Wednesday, 21 November 2012

NƯỚC ÚC TRONG THẾ KỶ Á CHÂU (Nguyễn Hưng Quốc)




20.11.2012

Thủ tướng Úc, Julia Gillard mới công bố bản Bạch thư “Nước Úc trong thế kỷ Á châu” (Australia in the Asian century) dài trên 300 trang. Mục tiêu chính của bản bạch thư là vạch ra những mục tiêu chiến lược để phát triển nước Úc cho đến năm 2025.

Về phương diện kinh tế, có hai mục tiêu chính:

Thứ nhất, nâng mức thu nhập thực sự trên đầu người tại Úc từ 62.000 đô-la vào năm 2012 lên thành 73.000 đô la vào năm 2025.

Thứ hai, nâng mức sống của dân Úc từ hạng thứ 13 hiện nay lên thành hạng thứ 10 trên thế giới.


Các mục tiêu ấy gắn liền với một tiền đề chính: sự phát triển của châu Á đang làm thay đổi diện mạo và các tương quan lực lượng trên thế giới. Trong vòng hai mươi năm vừa qua, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng gấp ba lần thị phần của họ trong nền kinh tế toàn cầu. Thu nhập trung bình trên đầu người ở châu Á nhảy vọt từ mức dưới 5000 Mỹ kim vào năm 1990, lên gần 10.000 Mỹ kim vào năm 2010, và sẽ đạt đến mức 15.000 Mỹ kim vào năm 2025. Lúc ấy, kinh tế Á châu sẽ chiếm một nửa tỉ trọng trên thế giới.


Đối diện với sự phát triển của châu Á, đặc biệt của Trung Quốc, cách nhìn của Úc hoàn toàn khác với Mỹ. Với Mỹ, đó là một đe dọa; với Úc, đó là một cơ hội. Úc là quốc gia Tây phương và phát triển gần với châu Á nhất. Châu Á càng giàu có, càng đô thị hóa và càng phát triển tầng lớp trung lưu bao nhiêu, nước Úc càng có thêm nhiều khách hàng bấy nhiêu. Từ mấy thập niên vừa qua, Úc là nơi cung cấp chính cho châu Á về tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm nông nghiệp, các dịch vụ tài chính, nơi du lịch cũng như cơ hội du học. Tất cả các xu hướng ấy sẽ tăng dần theo thời gian. Vào năm 1960, châu Á chỉ chiếm một phần năm nguồn hàng xuất khẩu của Úc (phần lớn bán sang Nhật); năm 1980, tỉ lệ này tăng lên thành một phần ba; năm 2010, thành hai phần ba.

Ngoài việc buôn bán các sản phẩm cụ thể, nguồn thu nhập của Úc còn đến từ nhiều nguồn khác, trong đó, nổi bật nhất là hai lãnh vực: giáo dục và du lịch.

Giáo dục là nguồn thu nhập đứng hàng thứ tư trong nền kinh tế Úc. Số du học sinh đến Úc từ các nước châu Á càng ngày càng tăng. Riêng ở cấp đại học, nó tăng gấp đôi trong vòng một thập niên. Hiện nay, trong số hơn một triệu du học sinh tại Úc, 80% đến từ châu Á; trong số đó, 29% từ Trung Quốc, 13% từ Ấn Độ, 5% từ Hàn Quốc, 4% từ Việt Nam và Mã Lai.

Du lịch mang lại cho Úc mỗi năm trên 20 tỉ đô la (ví dụ năm 2010: 24 tỉ). Trong năm 2011, 7 trên 10 du khách đến Úc là người Á châu, trong đó, nhiều nhất là người Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam.

Để tận dụng các cơ hội đến từ châu Á và để đạt được các mục tiêu phát triển, chính phủ Úc đề ra nhiều chiến lược, từ kinh tế đến thuế khóa, cơ sở hạ tầng đến môi trường, và đặc biệt, giáo dục. Ví dụ, về giáo dục, họ đặt chỉ tiêu là, vào năm 2025, 90% thanh niên thuộc lứa tuổi 20-24 sẽ tốt nghiệp phổ thông hoặc tương đương (hiện nay là 86%); 40% thanh niên từ 25 đến 34 tuổi sẽ có bằng cử nhân (hiện nay là 35%); sẽ có 10 đại học Úc được lọt vào danh sách 100 đại học đứng đầu thế giới (hiện nay có 5 – hoặc 6, tùy từng cơ quan đánh giá và xếp hạng).

Trong lãnh vực giáo dục, nội dung đáng chú ý nhất được nêu lên trong bản Bạch thư là: tăng cường việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Á châu trong các trường học tại Úc.

Ở bậc đại học, sinh viên được khuyến khích: thứ nhất, ghi danh học các bộ môn liên quan đến ngôn ngữ văn hóa Á châu; thứ hai, đi du học dài hạn hoặc ngắn hạn tại các nước Á châu. Bản thân các trường đại học cũng được khuyến khích kết nghĩa với các đại học Á châu để tạo cơ hội cho sinh viên nâng cao sự hiểu biết về các nước Á châu.

Ở bậc phổ thông, tất cả các học sinh sẽ được khuyến khích và được tạo cơ hội để học một trong các ngôn ngữ Á châu, đặc biệt có bốn ngôn ngữ được ưu tiên: Tiếng Trung Quốc (Quan Thoại), tiếng Hindi, tiếng Indonesia và tiếng Nhật.

Do tầm vóc kinh tế của Việt Nam còn quá nhỏ, tiếng Việt không được nằm trong danh sách các ngôn ngữ được ưu tiên nhất. Tuy nhiên, bản Bạch Thư cũng nhấn mạnh: Ngoài bốn ngôn ngữ ưu tiên ấy, chính phủ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực làm gia tăng việc học các ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Việt và tiếng Thái.

Còn nhớ, vào đầu thập niên 1990, khi chính phủ Lao Động, dưới thời Paul Keating, chủ trương đưa nước Úc lại gần hơn với châu Á và khuyến khích việc dạy và học các ngôn ngữ Á châu, vai trò của các ngôn ngữ Á châu, trong đó có tiếng Việt, trong hệ thống giáo dục Úc, từ tiểu học lên đến đại học, được phát triển rất mạnh. Trong nửa đầu thập niên 1990, hầu hết các trường đại học tại tiểu bang Victoria đều mở khóa dạy tiếng Việt. Có trường chỉ mở một thời gian ngắn, một hoặc hai học kỳ; có trường lâu hơn, vài ba năm; và có trường, như trường Victoria University, đến tận bây giờ vẫn còn.

Tuy nhiên, khi Liên Đảng lên cầm quyền, Thủ tướng John Howard chủ trương mặc dù về phương diện địa lý, Úc gần với châu Á, nhưng về phương diện văn hóa, Úc vẫn là một quốc gia Tây phương, do đó, có khuynh hướng ủng hộ các ngôn ngữ Tây phương. Hậu quả là việc giảng dạy các ngôn ngữ Á châu càng lúc càng yếu dần. Ở trường đại học nơi tôi dạy, người ta vội vàng đổi Khoa Á châu học (Asian studies) thành Khoa Quốc tế học (International studies) với hy vọng sẽ tiếp tục nhận được tài trợ từ chính phủ.

Bây giờ, với sự thay đổi chính sách được nêu lên trong bản Bạch thư, hy vọng việc giảng dạy các ngôn ngữ Á châu, trong đó có tiếng Việt, nếu không trở lại thời hoàng kim như trước thì ít nhất cũng không đến nỗi èo uột như những năm vừa rồi.

Hy vọng vậy.


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats