Thursday 15 November 2012

ÔNG OBAMA GẶP LÃNH ĐẠO CÔNG TY ĐỂ BÀN VỀ "VÁCH ĐÁ TÀI CHÁNH" (VOA)




14.11.2012

Tổng giám đốc một số công ty hàng đầu Hoa Kỳ hôm thứ Tư đã gặp Tổng thống Obama giữa lúc ông tìm cách vận động sự ủng hộ của họ để giải quyết các vấn đề tăng thuế và giảm chi của chính phủ, vấn đề thiết yếu phải giải quyết trước cuối năm.
Hoa Kỳ đang đối diện với sự đe dọa của “vách đá tài chính”.

Đây là một cuộc bế tắc tài chính khi chương trình tự động tăng thuế và giảm chi tới 600 tỉ đô la sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, buộc Hoa Kỳ phải cắt chi tiêu kể cả những các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng và các chương trình nội địa, nếu Tổng thống Obama không đạt được một thỏa hiệp với đảng Cộng hòa đối lập trong Quốc hội.

Tái đắc cử để tiếp tục nhiệm kỳ 2 tuần trước, Tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo các công ty quốc tế nổi tiếng như General Electric, American Express, Wal-Mart và nhiều công ty khác sẽ ủng hộ ông kêu gọi vừa giảm chi vừa tăng thuế, áp dụng cho những gia đình giàu có nhất nước Mỹ, kể cả các Tổng giám đốc của các công ty.

Một số nhà lãnh đạo công ty Mỹ kêu gọi Tổng thống Obama và các nhà lập pháp ở Quốc hội hãy đạt một thỏa thuận tương nhượng. Họ lo ngại rằng tình trạng bế tắc liên quan tới vấn đề tăng thuế và cắt công chi khởi sự cách đây một năm, có nguy cơ đẩy tiến trình phục hồi kinh tế mong manh tại Hoa Kỳ, trở lại vào tình trạng suy thoái.

Tổng thống Obama dự trù gặp các nhà lãnh đạo Quốc hội vào ngày thứ Sáu trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa 2 bên về những vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Tổng thống Obama kêu gọi tăng thu thêm 1.600 tỉ tiền thu nhập mới cho chính phủ trong thập niên tới, một phần bằng cách loại bỏ lệnh giảm thuế đã được áp dụng một thập niên qua cho những hộ gia đình giàu có nhất nước, tức là các hộ có thu nhập cao hơn 250.000 đô la một năm.

Các nhà lập pháp chủ chốt trong
Đảng Cộng hòa nói họ sẵn sàng thảo luận việc tăng thu bằng cách bãi bỏ một số biện pháp giảm thuế, nhưng đã bác bỏ nỗ lực của Tổng thống nhằm chấm dứt biện pháp giảm thuế cho thành phần giàu có. Các nhà lập pháp này cũng đang vận động cho những biện pháp cải cách quan trọng để cắt chi phí tài trợ hưu bổng ngày một tăng cao hơn, và các chương trình bảo hiểm y tế dành cho người cao niên, cũng như các chương trình hỗ trợ tiền thuốc men cho thành phần nghèo khó Mỹ.

Các cuộc thương thuyết chắn chắn sẽ đầy khó khăn và còn kéo dài, trước khi bước sang năm 2013.

Một số ủng hộ viên đảng Dân chủ của Tổng Thống Obama khuyến nghị ông nên bật đèn xanh cho một số biện pháp giảm chi và tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới tất cả giới lao động Mỹ, rồi sau đó thương thuyết một kế hoạch toàn diện hơn trong năm tới. Tuy nhiên cho tới nay Tổng thống Obama hoàn toàn không chú ý tới kế hoạch này.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Obama gặp giới lãnh đạo công đoàn, những người đã mạnh mẽ ủng hộ chiến dịch vận động tái tranh cử của ông. Các lãnh đạo công đoàn kêu gọi Tổng thống Obama bác bỏ bất cứ thỏa thuận nào, đòi cắt chi tiêu cho các chương trình giúp đỡ người cao niên, người nghèo, và lên tiếng ủng hộ biện pháp chấm dứt chương trình giảm thuế cho những người đóng thuế giàu nhất nước Mỹ.

------------------------------------

Jim Randle - VOA
08.11.2012

Nay cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ đã kết thúc, Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Hoa Kỳ đang quay sang tập trung vào tình trạng bế tắc chính trị được gọi là "vách đá tài chính ." Đây là một vấn đề rối rắm bao gồm các biện pháp quan trọng để cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, các biện pháp có nguy cơ làm ngưng trệ nền kinh tế quốc gia, trừ phi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nhanh chóng đạt được thỏa hiệp với nhau.

Hoa Kỳ phải đối mặt với tình huống thuế sẽ tự động tăng lên 600 nghìn tỉ đôla trong khi công chi bị cắt giảm, các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2013, trừ phi hai chính đảng đạt được thỏa thuận.

Những biện pháp giảm chi một mặt sẽ ảnh hưởng tới các chi tiêu quân sự được đảng Cộng hòa ủng hộ, và mặt khác các chương trình xã hội được hỗ trợ của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ, trong khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện.

Về thuế, vấn đề chủ yếu là liệu có nên gia hạn biện pháp giảm thuế đã có hiệu lực trong nhiều năm qua nhưng sẽ hết hạn vào cuối năm 2012.

Biện pháp giảm thuế áp dụng cho tất cả các công dân Mỹ, bất chấp mức thu nhập của họ. Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa nói họ muốn gia hạn biện pháp giảm thuế cho tất cả, trong khi Tổng thống Obama và giới lãnh đạo trong Đảng Dân chủ của ông đã tìm cách loại trừ biện pháp giảm thuế cho thành phần người đóng thuế giàu có nhất - có lẽ những người có thu nhập gia đình cao hơn $ 250.000 đôla một năm.

Lệnh quy định các biện pháp giảm thuế cho năm 2013 nhắm mục tiêu buộc các nhà lập pháp phải thỏa hiệp về vấn đề giảm chi tiêu ở lĩnh vực nào, và tăng thu từ những thành phần nào hầu có thể giảm mức thâm hụt ngân sách liên bang.

Hai bên vẫn không nhượng bộ

Cho tới nay, cả hai đảng đều không thay đổi lập trường, các nỗ lực nhằm đi đến đồng thuận đã thất bại, nhưng các biện pháp giảm chi và tăng thuế là những biện pháp bắt buộc phải thi hành.

Ông Leon LaBrecque, chiến lược gia và cũng là người sáng lập LJPR, một công ty quản lý gần 500 triệu đôla tài sản cho các nhà đầu tư, nói: "Hiện rất khó có thể tin rằng Quốc hội và Tổng thống Obama có thể giải quyết các vấn đề này trước ngày 31 tháng 12, dù điều đó có thể xảy ra."

Các nhà kinh tế nói rằng giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế thật cao sẽ làm cho nhu cầu đối với hàng hoá và dịch vụ giảm, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và làm tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, và các điều kiện này có thể đẩy nước Mỹ rơi lại vào tình trạng suy thoái.

Ông Josh Gordon, giám đốc chính sách của Liên minh Concord, một tổ chức phi đảng phái chuyên nghiên cứu các vấn đề ngân sách liên bang, có một cái nhìn lạc quan hơn quan điểm vừa rồi của ông LaBrecque. Ông Gordon tin rằng Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng Thống Obama có thể đồng ý với nhau ít ra về một khung sườn để đi tới thỏa hiệp.

Các mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Washington đã vượt quá 1 nghìn tỉ đôla, nâng tổng số nợ của Hoa Kỳ tới gần hơn giới hạn tới mức hợp pháp tối đa, hay còn gọi là mức nợ trần. Mức trần này đã được điều chỉnh nhiều lần trong thập niên qua, và bây giờ được ấn định ở khoảng 16 nghìn tỉ đôla.

Vào đầu năm tới, Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ sẽ phải sớm quyết định có nên cho phép mức nợ trần tăng quá mức 16 nghìn tỷ đôla hay không.

Tổng Thống Obama đã cam kết sẽ dồn nỗ lực làm việc để đưa ra một kế hoạch nhằm hạ mức nợ quốc gia trong thời gian một vài năm, nhưng ông không đạt được thỏa thuận với các đối thủ chính trị của ông về vấn đề này.

Giằng co về mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia

Giáo sư Kent Smetters, một cựu giới chức Bộ Tài Chính, nói rằng một lý do chủ yếu khiến mức nợ quốc gia tăng là chính phủ có trách nhiệm trang trải các phụ cấp hưu bổng và chi phí chăm sóc y tế cho người cao niên và người nghèo. Giáo sư Smetters đang dạy môn kinh tế tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói rằng cuộc tranh luận về cái gọi là "vách đá tài chính " là một cơ hội để xét lại toàn bộ các khoản chi tiêu của liên bang.

Giáo sư Smetters nói "vách đá thực sự" là khoản nợ tiếp tục tăng tới mức độ làm nản lòng giới đầu tư. Ông nói Washington phải thực hiện những cải cách toàn diện về vấn đề chi tiêu và thuế má với những đạo luật được thiết kế để khuyến khích tăng trưởng kinh tế.

Sức ép đối với Tổng Thống Obama và giới lãnh đạo đảng Cộng hòa ở quốc hội buộc họ phải đạt được đồng thuận với nhau về các vấn đề vừa nêu, đã tăng sau cuộc bầu cử, sau khi cơ quan đánh giá mức độ tin cậy tài chính Fitch cho biết là cơ quan này có thể hạ xếp hạng tín dụng đối với các công cụ tài chính Mỹ, trừ khi có một thỏa hiệp tương nhượng về vấn đề nợ.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng khác đã đưa ra hoặc đã đe dọa sẽ có hành động tương tự. Cơ quan đánh giá tín dụng Fitch nói giới lãnh đạo chính trị của cả hai đảng chủ yếu của Mỹ phải đồng thuận với nhau về một kế hoạch "đáng tin cậy"để hạ mức thâm hụt ngân sách, và tìm ra một phương thức để nâng mức nợ trần pháp lý đối với các khoản vay mượn của chính phủ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats