điểm hiện đại hơn của họ, sẽ tạo ra sự khác biệt trong phong cách cai trị của họ so với thế hệ lãnh đạo hiện nay. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Thế hệ lãnh đạo mới khác với thế hệ lãnh đạo sắp mãn nhiệm. Tâm lý của họ ít độc đoán hơn. Họ hiểu rõ người dân từ gốc rễ và họ có nhiều sự hiểu biết cũng như ý tưởng hơn về vấn đề thế giới sẽ ra sao – điều này sẽ tác động đến sự quản lý của họ”.

Tuy nhiên, chuyên gia Viên Vĩ Thời lo ngại rằng ngay cả khi họ nhận ra rằng cải cách chính trị là một bước đi cần thiết để ngăn chặn sự bất bình đáng xã hội, một khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng và nạn tham nhũng tràn lan, thì họ vẫn thiếu giải pháp thúc đẩy những sáng kiến do lo ngại rằng tự do hóa có thể gây ra bất ổn xã hội, và đối với một số người, có thể hủy hoại những quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch trong lĩnh vực thương mại. Chuyên gia này nhận định: “Không thực hiện được những bước đi đủ lớn sẽ gây thiệt hại cho sự phát triển của Trung Quốc. Chúng ta sẽ phải chờ đợi và xem xem liệu họ có đủ dũng cảm và tầm nhìn để tiến hành những bước đi đó hay không. Khi họ tiếp nhận quyền lực, ưu tiên của họ sẽ là làm sao cho những vị trí của họ được bảo đảm”.
Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng một vài trong số những nhà lãnh đạo mới có thể trở thành kiểu quan chức mà họ đã từng ghét cay ghét đắng. Một điều không có gì bí mật là nhiều quan chức Đại lục và người thân của họ lợi dụng những mối quan hệ và dòng dõi của họ để gây ảnh hưởng đến chính trị và kinh doanh, đồng thời và tích lỹ những khối tài sản kếch xù. Nhiều người đã kiếm được hộ chiếu ngoại giao, gửi con cái của họ ra nước ngoài và cất giấu hàng trăm triệu USD ở nước ngoài.

Sự oán giận của công chúng đối với nạn tham nhũng và bè phái trong các gia đình nhiều quyền lực chính trị đang gia tăng trong bối cảnh khoảng cách thu nhập ở Đại lục tiếp tục bị nới rộng, đe dọa sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hãng tin kinh tế-tài chính Bloomberg đưa tin hồi tháng 6 rằng gia đình họ hàng của Chủ tịch nước Trung Quốc tương lai Tập Cận Bình có những lợi ích kinh doanh trong nhiều lĩnh vực thương mại khác nhau, bao gồm các khoản đầu tư trong các công ty với tổng giá trị tài sản lên tới 376 triệu USD. Hãng tin này cũng nói rằng năm nay gia đình của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người vừa bị Đảng Cộng sản Trung Quốc hạ bệ và chuẩn bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng – đã tích lũy được khối tài sản trị giá ít nhất 136 triệu USD.

Các chuyên gia nói rằng mạng lưới các lợi ích thương mại bất di bất dịch và phức tạp này sẽ là một trở ngại chính trong các kế hoạch cải cách chính trị của ban lãnh đạo sắp tới. Trình Tường, một chuyên gia kỳ cựu có nhiều năm theo dõi tình hình Trung Quốc nhận định: “Cải cách chính trị cũng sẽ động đến những lợi ích bất di bất dịch của họ và sự trì trệ của chế

độ không phải là thứ mà một nhóm người cỏ thể thay đổi… Khi bạn là một phần của chế độ, bạn không thể không tham gia trò chơi”.

Chuyên gia Bonnin cũng nhất trí với nhận định của chuyên gia Trình Tường khi nhấn mạnh: “Người dân đã cảm thấy rằng sự giàu có của các nhà lãnh đạo không phải đạt được nhờ các hoạt động hợp pháp và có đạo đức, và các nhà lãnh đạo sẽ chống lại sự thay đổi bởi vì họ sợ rằng nếu như có sự cai trị của luật pháp và dân chủ, họ sẽ bị buộc tội’’.

Chương Lập Phàm, một chuyên gia lịch sử từng làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng quá khứ khiêm tốn của thế hệ lãnh đạo mới và sự hiểu biết của họ về sự nghèo đói không đảm bảo rằng họ sẽ ủng hộ cải cách. Ông Chương Lập Phàm nhấn mạnh: “Bạn không thể luôn luôn dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ để phán xét sự thể hiện trong tương lai. Điểm mấu chốt là họ sẽ trở thành thứ quyền lực giống như họ đã từng nếm trải”.
Vương Quân Đào, người biết khá rõ về Lý Khắc Cường thời còn học đại học, nói rằng với những năm mà Lý Khắc Cường đã công tác và thăng tiến đến vị trí cao cấp trong ban lãnh đạo bảo thủ, ông không chắc liệu Lý Khắc Cường có còn đủ dũng cảm để tiến hành các cuộc cải cách hay không. Ông Vương Quân Đào nói: “Nếu như Lý Khắc Cường có thể tồn tại trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông ấy có thể đã thay đổi. Ớ một ngã tư nguy hiểm, khi tình thế buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thúc đẩy cải cách, Lý Khắc Cường có thể sẽ làm điều đó, nhưng ông ấy không phải là một con người dũng cảm để đưa ra những sáng kiến của riêng mình.

Trong khi đó, chuyên gia Chương Lập Phàm nói rằng sự ưu tiên toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn luôn là duy trì sinh mệnh chính trị của họ, vì thế các nhà lãnh đạo trước tiên phải đảm bảo rằng bất kỳ cuộc cải cách nào đều không được đe dọa quyền lực của họ. Ông Chương Lập Phàm nhấn mạnh: “Nếu họ tiến hành cải cách thì điều đó sẽ là vì việc duy trì vị thế cầm quyền của họ… để Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể duy trì quyền lực. Họ sẽ chỉ hành động trong điều kiện an toàn. Họ phải duy trì sự trung thành đối với các lợi ích của Đảng. Đó là giới hạn cuối cùng và không thể được phép vượt qua.

***

TTXVN (Angiê 3/11)

Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc theo kế hoạch sẽ khai mạc ngày 8/11 tới. Phân tích sự kiện này trên tạp chí “Địa chính trị”, chuyên gia Francis Daho đánh giá đây là một nghi lễ chính trị trọng đại trong hệ thống chính trị của nước này.

Dự đại hội có 2.270 đại biểu thuộc 40 đoàn gồm 31 đoàn của các tỉnh, thành và khu tự trị và 9 đoàn khác thuộc các tổ chức trung ương của Đảng, chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước lớn, ngân hàng, quân đội, cảnh sát, Đài Loan, Hồng Công và Ma Cao. Ngoài ra còn cựu thành viên các cơ quan lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, những người vẫn còn ảnh hưởng lớn trên chính trường. Việc lựa chọn đại biểu được tiến hành từ hơn một năm nay theo những quy tắc phức tạp và được phủ một vỏ bọc dân chủ mỏng manh, bắt buộc số ứng cử viên phải cao hơn 15% so với số đại biểu được chọn. Tuy nhiên, tiến trình này chắc chắn vẫn chịu tác động của nhiều nhóm vận động hành lang.

Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đuổi hai mục tiêu lớn. Thứ nhất là tổng kết và rút ra bài học từ 10 năm cầm quyền của thế hệ lãnh đạo thứ tư của Đảng và xác định chiến lược cho thời gian tới. Thứ hai là thông qua việc bổ nhiệm thành viên các cấp lãnh đạo mới của Đảng.

Mục tiêu đầu tiên vừa mang tính pháp lý, vừa có tính chiến lược. Trước hết, đó là thông qua những thay đổi và sửa đổi có thể có đối với Hiến pháp, tổng kết công tác trong 5 năm qua và xác định đường lối chủ đạo và những việc cần ưu tiên đối với ban lãnh đạo tối cao. Trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước nhiều dấu hỏi về sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình phát triển và đòi hỏi phải cải cách chính trị, vấn đề mà một số nhà lãnh đạo sợ có thể đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, việc này lại càng không đơn giản vì họ sợ tình hình lộn xộn sẽ buộc Đảng phải đi đến chỗ tìm kiếm sự đồng thuận.

Tại phiên họp chính thức, Đại hội sẽ nghe đánh giá về những gì ban lãnh đạo cũ đã làm và định hướng cho tương lai, thông qua báo cáo của Tổng bí thư, một tác phẩm mang tính tập thể và đồng thuận, đồng thời có thể có sự tham gia của một số nhà lãnh đạo đã về hưu. Tùy mức độ đánh giá hay phê phán mà báo cáo đó chấp nhận, phát triển hay, trái lại, bác bỏ những tư tưởng và hành động của các trào lưu chính trị khác nhau và chính phủ, từ đó góp phần tạo dựng hay hủy hoại sự nghiệp của các nhà lãnh đạo tối cao. Việc bầu các nhà lãnh đạo, được quyết định từ trước và theo một phương thức không rõ ràng, sẽ chính thức được hợp thức hóa tại Đại hội.

Nhiệm vụ thứ hai của Đại hội 18 cũng không kém nhạy cảm vì phải thông qua việc đổi mới nhân sự chính trị trong các cấp lãnh đạo Đảng. Lần này, thách thức không phải là một mà là hai.

Trước hết vì tỷ lệ cán bộ cần đổi mới, cụ thể là trong các cấp cao nhất của chế độ, là cao nhất từ 30 năm trở lại đây. Nếu giới hạn tuổi tác được tôn trọng, 70% số ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Hội đồng Nhà nước và Quân ủy trung ương, sẽ phải được thay thế. Từ đó, một số nhân vật mới sẽ được cử đứng đầu các cấp lãnh đạo tư tưởng, chính trị, tài chính, ngoại giao và quân sự. Trong Ban Chấp hành trung ương có 371 người, tỷ lệ cần thay sẽ vào khoảng 65%, tức là bằng tổng số người của 6 kỳ đại hội cộng lại kể từ năm 1982 (năm diễn ra Đại hội lần thứ 13).

Thách thức khác trong việc đổi mới nhân sự lãnh đạo lần này liên quan đến việc lần đầu tiên kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời, tiến trình kế nhiệm chính trị diễn ra không có sự bảo trợ của Đặng Tiểu Bình, người có khả năng tạo ra đồng thuận giúp tránh được tình trạng kình địch trong chính quyền và các cuộc tranh cãi về tư tưởng diễn ra không quá lộ liễu.

Người ta cũng chờ đợi Đại hội 18 thể chế hóa hơn nữa thời hạn 10 năm cầm quyền, trong đó mỗi nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất được tự do phát triển ý tưởng và phe nhóm của mình trước khi rời quyền lực. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công trong việc duy trì nhịp độ đều đặn luân chuyển chính trị 10 năm/lần, một mô hình cũng được áp dụng tại Việt Nam, sẽ tránh được những khó khăn của đa số các Đảng Cộng sản hoặc đã sụp đổ do có quá nhiều thách thức, hoặc bị dồn tới bước đường cùng là độc tài gia đình hay phe nhóm mà không có tiến trình thay thế được thể chế hóa.

Cuối cùng, dưới ánh sáng của các vụ việc ồn ào trong thời kỳ 2010- 2012 làm rung chuyển Đảng Cộng sản Trung Quốc, với vụ Bạc Hy Lai ầm ĩ và những lời phê phán đòi mở cửa chính trị, các nhà lãnh đạo kỳ cựu của chế độ đứng trước hai đòi hỏi chủ chốt có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời là điều kiện để giữ ổn định cho đất nước và sự sống còn của Đảng cầm quyền ở Trung Quốc. Đó là tránh đưa lên nắm quyền một kẻ theo khuynh hướng dân túy có thể chơi trò của chính mình mà bỏ qua tính đồng thuận, đồng thời làm sao để không bầu lên một nhân vật cải lương quá cực đoan với những sáng kiến có thể đe dọa quyền uy của Đảng.

Chuyên gia Francis Daho điểm lại dưới đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể được bầu trong Đại hội lần này, với chân dung của 2 nhà lãnh đạo cũ và 5 thành viên thuộc thế hệ lãnh đạo thứ sáu. Gần như tất cả số này đều có thể vào được Bộ Chính trị, kể cả những người trẻ tuổi, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn hạ giới hạn tuổi trung bình của các nhà lãnh đạo. Song đối với họ, cơ may để lọt vào Thường vụ Bộ Chính trị lại mỏng manh khi số ghế trong cấp lãnh đạo tối cao này có thể được rút xuống còn 7, như đã từng xảy ra trước năm 2002.

1. Mạnh Kiến Trụ, con người của thực địa, vững vàng và đáng tin cậy

Năm nay 65 tuổi, Mạnh Kiến Trụ là Bộ trưởng Công an từ năm 2007, ủy viên thường trực Ban Chấp hành trung ương từ năm 2002. Nếu vào được Bộ Chính trị, Mạnh Kiến Trụ, người chỉ còn ba năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu theo quy định độ tuổi 68, sẽ chỉ làm được một nhiệm kỳ. Thực tế đó đặt ra vấn đề giới hạn tuổi mà Đảng định hạ xuống một cách chính thức, ít nhất là từ Đại hội 15.

Vào giữa những năm 1980, Đặng Tiểu Bình khích lệ số cán bộ kỳ cựu nhất rút khỏi chính trường. Nhưng về vấn đề này, bản thân Đặng lại chỉ làm gương chiếu lệ vì sau khi rời Bộ Chính trị vào năm 1987, ông vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy trung ương cho đến năm 1989 (lúc ông 85 tuôi). Đại hội 15 vào năm 1992 thông qua một loạt các biện pháp chính thức hơn buộc tất cả số cán bộ hơn 70 tuổi phải rút lui, nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ lớn là Giang Trạch Dân, người vẫn tại nhiệm cho đến năm 76 tuổi.

Tại Đại hội 16, nhiều cán bộ rút lui ở tuổi 68. Thông lệ này tiếp tục được thực hiện tại Đại hội 17 và thậm chí giới hạn tuổi chính thức vào Thường vụ Bộ Chính trị còn được thông báo chính thức trong khuôn khổ tuyên truyền về trẻ hóa trong Đảng và ổn định thể chế. Nếu xem xét sẽ thấy tình hình hiện nay cũng không rõ ràng hơn vì 9 trong số 13 nhà lãnh đạo phải rời khỏi Bộ Chính trị đã 70 tuổi hoặc hơn.

Dĩ nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp một số khó khăn trong việc duy trì nhịp độ trẻ hóa được khởi động từ năm 1987. Thực tế đó được khẳng định bằng tuổi trung bình của các ứng cử viên vào Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có nhiều người chỉ có thể làm được một nhiệm kỳ. Thực tế đó cũng giải thích một phần khuynh hướng mới xuất hiện gần đây đưa một số trong số đó vào thẳng Thường vụ Bộ Chính trị. Cùng với Hồ Xuân Hoa, Mạnh Kiến Trụ nằm trong số những người được dự kiến bỏ qua Bộ Chính trị để vào thẳng Thường vụ Bộ Chính trị.

Học vấn và sự nghiệp
Sinh năm 1947 tại Tô Châu, ở tỉnh Giang Tô, Mạnh Kiến Trụ thuộc loại cán bộ lãnh đạo ngoại đạo. Sau khi tốt nghiệp Học viện cơ khí Thượng Hải, ông nhận bằng kỹ sư năm 44 tuổi, khi đã có 20 năm tuổi đảng. Ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác thực địa, đầu tiên là thủy thủ và nhân viên hậu cần, rồi phụ trách công tác chính trị trong gần 20 năm (1968-1986) tại nông trang tập thể Tiền Vệ, Thượng Hải. Sau đó ông là chính ủy ngành vận tải thành phố, rồi trở thành nhân vật số hai, số một của cơ quan này.

Từ năm 1986 đến năm 2001, Mạnh Kiến Trụ tiếp tục sự nghiệp ở Thượng Hải và trong vùng. Ông làm Bí thư huyện ủy các huyện Xuyên Sa và Gia Định, trước khi được bổ nhiệm làm chính ủy ủy ban phát triển nông thôn Thành phố Thượng Hải (1991-1992), sau đó trở thành Phó Thị trưởng thành phố này (1993), trước khi trở thành nhân vật số hai của tổ chức Đảng ở đây (1996). Năm 2001, sau khi thua Trần Lương Vũ trong cuộc chạy đua vào chức vụ người đứng đầu Thượng Hải, ông được cử làm nhân vật số một của tổ chức Đảng ở Giang Tây, và ở lại đây cho đến năm 2007, trước khi được gọi về Bắc Kinh.

Gốc rễ gia đình, các mỗi quan hệ và niềm tin chính trị
Trên con đường dẫn đến đỉnh cao quyền lực, Mạnh Kiến Trụ được hậu thuẫn bởi Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ khi cả hai đều từng là nhân vật số một của Thượng Hải. Vợ ông, Tưởng Kỳ Phương. Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn văn hóa truyền thông Văn Quảng Thượng Hải và Giám đốc Đài truyền hình cáp Thượng Hải, cũng là một chỗ dựa đáng kể cho sự nghiệp của ông.

Là người được việc và được các cấp lãnh đạo cao cấp đánh giá cao, mặc dù là người ngoại đạo, Mạnh Kiến Trụ có dáng dấp thực tiễn, vững vàng và không có tỳ vết của một nhà lãnh đạo tối cao. Do tuổi tác của ông nên có ý kiến cho rằng có thể đưa ông thẳng vào Thường vụ Bộ Chính trị mà không phải qua Bộ Chính trị. Kinh nghiệm của ông, với tư cách là Bộ trưởng Công an, đương nhiên giúp ông có thể kế nhiệm Chu Vĩnh Khang ở cương vị Bí thư ủy ban chính trị pháp luật trung ương.

Trong trường họp việc thăng tiến “nhảy cóc” này không thành – vì cũng có thể như vậy – việc bổ nhiệm ông vào Bộ Chính trị dường như đã là chắc chắn. Trong trường hợp này, tên ông đã được nhắc đến cho vị trí số một ở Thượng Hải.

2. Hồ Xuân Hoa, con sói non đầy tham vọng và khôn khéo

Năm nay 49 tuổi và thuộc thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc, Hồ Xuân Hoa là một ứng cử viên rất quan trọng trong số các ứng cử viên trẻ nhất vào Bộ Chính trị. Ông là ủy viên Ban Chấp hành trung ương từ năm 2007 và Bí thư Đảng bộ Khu tự trị Nội Mông cũng từ năm đó.

Học vấn và sự nghiệp
Sinh năm 1963 tại huyện Ngũ Phong, tỉnh Hồ Bắc (miền Trung), cách thủ phủ tỉnh Vũ Hán 400 km về phía Tây và cách Thượng Hải 1.000 km, Hồ Xuân Hoa là một học sinh xuất sắc và thần đồng. Năm 16 tuổi, ông đứng đầu huyện trong một kỳ thi vào đại học. Từ năm 1996 đến năm 1999, cũng như nhiều người lúc đó, ông học tại chức kinh tế tại Trường Đảng trung ương và tốt nghiệp trường này năm 36 tuổi.

Năm 20 tuôi, Hồ Xuân Hoa tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và văn học tại Đại học Bắc Kinh và vào Đảng, rồi được cử đến Tây Tạng theo nguyện vọng của mình. Vùng này trở thành trụ cột cho sự nghiệp của ông vì ông làm việc tại đó gần 20 năm. Trong giai đoạn đầu dài 14 năm (1983-1997), trước tiên ông đảm nhiệm chức bí thư Vụ tổ chức, tiếp đó là Bí thư đoàn của khu tự trị (1992-1995), rồi trở thành nhân vật số hai trong lĩnh vực lãnh thổ của khu vực Lâm Chi, nhân vật số một ở Sơn Nam. Hồ Xuân Hoa rời đây năm 1997 khi ông 34 tuổi.

Trong 4 năm liền sau đó, Hồ Xuân Hoa lên Bắc Kinh làm việc tại Trung ương đoàn thanh niên, năm 2001 trở lại Tây Tạng với tư cách là nhân vật số hai của tổ chức Đảng và Phó Chủ tịch thường trực chính quyền khu tự trị này cho đến năm 2006. Năm 43 tuổi, ông được bổ nhiệm làm nhân vật số một Ban Chấp hành Trung ương đoàn tại Bắc Kinh và đảm nhiệm chức vụ này đến năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2009, ông là Tỉnh trưởng Hà Bắc (trẻ nhất Trung Quốc) và nhân vật số hai tổ chức Đảng, sau đó trở thành nhân vật số một ở Hohhot – Nội Mông ở tuổi 46.

Gốc rễ gia đình, các mối quan hệ và niềm tin chính trị
Trong thời kỳ công tác đầu tiên ở Tây Tạng, Hồ Xuân Hoa lấy vợ và con đường chính trị của ông dường như giống con đường của Hồ cẩm Đào. Tuy ông không có mối quan hệ gia đình nào với Hồ cẩm Đào, phưng Hồ lại là người bảo trợ đầu tiên của ông ở Tây Tạng khi là nhân vật số một ở Lhasa (1988-1992). Cả hai đều xuất thân từ gia đình nông dân và khi còn rất trẻ đã tham gia các tổ chức sinh viên và đoàn thanh niên trở thành bàn đạp cho cả hai “Hồ” tiến thân.

Cả Hồ Xuân Hoa và Hồ cẩm Đào đều được giao nhiệm vụ khó khăn tại Lhasa và Hohhot và đều là nhân vật số một của một tỉnh khi còn khá trẻ (Hồ Cẩm Đào 42 tuổi và Hồ Xuân Hoa 46 tuổi). Và cả hai đều nổi bật với việc đáp trả mạnh mẽ các cuộc nổi dậy xã hội và sắc tộc, khi Hồ cẩm Đào ở Tây Tạng, còn Hồ Xuân Hoa ở Nội Mông.

Tháng 5/2011, khi nổ ra sự việc ở Nội Mông do các công ty khai thác than phá vỡ lối sống ngàn đời của các bộ tộc du mục làm một người chăn cừu Nội Mông thiệt mạng, Hồ Xuân Hoa được để ý đến khi ông đưa ra một giải pháp hai tác dụng: đối thoại với các mục đồng, sinh viên và giáo sư, đồng thời nhanh chóng đàn áp và triển khai rộng rãi lực lượng cảnh sát để tránh rối loạn lây lan.

Trước đó, “tiểu Hồ”, như người dân vẫn thường gọi ông, thận trọng tước quyền công dân của nhân vật ly khai Nội Mông Hada và lại đặt nhân vật này dưới sự kiểm soát của cảnh sát. Hada từng bị kết án 15 năm tù vào năm 1996 vì tội ly khai và liên kết với Liên minh dân chủ Nội Mông. Vợ Hada, Xinna – người phủ nhận chồng mình là người theo khuynh hướng ly khai – bị kết án 3 năm tù giam vào tháng 4/2012 vì hoạt động thương mại trái phép. Theo một hiệp hội bảo vệ nhân quyền ở Nội Mông, bà bị kết án sau khi từ chối yêu cầu đánh đổi theo đó bà phải “hợp tác với chính quyền” để được toại nguyện và có công ăn việc làm thích hợp.

Hồ Xuân Hoa là con người đầy tham vọng, làm việc có hiệu quả, kín đáo, có năng lực làm việc cao, do đó chiếm được lòng tin của các cấp lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. Trong vụ phế truất Bạc Hy Lai, Hồ Xuân Hoa, bình thường không phải là con người rườm rà và dài dòng, đã lên tiếng để nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ kỷ luật Đảng. Có nhiều lời đôn đoán về ông, kể cả tin, mặc dù không chắc chắn, cho ông là người có thể kế nhiệm Tập Cận Bình vào năm 2022. Người bảo trợ của ông, Hồ cẩm Đào, thậm chí dường như cũng có ý định giúp ông “nhảy cóc” vào Thường vụ Bộ Chính trị mà không kinh qua Bộ Chính trị.

Quả thực là kịch bản dài hơi đó là điều có thể thực hiện được khi hình bóng của Đặng Tiểu Bình còn tác động vào nguồn nhân lực của Đảng và việc lựa chọn các nhà lãnh đạo, song lúc này cần thận trọng hơn với những lời đồn đoán như vậy vì tình hình chính trị hiện nay đã trở nên linh hoạt hơn.

Trên thực tế, từ đầu tháng 10, có tin ở Bắc Kinh nói rằng Hồ cẩm Đào đã thất bại khi định đưa Hồ Xuân Hoa vào thẳng Thường vụ Bộ Chính trị vì bị chính Tập Cận Bình phản đối. Giờ đây, người ta nói ông sẽ là Bí thư Đảng bộ Trùng Khánh, một vị trí có độ nhạy cảm chính trị rất cao và có thể sẽ là cuộc thử nghiệm đối với Hồ Xuân Hoa. Cũng có tin cho rằng ông cũng có thể được bổ nhiệm làm nhân vật số một ở Thượng Hải. Dù trong trường hợp nào, Hồ Xuân Hoa, ngôi sao đang lên của Đảng, vẫn có cơ may vào được Bộ Chính trị vào tháng 11 tới.

3. Vương Hộ Ninh, nhà trí thức, cái đầu thông thái

Ở tuổi 57, Vương Hộ Ninh là một lãnh đạo nhà nòi thường giữ những chức vụ cao trong chính quyền như ủy viên Ban Chấp hành trung ương từ năm 2002, Bí thư Ban Chấp hành trung ương từ năm 2007, đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thuộc cấp lãnh đạo này. Ban bí thư là một “trung tâm đầu não” thực thụ của Đảng với nhiệm vụ điều phối thông tin cho Ban thường vụ Bộ Chính trị, sắp xếp thời gian biểu cho các ủy viên Ban thường vụ và chăm lo công tác hậu cần cũng như an ninh của các thành viên này.

Là nhà nghiên cứu khoa học chính trị, Vương Hộ Ninh có kinh nghiệm vì đã từng là giáo sư tại một số trường đại học của Mỹ, từ đó có được uy tín không thể phủ nhận đối với các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc. Sau 10 năm là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Vương Hộ Ninh chắc chắn được bầu vào Bộ Chính trị.

Học vấn và sự nghiệp
Sinh năm 1955 tại Thượng Hải, Vương Hộ Ninh vảo Đáng nãm 29 tuổi, sau khi học tiếng Pháp và luật tại trường Đại học sư phạm Thượng Hải, rồi khoa học chính trị tại Đại học Phúc Đán (1978-1981). ở tuổi 33 và với 4 năm tuổi Đảng, ông được chọn đi học tại trường Đại học Iowa (Mỹ), rồi Berkeley tại bang California (1988-1989).

Sau khi học xong, Vương Hộ Ninh được phong hàm giáo sư, rồi chủ nhiệm Khoa chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán và được bầu làm Trưởng khoa Luật (1981-1995, trong đó có một năm cách quãng vì đi học tại Mỹ). Năm 1995, lúc 40 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị thuộc Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Ban Chấp hành trung ương, sau đó trở thành nhân vật số hai (năm 1998), rồi nhân vật số một của trung tâm này (năm 2002).

Gốc rễ gia đình, các mối quan hệ và niềm tin chính trị
Sự nghiệp chính trị của Vương Hộ Ninh được Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng hậu thuẫn tại Thượng Hải, rồi ở Bắc Kinh, nơi ông là biên tập viên chính của thuyết “Ba đại diện” năm 2003 được đưa vào Hiến pháp, như một đóng góp của Giang Trạch Dân vào kết cấu tư tưởng của chế độ. Ông cũng là một cộng sự gần gũi của Hồ cẩm Đào và thường đi tháp tùng ông này trong các chuyến công du ở trong nước và nước ngoài.

Vương Hộ Ninh lấy vợ là Châu Kỳ, cùng là sinh viên ở Đại học Phúc Đán, con gái một cựu quan chức an ninh Nhà nước và Cơ quan tình báo, nhưng không có con và sau đó ly dị vào năm 1996, Vợ cũ của Vương Hộ Ninh cũng là tiến sĩ khoa học chính trị tốt nghiệp trường Đại học John Hopkins ở Mỹ. Hiện bà là nhà nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Bắc Kinh.

Trong Bộ Chính trị, Vương có thể được phân công phụ trách công tác tuyên truyền hay được bổ nhiệm làm nhân vật số một của Thượng Hải. Là một nhân vật dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt, ông thể hiện trong các cuốn sách của mình những tư tưởng đôi khi mâu thuẫn nhau. Là người ủng hộ một Nhà nước mạnh và chính sách tập trung hóa cao độ, ông đưa ra một khái niệm chính trị tân độc tài dựa trên truyền thống đạo Khổng của một chính quyền được hợp thức hóa bằng đạo đức của tôn giáo đó, nhưng lôgích của khái niệm đó lại vấp phải quan niệm kiểu phương Tây của chính bản thân ông về một Nhà nước pháp quyền dựa trên tính độc lập của ngành tư pháp.

Mới đây, noi gương Kiều Thạch, người phá vỡ sự im lặng cũng về vấn đề đó, Vương Hộ Ninh tái bản một trong những cuốn sách ông viết năm 1986, trong đó ông nói điều gần giống những gì cựu nhân vật số hai của những năm 1990 từng nói: “Việc hội tụ vào cùng một thể chế các cơ quan an ninh công cộng, luật sư và tòa án là nguyên nhân dẫn đến những việc làm quá đà phá hoại văn hóa, vi phạm nhân quyền và tra tấn trong Cách mạng văn hóa, điều chỉ có thể được truyền bá ở một nước có hệ thống tư pháp không độc lập”.

Trong những năm 1990, Vương Hộ Ninh cũng viết nhiều bài báo không ăn nhập với tư tưởng “sức mạnh mềm” của Joseph Nye, cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tình báo Mỹ. Những tư tưởng đó cũng được Trịnh Tất Kiên phát triển như bà đỡ của khái niệm lớn mạnh hòa bình của Trung Quốc.

4. Thẩm Diệu Diệu, một phụ nữ có kinh nghiệm

Sinh năm 1957 tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Thẩm Diệu Diệu năm nay 55 tuổi. Bà là một trong số các phụ nữ có quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương từ năm 2007, bà là nhân vật số hai trong Ban tổ chức trung ương Đảng, dưới quyền của Lý Nguyên Triều.

Thâm Diệu Diệu cũng là một trong số ít đảng viên nữ nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cao trong chính quyền, trước hết là nhân vật số một thành phố Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang (năm 2002), rồi ủy viên Ban thường vụ và Trưởng Ban tổ chức Đảng tỉnh Chiết Giang, và nhân vật số hai ở An Huy khi bà 44 tuổi. Thẩm Diệu Diệu còn là Phó trưởng ban tổ chức trung ương năm 46 tuổi, từ năm 2003 đến năm 2007. Tốt nghiệp toán học và Trường Đảng trung ương, Thẩm Diệu Điệu còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong đoàn thanh niên, tại Ninh Ba, và tại Chiết Giang với tư cách là nhân vật số hai, rồi nhân vật số một (1986-1993).

5. Tôn Chính Tài, một con sói non tài năng và cần mẫn

Sinh năm 1963 ở huyện Vinh Thành (Sơn Đông), Tôn Chính Tài năm nay 49 tuổi, ông gia nhập Đảng năm 25 tuổi và trở thành Bí thư Đảng ủy tỉnh Cát Lâm từ năm 2009 và ủy viên Ban Chấp hành trung ương từ năm 2007. Là tiến sĩ nông nghiệp tốt nghiệp Học viện nông nghiệp Bắc Kinh, ông là Bộ trưởng Nông nghiệp từ năm 2006 đến năm 2009. Giả Khánh Lâm, nhân vật số 4 của Trung Quốc và Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân, là người bảo trợ của Tôn Chính Tài. Trong thời kỳ 1996- 2002, Tôn Chính Tài là người đứng đầu bộ phận tham mưu của Giả Khánh Lâm khi ông này làm thư ký ủy ban nhân dân thành phố và Thị trưởng Bắc Kinh.

6. Chu Cường, luật gia có kinh nghiệm, chuyên về bảo vệ môi trường

Sinh năm 1960 tại huyện Hoàng Mai (Hồ Bắc), Chu Cường năm nay 52 tuổi. Ông là ủy viên Ban Chấp hành trung ương từ năm 2002 và nhân vật số một tại Hồ Nam từ năm 2010, sau khi là tỉnh trưởng ở đây trong ba năm. Ông tốt nghiệp ngành luật và làm việc trong 10 năm tại Bộ Tư pháp. Sự nghiệp chính trị của ông được bắt đầu tại Đoàn thanh niên, nơi ông trở thành Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn vào năm 1998 khi mới 38 tuổi. Năm 2005, cũng tại Liên đoàn thanh niên, ông được trao giải thưởng của Liên hợp quốc trong khuôn khổ chương trình “Nhà vô địch Trái Đất” vì thành tích tẩy ô nhiễm sông Tương ở tỉnh Hồ Nam.

7. Lục Hạo, nhà kinh tế học và nhà quản lý tài năng

Sinh năm 1967 tại Tây An – Thiểm Tây, Lục Hạo năm nay 45 tuổi. Ông là nhân vật số một của Đoàn thanh niên và Viện trưởng Học viện chính trị thanh niên. Năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Bắc Kinh khi mới 36 tuổi, trở thành nhà lãnh đạo chính trị trẻ nhất có hàm Thứ trưởng.

Tuy nhiên, Lục Hạo chưa phải là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và đó là một khiếm khuyết lớn, nhưng bạn bè ông khẳng định ông sẽ được bầu tại Đại hội 18. Tốt nghiệp kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, Lục Hạo từng là Chủ tịch-Tổng Giám đốc một tổ hợp kinh tế Nhà nước khi ông mới 28 tuổi, rồi Giám đốc Ban quản lý Khu công nghệ Trung Quan Thơn ở Bắc Kinh. Tại Tòa thị chính Bắc Kinh, ông phụ trách chính sách công nghiệp và tái cơ cấu khu vực Nhà nước. Người ta nói Lục Hạo là một người gần gũi với Tập Cận Bình./.







No comments:

Post a Comment

View My Stats