Thursday, 22 November 2012

THẾ GIỚI SAU CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ (Trần Bình Nam)




November 21, 2012 1:06 AM

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 6 tháng 11 vừa xong. Trong khi tổng thống Obama tái đắc cử sửa soạn công du Á châu trong chương trình đối ngoại hướng về Á châu của ông thì tại Hoa Kỳ vụ khủng bố tại Benghazi ngày 11 tháng 9 vừa qua được khươi lại sau khi ông giám đốc CIA David Petraeus từ chức.
Trong khi đó tại Trung đông, nhóm Hồi giáo Hamas pháo kích vào các thành phố Do Thái và Do Thái doạ sẽ đánh vào Gaza, đất của Hamas.
Và bên kia trời Đông đại hội thứ 18 của đảng cộng sản Trung quốc họp ngày 8/11 vừa bế mạc với một dàn nhân sự lãnh đạo mới với những chính sách đáng quan tâm.
Tình hình thế giới bỗng trở nên sôi động. Ngoài đại hội của đảng cộng sản Trung quốc, người ta tự hỏi ba vụ còn lại (Benghazi, Petraeus, Gaza) có liên quan gì đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua không.

Vụ Benghazi
Ngay sau khi có tin vào ngày 11/9/2012 đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, John Christopher Stephens bị một số người Libya biểu tình giết tại Benghazi, Libya, thì phát ngôn của tòa Bạch ốc cũng như bà đại sứ Hoa Kỳ Susan Rice tại Liên hiệp quốc đều xác nhận đây là một vụ biểu tình quá trớn biến thành bạo động và lực lượng an ninh không trở tay kịp. Nói qua nói lại rồi việc qua đi trong mùa tranh cử. Bên phía Cộng Hòa không khai thác ngại dư luận quần chúng cho rằng đảng Cộng Hòa đặt quyền lợi đảng phái trên an ninh quốc gia. Nhưng – như một đầu kim trong một cái bị – sự thật cứ lòi dần ra cho thấy sự việc diễn ra tại Benghazhi là một vụ khủng bố của nhóm Al Qaeda có tổ chức hẳn hoi. Các lời tuyên bố với báo chí của chính quyền về vụ việc trước ngày bầu cử bị nghi ngờ là cố ý che đậy sự thật nhất là lời tuyên bố của bà Susan Rice tại Liên hiệp quốc. Nghi là phải vì nếu quần chúng Hoa Kỳ biết sự thật như họ biết hôm nay thì họ đã đánh giá khả năng bảo đảm an ninh của chính quyền Obama thấp hơn và không biết tổng thống Obama đã mất bao nhiêu phiếu. Thông thường phòng “Situation Room” của White House là nơi nhận được tin tức tình báo nhanh chóng nhất và do đó sự đánh giá “một hành động khủng bố có tổ chức” thành “một cuộc biểu tình tình tự phát” rất khó xẩy ra ngoại trừ cố ý.
Câu hỏi là chính quyền của tổng thống Obama có cố ý không? Và nếu cố ý thì cố ý vì an ninh quốc gia hay nhu cầu tranh cử? Câu hỏi căn bản khác là cá nhân tổng thống Obama có biết vụ loan tin sai lạc không, và nếu biết thì biết lúc nào. Đích thân ông có ra lệnh loan tin sai lạc vì nhu cầu tranh cử không? Có lẽ quần chúng sẽ không bao giờ biết sự thật ngoại trừ may ra mươi năm nữa tổng thống Obama về hưu viết hồi ký để lại cho lịch sử!

Vụ ông giám đốc CIA, David Petraeus từ chức
Sau khi tổng thống Obama vừa tái đắc cử ông giám đốc CIA David Petraues đệ đơn từ chức. Ông này từ chức, bà kia từ chức là chuyện hằng ngày ở “huyện”. Nhưng khi một ông giám đốc Trung ương Tình báo từ chức vì quan hệ tình cảm bất chính một phụ nữ có gia đình và đệ đơn từ chức lên tổng thống chỉ một ngày sau khi cuộc bầu cử vừa chấm dứt là một sự việc đáng quan tâm, ít nhất là thời điểm.
Nhất là khi dư luận được biết rằng cơ quan cảnh sát FBI đã điều tra về quan hệ giữa tướng Petraeus và bà Broadwell từ 6 tháng qua sau khi một “nhân ngãi” khác của tướng Petraeus là bà Jill Kelley ở Tampa than phiền với Cơ quan Cảnh sát Liên bang (FBI) về việc bà Broadwell cứ gởi điện thư ghen tuông đe dọa bà. Vì lý do an ninh quốc gia cuộc điều tra không được tiết lộ cho quần chúng biết. Nhưng tại sao bộ Tư pháp không thông báo cho các ông bà chủ tịch các Ủy ban Tình báo tại quốc hội (Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein và Dân biểu Mike Rogers) hay ít nhất cho tổng thống biết?
Chuyện phiếm tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn là ông tổng trưởng bộ Tư Pháp Eric Holder vốn là người của tổng thống. Ông Holder lẽ dĩ nhiên có khuynh hướng bảo vệ tổng thống trong giới hạn cho phép. Luật không buộc bộ Tư Pháp phải báo cáo cho quốc hội và tổng thống cuộc điều tra nội dung điện thư Petraeus – Broadwell và Broadwell – Kelley. Và ông tổng trưởng Tư Pháp tính gọn. Báo cáo làm gì biết đâu rồi chẳng có gì chỉ thêm rộn chuyện. Báo cáo cho quốc hội thì thế nào cũng lộ (quốc hội Hoa Kỳ nổi tiếng là không giữ kín được một điều gì!) Mà nội vụ được bàn tán trước ngày bầu cử hẳn là không có lợi cho tổng thống Obama.
Hiện nay dư luận tại Hoa Kỳ qua tay các chuyên viên bàn chuyện phiếm và các nhà bình luận trên các đài truyền hình và báo chí Hoa Kỳ hình như đều nghiêng về giả thuyết rằng có một cái gì không được trong sáng trong việc bộ Tư Pháp không thông báo việc điều ông Giám đốc Petraeus cho Quốc hội và thời điểm từ chức của ông. Lại phải chờ thôi.

Hamas gây sự với Do Thái
Sau cuộc bầu cử 3 ngày, Hamas bắn hỏa tiễn vào một số thành phố Do Thái. Do Thái cho máy bay tới tấp oanh tạc trả đũa, và bắn chết ông Ahmed Al-Jabari một trong những giới chức quân sự cao cấp của Hamas đồng thời ra lệnh động viên quân trừ bị, tập trung xe tăng, trọng pháo tại biên giới Do Thái – Gaza chuẩn bị tiến quân vào Gaza.
Hamas không chùn bước, tăng cường các cuộc pháo kích vào Do Thái và lần này dùng hỏa tiễn tầm xa trên 70km bắn vào hai thành phố Tel Aviv và Jerusalem trước nay ngoài tầm. Hoa Kỳ, Ai cập và Liên hiệp quốc đang nỗ lực ngoại giao để tránh một cuộc xung đột rộng lớn giữa Palestine và Do Thái.
Các giới quan sát cho rằng Hamas đã tính toán ván bài và có thể làm bùng nỗ vài tháng trước, nhưng Hamas chờ sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Không phải Hamas quá quan tâm ai đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vì đối với họ Obama hay Romney đắc cử cũng vậy, nhưng nếu Obama đắc cử thì tốt hơn, và họ chờ sau cuộc bầu cử mới hành động để tránh mang khó khăn đến cho tổng thống Obama trước ngày bầu cử. Có vẻ như nhóm Hồi giáo Hamas muốn dùng cuộc gây sự này để đạt đến một giải pháp dứt khóat cho vấn đề Do Thái – Palestine.
Về phần Do Thái bài toán không dễ. Sau khi đơn phương rút quân ra khỏi Gaza năm 2005, Do Thái đã tiến quân vào một lần năm 2006, và dó đó nếu lần này tiến quân vào nữa chưa chắc đã diệt được Hamas ngoại trừ chiếm đóng luôn. Nhưng Do Thái biết họ không còn đủ sức để bình định Gaza. Và sự nhì nhằng không có lợi cho Do Thái.
Nếu tiến quân vào Gaza Do Thái sẽ mắc mưu Hamas và sa lầy tại đó. Đó là điều Hamas chờ để buộc Do Thái giải tỏa cuộc phong tỏa biên giới Gaza và tiến đến một giải pháp lập quốc của Palestine. Đánh hay không đánh vụ Hamas gây sự lần này có thể sẽ là một dịp tốt để đi đến một giải pháp hòa bình lâu dài giữa Do Thái và Palestine.

Lãnh đạo mới ở Trung quốc
Tuy tình hình Trung đông đang đe dọa hòa bình thế giới, người ta vẫn không thể quên những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh. Đại hội 18 của đảng cộng sản Trung quốc khai mạc ngày 8 tháng 11, diễn tiến bình thường trong một sảnh đường không còn mấy tấm hình Karl Marx, Lenin và Mao Trạch Đông ám ảnh. Tuy hai nhân sự lãnh đạo chính là Tập Cận Bình và Lý Quốc Cường đã được chọn từ 5 năm trước để thay thế hai nhân vật Hồ Cẩm Đào (Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy) và Ôn Gia Bảo (Thủ tướng), nhưng nội dung của đại hội cho thế giới nhiều điểm để quan tâm.
Thường vụ Bộ Chính trị, nhóm nhân sự thật sự lãnh đạo Trung quốc giảm từ 9 đến 7 người. Gọn gàng và hữu hiệu trong việc lấy quyết định hơn. Ngoài Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là 5 khuôn mặt tuổi từ 55 đến 68, đều có bằng cấp đại học, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo cũng như cai trị và nắm vững chuyên môn từ kỹ nghệ vũ khí đến kinh tế và luật học.
Đường lối của đảng cộng sản Trung quốc trong thời gian 10 năm tới được xác định qua báo cáo chính trị của Hồ Cẩm Đào và diễn văn nhậm chức Chủ tịch đảng của Tập Cân Bình. Nếu báo cáo chính trị của Hồ Cẩm Đào còn lằng nhằng về chủ nghĩa, bản văn nhậm chức của ông Tập Cận bình là một “vật lạ” của thế giới cộng sản. Ông đi thẳng vào vấn đề, không rườm rà tuyên truyền chủ nghĩa, bao trước bao sau. Hình thức mới mẽ của bài diễn văn cho thấy Tập Cận Bình là một lãnh tụ tự tin dám bước ra khỏi khuôn sáo cũ và đủ cho thế giới thấy Trung quốc định làm những gì trong thời gian tới. Đây là một địch thủ đáng ngại của Hoa Kỳ.
Tân lãnh tụ Trung quốc xác định Trung quốc sẽ theo con đường Đặng Tiểu Bình, bóng ma Mao Trạch Đông sẽ được vĩnh viễn chôn cất vào lịch sử. Trung quốc sẽ làm nhiệm vụ lịch sử là trở thành siêu cường để xóa đi cái tối tăm của quá khứ trước sự khinh miệt của phương Tây. (trích diễn văn: “Nước ta là nước vĩ đại. Với nền văn minh 5.000 năm, người Trung Quốc đã có nhiều đóng góp không thể thiếu đối với sự phát triển của nhân loại. Trong lịch sử gần đây, dân tộc chúng ta đã trải qua nhiều gian khổ. Người Trung Quốc phải đối mặt với những thời điểm tối tăm nhất. Rất nhiều người Trung Quốc yêu nước đã đấu tranh kiên cường cho sự hồi sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc …”) . Và nhiệm vụ “hồi sinh = siêu cường” này được đặt ngang hàng với nhiệm vụ mang lại một đời sống vật chất cho người dân Trung quốc (trích diễn văn: “Nhân dân chúng ta có niềm hăng say lớn trong cuộc sống. Họ hy vọng có một nền giáo dục tốt hơn, công việc ổn định hơn, thu nhập cao hơn, xã hội an toàn hơn, dịch vụ y tế tốt hơn, điều kiện sống được cải thiện hơn và môi trường tươi đẹp hơn. Họ mong muốn con cái mình được trưởng thành trong điều kiện tốt hơn, sống tốt hơn, làm việc tốt hơn. Những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn đơn giản là mục tiêu cho những nỗ lực của chúng tôi.”)
Chỉ vậy thôi. Và ông nhắn chính yếu với Hoa Kỳ và với thế giới qua báo chí rằng thế giới chưa hiểu được nhiều về Trung quốc và do dó cần hiểu nhiều hơn (trích diễn văn: “Các bạn nhà báo thân mến. Trung Quốc cần biết nhiều hơn về thế giới, và thế giới cũng cần biết thêm nhiều điều về Trung Quốc. Tôi hy vọng trong tương lai, các bạn sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa và đóng góp hơn nữa để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới… ”).
Lời chót của ông Tập Cận Bình là một lời trách khéo thế giới và cũng là một thách thức.

Bức tranh của thế giới cuối năm 2012 là vậy ./.

Trần Bình Nam
Nov. 20, 2012
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats