Wednesday, 7 November 2012

ĐIỀU GÌ XẢY RA CHO NHÂN QUYỀN TRUNG QUỐC ? (Frank Jannuzi - Foreign Policy)




Frank Jannuzi

Cam Táo chuyển ngữ
Thứ Hai, 05/11/2012

Cứ mỗi bốn năm, chiến dịch tranh cử tổng thống luôn đưa Trung Quốc ra trước ánh đèn sân khấu chính trị. Các ứng cử viên đều tỏ ra mãn nguyện khi nắm bắt bất cứ cơ hội nào để “chụp mũ” đối thủ là “nhu nhược” trước Trung Quốc và trước sự lạm dụng nhân quyền của đất nước này. Tuy nhiên, lúc bài diễn thuyết mạnh mẽ và sự phấn khích với chiến dịch đã qua đi, thường có một cảm giác nôn nao, chuếnh choáng sau nhậm chức, khi người chiến thắng nhận ra rằng việc tìm kiếm giải pháp cho hàng loạt thách thức có tầm vóc quốc tế -- như ngăn chặn sự phát triển vũ khí hạt nhân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng – đều không đi tới đâu nếu không có sự hợp tác của chính quyền Trung Quốc. Đây là một thông lệ mà Hoa Thịnh Đốn luôn thực hiện kể từ khi Trung Quốc lập quốc năm 1949, và cũng là lúc người ta tranh luận ai là người có lỗi khi để Trung Quốc lọt vào tay những người cộng sản “vô đạo đức” và “vô thần.”

Tổng Thống Jimmy Carter nổi tiếng vì đã đặt vấn đề nhân quyền một cách mạnh mẽ hơn vào chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng khi ông bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh năm 1979, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Ronald Reagan đã nắm lấy cơ hội này để nói về phẩm chất đạo đức ở chuẩn mức cao khi phát biểu rằng ông “sẽ không bỏ rơi bằng hữu và đồng minh.” (Trớ trêu thay, Tổng Thống Reagon lại là người đã cho phép bán vũ khí hạng nặng tiên tiến, kể cả trực thăng Diều Hâu Đen (Blackhawk) cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc). Trước cuộc thảm sát tại Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989, ứng cử viên Bill Clinton cáo buộc Tổng Thống George H.W. Bush đã đối xử khoan dung quá mức cần thiết với “những tên đồ tể Bắc Kinh,” để rồi khi nhậm chức ông đã nhanh chóng quên mất là mình cần phải nỗ lực liên kết vấn đề thương mại và nhân quyền với Bắc Kinh.

Nhưng năm nay, yếu tố nhân quyền gần như bị bỏ quên trong chiến dịch tranh cử. Ngay cả khi có trường hợp nổi bật của nhà hoạt động khiếm thị bảo vệ nhân quyền Trần Quang Thành, người đã đưa các vấn đề về pháp quyền và nhân quyền vào chương trình nghị sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hồi tháng Tư, khi ông chạy trốn vào Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh; thì cả hai ứng cử viên đều chẳng mấy bận tâm, ngoại trừ một nỗ lực nhỏ của Mitt Rommey trong việc chỉ trích Trung Quốc về trường hợp của luật sư Thành. So sánh với những chiến dịch trong quá khứ, thì nhân quyền ở Trung Quốc lần này chỉ được coi như là một chuyện thứ yếu.

Ông Romney và đối thủ của ông là Tổng Thống Barack Obama, đã có cơ hội nói rõ ràng hơn về Trung Quốc trong buổi tranh luận chính sách ngoại giao của họ ngày 22 tháng 10, nhưng cả hai đều tránh né vấn đề. Khi ông Bob Schieffer - người điểu khiển chương trình - hỏi các ứng cử viên đường lối quan hệ nào họ muốn có với nước Trung Quốc đang phát triển, Tổng Thống Obama đã nói Trung Quốc là “đối thủ” và cũng là “đối tác đầy tiềm năng trong cộng đồng quốc tế, nếu nó tuân thủ luật chơi.” Những luật chơi mà Tổng Thống Obama dẫn chứng chỉ liên quan đến thương mại và tự do hàng hải, không phải là nhân quyền. Cũng giống Tổng Thống Obama, ông Romney nói với giọng hợp tác: “Chúng ta có thể hợp tác với họ, nếu họ sẵn sàng chịu trách nhiệm.” Nhưng ông cũng chỉ xác định “trách nhiệm” nằm trong vấn đề thương mại.

Không ứng cử viên nào đề cập đến nhân quyền, Tây Tạng, Tân Cương, Tường Lửa, việc bỏ tù nhà hoạt động nhân quyền đoạt giải Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba, việc Trung Quốc hỗ trợ Su-đăng, hay việc Trung Quốc ngăn cản hành động của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Syria. Cũng không nêu tên nhà lãnh đạo Trung Quốc Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, hay đưa ra nhận định về quá trình chuyển giao lãnh đạo và những gì có thể tiên đoán.

Trung Quốc được đề cập đến trong chiến dịch tranh cử, nhưng gần như chỉ theo một khía cạnh: thương mại. Tổng Thống Obama đã khai hỏa trong Thông Điệp Liên Bang của năm nay, lưu ý rằng chính quyền của ông đã đem lại nhiều gấp đôi các thương vụ với Trung Quốc so với chính quyền trước. Tổng Thống cũng công bố đã thành lập Cơ Quan Thực Thi Pháp Luật Thương Mại để điều tra “việc thi hành thương mại bất bình đẳng ở các quốc gia như Trung Quốc.”

Ông Romney tấn công bằng bài phản biện đăng trên Wall Street Journal hồi tháng Hai 2012, lập luận rằng Hoa Kỳ nên “trực tiếp đối phó với cách hành xử đầy lạm dụng của Trung Quốc trong các lãnh vực thương mại, tài sản trí tuệ, và giá trị tiền tệ.” Ông cam kết sẽ chỉ đích danh Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” ngay ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông, và cũng cam kết tăng cường lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương để “bảo đảm khu vực này vẫn mở cửa cho việc hợp tác thương mại.” Ông Romney cũng đã ngắn gọn đề cập đến kỷ lục nhân quyền của Trung Quốc trong bài phản biện của ông, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể chính quyền của ông sẽ hỗ trợ các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc như thế nào, hay cách tiếp cận vấn đề của ông sẽ khác Tổng Thống Obama ra sao.

Hiện nay có thể là Trung Quốc đủ mạnh để cả hai ứng cử viên ngần ngại khi nói đến vấn đề nhân quyền, vì sợ Trung Quốc không hợp tác trong các lãnh vực khác. Tháng Hai 2009, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên Ngoại Trưởng Hillary Clinton đề cập đến các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, và nhân quyền như thế này: “Các chính quyền Trung Quốc nối tiếp nhau luôn được nhắc nhở về các vấn đề này, và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy họ. Nhưng cách thúc đẩy của chúng tôi trên những vấn đề ấy sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cuộc khủng hoảng thay đổi khí hậu toàn cầu, và cuộc khủng hoảng an ninh.”

Nhưng Đại Sứ Winston Lord, một trong số những kiến trúc sư quan trọng đối với sự gắn bó giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có một cái nhìn khác biệt. Trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, ông Lord người từng là đại sứ ở Trung Quốc từ năm 1985 đến năm 1989, đề nghị “10 điều răn” để trao đổi có hiệu quả với Trung Quốc. Điều răn thứ nhất: “Chớ Hủy Bỏ Tiền Tệ của Trung Quốc.” Điều răn thứ hai: “Chớ Gây Rắc Rối với Trung Quốc.” Nói đến nhân quyền ở Trung Quốc sẽ không được tầng lớp lãnh đạo ưu tú Trung Quốc ủng hộ, nhưng theo cuộc thăm dò của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew hồi tháng Mười, 52% người Trung Quốc vẫn thích nghiêng về ý tưởng dân chủ của Hoa Kỳ, cho dù chỉ có 43% cho rằng mọi quan hệ với Hoa Kỳ đều tốt. Chắc chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì những người Trung Quốc trẻ hơn, hào phóng hơn, có giáo dục tốt hơn, càng có nhiều khả năng để họ nhận định ý tưởng của Hoa Kỳ về dân chủ và nhân quyền. Điều này cho thấy sự vận động của Hoa Kỳ về nhân quyền, có thể được những người Trung Quốc có khả năng nhất hưởng ứng để hình thành tương lai đất nước.

Và vấn đề nhân quyền không nhất thiết phải được nhìn nhận như một vấn đề riêng biệt. Các ứng cử viên có thể dễ dàng dẫn dắt từ nhân quyền ở Trung Quốc sang tạo công ăn việc làm cho Hoa Kỳ. Sự liên hệ giữa việc thực hành nhân quyền của Trung Quốc với khả năng của Hoa Kỳ trong việc cạnh tranh trên thế giới trên một sân chơi bình đẳng có thể không dễ thấy, nhưng chúng có liên hệ với nhau, như Yoda từng nói. Trung Quốc chiếm lợi thế trong việc cạnh tranh nhờ lao động rẻ, luật pháp bảo vệ môi trường lỏng lẻo, và đất đai bị tước đoạt. Bắc Kinh sẽ tiếp tục hưởng thụ những lợi thế này dài dài, chừng nào mà người công nhân Trung Quốc chưa có quyền thành lập công đoàn độc lập bảo vệ cho họ, dân chúng Trung Quốc vẫn bị trừng phạt nếu đòi hỏi nguồn nước và không khí trong sạch, và nông dân Trung Quốc vẫn bị tước đoạt đất đai mà không được đền bù tương xứng.

Sự thất bại của các ứng cử viên trong việc đưa ra những ý tưởng cụ thể như làm thế nào để thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc, là một điều đáng hổ thẹn. Có sẵn nhiều con đường để khuyến khích cải cách - - thông qua trao đổi giáo dục, đào tạo tư pháp, đào tạo nhà báo, hội thảo về pháp trị, hỗ trợ xã hội dân sự, phát thanh truyền hình, các sáng kiến tự do Internet, hỗ trợ tiếng nói của những người bất đồng chính kiến, và chính thức đối thoại về nhân quyền.

Có ba lý do cho thấy, việc Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ về pháp quyền và nhân quyền tại Trung Quốc, là một cách chơi thông minh. Thứ nhất, sẽ thu hút sự ủng hộ ở bên trong Trung Quốc. Những người ủng hộ can đảm nhất cho nhân quyền và công lý ở Trung Quốc sống ngay trong đất nước này, chứ không phải là những người sống dọc theo bờ sông Potomac. Thứ hai, sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh tế cho Hoa Kỳ nhờ giai cấp trung lưu Trung Quốc (những khách hàng tương lai), đồng thời ngăn cản các công ty quốc doanh Trung Quốc hưởng những lợi thế bất công vì mức lương thấp, vì quy định về môi trường lỏng lẻo, và vì cướp đất. Thứ ba, sẽ thực sự thúc đẩy sự ổn định lâu dài của Trung Quốc. Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc biểu tình xảy ra tại Trung Quốc, nhiều cuộc biểu tình chỉ chú trọng đến sự bất công về kinh tế. Bằng cách áp bức những ai tìm cách tố cáo sự bất bình -- cho dẫu họ chỉ là những tu sĩ Tây Tạng hay những công nhân hãng xưởng bất mãn -- Đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ làm suy yếu tính chính danh của riêng họ, cũng như cho phép các vấn đề trở nên đau đớn. Có lẽ đến mùa tuyển cử 2016, một ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ lưu ý (những điều kể trên).

Cam Táo
4:30pm Chủ Nhật ngày 4 tháng 11 năm 2012







No comments:

Post a Comment

View My Stats