Hà Tường Cát/Người Việt
Thursday,
November 08, 2012 8:20:43 PM
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua khá bất ngờ, nhưng
không gây ngạc nhiên.
Nhìn
lại cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng 11, 2012, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm.
Ở đây không nhằm khen chê về một chuyện đã xong, và cũng không thể kể hết mọi
lý do và tình tiết lớn nhỏ của một sự kiện phức tạp. Bài viết này chỉ giới hạn
vào một trong những điểm căn bản, có lẽ giải thích được thực trạng là cuộc
tranh cử ngang ngửa nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đến phút chót kết thúc bằng
thắng lợi của Tổng Thống Obama, lớn hơn người ta mường tượng.
Tỷ
số đại cử tri 303-206 nghiêng về ông Obama (hay 332/206, nếu cuối cùng việc
kiểm phiếu đầy đủ xác định là ông Obama quả thật thắng Florida như tạm thời
được biết), tuy chưa đủ để gọi bằng thuật ngữ “chiến thắng long trời lở đất”
(landslide), nhưng là một bất ngờ rất đáng ngạc nhiên. Mỗi bên Romney và Obama
đều chiếm được các tiểu bang mà Cộng Hòa và Dân Chủ coi như vẫn nắm vững, nhưng
trong hơn 10 tiểu bang tranh chấp ngang ngửa, ông Romney chỉ chiếm được duy
nhất North Carolina, hoàn toàn dưới khả năng được dự đoán.
Nên
dựa vào lời diễn giải do cố vấn của một thống đốc tiểu bang ủng hộ ông Mitt
Romney.
Ông
này nói: “Ðây là nguyên tắc căn bản trong bầu cử. Khi cử tri không
muốn bầu lại một người đương nhiệm, nhưng đối thủ cũng không phải là người mà
họ thấy muốn bầu, thì cuối cùng sẽ bỏ phiếu cho người đương nhiệm. Ông Romney
chưa khi nào cho cử tri thấy là có lý do gì chính đáng để bầu ông, và họ đã làm
theo cách ấy.”
Chiến
lược tranh cử năm 2012 của Cộng Hòa tập trung vào vấn đề kinh tế, một chọn lựa
đúng và khôn ngoan. Năm 1992, ông Bill Clinton bằng chủ đề kinh tế này đã đánh
bại tổng thống đương nhiệm George H. Bush đang nắm hào quang với thắng lợi
chiến tranh vùng Vịnh, và Hoa Kỳ vừa bước lên vị trí siêu cường quốc độc tôn
trên thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tranh
cử chú trọng vào đề tài kinh tế là phương hướng thích hợp nhất trong thực trạng
khó khăn của nước Mỹ từ bốn năm qua. Thêm
vào đó, hai năm phải làm việc cùng một Hạ Viện Cộng Hòa thiếu ý chí hợp tác khiến
Tổng Thống Obama không thể thực hiện được bất cứ một chính sách gì hiệu quả và
sự bất mãn chán nản của dân chúng ngày càng gia tăng.
Thống
Ðốc Mitt Romney đã xây dựng đường lối vận động tranh cử của mình xoay quanh câu
hỏi đặt ra với các cử tri: “Chúng ta có
khá hơn bốn năm trước không?” Mục tiêu chiến thuật này là biến toàn thể cuộc bầu cử thành ra một cuộc
trưng cầu dân ý về nhận định của người dân đối với chính sách kinh tế của Tổng
Thống Obama và không còn tín nhiệm ông trong nhiệm kỳ mới bốn năm nữa.
Tuy
nhiên, chiến thuật này đã không hiệu quả. Theo thăm dò dư luận các cử tri từ
phòng bỏ phiếu ra về (exit poll) thì 6 trong số 10 người nói kinh tế là mối
quan tâm chính của họ và trong số người này 51% bầu cho ông Romney, 47% bầu cho
ông Obama. Chênh lệch như thế quá nhỏ và không bù lại những cử tri bầu cho ông
Obama vì những lý do khác.
Nhiều
cử tri tin rằng Tổng Thống Obama khi vào Tòa Bạch Ốc đã tiếp nhận di sản khủng
hoảng lưu lại từ thời Tổng Thống George W. Bush và dù cho đến nay kinh tế còn
đang hồi phục chậm chạp nhưng đang đi đúng hướng để cải thiện trong tương lai.
Những báo cáo hàng tháng của Bộ Lao Ðộng cho thấy trong tháng 9, tỷ lệ thất
nghiệp đã xuống dưới 8% và tuy tiến bộ còn yếu ớt nhưng tiếp tục lên đều suốt
hơn 40 tháng qua.
Trong
mấy tuần lễ tranh cử cuối cùng, Tổng Thống Obama đã viện tới sự trợ lực của cựu
Tổng Thống Bill Clinton. Ông Clinton đã tích cực đi đến nhiều nơi, nói chuyện
với các cử tri và đặc biệt với khối lao động da trắng. Bằng lập luận vững vàng,
phương cách giải thích trình bày thu hút và uy tín của thời kỳ kinh tế phát
triển qua hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, người ta tin rằng ông Clinton đã đóng
góp một phần hiệu quả cho cuộc vận động.
Một
tác động gián tiếp khác có thể ảnh hưởng đến cử tri là ngay cả Trung Quốc, quốc
gia có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong những năm vừa qua, gần
đây cũng gặp nhiều khó khăn. Còn tại Âu Châu, nhiều quốc gia trong tình trạng
nguy ngập khủng hoảng tài chính về tiền nợ và mức thất nghiệp lên tới trên 12%.
Tình hình ấy khiến người dân Hoa Kỳ cảm thấy xã hội Hoa Kỳ hãy còn ổn định hơn
so với thế giới và do đó không muốn có những đòi hỏi cấp thiết.
Nếu
nhiều cử tri chưa hài lòng, nhưng đã tạm yên tâm về vấn đề kinh tế và hy vọng
với thành quả của chính quyền Obama, thì ngược lại, ông Romney không gây thêm
được niềm tin cậy gì vững chắc và cụ thể về ông, ngoài những lời đả kích hay
hứa hẹn.
Trong
cuộc tranh luận thứ nhì tại trường Ðại Học Hofstra, New York, dưới hình thức
thảo luận hội trường và cử tọa đặt câu hỏi, trả lời sinh viên Jeremy, ông
Romney hứa hẹn nếu đắc cử, với kế hoạch kinh tế của ông, Hoa Kỳ sẽ có thêm 12
triệu việc làm mới trong bốn năm. Trước đây mới chỉ có hai tổng thống, Ronald
Reagan và Bill Clinton, tạo ra được hơn 12 triệu việc làm, nhưng trong hai
nhiệm kỳ.
Trong
bản dự phóng kinh tế dài hạn công bố hai lần một năm, đưa ra hồi tháng 4 vừa
qua, Macroeconomic Advisers ước lượng từ 2012 đến 2016, Hoa Kỳ sẽ có thêm 11.8
triệu việc làm mới. Moody's Analitics, một cơ quan dự báo kinh tế khác, cũng
đưa ra con số tương tự. Như vậy, hứa hẹn của ông Romney là quá cao và ban tranh
cử của ông sau đó không trình bày ra được những kế hoạch chi tiết nào cụ thể.
Sự kiện ấy không tạo được uy tín và sự tin tưởng về ông và ban tranh cử của
Tổng Thống Obama dễ dàng phản bác tấn công.
Cũng
trong buổi tranh luận tại Ðại Học Hofstra, Tổng Thống Obama nói rằng lãnh vực
kinh tế tư nhân có thêm 5 triệu việc làm mới từ năm 2009. Con số này cũng không
diễn tả chính xác thực trạng nhân dụng của nền kinh tế Hoa Kỳ vì trước đó đã có
nhiều người mất việc. Nếu tính từ tháng 1, 2009, khi ông Obama nhậm chức, thoạt
đầu việc làm tiếp tục giảm nhanh như thời Tổng Thống Bush trước đó - mất hơn 4
triệu việc làm một năm - tới đầu năm 2010 số việc làm dần dần tăng lên và đến
nay kể cả hai khu vực công và tư, mới chỉ ngang bằng buổi đầu của ông Obama.
Tuy
nhiên, dữ kiện này có vẻ cụ thể về sự tăng tiến đều đặn trong nhiệm kỳ đầu của
Tổng Thống Obama đáng cho người ta tin tưởng hơn. Vả lại, ông Obama có thể quy
lỗi một cách hữu lý rằng suy thoái đã xảy ra từ thời Tổng Thống Bush, đến nay
không kém đi, và đã hồi phục, nhưng còn chậm chạp.
Ông
Romney cũng có một nhược điểm để cho đối phương tận tình khai thác.
Ðó
là sự thay đổi lập trường.
Có
thể đây không phải do ý muốn của ông mà chỉ vì hoàn cảnh bó buộc ở từng thời
điểm. Ở giai đoạn bầu cử sơ bộ, ông Romney luôn luôn phải xác định mình là
người bảo thủ đích thực, nhằm trấn an và thu hút sự ủng hộ của phái bảo thủ cực
đoan trong đảng, nhất là cử tri thuộc nhóm Tea Party. Nhưng sau đại hội đảng ở
Tampa, Florida, khi đã là ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa, ông tỏ ra
mình là bảo thủ cánh trung, ôn hòa, để có thể thu hút cử tri độc lập. Giống như
vậy, ông đã tuyên bố sẽ không ban hành đạo luật phá thai, dù rằng cương lĩnh
tranh cử được thông qua tại đại hội chủ trương đường lối này.
Ban
tranh cử Obama tìm cách khai thác tất cả những phương cách ứng xử phức tạp cũng
như nhiều lời lẽ cố ý hay vấp váp vô tình khác của ông Mitt Romney để tạo nên
hình ảnh và ấn tượng ông không phải là người có thể tin cậy. Ban tranh cử Cộng
Hòa không đủ khả năng để chấn chỉnh có hiệu quả những nhược điểm về ông Romney.
Các siêu ủy ban chính trị (Super PAC), tổ chức trên nguyên tắc độc lập với ban
tranh cử, rất mạnh của đảng Cộng Hòa để vận động cho ứng cử viên, đã chi hàng
trăm triệu đô la, vượt xa Super PAC của Dân Chủ, nhưng cuối cùng người ta nhận
ra rằng tiền bạc không phải là tất cả trong một cuộc bầu cử.
Còn
rất nhiều yếu tố khác trong cuộc tranh cử không đề cập ở đây, trong đó quan
trọng nhất là tổ chức cơ sở và lôi cuốn sự ủng hộ của các khối cử tri. Chỉ qua
những điểm vừa kể, nếu ông Mitt Romney không chứng tỏ được những đặc điểm đủ
thu phục và tạo niềm tin tưởng hy vọng cho mọi người, thì ngược lại, Tổng Thống
Obama, dù không còn sức hấp dẫn của bốn năm trước, nhưng chưa tới mức bị hoàn
toàn chán nản như trường hợp Tổng Thống George H. Bush, để cử tri phải dứt
khoát chọn người mới.
Tin
tức của các cơ quan truyền thông quốc tế sau ngày bầu cử, về dư luận và phản
ứng trên thế giới, cho thấy là nếu những quốc gia này bầu tổng thống Hoa Kỳ, họ
cũng đồng ý với cử tri Mỹ. (HC)
No comments:
Post a Comment