Monday, 19 November 2012

Ở VIỆT NAM, ĐẢNG & CHÍNH PHỦ THỰC CHẤT CHỈ LÀ MỘT (Hà Đình Sơn)




Hà Dình Sơn
20-11-2012

Một ý kiến nữa của bạn đọc đóng góp vào vấn đề nên hay không nên đề nghị Thủ tướng khởi đầu văn hóa từ chức. Quả như ông Hà Đình Sơn nói, hiện nay Đảng CS Việt Nam là đảng cầm quyền, tốt xấu hay dở đều là ở Đảng chứ không chỉ ở từng cá nhân thay mặt đảng ngự trị đất nước. Nhưng cả nước đều nói Đảng hiện nay là đảng của cả một bầy sâu và chính người trong đảng cũng thừa nhận. Hơn 80 triệu dân không có cách nào diệt được bầy sâu ấy, thôi thì hẵng cứ có con sâu nào quá bự đang nghênh ngang trên chiếc ghế quyền lực ngốn bao nhiêu tiền của của dân, mà ai cũng thấy tận mắt không chối đằng nào được, ta cứ bảo nhau chúng khẩu đồng từ, “vái cụ sâu” tạm rút khỏi ghế đi cho chúng con nhờ. Như thế tuy có thụ động một chút nhưng cũng là cách vì nước vì dân mà chữa cháy, còn hơn ta cứ lý luận với nhau theo kiểu la Palice mà rồi đành giương mắt nhìn sâu nó đục ruỗng cả đất nước.

Bauxite Việt Nam
--------------------------

Đảng cầm quyền và Chính phủ chỉ là một, đây là một đặc trưng của các nhà nước xã hội chủ nghĩa. Minh chứng là, vừa rồi Đại biểu Quốc hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn phát biểu trước diễn đàn Quốc hội đại ý: “chức vụ Thủ tướng là do Đảng giao, Đảng phân công”, trước đây Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đào Đình Bình cũng từng trả lời chất vấn trước Quốc hội rằng: “Tôi do Ban chấp hành Trung ương quản lý nếu sai tôi chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Trung ương”. Do vậy, các thành viên của Chính phủ hay Chính phủ không phải như vẫn nói là chỉ do Quốc hội, do cử tri bầu mà do Đảng giao, Đảng phân công.

Nguyên tắc của một tổ chức là quyết định phải theo đa số. Nên xung quanh việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở lại nhiệm kỳ 02 và tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cũng chịu sự chi phối của nguyên tắc này. Nói cách khác việc ông Dũng tại vị là phản ảnh ý chí của đa số các UVTƯ Đảng. Các UVTƯ hẳn cũng đồng cảm và chia sẻ với ông Dũng, nếu đặt họ vào vị trí Thủ tướng chắc rằng họ cũng hành động như ông Dũng; và trong bản thân họ cũng có nhiều phần như ông Dũng bởi vì không ai lại biểu quyết người đại diện cho mình, người lãnh đạo mình mà người đó lại “xung đột” với mình, ngoại trừ bị ép buộc. Đây không phải là chuyện cá nhân của ông Dũng hay chỉ là hiện tượng mà nó là bản chất mang tính tất yếu. Cá nhân đã tham gia tổ chức thì cái chung sẽ thay thế cái riêng, lấn át cái riêng không thì sẽ bị đào thải. Như bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Doãn Nho đã thể hiện:
“Năm anh em ta mang năm cái tên
Ấy khi lên xe không còn tên riêng nữa

Sự khác biệt giữa Đảng và Chính phủ chỉ là tương đối, nôm na là: Đảng thì làm ra đường lối, chủ trương còn Chính phủ thì triển khai, thực hiện. Vai trò của pháp luật là do Đảng lãnh đạo và phục vụ Đảng. Người làm việc ở bên Đảng hay bên Chính phủ sẽ có những kỹ năng, kinh nghiệm khác nhau tương đối, cũng nên hoán đổi cho nhau để cùng hoàn thiện. Ví dụ: ở nước Nga ông Putin, ông Medveded đều là đảng viên đảng cầm quyền – Đảng Nước Nga thống nhất, nên khi tổ chức giao thì ông Putin làm Tổng thống, rồi làm Thủ tướng và hết làm Thủ tướng lại chuyển làm Tổng thống; ông Medveded cũng như vậy. Do thay đổi vị trí cho nhau mà hai ông này có những cơ hội để hoàn thiện kỹ năng, bản lĩnh của mình. Nếu ở Việt Nam Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoán đổi vị trí cho nhau thì có lẽ tốt cho cả hai ông.

Cũng về mối quan hệ giữa Đảng và Chính phủ, đã có một quan niệm cho rằng chủ trương, đường lối của thì Đảng đúng nhưng do Chính phủ thực hiện sai nên kết quả nó như thế, đây là một quan niệm sai. Vì Đảng đã hóa thân vào Chính phủ và Chính phủ nằm trong Đảng. Chính phủ không thể thoát ly Đảng và Đảng không thể từ bỏ trách nhiệm bởi hành vi của Chính phủ. Đảng và Chính phủ cùng có trách nhiệm với kết quả cuối cùng. Các thành tựu của Chính phủ chính là thành tựu của Đảng. Quan hệ giữa Đảng và Chính phủ là quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả.

Nên chỉ kỳ vọng ở Đảng thay cho kỳ vọng ở Chính phủ hay chỉ kỳ vọng ở Chính phủ thay cho kỳ vọng ở Đảng; hoặc chỉ kỳ vọng ở tập thể thay cho kỳ vọng ở cá nhân hay ngược lại đều là ảo tưởng.Thực tế này trước đây đã như vậy và hiện nay vẫn như vậy.

Hà Nội, 19/11/2012
H.Đ.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN




No comments:

Post a Comment

View My Stats