Wednesday, 21 November 2012

TỘI ÁC ECOPARK (Lê Anh Hùng)




Thứ tư, ngày 21 tháng mười một năm 2012

Sáng 18/11 vừa qua, chúng tôi về huyện Văn Giang (Hưng Yên) theo lời mời của bà con nông dân 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao. Trước cảnh tượng được chào đón như những vị khách quý trong tiếng vỗ tay lẫn tiếng reo hò hân hoan của hàng ngàn người dân thuộc 3 xã bị chiếm đất cho dự án khu đô thị Ecopark, trong chúng tôi trào dâng nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Trong khi biểu ngữ mà bà con giăng lên là “Nhân dân yêu đất ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao nhiệt liệt chào đón đoàn Đại biểu Quốc hội về với dân” thì trớ trêu thay, không một vị “đại biểu nhân dân” nào do chính họ bầu lên về với người dân nơi đây cả. Thậm chí, dù là ngày nghỉ và bà con đã đề nghị mượn hội trường trong trụ sở UBND xã Phụng Công để đón đoàn nhưng vẫn bị từ chối. Bà con đành phải dựng rạp ngay bên ngoài trụ sở UBND xã để tiếp đón khách khứa.

Bà con hân hoan chào đón khách quý (Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh)


Mặc dù phần lớn chúng tôi đều là nạn nhân của chế độ trong những hoàn cảnh khác nhau và tất cả đều chẳng lạ gì về sự thối nát của cả hệ thống chính trị, nhưng qua lời kể của bà con cũng như những gì được chứng kiến, chúng tôi vẫn cảm thấy bị sốc, đau xót và phẫn nộ trước tội ác trắng trợn mà những kẻ nhân danh “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” gây ra cho những người nông dân thuần hậu, chất phác.

Những năm 2001-2002, người nông dân ở đây bắt đầu chuyển đổi đất ruộng trên cánh đồng chung thuộc ba xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao thành những vườn cây, ao cá. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống của bà con thay đổi hẳn nhờ thành công của công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến 3 xã trở thành một vùng quê trù phú. Dĩ nhiên là để đạt được thành quả đó, họ phải đầu tư rất nhiều tiền của và công sức.

Thế rồi đùng một cái, Dự án Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Văn Giang (Ecopark) ra đời và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tại Văn bản số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003, đồng thời giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án và xây dựng đường bộ từ cầu Thanh Trì đi Tp Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tất cả diễn ra rất bất ngờ khiến bà con hết sức hoang mang, lo lắng. Trong khi ruộng đất là nguồn sống duy nhất của người dân thì với mức đền bù rẻ mạt 135.000VNĐ/m2 hay 48,6 triệu/1 sào (thậm chí, ban đầu chỉ 19 triệu rồi nâng lên 36 triệu/sào), họ thực sự bị đẩy vào đường cùng. Không chỉ mất đi kế sinh nhai, hầu hết người dân ở đây còn mất trắng những khoản đầu tư lớn trong khi đang phải vay mượn ngân hàng, người thân hay chòm xóm. Như lời cụ Lê Hiền Đức phát biểu trước đông đảo bà con, đây không phải là “thu hồi” hay “giải phóng mặt bằng” gì mà đích thực là hành vi “cướp đất”.

Tác giả (bên phải) đang trao đổi với một người dân xã Cửu Cao ngày 18/11/2012

Để đạt được mục đích là chiếm đoạt đất đai của nông dân, chính quyền (xã, huyện, tỉnh) và chủ đầu tư đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào. Dưới đây là những thủ đoạn nhơ bẩn mà họ áp dụng đối với gia đình thuộc diện thu hồi đất trong vùng dự án mà chưa nhận tiền đền bù (theo lời kể của người dân):

1)   Gia đình nào có con em là công chức trong tỉnh thì con em họ được cho tạm nghỉ để về vận động gia đình; nếu không nhận tiền đền bù thì con em của họ bị cho nghỉ việc. Một số gia đình có con em có bằng cấp đành phải hy sinh ruộng vườn để cho con em mình có công ăn việc làm;

2)   Những đối tượng đảng sắp sửa kết nạp thì bị gạt ra, với lý do là “không chấp hành chính sách”; đảng viên thì bị đe doạ khai trừ; con cái thành hôn thì không được cấp giấy đăng ký kết hôn;

3)   Người dân nào lên tiếng đấu tranh thì bị côn đồ, xã hội đen bịt mặt chặn đường đánh; bể nước của gia đình có người đi đấu tranh thì bị ném thuốc sâu vào; thậm chí còn có những trường hợp nhà dân chống đối bị đốt, bà con biết nhưng không làm gì được vì không bắt được tận tay. Điển hình là chiều ngày 12/7/2012, một nhóm khoảng 20 tên côn đồ hung hãn ngang nhiên mang theo gậy gộc, hung khí vào đuổi đánh và hành hung người dân tại thôn 1, xã Xuân Quan, khiến ba người dân là ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi), ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi) và cụ ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi) bị trọng thương.

Đỉnh điểm của tội ác là mờ sáng ngày 24/4/2012, hàng ngàn công an được vũ trang đầy đủ đã tràn vào 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao để cưỡng chế thu hồi đất cho dự án trong tiếng súng nổ, khói lựu đạn cay, tiếng gầm gào của máy xúc, máy ủi cùng cảnh đàn áp dã man những người chống đối. Bà con còn cho chúng tôi xem cả một bao tải “quả nổ nghiệp vụ” mà lực lượng “Công an Nhân dân” đã dùng để trấn áp những người dân giữ đất ngày hôm đó.

Những “quả nổ nghiệp vụ” như thế này đã được lực lượng “Công an Nhân dân”
 dùng để trấn áp người dân giữ đất vào ngày 24/4/2012 (Ảnh: Bauxite Việt Nam)

Vẫn theo lời bà con, những người nghe theo lời “tuyên truyền, vận động” của chính quyền mà nhận tiền đền bù thì được cất nhắc vào bộ máy, thế chỗ những người bị loại ra do chống đối. Bởi thế nên hiện nay, đội ngũ cán bộ ở ba xã, đặc biệt là cấp thôn xóm, rất thiếu trình độ và năng lực, bị nhân dân khinh thường và không thể “lãnh đạo” được quần chúng. Cán bộ xã thì luôn bao che lẫn nhau, mặc dù gia đình khá giả vẫn công nhận “hộ nghèo” cho nhau để được hưởng chế độ, chính sách. Nhân dân ở ba xã từ lâu đã không còn tin hay nghe theo chính quyền nữa. 

Rời Văn Giang mang theo bao nỗi niềm đan xen, nhất là xúc động trước tình cảm chân thành và lòng hiếu khách của những người dân Phụng Công – Xuân Quan – Cửu Cao, chúng tôi biết rằng họ sẽ còn đấu tranh và đấu tranh đến cùng như đã từng đoàn kết và đấu tranh bền bĩ ròng rã 8 năm qua. Đơn giản là bởi họ đã bị đẩy vào đường cùng và, theo lời một người dân nơi đây, nếu những người đấu tranh như họ mà dừng lại thì chưa biết sẽ bị vùi dập đến đâu, nhất là khi mà những kẻ sai phạm vẫn đang nhởn nhơ do được quan trên “bảo kê”, che chắn. Họ hiểu rằng việc cựu thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ thừa nhận sai lầm trong vụ Văn Giang của mình hôm 8/11 vừa qua mới chỉ là thắng lợi bước đầu thôi, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan.

Bất kể kết cục thế nào, Văn Giang cũng sẽ đi vào lịch sử như là nơi diễn ra cuộc chiến có tổ chức đầu tiên của người nông dân, với sự hỗ trợ của các lực lượng tiến bộ trong xã hội, chống lại những tên cướp đất đội lốt “đầy tớ” của dân. Những gì diễn ra ở đây suốt 8 năm qua rõ ràng là tội ác vô lương của một bộ máy chính quyền đã lưu manh hoá. Và cho dù núp dưới cái tên “khu đô thị sinh thái” mỹ miều, những thế lực đừng đằng sau nó vẫn không thể che giấu được một sự thật: Ecopark chính là hiện thân của một TỘI ÁC đáng ghê tởm./.





No comments:

Post a Comment

View My Stats