Thursday 1 November 2012

SANDY & SƠN TINH , SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI THỂ CHẾ (Mạc Lâm - RFA)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-11-01

Hai cơn bão Sandy đánh vào Mỹ và Sơn Tinh đổ vào Việt Nam cho thấy sự khác nhau quá xa giữa hai chính phủ về cách ứng phó với bão và ứng xử đối với người dân.

Huỷ bỏ tất cả chương trình vận động tranh cử Tổng thống Obama cho họp khẩn cấp các bộ quan trọng hầu có kế hoạch sơ tán và cấp cứu dân chúng.  AFP

Có phải hai thể chế dân chủ pháp trị và chuyên chế đảng trị đã bộc lộ sự khác biệt về quan điểm quá xa nhau hay không?

Hai cơn bão ập vào Việt Nam và Hoa Kỳ gần như cùng thời gian đã mang lại khá nhiều sự so sánh mặc dù trên thực tế mức thiệt hại khá khác xa nhưng nếu tính theo hoàn cảnh của hai nước thì gần như Việt Nam không thua kém gì đất nước giàu nhất thế giới này bao nhiêu.

Về sinh mạng, Mỹ đông dân hơn gấp ba lần Việt Nam nên con số nhân mạng của Việt Nam cao hơn hẳn: Sandy làm Mỹ chết 50 người trong khi Sơn Tinh giết chết 32 người Việt Nam. Cơ sở vật chất của Mỹ được biết tới giờ này là đã thiệt hại hơn hai tỷ trong khi Liên hiệp quốc chính thức công bố chỉ riêng tỉnh Nam Định mức thiệt hại là 45 triệu đô la cùng với hơn 20 ngàn căn nhà hư hại nặng và 19 ngàn héc ta hoa màu không thể thu hoạch. GDP hai nước đã kéo lại khoảng cách này gần hơn với các con số.

So sánh về thiệt hại người và của giữa hai đất nước khó thể công bằng và chính xác, tuy nhiên nếu sự khác nhau được nhìn qua lăng kính xã hội cũng như hoạt động của chính phủ để đánh giá sự ứng phó của hai nước trong cùng thời điểm thiên tai xảy ra thì hoàn toàn có thể.

Thiệt hại vật chất và nhân mạng sau thiên tai là điều không thể phiền trách cho ai. Tuy nhiên khi thiên tai xảy ra, người đứng đầu một đất nước được dân chúng và cộng đồng thế giới nhìn vào khả năng ứng xử, sự quan tâm của chính phủ đối với an nguy của dân chúng và nhất là phương pháp tiếp cận người dân để chia sẻ với họ những cơn đau mất tài sản, người thân luôn là yếu tố hàng đầu của một chính quyền dân cử.

Chỉ ít giờ sau cơn bão, bóng của chiếc Air Force One, chiếc chuyên cơ đặc biệt của tổng thống Mỹ đã xuất hiên tại những vùng bị đánh phá nặng bởi Sandy ở New Jersey...

Trách nhiệm cụ thể của chính phủ Mỹ
Khi cơn bão Sandy được các cơ quan khí tượng cung cấp chính xác đường đi cùng với dự kiến mức tàn phá của nó thì ngay lập tức chính phủ Obama đã có kế hoạch đối phó và theo dõi mọi diễn tiến của cơn bão từng bước một. Tổng thống Obama chừng như không giờ phút nào thoát khỏi tai mắt của truyền thông Mỹ. Nhất cử nhất động của ông được nhìn một cách có thể nói là soi mói, do đó Tổng thống tự biết rằng đây là cơ hội cho ông tùy thuộc tốt hay xấu đối với sự nghiệp chính trị sắp tới của mình.

Việc đầu tiên là ông bỏ tất cả chương trình vận động tranh cử để về ngay Nhà Trắng chỉ huy đối phó cơn bão thế kỷ. Sáng ngày Thứ Hai, ngày người ta đánh giá cơn bão sẽ chính thức tàn phá miền Đông Hoa Kỳ, từ phòng họp của Nhà Trắng với những Bộ trưởng các Bộ An ninh Nội địa, Bộ Năng lượng, Bộ Giao thông Vận tải, cũng như Giám đốc Trung tâm bão lụt quốc gia ...

Tổng thống Obama xuất hiện trên truyền hình báo cho dân chúng biết chính phủ của ông làm gì, thực hiện tới đâu và biện pháp đưa ra có kết quả như ý muốn hay không. Một trong những điều ông gửi tới người dân không phải là thông báo ngân sách sẽ bỏ ra bao nhiêu để giúp đỡ cho những người thiệt hại nhưng ông mang tới cho dân chúng Hoa Kỳ một sự ấm áp khi tỏ ra lo lắng cho sự sống còn của họ, những người dân đang cận kề cái chết. Ông kêu gọi họ như người thân trong gia đình và với lời lẽ thiết tha ông thật sự làm cho nước Mỹ tươi tỉnh sau nhiều ngày u ám:
"Một trong những điều mà tôi muốn gửi tới quý vị ngày hôm nay là xin làm ơn nghe những gì mà cơ quan có trách nhiệm tại địa phương của quý vị thông báo cho quý vị làm. Khi họ nói quý vị phải di tàn thì làm ơn di tản, đừng chần chừ, đừng thụ động một chỗ và đừng thắc mắc về những gì mà họ chỉ dẫn cho quý vị. Bởi vì đây là một trận bão nghiêm trọng và khả năng tàn phá của nó có thể gây chết người rất lớn."

Họ làm việc dưới sự theo dõi của người dân
Toàn bộ nội các của chính phủ Obama hầu như ai cũng có việc để làm. Những cuộc họp qua video liên tục ghi nhận những điều cần cập nhật và dân chúng thấy rõ tất cả những cơ quan này làm việc ra sao, trách nhiệm tới đâu và điều gì cần bổ xung, sửa đổi. Hàng ngàn cơ quan truyền thông tập trung vào cơn bão, việc vận động bầu cử trong những ngày áp chót xem như không cần thiết đối với truyền thông nữa. Khi một nhà báo hỏi Tổng thống Obama liệu cơn bão có ảnh hưởng đến việc vận động tranh cử của ông hay không câu trả lời của ông rất ngắn gọn và ý nghĩa:
"Tôi không lo lắng tới việc cơn bão có ảnh hưởng gì đối với việc tranh cử. Điều tôi lo lắng bây giờ là sự ảnh hưởng của những gia đình nạn nhân, là những phản hồi đầu tiên của họ. Tôi lo ngại ảnh hưởng tới nền kinh tế và hệ thống giao thông của nước Mỹ. Cuộc bầu cử tự nó sẽ tiến hành mọi chuyện vào tuần tới."

Và Việt Nam, với những lo toan khác...
Trong khi nước Mỹ được điều hành và quan tâm bởi một chính phủ như thế còn Việt nam thì sao?

Đang lúc bão Sơn tinh cấp 14 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung thì quốc hội vẫn nhóm họp như bình thường ...(baoquangngai)

Trong những ngày bão tố, quốc hội nhóm họp với những đề tài to lớn và không một câu một chữ nào nhắc nhở bên trong nghị trường rằng cơn bão đang tấn công người dân bên ngoài.

Có ba vị đứng đầu cả nước nhưng không thấy ai chính thức sử dụng truyền thông đại chúng để nhắc nhở và chia sẻ nỗi lo toan của người dân. Vài cán bộ cấp tỉnh lên tiếng than vãn tình hình sau bão sẽ gặp khó khăn cần trung ương giúp đỡ. Báo chí loan tin bão như một mẩu tin mà tính thời sự chỉ ngang tầm với tin áo ngực Trung Quốc có vật lạ đang làm phụ nữ Việt Nam lo lắng. Tệ hơn nữa, cơ quan có trách nhiệm đối phó với bão lại tập trung vào câu hỏi có nên đổi tên bão hay không vì Sơn Tinh là một vị thần Việt Nam không thể đại diện cho sự tàn phá, chết chóc.

Những khác biệt lớn
Tồng thống Mỹ có thể vì sự nghiệp chính trị của mình mà tận lực trong việc chống thiên tai nên phải sát cánh với dân. Nếu không thực hiện điều dân mong mỏi thì chức Tổng thống không thể vào tay cho dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ.
Việt Nam không có thông lệ này vì tất cả lãnh đạo không được dân bầu mà do đảng chọn. Đảng cộng sản quyết định mọi sự kể cả cho phép ai trong ba người cao nhất được đến với dân vào lúc dân cần như một hình thức lấy điểm, tùy thuộc vào vị thế và ảnh hưởng chính trị của người ấy có được chọn trong nhiệm kỳ sắp tới hay không. Cơn bão Sơn Tinh tới Việt Nam rất không đúng lúc khi Bộ chính trị phải đối phó với cơn bão nội trị nặng nề và khó khăn hơn Sơn Tinh rất nhiều.

Người dân tự hỏi tại sao lãnh đạo lại tiếc với dân một chuyến đi khi chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều kết quả. Cho dù chuyến đi ấy sẽ gây khó chịu cho một nhóm người nhưng hài lòng cho cả nước thì cũng đáng để được thử thách.

Cho tới khi người dân hiểu được những khó khăn của lãnh đạo thì người ta lo rằng sự chịu đựng bão tố, thiên tai cùng những nhức nhối của sự vô cảm sẽ vượt khỏi lũy tre già mang tên nhẫn nhục và cam chịu.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.







No comments:

Post a Comment

View My Stats