Thursday 8 November 2012

THẤT BẠI hay CHIẾN THẮNG của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT với KẾT QUẢ BẦU CỬ ĐỊA PHƯƠNG NGÀY 6-11-2012 ? (Hồ Văn Xuân Nhị - Sống Magazine)




11/07/2012 11:48 PM

Bài được đăng trên Sống Magazine số 73, phát hành ngày 9 Tháng 11, 2012

LTS.- Sau khi có kết quả sơ bộ của bầu cử Hội Đồng Thành Phố Westminster và Garden Grove, Sống Magazine nhận được bài đánh giá về cuộc bầu cử này và một số vứng cử viên của tác giả Hồ Văn Xuân Nhi. Ông là một cây viết chính văn quen thuộc trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon và tại một số các cộng đồng người Việt khác. Ngoài ra, trong nhiều giai đoạn ông Hồ Văn Xuân Nhi còn là một nhà hoạt động cộng đồng.

Bài viết mà Sống Magazine đăng tải nguyên văn dưới đây là ý kiến riêng của tác giả và nó không nhất thiết là quan điểm của Sống Magazine.

Tình hình kết quả bầu cử với các ứng cử viên gốc việt

Mặc dầu đã qua ngày Thứ Tư và số phiếu ở các phòng phiếu đã đếm xong, nhưng kết quả bầu cử ngày thứ Ba 06 tháng 11 tại quận Cam vẫn chưa chính thức hoàn tất, vì còn nhiều phiếu khiếm diện hay phiếu bầu đặc biệt (provisional ballots) vẫn còn đang đếm. Còn hàng chục ngàn lá phiếu. Trong quá khứ, đã có nhiều ứng cử viên gốc Việt chuyển từ bại đêm bầu cử đến chiến thắng vài ngày sau khi tất cả phiếu khiếm diện và phiếu bầu đặc biệt xong thủ tục.

Tại khu vực Little Sài Gòn, giới quan sát chính trị trong cộng đồng Việt cũng như các cư dân gốc Việt trong thành phố Westminster đang hân hoan đón mừng tin nghị viên Tạ Đức Trí đã vẻ vang chiến thắng vào chức vụ Thị Trưởng Westminster. Đây là cơ hội đầu tiên cho người gốc Việt nắm giữ chức vụ tại thành phố nơi là thủ phủ của người Việt hải ngoại. Ứng cử viên gốc Việt Hà Mạch chỉ có vài trăm phiếu, cho thấy sự tranh cử của ông đã không có ảnh hưởng chia phiếu nào với Trí Tạ.

Kết quả bầu cử chưa chính thức hoàn tất cho thấy tại Hội Đồng Thành Phố Westminster cả 3 ứng cử viên gốc Việt là đương kim Nghị Viên Tyler Diệp, các ứng cử viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí và Khải Đào đều đang thất bại. Tyler Diệp vẫn còn có cơ hội tiến lên hạng nhì để thắng cử nếu số phiếu khiếm diện còn lại là đa số phiếu của cử tri gốc Việt, vì hiện ông chỉ thua có vài trăm phiếu mà thôi. Charlie Nguyễn Mạnh Chí cũng chưa hoàn toàn thất bại, nhưng cơ hội chắc khó hơn Tyler Diệp. Khải Đào đã thất bại, cuối cùng người trẻ này đã nhìn nhận chiến lược tranh cử của mình đã không hiệu quả khi đã không chịu chi phí nhiều hơn, không chịu chấp nhận các đường lối tranh cử thông lệ trong chính trị bầu cử.

Phía bên Garden Grove, ứng cử viên Chris Phan có thểxem như là thắng cử, giúp cộng đồng người Việt có thêm một ghế dân cử trong hội đồng thành phố này. Chris Phan vận động từ hơn 1 năm nay, kết quả đã bù đáp xứng đáng. Người thất bại đau nhất là thương gia Phát Bùi, đang về hạng ba nhưng cơ hội tiến lên hạng nhì chắc khó hơn dù còn nhiều phiếu khiếm diện chưa đếm. Phát Bùi đã tốn khá nhiều tiền riêng để vận động. Là một người đáng mến, đạo đức, được các nhà lãnh đạo và các tổ chức cộng đồng ủng hộ mạnh. Nhưng vào những ngày chót của tuần lễ tranh cử, Phát Bùi bất ngờ bị tấn công bởi ứng cử viên Jenny Nguyễn khi bà ta tung ra thư gửi nói xấu chỉ nhắm vào riêng Phát Bùi. Jenny Nguyễn ra tranh cử không hề vận động lá phiếu cho mình, né tránh truyền thông, không muốn cho cử tri hay truyền thông biết mình là ai, chỉ có tên trên lá phiếu và vài tấm biển tranh cử trên đường phố vào tuần lễ cuối, đã trở thành một nhân vật ứng cử viên bí ẩn. Cuối cùng thì với tờ thư chủ ý tấn công nói xấu Phát Bùi cho thấy mục đích tranh cử của Jenny Nguyễn là để chặn đứng Phát Bùi.

Có một nhóm thế lực chính trị hay cá nhân nào đó đã không muốn Phát Bùi thắng cử. Họ không sợ Chris Phan mà chỉ nhắm vào Phát Bùi. Mục tiêu của họ đã thành công, khi Jenny Nguyễn đã không vận động mà vẫn được hơn 4000 phiếu. Có thể chỉ cần họ Nguyễn của cô cũng đã thu hút được cử tri gốc Việt. Sự tấn công bôi xấu của Jenny Nguyễn tuy sai sự thật nhưng vì xảy ra vào những ngày cuối cho nên ban vận động tranh cử của Phát Bùi đã trở tay không kịp, không còn thời gian để phản bác, và chịu ảnh hưởng mất đi một số phiếu của nhiều cử tri gốc Việt bàng quan không để ý theo dõi các ứng cử viên. Đây là đòn xấu nhất giữa các ứng cử viên gốc Việt trong mùa bầu cử năm nay. Rất tiếc những người đứng sau lưng ném đá giấu tay lại đạt được ý muốn: Phát Bùi thất bại.

Chiến thắng và Tân Thị Trưởng Westminster Trí Tạ

Trở lại chức vụ Thị Trưởng Westminster là điều mà mọi người trong cộng đồng đang bàn tán nhất từ đêm bầu cử.
Trí Tạ sẽ không phải là người gốc Việt đầu tiên giữ chức Thị Trưởng. Đã có những người gốc Việt giữ chức vụ Thị Trưởng ở các thành phố khác trước đây trong vùng El Monte - Rosemead. Nhưng đó là họ được chọn bởi thủ tục xoay vòng giữa các nghị viên thành phố thay phiên nhau làm thị trưởng mỗi năm, chứ không phải chức vụ thị trưởng do dân trực tiếp bầu lên. Vào năm 2012 này, một cựu thị trưởng gốc Việt vùng El Monte đã bị bắt vì tội hối lộ trong thời gian giữ chức Thị Trưởng, đã là một điều đáng tiếc.

Trước đây đã nhiều lần có những nỗ lực vận động của người Việt để nắm lấy chức thị trưởng tại thành phố có đông dân cư Việt nhất tại vùng Orange County. Người đầu tiên tranh cử chức Thị Trưởng Westminster là anh Nguyễn Văn Chuyên khoảng 10 năm trước, Nghị Viên Andy Quách tranh cử năm 2004, và Bruce Trần tranh cử vào năm 2010. Tất cả đã thất bại và thất bại to, dù rằng khối cử tri gốc Việt của thành phố này đã có khả năng để chiếm đa số nghị viên gốc Việt trong hội đồng của thành phố.

Cho nên dù cử tri Việt chúng ta đông mạnh trong thành phố này, chiếm lấy chức vụ thị trưởng không phải là một điều dễ. Nhưng lần bầu cử năm 2012 này, thì người Việt có cơ hội nhiều hơn, vì không phải đụng với người thị trưởng đương nhiệm. Ghế trống thì cơ hội tốt, nhất là khi vị thị trưởng mãn nhiệm đã ủng hộ chính thức ứng cử viên Tạ Đức Trí. Người Mỹ trắng thì có bà Penny Lommer, một viên chức nhiều năm đã về hưu của thành phố, cùng với thương gia Al Hamade, một người sắc tộc Trung Đông. Ngoài ra, trong danh sách ứng cử viên còn có thấy tên một người khác là Tamara Sue Pennington, nhưng không thấy vận động.

Nghị Viên Tạ Đức Trí xem như đã có cơ hội cao nhất vì được sự ủng hộ từ thị trưởng mãn nhiệm bà Margie Rice. Margie Rice là cây cổ thụ chính trị của thành phố. Bà có uy tín mạnh trong cộng đồng người Mỹ trắng mà cũng được nhiều cảm tình của cử tri gốc Việt. Trí Tạ có kinh nghiệm 6 năm làm việc trong hội đồng thành phố, trong khi tất cả những ứng cử viên còn lại thì không. Trí Tạ chắc chắn đã lấy được đa số phiếu của cử tri gốc Việt, có thể cho là hơn 90% cử tri gốc Việt đi bầu đã bỏ phiếu cho Trí Tạ.

Trí Tạ tranh cử giành phiếu cử tri Việt bằng sự dựa vào các vị lãnh đạo các tổ chức trong cộng đồng người Việt miền Nam California như LS Nguyễn Xuân Nghĩa, các ông Phan Kỳ Nhơn, Phan Tấn Ngưu, bà Trần Thanh Hiền, Hội Đồng Liên Tôn..v.v. Tuy rằng các tổ chức này hay các vị này không đại diện cho tất cả cử tri gốc Việt nhưng chắc chắn các vị này đã có ảnh hưởng giúp mang cho Trí Tạ những lá phiếu của khối cử tri H.O. cựu quân nhân VNCH và những người chống Cộng mạnh mẽ. Chắc chắn Trí Tạ cũng đã có một ít số phiếu từ nhóm cử tri trung thành với bà Margie Rice. Trí Tạ là người Nghị Viên xưa nay ít bị tai tiếng, hiền lành và được nhiều cảm tình, không có nhiều kẻ thù. Cho nên nếu hôm nay, Trí Tạ thu được đại đa số phiếu cử tri Việt là điều chắc chắn. Và có lẽ Trí Tạ cũng đã có được chừng 30% số phiếu cử tri người Mỹ trắng hay các sắc tộc khác, bởi vì căn cứ vào số phiếu của các đối thủ người Mỹ trắng đã không cao lắm, cho thấy nhiều phiếu Mỹ trắng đã dành cho Trí Tạ. Dù sao chiến thắng áp đảo của Trí Tạ cũng làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát chính trị, bởi vì nhiều người Mỹ trắng và các viên chức trong thành phố đã vẫn có nhiều nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Trí Tạ.

Người về nhì và cũng là đối thủ chính của Trí trong cuộc bầu cử này là ứng cửviên Penny Lommer. Bà Penny Lommer đã vẫn lấy đa số phiếu Mỹ trắng. Bà ta cũng có bề dày kinh nghiệm làm việc với thành phố, và trong cuộc tranh biện đã chứng tỏ là người có tầm nhìn xa của một người lãnh đạo. Hôm tranh luận, rõ ràng người chiến thắng về khả năng trình bày các vấn đề là bà Penn Lommer. Thực sự nhìn vào khả năng, qua lần tranh biện hai tuần lễ trước, thì Penn Lommer có khả năng và kiến thức nhiều nhất khi đối diện với các vấn đề của thành phố. Penn Lommer đã nhiều lần quá khứ tranh cử vào chức vụ Nghị Viên hội đồng thành phố, đều thua sát nút, có lần đang thắng trong ngày bầu cử thì chuyển bại thua ứng cử viên gốc Việt sau khi vài ngày đếm phiếu bầu khiếm diện xong. Kết quả bầu cử lần này cho thấy Penny Lommer đã không thu hút nổi lá phiếu cử tri người Việt, và có lẽ không có nhiều cử tri gốc Việt muốn bỏ phiếu cho bà.

Hà Mạch lại thất bại và thất bại thê thảm lần này, cho dù ông có sự ủng hộ chính thức của báo Orange County Register. Người viết vẫn không hiểu tại sao ông cứ ra tranh cử. Ông thiếu sự chuẩn bị con đường chính trị cho chính mình, chỉ xuất hiện tên tuổi vào mùa bầu cử, ít hoạt động nổi bật trong cộng đồng Việt để kiếm phiếu cử tri Việt, thì không thể có những sự hậu thuẫn cần thiết để chiến thắng. Có nhiều người chống ông, cho rằng ông là do những bàn tay “mafia chính trị” đưa ra để chia phiếu của Trí Tạ. Điều đó chưa ai chứng minh, chỉ là lời đồn đãi. Nhưng khi tranh biện thì ông Hà Mạch vẫn không chứng tỏ được khả năng lãnh đạo cần có của một người ứng viên chức Thị Trưởng.

Một ứng cử viên khác là Al Hamade đã vận động rất mạnh mẽ vào cộng đồng cử tri gốc Việt, cũng đã từng nhiều lần ứng cử Nghị Viên cũng thất bại. Người viết tin rằng nếu ông này đắc cử chức Thị Trưởng thì cộng đồng người Việt vẫn có một người bạn Thị Trưởng tốt, ủng hộ cho cộng đồng Little Sài Gòn. Al Hamade là người đã thẳng thắn chỉ trích hội đồng thành phố đương nhiệm vì để cho thành phố thâm hụt ngân sách, chi tiêu không cần thiết. Giữa ông và bà Penn Loomer, thì ông là người xứng đáng có lá phiếu của cử tri gốc Việt. Cái khó của Al Hamade là ông không được sự hậu thuẫn của khối cử tri da trắng, ông lại là kẻ thù chính trị của bà Margie Rice. Ông rõ ràng vận động mạnh vào khối cử tri Việt nhưng rất khó có thể nào dành phiếu cử tri Việt từ Trí Tạ. Kết quả đã chứng minh. Nếu Al Hamade ứng cử chức Nghị Viên thay vì chức Thị Trưởng lần này, thì với 2 ghế nghị viên có thể cử tri Việt nhiều người chọn ông bên cạnh một ứng cử viên gốc Việt khác. Chứ giữa ông và Trí Tạ thì cử tri Việt chỉ có một sự lựa chọn và họ sẽ chọn Trí Tạ. Không phải vì Al Hamada ít khả năng hơn Trí Tạ, nhưng lý do đơn giản vì người Việt bỏ phiếu người Việt.

Đêm 6/11, Trí Tạ chiến thắng chức vụ Thị Trưởng thành phố Westminster, đó là tin vui cho cộng đồng người Việt. Về khía cạnh sức mạnh chính trị và sức mạnh lá phiếu của cộng đồng Việt lại lần nữa chứng minh. Người viết chúc mừng và vui thay cho Trí Tạ nếu ông chiến thắng. Bởi vì cả gia đình họ hàng của người viết đã cùng bỏ phiếu cho Trí Tạ.

Tuy nhiên, có một điều mà cá nhân người viết vẫn trăn trở, suy tư khi đến câu chuyện nếu Trí Tạ trở thành vị Thị Trưởng thành phố Westminster này. Ông là người có tâm tốt, hiền lành, xem ra trong sạch hơn nhiều chính trị gia gốc Việt khác. Nhưng ở chức vụ Thị Trưởng thành phố Westminster thì Trí Tạ phải là nhà lãnh đạo cho cư dân của thành phố. Ông sẽ không phải là người lãnh đạo của cộng đồng người Việt mà thôi. Khi tranh cử, Trí Tạ đã dựa vào quá nhiều các nhân vật và các tổ chức trong cộng đồng Việt miền Nam California (tổ chức cộng đồng của LS Nguyễn Xuân Nghĩa). Khi làm Thị Trưởng, Trí Tạ sẽ có nhiều lúc phải đứng vào sự chọn lựa giữa quyền lợi thành phố, quyền lợi cư dân đối chọi với quyền lợi của các tổ chức cộng đồng Việt chống cộng. Như đã có những lần xảy ra trong quá khứ. Quyền lợi của các tổ chức cộng đồng người Việt chưa hẳn là quyền lợi cho người dân hay thành phố Westminster. Có khi hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nhất là vào lúc thành phố đang bị thâm thủng thiếu hụt ngân sách. Nhưng hãnh diện khoe chi phí cho Little Sài Gòn hay cho các sinh hoạt của cộng đồng người Việt trong quá khứ không phải hoàn toàn đều là những điều mà cư dân Westminster vỗ tay vì trong khi thành phố đang thiếu hụt tài chính. Những cơ hội xảy ra cho Trí Tạ phải quyết định trong vị trí Thị Trưởng, thì ông sẽ đứng về quyền lợi nào: Cư dân Westminster hay các tổ chức, cộng đồng người Việt tại Little Sài Gòn?

Các nhà lãnh đạo các tổ chức cộng đồng Việt sẽ nhận mình có công lớn đưa đẩy Trí Tạ vào chức vụ Thị Trưởng Westminster, sẽ xem ông mắc nợ lá phiếu với họ. Áp lực chính trị của những nhà lãnh đạo các tổ chức này trong quá khứ cho thấy họ không dễ dàng chấp nhận những quyết định của thành phố đi ngược lại điều họ muốn. Chưa kể bà Margie Rice tuy về hưu, nhưng vẫn muốn có ảnh hưởng với các quyết định của Trí sau này. Một thị trưởng Trí Tạ sẽ bị nhiều áp lực khác nhau, liệu ông có khả năng để quyết định hoàn toàn độc lập??

Trí Tạ cho đến nay, vẫn thường bị nhiều người chỉ trích là người quá hiền lành, thiếu bản lãnh cứng rắn cần có của một người lãnh đạo chính trị trong các quyết định, và người ta e rằng ông không dám chống lại với những thế lực mà ông đã dựa vào cho sự nghiệp chính trị của ông. Cho nên nếu đêm 5/11 Trí Tạ thắng cử, tuy đó là tin vui cho cộng đồng Việt, nhiều cử tri thành phố vẫn lo lắng rằng đó có là tin vui cho hơn một trăm ngàn cư dân thành phố Westminster?

Nhiều người thương vị dân cử trẻ tuổi có nhiều hứa hẹn chính trị tương lai này mà lòng lo lắng. Cá nhân người viết vẫn luôn quý mến Trí Tạ ở bản chất con người và tư cách chính trị của ông. Trí Tạ là một người học nhanh, trong 6 năm qua ông đã khôn ngoan học hỏi để đạt được vị trí ngày hôm nay, thì có lẽ ông sẽ học hỏi để trở thành một lãnh tụ chính trị có bản lĩnh không phải là điều khó.

Nhưng có lẽ phải chờ xem thời gian trả lời và chứng minh. Chức vụ Thị Trưởng phải bầu cử 2 năm một lần thay vì 4 năm một lần như chức Nghị Viên. Trí Tạ, sau chiến thắng đêm qua, những ngày sắp tới sẽ vất vả lắm thay! (H.V.X.N)




No comments:

Post a Comment

View My Stats