Tuesday 13 November 2012

TRẮNG - ĐEN - XÁM (Vũ Ánh / Sống Magazine)




11/06/2012 06:57 AM

Người Tây Tạng lưu vong trên khắp thế giới, mỗi khi biểu tình chống Trung Quốc, họ tập trung không đông, có khi chỉ vài chục người, nhưng thông điệp mà họ gởi đi cho Bắc Kinh thường được báo chí dòng chính ở các quốc gia sở tại chuyển tải trên các trang báo hay trong những bản tin truyền hình khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng có lẽ những người Tây Tạng lưu vong được công luận chú ý một phần vì họ chính là hình ảnh của cuộc tranh đấu bất bạo động, lâu dài của Đức Đạt Lai Lạt Ma chống lại sự kiện Bắc Kinh xâm chiếm đất nước của Ngài cách đây trên nửa thế kỷ.
Người Uighurs tức người Tân Cương dòng chính, sống lưu vọng ở nước ngoài không cũng không nhiều nên mỗi lần họ biểu tình chống nhà cầm quyền Hoa Lục vì chính sách đồng hóa của người Hán, họ cũng được báo chí và truyền thông dòng chính đánh động đến dư luận thế giới, một phần cũng do những cuộc phản kháng hết sức mãnh liệt và bạo động ở trong nước và các cuộc biểu tình đưa ra được thông điệp của người Uighurs: Bắc Kinh phải chấm dứt những ưu quyền của người Hán tại Tân Cương.

Còn tại cộng đồng Việt Nam, những cuộc biểu tình chống Cộng diễn ra đầy khí thế vào những năm đầu của thập niên 90 và nổi bật nhất vẫn là cuộc biểu tình chống Trần Trường chủ tiệm Hi-Tek trên phố Bolsa, nhưng tình thế cứ giảm dần con số người tham dự và khí thế cũng không còn, đến nỗi rằng có những giai đoạn, con số những người tham dự biểu tình được những nhà tổ chức “ước lượng” tăng lên so với ước lượng căn cứ vào thực tế. Vào những giai đoạn ấy, đã có không ít những nhà báo bị đả kích với những lời lẽ nặng nề chỉ vì con số người tham dự một sự kiện nào đó mà mình ghi trong bài tường thuật ít hơn con số những nhà tổ chức mong muốn. Thế rồi tư tưởng muốn đồng nhất hóa các ý kiến của người tham dự với người tổ chức, đồng nhất hóa ý kiến của các tổ chức chống Cộng này với tổ chức chống Cộng khác đã dẫn tới một thứ “lề phải” vô hình. Tiếp theo đó là những cuộc biểu tình hoặc đe dọa biểu tình với những ai thấy phải bước sang “lề trái”. Tiếp theo đó nữa là vấn đề thông tin đa chiều được đặt ra giữa một cộng đồng trong một nước Mỹ dân chủ, tự do trong đó có Đệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp bảo vệ quyền tựdo ngôn luận.

Trong bối cảnh nhiều người sợ bóng, sợ gió còn tự kiểm duyệt mình trong những lời phát biểu, hay những bài viết thì những người tìm một cách nhìn khác,đi một con đường khác để cũng đạt đến mục tiêu bỗng cảm thấy mình thoải mái hơn và thấy mình là người tự do, tôn trọng luật pháp nơi mình đang sinh sống. Tuy nhiên, cũng giữa bối cảnh này lại nảy sinh không thiếu những người lợi dụng. Họchỉ sử dụng thông tin đa chiều trong cái cộng đồng nhỏ hẹp của họ mà thôi, còn ởnhững nơi mà nhà cầm quyền chỉ chấp nhận thông tin một chiều và sẵn sàng áp dụngđòn đàn áp thì họ đành im lặng và nói theo những gì mà kẻ có quyền lực muốn.

Riêng tại cộng đồng Việt Nam thì điều này rất rõ nét. Có một vài nhà báo lợi dụng lúc dư luận trong cộng đồngđã chán ngấy cái “lề phải” mà trên đó toàn những lời nói dối, cho nhau ăn đường phèn, đả kích nhau chỉ vì muốn biểu diễn lập trường, những cuộc biểu tình chống cộng hoặc chống nhau người dự thưa thớt, những chính khách chỉ có một bài diễn văn duy nhất, ông ta hay bà ta chỉ mới đọc câu đầu người nghe đã biết câu kết luận, những bài tường thuật chính trị của báo này, đài này cũng giống như đài khác, báo khác... bèn bung ra đi sang “lề trái” ở trong cộng đồng, nghĩa là điều gì mà những người chống Cộng ở đây coi là điều cấm kỵ thì họ coi điều đó là bình thường. Có một luồng gió mới? Đúng! Thế nhưng luồng gió mới ấy đã trởthành gió quẩn khi họ dùng phương thức đâm bị thóc, chọc bị gạo làm đề tài cho vấn đề lớn chẳng như vấn đề lề trái trong công luận cộng đồng. Và sau những chuyến về Việt Nam thì cái lề trái mà họ đang tung hô trong cộng đồng đã biến họthành những người đi “lề phải” tại quê hương Việt Nam, nơi mà chỉ có những cây viết bất đồng chính kiến đầy can đảm, biết chấp nhận thương đau mới dám đi “lềtrái”. Một điều dễ hiểu: chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam vẫn còn là một chính quyền độc tài, báo chí truyền thông còn bị kiểm duyệt gắt gao, những ai muốn bước sang lề trái đều bịngăn chặn bằng đe dọa, áp lực và trong nhiều trường hợp bị đẩy vào nhà tù. Đến ngay các con ông cháu cha như Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ chỉ mới bước sang lềtrái có vài bước mà còn lãnh án từ 5 đến 7 năm tù huống chi những nhà báo từ hải ngoại trở về quê hương cũ của mình để học đòi đi sang lề trái.

Tôi nhớ lại một câu chuyện nho nhỏ cách đây cũng vài năm. Lúc đó bà Dân Biểu Loretta Sanchez (Dân Chủ-Santa Ana) muốn mời một số nhà báo ở Little Saigon, Houston Texas và Washington D.C đi theo bà sang Việt Nam vềhồ sơ nhân quyền. Tuy không chính thức nói ra chi tiết, nhưng trong cuộc thăm viếng ở Việt Nam của bà có cả gia đình một số nhà bất đồng chính kiến đang bịnhà cầm quyền Việt Nam giam giữ và một vài nơi trước đây có các trại tù cải tạo. Nhưng để giữ sự độc lập cho những nhà báo đi theo, văn phòng của bà yêu cầu họphải tự túc về di chuyển, ăn ở khác sạn và ngay cả xin chiếu khán nhập cảnh ngoại giao chứ không được dùng chiếu khán du lịch. Các nhà báo được mời đều đồng ý như vậy. Dĩ nhiên Hà Nội đã lờ đi, không cấp chiếu khán cho bất cứ nhà báo nào mà cũng chẳng thèm giải thích lý do tại sao đơn xin chiếu khán nhập cảnh khôngđược chấp thuận. Tôi nêu ra điều này để cho thấy một nhà báo hải ngoại xin cấp chiếu khán ngoại giao để vào Việt Nam săn tin không phải là dễ dàng gì trừ phi họ tổ chức cho các nhà báo gốc Việt về Việt Nam với hậu ý nào đó. Cũng vì những lý do này mà theo suy nghĩ của tôi, một nhà báo Việt Nam được nhà cầm quyền Cộng Sản mời về nước và Hà Nội đài thọ cả tiền máy bay di chuyển và ăn ở khách sạn trong một thời gian dài tất không phải là để cho các nhà báo ấy đưa thông tinđa chiều kể cả đi sang lề trái như các nhà bất đồng chính kiến hoặc tạo cơ hội cho họ đến vấn an các nhà bất đồng chính kiến đang bị nhà nước cô lập. Hà Nội có thể cho dẫn những nhà báo ấy đi nhiều nơi nhạy cảm nhưng trong trường hợp này thì những nhà báo sẽ viết được những gì ở mặt sau tấm huy chương nhẵn nhụi. Cứ giả thử rằng phái đoàn báo chí truyền thông hải ngoại được phép gặp một vài nhà bất đồng chính kiến đi nữa nhưng ở góc phòng có mấy ông thuộc “bộ ngoại giao” ngồi chứng kiến thì liệu ông hay bà bất đồng chính kiến có dám nói gì chạmđến những điều mà giới cầm quyền không muốn báo chí đề cập tới không? Đến như một vài nhà báo ở ngay Little Saigon này gặp viên Tổng Lãnh Sự Cộng Sản ở San Francisco ở một khách sạn tại Huntington Beach, không có biểu tình phản đối bên ngoài mà cũng chẳng đưa ra được một câu hỏi nào có tính chất “lề trái” tại Việt Nam huống hồ là khi vào một nơi mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị mời lên công an “nói chuyện” và liệu hồn đấy “anh, chị có thể tạm thời không được rời Việt Nam và thay vì cơm khách sạn thì nhận cơm qua cửa tò vò của xà lim nhà tù” đểsuy nghĩ.

Cho nên, cũng nên cẩn thận chữ thông tin đa chiều hay khiêm tốn hơn là thông tin hai chiều. Chữ thông tin đa chiều là chữ dùng chung cho những nhà báo trong mọi hoàn cảnh. Nếu trong cộng đồng tại một nước có tự do báo chí có những vấn đề mà một nhà báo cũng cần phải bước sang lề trái để tìm sự thật thì tại một nước độc tài dù là độc tài quốc gia hay độc tài Cộng Sản thì bổn phận và trách nhiệm của một nhà báo cũng vẫn như vậy. Ở cộng đồng trong một nước tự do, một nhà báo chủ trương phải thông tin đa chiều nhưng ở một nước còn chế độ độc tài, báo chỉ bị kiểm soát, cũng nhà báo ấy lại chỉ biết tận tụy, bịt tai nhắm mắt điở lề phải, sợ phải trả giá khi nói ra sự thực thì sao xứng đáng là người cầm loa đa chiều?

Từ lâu rồi không biết ai đặt ra một thứ chính quyền vô hình trong cộng đồng Việt Nam mà tôi thấy trong rất nhiều trường hợp một số nhà báo, nhà truyền thông, nhà làm chính trị, ngay cả một số trí thức ở đây cũng phải tự kiểm duyệt“đục bỏ” khi viết, khi nói vì sợ độc giả, khán giả, thính giả gọi vào đả kích vì cho rằng những người này đã bị “tẩy não nên dùng chữ Việt Cộng”, là “tay sai Cộng Sản”, là “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản”, là “lập trường chao đảo”,trong khi hàng ngày xuất hiện trên báo chí truyền thông Việt Nam ở hải ngoại những lời phê phán nặng nề vì báo chí trong nước bị nhà cầm quyền Cộng Sản câu thúc!!!Đăng một bức hình chỉ còn giá trị trên những trang sử Việt Nam nói đến hoạt động của Hồ Chí Minh chống Pháp mà không có cái gạch chéo ở mặt ông ta là “có chuyện”. Biết bao nhiều tờ báo trong cộng đồng này đã phải có thư “Cáo Lỗi” với những người sẵn sàng bới lông tìm vết, nhưng lại hay lẫn lộn giữa lịch sử và hiện tại, giữa hình ảnh minh họa cho một bài báo và nội dung thực của bài báo ấy, chỉ muốn những người làm thông tin được thông tin “tự do trong khuôn khổ do họ qui định”. Sự tựkiểm duyệt có khi lên đến cao độ khiến cho một nhà báo, hay là một nhà truyền thông phải viết Nguyễn văn X. Bí Thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh thành Bí Thư Thành ủy thành phố Saigon!

Thực tế thì cái đất mà thành phố được dùng làm thủ đô cho VNCH trước 30 tháng tư 1975 đã được đổi tên nhiều lần mới ra chữ Saigon. Saigon lúc đầu là Sài Côn, sau âm thành Sài Gòn viết rời ra và có dấu, nhưng rồi thời Pháp thuộc chữ Saigon lại được viết liền nhau, không dấu giống như Lyon, như Paris, nhưng có điều Saigon thì vẫn là Sài Gòn. Cái tên ấy ngoài những kỷ niệm mà những người sinh ra và lớn lên với Miền Nam Việt Nam mang trong trái tim của mình cùng với một cuộc chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu, Saigon còn đi liền với tổ chức chính quyềnđương tại lúc đó. Chẳng hạn như Saigon có Đô Trưởng chứ không có Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, không có Bí Thư Thành Ủy. Tổ chức chính quyền và đảng cầm quyền theo kiểu này chỉ có ở chế độ Cộng Sản vàđược gọi tên là do thắng lợi của người Cộng Sản trong biến cố 30 Tháng 4 cáchđây 36 năm. Đám người chiến thắng vội vã lấy tên lãnh tụ đã qua đời của họ thay thế tên cũ Saigon để “lấy điểm”. Vì thế đã gọi là Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố thì không thể là thành phố Saigon được mà phải là thành phố Hồ Chí Minh, còn Bí Thư Thành Ủy lại càng không thể là Bí ThưThành Ủy Saigon được! Ai cũng hiểu và thông cảm là người Việt tị nạn ở hải ngoại phần lớn ghét cái tên riêng của họ Hồ được dùng thay thế cho tên gọi của thủ đô trước đây của họ. Nhưng điều chắc chắn là “ghét, thù” cái tên ấy không đồng nghĩa với việc thay thế nó một cách dễ dàng như việc không dùng thành phố Hồ Chí Minh mà dùng Saigon trên báo chí truyền thông hay cứ lập ra những phong trào đòi lại tên Saigon là Hà Nội sẽ phải trả. Muốn đòi lại tên Saigon, người Việt ở trong nước phải trả bằng giá của những cuộc đàn áp, bắt bớ, đánh đập và tù đầy, có khi còn phải trả bằng giá máu.

Tôi còn nhớ những tháng đầu sau 30 tháng Tư khi người Saigon còn đang than khóc vì nước mất nhà tan, khi những manh nha nhen nhúm phục quốc thì chúng tôi bước vào nhà tù Cộng sản. Mười mấy năm sau sống sót trở về thành phố cũ, mọi sự đều đã đổi thay trừ một điều: người dân tiếp tục dùng tên Saigon trong những sinh hoạt thường nhật, trừ những trường hợp làm đơn xin nhà cầm quyền hay thư từqua lại giữa người Saigon và người thân ở hải ngoại. Khi sang đến Mỹ, một người bạn thân của tôi kể lại một câu chuyện có thểlàm khó chịu người đối thoại nếu người ấy thuộc vào hàng ngũ những người thích biểu lộ lập trường chống Cộng: “Tao gởi thư về địa chỉ mày đúng như mày nhắn. Nhưng tao muốn nghiệm xem thư có tới không nếu tao thay chữ thành phố Hồ Chí Minh bằng thành phố Saigon. Cả hai lần thưkhông tới. Lần thứ ba tao không thay tên ông Hồ bằng tên Saigon thì thư đến tay mày như mày đã thấy”.

Tôi biết bạn tôi muốn nhắc nhở một cách cay đắng rằng cái tên ông Hồ đượcđặt cho một thành phố có nhiều phần mang tính chất hành chánh phù hợp với giaiđoạn lịch sử của nó. Bất quá nó cũng chỉ như thành phố Volgograd được đổi tên thành Stalingrad sau khi Stalin lên cầm quyền tại Liên Bang Xô Viết năm 1925, rồi đến năm 1961 khi Kruschev muốn hạ bệ Stalin thì ông ta để Stalingrad trở lại tên cũlà Volgograd tức Volga City. St Petersburg một cố đô tráng lệ của nước Nga Czars Hoàngđã bị đổi tên tới hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1914 nó được đổi thành Petrograd và đến năm 1924 Petrogard lại được đổi thành Leningrad cũng chỉ vì lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng Sản Nga muốn đánh dấu thành phố này như một chiến thắng của Lenin, rồi đến năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, Leningrad lại trở về cái tên cũ St Petersburg muôn thuở.

Cho nên chống nhau, xỉ vả nhau, tìm mọi cách cấm nhau không được viết thành phố Hồ Chí Minh mà phải viết thành phố Saigon hay thậm chí thành phố HồChí Minh tên cũ là Saigon... không thể khiến cho Saigon trở lại với tên cũ của nó. Cái cách tốt nhất là làm sao chế độ Cộng Sản không còn hiện diện trên đất nước Việt Nam nữa thì lúc đó mới có cơ may đem tên Saigon trả lại cho Saigon.Đừng có buồn phiền nhau về những chuyện vô ích như các thắc mắc tại sao lại viết thành phố Hồ Chí Minh mà không viết là thành phố Saigon? Tại sao không được viết Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh mà lại phải viết Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Saigon? Tranh cãi nhau mãi về những lặt vặt này xảy ra trong đời sống cộng đồng chỉ tổ tạo thêm những chia rẽ, dẫn tới những đổ vỡ thêm mà thôi. Đáng buồn là một số người trong khối người Việt tịnạn đã mất Miền Nam rồi, đã khốn đốn gần trọn tuổi thanh niên vì biến cố này rồi mà vẫn chưa tỏ ra ân hận, vẫn đổ cho Mỹ, vẫn tại, bởi, vẫn nói dối nhau, vẫn cho nhau uống thuốc an thần, vẫn chưa bao giờ tự hỏi tại sao Saigon bị thay thếbằng một cái tên của một trùm Đỏ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử từ thời lập quốc và vẫn còn coi nhẹ những bài học mà Việt Vương Câu Tiễn để lại cho đời sau.

(Còn tiếp)



11/09/2012 10:17 AM

Trò đời nếu có quá nhiều húy kỵ cấm đoán bao vây đời sống của những người trong cộng đồng thì đến một lúc nào đó có một vài người vượt thoát ra khỏi cái hàng rào ấy và tuyên bố mình tự do là có thể tạo thành một phong trào. Trong hoàn cảnh này, những người trước đây đã tạo ra cái khung trong sinh hoạt cộng đồng sẽ bị hề hóa và không sớm thì muộn sẽ bị đào thải. Điều này làm tôi nhớ lại một chuyện cũ thời chiến tranh. Khoảng thời gian sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973, cái miếng đất trên đó phái bộ MAC-V xây những barracks để cho phái đoàn Việt Cộng trong Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên trú ngụ gần căn cứ Tân Sơn Nhất mà chúng tôi gọi là trại David thường mang một hình ảnh tạo ra nhiều hoài nghi và sự sợ hãi vào lúc đầu.

Lý do có thể giải thích được. Ở đây việc chụp hình, chụp ảnh bị giới hạn đối với báo chí tư nhân bên ngoài. Các phóng viên của báo tư nhân dường như khó được cấp phép để vào đây làm phóng sự sinh hoạt, ngoại trừ những cuộc họp báo vào mỗi chiều Thứ Năm nếu như có các phiên họp giữa hai phái đoàn VNCH và phái đoàn Việt Cộng. Người tổ chức các cuộc họp báo hay tổ chức tiệc chiêu đãi Tân Xuân là một sĩ quan quân đội Cộng Sản Bắc Việt. Ông ta thường tự xưng là Đại Úy Phương Nam (dĩ nhiên Phương Nam chỉ là bí danh, tôi nghĩ quân hàm của Phương Nam lớn hơn tên gọi công khai rất nhiều). Cách ăn nói của Phương Nam khá mềm mỏng, nhỏ nhẹ, lịch sự. Một vài nhà báo hay than phiền là khó tiếp xúc với những giới chức có thẩm quyền của phái đoàn Việt Cộng trong Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên, Phương Nam chỉ cười xòa, không biện minh và rút ngay ra một bao thuốc Điện Biên, một loại thuốc lá thơm ra mời và nói: “Thôi, mời các anhđiếu thuốc như một lời xin lỗi của tôi nhân danh các đồng chí thủ trưởng. Ấy phiền lắm các anh ơi, cái xã hội chủ nghĩa chúng tôi nó như thế đấy”. Vơi cái cách ăn nói như thế mà Phương Nam mời được khá nhiều nhà báo trong số những báo tư nhân ở Saigon vào dự các buổi tiếp tân nhân ngày cuối năm Âm Lịch hoặc dịp tân xuân khi vào dạo sau này luật lệ an ninh được nới rộng ở trại David.

Là phóng viên của cơ quan truyền thông chính phủ, chúng tôi được MAC-V cấp cho các thẻ báo chí đặc biệt có thể ra vào dễ dàng trại David với điều kiện phải có Công Vụ Lệnh của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia cử đi. Phương Nam cũng hay gọi điện thoại trực tiếp mời tôi tham dự họp báo và các dịp chiêu đãi cuối năm. Một hai lần đầu do tò mò, tôi thường chọn đi những công tác này cho hệ thống. Nhưng dự loại họp báo kiểu này mãi cũng chán vì phiên họp nào cũng giống phiên họp nào. Nhất là vào những lúc do chính trưởng đoàn Việt Cộng là tướng Hoàng Anh Tuấn chủ trì. Các phóng viên từng tham dự họp báo của Hoàng Anh Tuấn đều đồng ý với nhau là chớ có đặt câu hỏi với viên tướng này vì câu hỏi một đường, ông ta sẽ trả lời một nẻo, mỗi câu trả lời dài tới 10 phút, chẳng đâu vào đâu, nhiều khi chẳng liên hệ gì đến câu hỏi được đặt ra. Chiến thuật của ông ta là nói huyên thiên chỉ cốt để tuyên truyền, lảng tránh, còn mọi chuyện dường như ông ta để cho Hà Nội lo.

Nhắc lại chuyện cũ cũng chỉ là một cái cớ để nói với các độc giả rằng một người phóng viên, một nhà báo ngoài nghiệp vụ chuyên môn mà mình được huấn luyện, nó còn đòi hỏi sự quan tâm và tò mò. Thiếu sự quan tâm và tò mò, người làm báo không thể thực hiện được nghiệp vụ của mình. Những yếu tố này thường thúc đẩy tôi hay tìm cách nói chuyện với tù và hàng binh Việt Cộng tại mặt trận. Vềnguyên tắc, một phóng viên làm việc ở mặt trận không được quyền phỏng vấn tù hàng binh Việt Cộng ngay tại chỗ trước khi cơ quan có thẩm quyền khai thác xong và nếu được phép. Cho nên, những năm đầu vào nghề, tôi luôn luôn tìm cách “chạy vạy” để có thể phỏng vấn tù binh tại ngay khi họ vừa đầu hàng. Câu chuyện của những tù binh này dù chẳng đâu vào đâu trong tình trạng hoang mang sợ sệt những giờ đầu tiên sau khi bị đẩy vào tình trạng cá nằm trên thớt, chưa biết số phận mình ra sao, nhưng nó đã làm tăng thêm sự hấp dẫn của những phóng sự tôi gởi về đài trung ương ở Saigon. Trong cuộc phỏng vấn, tôi hay trao đổi với tù hàng binh chi tiết về quê hương bản quán, ngày nhập ngũ, tình trạng gia đình, tình yêu, mộng ước sau khi hòa bình trở lại. Nếu có những lời lẽ được gi âm của họ,những phóng sự chiến trường mà đài phát thanh gởi đến thính giả chuyên chở được tính nhân bản hơn. Nó làm cho cuộc chiến của chúng tôi mang ý nghĩa và trở nên bi hùng tráng hơn. Ít ra là cũng đã có hàng chục lần chỉ với các phóng sự mỗi cái không dài quá 20 phút cho một mặt trận có khi kéo dài cả tuần lễ, gay cấn và đẫm máu cũng đã giúp cho môt số gia đình trong Nam biết được điều gì đang xảy ra ngoài tiền tuyết và giúp họ khả năng có thể tìm được người thân ruột thịt của mình trong số những tù hàng binh mà tôi phỏng vấn, và phải nói rằng những trường hợp trên từng làm tôi thực sự xúc động khi có gia đình nghe xong phóng sự truyền thanh tìm đến tôi hỏi tung tích người thân đi bộ đội từ Miền Bắc thẩm nhập và tác chiến ở Miền Nam.

Câu chuyện rất dài, tôi sẽ kể lại trong một bài báo khác hoặc sẽ cân nhắcđể chúng nằm trong một cuốn sách mà tôi đang viết về cuộc chiến Việt Nam 40 năm trước đây. Tôi đưa ra một vài công việc mình đã làm trong thời chiến cũng chỉ để xác định bằng kinh nghiệm của mình rằng, ở đời làm việc gì cũng vậy, cái hăm hở lúc đầu sẽ nhạt dần nếu công việc cứ diễn ra đều đặn và không có nhiều thay đổi về nội dung. Cho nên, phải nói rằng những lần đầu, khi tôi vào trại David ở Tân Sơn Nhứt để gặp tận mặt và nói chuyện với những quan chức Cộng Sản như Hoàng Anh Tuấn hay Võ Đông Giang, câu chuyện tôi kể và những cuốn băng phỏng vấn thu thanh các quan chức này gây được sự chú ý cho những đồng nghiệp của tôi. Chính sách của một hệ thống truyền thanh của nhà nước là không cho phát thanh những cuộc phỏng vấn phía Việt Cộng mà chỉ được loan báo bằng một tin ngắn. Lúc đầu việc cấm đoán làm cho tôi hết sức bực bội. Nhưng sau bốn năm lần gặp gỡ,nghe họp báo của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, phát ngôn viên đoàn thương thuyết Việt Cộng trong Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên, tôi bắt đầu chán vì thấy rằng không có gì thay đổi trong cuộc đàm phán để thi hành hiệp định cả. Cuối cùng chỉcòn là vài bữa tiệc chiêu đãi vào những ngày cuối năm âm lịch, cho nên tôi cũng thấy không cần phải vào trại David để săn tin nữa. Điều này cũng dễ hiểu thôi, khi chưa có thì hăm hở muốn có, nhưng khi có được rồi thì chán vì mình nhận ra nội dung của những câu chuyện thực ra cũng chẳng có gì hấp dẫn.

Thời gian định cư ở nước Mỹ của tôi tới nay là 19 năm thì 18 năm sống bằng làm báo và làm đài. Ấy vậy mà cho tới nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên không hiểu, có một số người ở đây vẫn còn muốn tạo lập một cộng đồng chống Cộng khép kín. Làm như ở xã hội này chỉ có một đài phát thanh duy nhất giống như đài phát thanh Saigon khi xưa, chỉ có một tờ báo duy nhất giống như tờ Nhân Dân hay QuânĐội Nhân Dân, chỉ có một tờ tạp chí là tạp chí Học Tập sau này là tạp chí Cộng Sản ở Miền Bắc Việt Nam, chỉ có một hội đoàn duy nhất là ban đại diện cộng đồng chống Cộng chi phối tất cả đường lối chính trị và suy nghĩ của đồng hương. Những tư tưởng khác đường lối chống Cộng hay chống khác kiểu chống Cộng của họ đều bịnhìn với con mắt hoài nghi. Sự ngạc nhiên nơi tôi càng đi xa hơn khi tờ Thời Sự của nhà báo Vũ Bình Nghi ở San Jose mở cuộc phỏng vấn Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở San Francisco là Nguyễn Xuân Phong. Cuộc phỏng vấn theo lời ông Nghi là có thu thanh và khi chuyển thành chữ trên báo là chuyển dưới hình thức “Q & A”, tức là vấn đáp. Thật ra, nội dung cuộc phỏng vấn không phải là một “trái bom” như một số người tưởng bởi vì lời lẽ của Nguyễn Xuân Phong cũng không khác gì lời lẽ của những anh quản giáo trong những trại giam Cộng Sản mà chúng tôi từng phải nghe trong mười mấy năm tù cải tạo. Cho nên, nếu bình tĩnh một chút sẽ thấy nội dung cuộc phỏng vấn ấy là một cơ hội tốt để những người làm tuyên vận dùng nó như một chất liệu tốt để viết những bài phản bác lời lẽ của Phong.

Nhưng không thế, một vài nhà chống Cộng lúc đó vội vã dấy lên phong trào chống Vũ Bình Nghi. Thế là biểu tình, chửi rủa, áp lực tờ Thời Sự dù kéo dài đến mấy cũng phải kết thúc vì một lẽ là nếu có kéo dài được từ năm này qua năm khác, người biểu tình cũng không thể vượt qua được cái bức tường Đệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ở Mỹ, quyền biểu tình được tôn trọng, nhưng ngay cảQuốc Hội cũng không thể đóng cửa một tờ báo nào cho dù tờ báo này chỉ trích hành pháp, lập pháp, tư pháp nặng nề. Người Mỹ gọi báo chí là đệ tứ quyền là như vậy, một thứ quyền độc lập đối với cả hành pháp, tư pháp và lập pháp Hoa Kỳ.Một số thành phần chống Cộng ở Nam California cũng như ở các cộng đồng người Việt khác trên đất Mỹ thường hay lập luận: nên thông cảm họ (những người ưa chửi rủa người khác chỉ vì họ không đồng tư tưởng với mình) vì những nạn nhân Cộng sản này đã phải trả cái giá đắt với người Cộng Sản.

Thực ra, đâu có ai là không thông cảm họ đâu, nhưng làm cách nào để đánh giá những cái giá của họ với cái giá mà người khác cũng phải trả như vậy? Thực hiện một việc gì trong phạm vi đệ tứ quyền nhưng vô tình đã khơi dậy vết thương của người khác có thể định nghĩa như một cái tội được không? Chẳng hạn như khi một nhà báo cần gặp một nhân vật Cộng Sản để phỏng vấn và đưa ra những câu hỏi mà mình thắc mắc liệu có tiềm năng khởi dậy hay thực sự khơi dậy những nỗi đau của một số nạn nhân Cộng Sản không? Bố tôi chết vì những người Cộng Sản có thểkhiến tôi thù ghét Cộng Sản nhưng liệu điều đó có cho tôi khả năng buộc người khác cũng phải thù ghét cộng sản như tôi không? Trong chế độ VNCH có việc kiểm duyệt báo chí mà có nhiều vị vẫn coi như Miền Nam có tự do báo chí, liệu những vị ấy có thể áp lực người khác để đòi kiểm duyệt báo chí trong cộng đồng này được không? Một số nhà chính trị chống Cộng theo một kiểu, liệu ở trên đất nước tựdo này, các vị ấy có thể buộc mọi người chống Cộng phải chống theo kiểu của mình được không? Biết bao nhiêu vấn đề được đặt ra mang tính nguyên tắc nhưng sẽlàm cho mọi người cảm thấy lạ lùng là tại sao cho tới nay, ngay người Việt tựdo lại phải quay về những ngày đầu học tập dân chủ khi phải trả lời những câu hỏi trên? Cá nhân, tôi tin rằng sở dĩ có tình trạng này, vì trong cộng đồng chúng ta vẫn còn những người dù trải qua những đau khổ của mất nước vẫn còn mang cái ảo tưởng về một thứ quyền lực mà mình thực sự không còn nữa. Mầm mống của chia rẽcộng đồng như ngày nay chính là đến từ lớp người này, từ những suy nghĩ lệch lạc này.

Tòa Tổng Lãnh Sự Việt cộng nằm ở thành phố San Francisco. Lẽ ra khi bài phỏng vấn viên tổng lãnh sự xuất hiện trên báo chí, người chống Cộng phải kéo nhau tới chỗ này đểphản đối và buộc Nguyễn Xuân Phong phải trả lời về những điều mà ông ta nói rađụng chạm đến cộng đồng Việt Nam tỵ nạn. Đàng này, những người mang danh biểu tình chống Cộng lại không hề chống những cốt cán của Cộng Sản ngay sát bên mình mà chỉ là mượn gió bẻ măng, chống nhau cho đã giận, cốt tạo ra một cơ hội vỗ ngực xưng tên, không hề mang lại lợi ích chính trị nào cho cộng đồng. Có lẽ từ ngữ “đấu đá” là từ thích hợp nhất dùng để chỉ sự biến dạng của một cuộc đấu tranh lâu dài và đầy khó khăn nhưngăn chống ảnh hưởng của Cộng sản tại một đất nước có bang giao với Cộng sản. Ngược lại, hiện tượng múa may của một số lãnh tụ chính trị cộng đồng còn khiến cho đám cán bộ ngoại giao ở các tòa Tổng lãnh Sự Việt Cộng vỗ tay cười: “Thấy không, chống bọn mình đâu chưa thấy mà thấy họ chống nhau. Hóa ra mình chỉ cần khều một anh nhà báo hay một thủ lãnh chính trị thiếu bản lãnh đến phỏng vấn hay gặp bọn mình là sẽ có chuyện xào xáo giữa họ với nhau, chúng ta ở đây thà hồmà an toàn”.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện về cung cách biểu lộ lập trường chống Cộng của một số người trong cộng đồng này. Dường như họ chưa bao giờ quen với vận động và thuyết phục. Tôi không dám nói là tất cả vì tôi hiểu rằng cộng đồng chúng ta là cộng đồng tị nạn Cộng Sản, không nhất thiết mọi người phải nhìn về cái quá khứ của cuộc chiến và những người Cộng sản giống nhau. Bởi vì nếu mọi người tôn trọng quyền suy nghĩ của nhau, nếu những lời chỉ trích là những lời lẽ phải chăng, lịch sự nhưng không thiếu sắc bén thì không có vấn đề gì phải đặt ra, và chẳng bao giờ có sự rạn vỡ trong cộng đồng như ngày nay. Và không có kiểu biểu lộ lập trường của mình bằng cách áp lực, bịt miệng người khác, không cho những người bị chỉ trích lên tiếng, báo chí và đài phát thanh trong cộng đồng dù là tư nhân, nhưng cũng không dám lên tiếng bênh vực người bị tấn công thì ngày nay đâu có xảy ra vụ vài nhà báo, nhà chính trị cho rằng việc mình được phép về Việt Nam, được tiếp xúc với các viên chức ngoại giao Cộng Sản như là thành quả, một thắng lợi có tính chất thách thức như chúng ta hiện đang phải chứng kiến. (V.A)
(Còn tiếp)


11/11/2012 10:04 AM

Hai mầu trắng đen hòa với nhau theo một tỷ lệ nhất định sẽ biến thành mầu xám. Cũng giống như mầu xám, nguyên nhân của những bất cập trong xã hội đến từnhững việc làm không trắng, không đen phân minh. Một cộng đồng duy nhất và độc lập biểu tượng cho danh dự của khối đồng hương đã bầu lên ban đại diện đó. Cho nên nó phải là mầu trắng chứkhông phải đen hay xám. Ấy thế mà người ta cứ dựng lên một cộng đồng mang danh là duy nhất nhưng thực tế bên cạnh đó vẫn có ít nhất là hai ban đại diện cộng đồng khác còn tồn tại. Còn sự trí trá và khinh thường nào hơn đối với các đồng hươngở đây hay không? Đó là chưa kể đến những trò thiếu dân chủ, ấu trĩ như tìm cách loại người này đôn người kia thuộc “phe ta” vào ban đại diện. Báo chí và đài phát thanh Việt ngữ ở đây đã nhiều lần lên tiếng cáo giác những hành vi mập mờ, thiếu dân chủ của toàn bộ cuộc bầu cửcộng đồng hồi năm ngoái, nhưng các ông bà trong ban đại diện cộng đồng “duy nhất” vẫn tỉnh bơ “cổ cồn cà vạt” đến dự những các buổi lễlạc hay biểu tình chống Cộng trong cộng đồng. Thử tưởng tượng xem những ông bà này mà lên tiếng chỉ trích bọn Đỏ ở Hà Nội “thiếu dân chủ”, “suy đồi chính trị hay đàn áp chính trị” thì người ngoài đứng nhìn sẽ phải nói ra sao?

Hồ sơ về nhân quyền của Việt Nam sở dĩ ngày một dầy lên, hành động đàn áp ngày một thô bạo hơn cũng chỉ vì những ông như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng cũng cứ sợ bóng sợ gió các cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước sẽ biến thành chống các ông ấy nên mới bắt bớ lung tung những cá nhân bất đồng chính kiến hay những bloggers chạy sang lề trái. Ở cộng đồng ta, một thiểu số gồm những nhân vật nổi tiếng “mùa chay nào cũng có nước mắt” nay dấy lên phong trào này, mai thành lập ủy ban nọ với những cái tên rất kêu làm như phen này thì Việt Cộng và tay sai hết đường chạy thoát, chỉ cố để có nơi tha hồ múa may quay cuồng. Nhưng thực tế mà nói hoạtđộng của họ chỉ là tố cáo người khác là cộng sản hay tay sai cộng sản mà chẳng bao giờ nêu ra được bằng chứng cụ thể nào. Hoàn toàn chỉ là chửi đổng. Phải nói rằng văn hóa chịu đựng trong cộng đồng này đã lên tới mức siêu việt. Bị mặc áođội nón cộng sản, các nạn nhân cũng vẫn cắn răng, không phản ứng từ hơn 3 thập niên nay cho tới khi một vụ kiện bùng nổ giữa ông Nguyễn Phương Hùng và một sốngười ký tên vào một văn bản tố ông ta là cộng sản. Tôi không muốn đi sâu vào vụkiện và cũng không muốn bênh vực bên nào, nhưng tôi chỉ nêu ra một thắc mắc: làm cách nào có thể chứng minh trước tòa một người là cộng sản ? Tố họ là người cộng sản vì họ đã viết những bài báo ca tụng cộng sản, vì đã tiếp xúc với cộng sản, vì đã chụp hình chung với cộng sản, vì làm ăn kinh doanh với cộng sản, vì về Việt Nam theo lời mời của chính quyền cộng sản? Những yếu tố này không đủ để kết luận một người là cộng sản tức là đảng viên của đảng cộng Sản. Vào đảng thì phải có ngày tuyên thệ gia nhập và có những văn kiện của đảng cộng Sản chấp nhận cho gia nhập. Những câu hỏi này được đặt ra cốt là để chứng tỏ một điều trước tòa án Mỹ một đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam không có tội trừ phi người cán bộ này vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Vậy thì khi tố cáo người khác là cộng sản hay tay sai thì phải thận trọng. Người bị tố có thể kiện ngược lại tội phỉ báng cá nhân hay tội cáo gian. Vả lại cho dù có chứng minh được một người là đảng viên cộng sản mà không chứng minh rằng người này làm hại mình như thế nào thì cũng chẳng làm gì được ông ta hay bà ta.

Từ trước, trong cộng đồng này, vẫn có một số người tôn sùng chủ nghĩa cảvú lấp miệng em, chủ nghĩa hù dọa, nào là dọa “nghỉ chơi” nghĩa là khai trừ ra khỏi cộng đồng, nào là tuyên cáo lên án, nào là biểu tình phản đối và trong nhiều trường hợp vung ra những lời chửi rủa tục tằn. Lúc đầu trò này còn có vẻ “ăn khách” tức là kích động được những đồng hương chưa hiểu rõ nội vụ, nhưng lâu dần về sau này đồng hương cũng đã hiểu, đã chán, xa lánh những kiểu cáo giác như thế và chẳng ai để ý đến những phần tử này nữa. Trò đời khi những cuộc biểu tình phản đối biến thành những vụ tập họp la hét loạn xạ, dọa nạt nhau mãi thì một lúc nào đó có người đứng ra huỵch toẹt: “Tôi thân cộng, tôi làm tay sai, tôi đếch chống Cộng theo kiểu của các ông, các bà chống thì làm gì tôi nào?” lúc đó mới tỉnh giấc quay về thực tạiđể hiểu rằng quả thật những áp lực chính trị hạng bét này chỉ là trò dọa nạt của những anh khiếm thị đối với những người còn nhìn thấy ánh sáng.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã đẩy bao nhiêu triệu dân Miền Nam Việt Nam vào cái ách Cộng sản, quân đội tan rã, những người lính nào còn trách nhiệm vớiđồng đội đành câm lặng bước vào sau những cánh cổng nhà tù, những người thiếu trách nhiệm thì tìm cách bỏ đi, những lãnh đạo từng một thời bổng lộc và tranh giành quyền lực thì phản lại chính bộ quân luật do họ đặt ra. Sống với thân phận của người lưu vong sau cái thất bại lớn lao như thế, lẽ ra họ phải im lặng, nằm gai, nếm mật đắng duyệt lại tất cả những hành động của mình trong cuộc chiến trướcđây, những gì còn thích hợp thì giữ lại trau chuốt dùng chúng làm thành nền móng cho một cuộc chiến đấu khác, những gì vẫn còn hình ảnh những đám mây mầu xám của sự thiếu dân chủ, tự do thì mạnh dạn vứt nó đi, thương tiếc làm gì. Ấy thế mà đã hơn 36 năm qua rồi, trên những trang sử phát triển của cộng đồng Việt Nam đã đầy kín những vết đen, vết xám cấu tạo bằng những hành động phi dân chủcủa những chính trị gia chống cộng nửa mùa. Kêu gào tự do dân chủ trong đó có tựdo tư tưởng cho Việt Nam, chỉ trích nặng lời những hành động kiểm soát báo chí truyền thông của Hà Nội trong khi chính mình thì cũng làm y chang như vậy. Cái nghịch lý này không có cách nào giải thích được. Trước đây, khi chúng ta còn phải chiến đấu với kẻ thù cộng sản trước mắt thì việc kiểm duyệt báo chí, tịch thu báo, cắt xén những bài báo mà nhà cầm quyền VNCH nghĩ là bất lợi cho cuộc chiến đấu chung còn có thể tạm châm chước được. Nhưng nay cộng đồng Việt Nam sống ngay trên đất Mỹ tự do dân chủ mà vẫn giữ thái độ cũ thì có cách nào đểtha thứ ? Rất may cho đồng hương là thiểu số này không còn quyền lực chứ nếu mà họ còn quyền, tôi sợ rằng những người có tư tưởng đi ngược lại họ cũng sẽ bịcùm kẹp ngồi tù chứ không phải chỉ có lãnh những lời lẽ chỉ trích tục tằn nhưhiện nay mà thôi đâu!

Nói tóm lại trong một xã hội mà những người dẫn dắt dư luận thấy bất cứ điều gì khác mình cũng là một “big deal”như trong chế độ độc tài ở Việt Nam ngày nay, hay trong một xã hội mà người tađặt ra quá nhiều húy kỵ phi lý thì những người nào đi ngược lại những điều ấy bỗng nổi tiếng và có thể trở thành người hùng, dù thực chất sự đi ngược lại ấy chưa chắc đã là đúng, chưa chắc đã là hợp lý. Trong xã hội ở Little Saigon này thôi, sinh hoạt nào cũng được đóng khung giống nhau, hình thức giống nhau, nói năng giống nhau như người máy, diễn văn và phát biểu giống nhau thì quả cũng nản thật và càng ngày người ta càng mất kiên nhẫn để ngồi nghe những truyền đơn chính trịnhảm nhí ấy. Trong bối cảnh này có nếu một anh nào, chị nào đó bực quá nhảy ra hô hoán: “Không! Các vị 'rét' nên không dám nói ra sự thực. Sự thực nó là như thế này, thế này này...”. thì lập tức người ta tất phải chú ý tới chiều ngược ấy dù chưa hiểu giáp ất gì, thì ít nhất nó cũng là một luồng gió mới cái đã. Sau đó mới hạ hồi phân giải.

Trong thời buổi hiện nay, những ai còn sùng bái cái lối tẩy não của Goering, trùm tuyên truyền xám của Đức Quốc Xã thì sẽ thất vọng. Sự phát triển của truyền thông mạng ngày nay khiến cho phương thức “nói sai mà nhắc lại cái sai thật nhiều lần thì riết rồi nó cũng trởthành đúng” dễ biến dạng thành một con dao hai lưỡi. Tác dụng tất sẽ ngược lại và người chủ trương sẽ lãnh thiệt hại hết sức nặng nề: Không ai tin mình nữa mà họ quay sang tin kẻ thù ! Cho nên, những người nghĩ rằng mình cần phải có hành động nào đó để chống lại nhóm ký giả vừa về Việt Nam sẽ chỉ có khả năng trở thành những Don Quichote mà thôi. Tốt nhất là cứ để cho nó diễn tiến như thường tình, nghĩa là bỏ cái thói hầm hè dọa nạt biểu tình tẩy chay đối với bất cứ nhà báo nào tìm cách lân la tham dự sinh hoạt của người cộng sản, về nước dự hội nghị Việt kiều hay viếng thăm theo lời mời của nhà cầm quyền Hà Nội, ngay cả tham dự hội nghịtruyền thông do chính họ tổ chức. Lẽ ra những nhà hoạt động ở đây còn phải khuyến khích những nhà báo trong cộng đồng tỵ nạn mở các cuộc tiếp xúc, phỏng vấn các viên chức ngoại giao Cộng Sản Việt Nam tại Mỹ, vì đây là dịp mà người phóng viên trong một chế độ tự do có thể đặt thẳng với họ về những hồ sơ nhân quyền cụthể như vụ linh mục Lý, Cù Huy Hà Vũ, vụ tham nhũng Vinashin, vụ in tiền polymer. Tại sao lại cứ phải dùng tin từ các đài quốc tế RFI, RFA, BBC hay mạng VnExpress chứ? Tại sao lại cứ phải lo xa những nhà báo này bị cộng sản hóa, bịtẩy não, bị thuyết phục bởi những viên chức ngoại giao này? Vì thế, tôi tin rằng “cởi trói cho báo chí truyền thông trong cộng đồng tị nạn sẽ dần dần dẫn đến một kết quả tốt là báo chí truyền thông ở đây không còn bị biến thành những cơ quan chuyên pha nước đường hay thuốc an thần bất đắc dĩ cho đồng hương nữa”. Nó sẽ là một nền báo chí rất mạnh, vì chỉ thông tin đa chiều thật sự, có kiểm chứng của người đọc thì mới tồn tạiđược, còn thông tin đa chiều “dởm” theo cái kiểu “của hiếm” sẽ bị đào thải. Khi việc đi theo lề trái, lề phải được điều hòa và cân bằng thì mọi chuyện trởthành bình thường và quyền phân xử sẽ rơi vào tay người đọc và đồng hương. Người ký giả nào dù sinh hoạt trong cộng đồng hay ở Việt Nam mà lại chỉ viết được những bài báo giống như bài của bọn bồi bút của chính quyền trong nước thì người đọc sẽ không đọc vì nếu có nhu cầu thì người ta đọc báo Việt Nam chứ ai đọc bản sao của chúng trong cộng đồng này?

Với một nền báo chí mạnh mẽ, trắng đen phân minh, thì những phần tửchính trị xôi thịt, dùng cái gọi là lập trường chống cộng chỉ để đánh bóng tên tuổi mình sẽ bị loại bỏ. Trong bối cảnh ấy, những nhà ngoại giao Cộng sản muốnđối thoại với cộng đồng tị nạn cũng phải tiến hành những bước thận trọng chứkhông dễ dàng là chỉ cần liên lạc với vài tên mối lái là họ có thể khuấy động những tranh cãi để thừa nước đục thả câu như hiện nay. Hy vọng bức tranh sinh hoạt cộng đồng trong những ngày tới có nhiều mầu trắng hơn là đen và loại bỏ hẳn việc dùng mầu xám! Mong lắm thay! (V.A)





No comments:

Post a Comment

View My Stats