Thanh Phương – RFI
Chủ nhật 25 Tháng Mười Một 2012
Nguyệt san dành cho nam giới của Mỹ GQ vừa bầu chọn nhà
ly khai mù Trung Quốc Trần Quang Thành là « kẻ nổi loạn » của năm 2012, bảy
tháng sau khủng hoảng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington do vụ ông trốn
khỏi nơi quản thúc chạy vào tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ.
Nhà ly khai Trần Quang Thành đã được rời Trung Quốc sang
định cư ở Hoa Kỳ sau khi trốn khỏi nơi ông bị quản thúc tại gia ở tỉnh Quảng
Đông . Trong bài viết kèm theo tiểu sử đăng trên tạp chí GQ, ông Trần Quang
Thành mô tả những khó khăn mà ông gặp phải khi hội nhập với cuộc sống thành phố
New York, nơi gia đình ông đã dọn đến sau khi được mời đến đây để học đại học.
Là một trong những nhà đối lập nổi tiếng nhất của Trung
Quốc, ông Trần Quang Thành đã được thế giới ngưỡng mộ vì đã dám điều tra về
những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt điều tra về các vụ chính quyền
cưỡng bức triệt sản và phá thai trễ khi thi hành chính sách mỗi gia đình chỉ có
một con.
Vì những hoạt động này mà ông Trần Quang Thành đã bị kết
án 4 năm tù. Sau khi được trả tự do, nhà ly khai Trung Quốc đã bị quản thúc tại
gia, nhưng ông đã qua mặt cảnh sát để trốn khỏi nhà vào ngày 22/4, rồi được đưa
vào tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, vài ngày trước khi Ngoại trưởng
Hillary Clinton đến thăm Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc và Hoa Kỳ đã mất nhiều ngày
mới tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Ban đầu ông Trần Quang Thành
chấp nhận ở lại Trung Quốc, nhưng sau đó đổi ý, quyết định sang định cử ở Hoa
Kỳ. Cuối cùng, Bắc Kinh cũng cho phép ông Trần Quang Thành ra nước ngoài để
học.
Trọng Thành -
RFI
Thứ hai 26 Tháng Mười Một 2012
Báo Le Monde có bài : « Chiến dịch chống trại lao cải Trung Quốc có thêm sức bật, sau vụ ông Nhậm Kiến Vũ được trả tự do trước hạn ». Bài báo cho thấy phong trào đòi hủy bỏ hệ thống nhà tù trá hình tại Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn, sau việc người chế giễu cựu lãnh đạo Bạc Hy Lai được thả.
Le Monde nhận định, được trả tự do ngày 19/11/2012 ông Nhậm Kiến Vũ (Ren Jianyu), 25 tuổi có lẽ là người tù duy nhất của hệ thống « trại lao cải » được truyền thống Trung Quốc chú ý đến mức như vậy. Ông Nhậm Kiến Vũ bị bắt vào tháng 8/2011, vì đã đưa lên mạng
internet những lời chế nhạo, của chính ông và nhiều người khác, đối với Bạc Hy Lai, lúc đó đang là lãnh đạo đầy uy quyền của thành phố Trùng Khánh.
Vào thời điểm này, ông Nhậm Kiến Vũ làm việc trong
một cơ quan hành chính của một địa phương hẻo lánh thuộc thành phố khổng lồ miền tây nam Trung Quốc. Ông Nhậm Kiến Vũ đã bị kết án hai năm giam giữ tại trại cải tạo, không qua xét xử. Các trại lao cải thực tế là một hệ thống nhà tù riêng do bộ Công an Trung Quốc kiểm soát.
Trong những tháng gần đây, ông Nhậm Kiến Vũ được rất nhiều người sử dụng Internet ủng hộ. Việc mới đây, ngày 20/11, một tòa án Trùng Khánh bác đơn khiếu nại, yêu cầu hủy bỏ quyết định bắt giam ông Nhậm Kiến Vũ, càng khiến các phương tiện truyền thông chính thức tại Trung Quốc gia tăng yêu sách đòi hủy bỏ hệ thống trại lao cải.
Ngày 21/11/2012, tờ Nhân dân nhật báo đã bác bỏ tính chất hợp hiến của hệ thống trại lao cải. Trên trang mạng
Quang minh nhật báo, một tờ báo chính thức khác, cùng ngày , có lời kêu gọi : «
Không thể chậm trễ trong việc hủy bỏ hệ thống trại cải tạo lao động cưỡng bức ». Một trong các trang mạng lớn tại Trung Quốc QQ.com có một bài viết dài với tựa đề « Hãy hủy bỏ trại lao cải, Trung Quốc không thể chịu đựng nổi nữa ! ». Trong khi đó, có ít nhất hai phương tiện truyền thông khác mời ông Nhậm Kiến Vũ tham gia thảo luận với người dùng internet. Người tù nổi tiếng kể lại những điều kiện khổ ải trong thời gian bị giam giữ, với những ngày làm việc dài đằng đẵng.
Ông Nhậm Kế Vũ và luật sư Phổ Chí Cường (Pu Zhiqiang), chuyên gia về các vụ án « nhạy cảm », tuyên bố sẽ khiếu nại lại phán quyết kể trên của tòa án Trùng Khánh. Cựu tù nhân trại lao cải Trùng Khánh tuyên bố trên Hoàn cầu thời báo, ngày 21/11/2012, rằng ông « hy vọng trường hợp của ông sẽ tạo thành một án lệ và việc ông bị bắt giam trong 15 tháng vừa qua sẽ có ích cho những người khác ».
Hiện tại, cuộc chiến đòi hủy bỏ hệ thống trại lao cải của truyền thông và giới luật gia, luật sư Trung Quốc có vẻ như được ê kíp lãnh đạo, mới được bầu ra trong đại hội 18, cho tồn tại.
Cách đây mươi năm, vào thời điểm hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền năm 2003, một thanh
niên khác đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống lại hệ thống đàn áp tàn bạo của chế độ Trung Quốc. Đó là Tôn Chí Cương (Sun Zhigang), một họa sĩ 27 tuổi, bị đánh chết tại một trại giam ở Quảng Đông, vì không có giấy tờ. Cái chết của người thanh niên đã gây ra một làn sóng phản kháng xã hội dữ dội tại Trung Quốc yêu cầu chính quyền tôn trọng các quyền dân sự. Mười năm sau, có vẻ như đang bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại hệ thống đàn áp tại Trung
Quốc.
No comments:
Post a Comment