Matt Killingsworth
Tiến sỹ Quốc tế
học
Cập nhật: 12:29 GMT - chủ nhật, 18 tháng 11, 2012
Nhân kỷ niệm
cuộc Cách mạng Nhung diễn ra ở Tiệp Khắc cũ vào tháng 11/1989, dẫn đến sự sụp
đổ của thể chế cộng sản tại quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu này, BBC Việt ngữ
trích giới thiệu một bài khảo cứu của tác giả Matt Killingsworth, một chuyên
gia về cách mạng ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Trung và Đông Âu. Xin
trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả:
Nhà viết kịch,
bất đồng chính kiến người Czech, người mà sau này trở thành Tổng thống Czech,
Vaclav Havel, trong bài tiểu luận nổi tiếng của ông "Quyền lực của thảo
dân” (Power of the powerless) đã lập luận rằng hệ thống cộng sản chủ nghĩa do
Liên Xô áp đặt ở Trung và Đông Âu đã làm mất đi bất cứ chuẩn mực cách mạng nào
mà nó từng có thể có và làm cho tất cả đều 'sống trong sự dối trá”.
Điều mà Havel
xác định là niềm tin trong chế độ Cộng sản đã hoàn toàn không tồn tại và tất cả
mọi người đều biết điều đó, ngay cả nhà cầm quyền. Thật vậy, ý tưởng về niềm
tin là một hằng số trong lịch sử của Tiệp Khắc Cộng sản: chính quyền cộng sản
cần có nó để hợp pháp hóa sự thống trị của mình, sự hiện diện toàn trị, mọi
chỗ, mọi nơi của nhà nước có nghĩa là những người bất đồng chính kiến cần tin
tưởng lẫn nhau trong khi giới cảnh sát, mật vụ đáng sợ kia sẽ làm việc không
mệt mỏi để gieo hạt giống gây mất lòng tin trong nội bộ những người bất đồng
chính kiến chống lại chế độ.
Lịch sử bất đồng
chính kiến ở nước Tiệp Khắc Cộng sản được đánh dấu bởi hai giai đoạn: Mùa xuân
Prague năm 1968, và sự gia tăng của các nhóm bất đồng chính kiến, mà nổi tiếng
nhất là nhóm Hiến chương 77, vốn đã có vai trò quan trọng trong sự kiện năm
1989 được biết tới như cuộc 'Cách mạng Nhung'. Giai đoạn cuối cũng chứng tỏ mức
độ mà niềm tin trở thành một vấn đề ở quốc gia cộng sản Tiệp Khắc – ‘Luật thanh
lọc’ đã được thông qua trong giai đoạn ngay sau sự sụp đổ của chế độ cũ.
1968 - Mùa xuân
Prague
Năm 1968, sau
một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, Alexander Dubček đảm nhận vai trò lãnh
đạo của KSC (Đảng Cộng sản Tiệp Khắc). Nhóm nắm được lợi thế lớn nhất từ việc
Dubček đảm nhiệm ghế lãnh đạo là giới truyền thông. Chính thông qua truyền
thông mà ý nghĩa thực tế đầu tiên của sự thay đổi đã được cảm nhận. Được khẳng
định bởi Dubček rằng truyền thông sẽ không còn bị 'hướng dẫn,' ‘tuyên huấn’
nữa, các nhà báo Czech bắt đầu phân tích các sự kiện trong quá khứ, khuyến
khích các cuộc thảo luận và phê bình chính sách cũ và mới của Đảng. Tờ báo có
ảnh hưởng lớn nhất trong dòng báo chí mới này là tờ Literární Listy. Chính trên
tờ Literární Listy mà bản tuyên ngôn “Hai ngàn từ” của Ludvík Vaculík đã được
xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6/1968. Bản tuyên ngôn, có chữ ký của nhiều trí
thức hàng đầu của đất nước, kêu gọi tăng tốc quá trình cải cách, và đề nghị
rằng những quan chức chốn lại cải cách nên từ chức.
Diễn đạt chính
thức của nghị trình cải cách với việc xuất bản Chương trình hành động của đảng
Cộng Sản Tiệp Khắc (KSC) ra mắt công chúng vào tháng 4/1968. Nó đại diện cho nỗ
lực đầu tiên của tuyên bố toàn diện về những thay đổi cần thiết nhằm lập nên hệ
thống chính trị mới, ‘một mô hình mới của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.' Chương
trình minh định rằng các nhóm chính trị và các hội đoàn phải được phép hoạt
động, nhưng chỉ dựa trên hiểu biết rằng KSC sẽ giữ độc quyền về quyền lực chính
trị. Tóm lại, văn kiện này vận động và ủng hộ những gì được gọi là "chủ
nghĩa xã hội với một khuôn mặt con người.
Ngay lập tức,
các quốc gia quan ngại lo lắng thuộc khối Xô Viết đã khởi xướng một chiến dịch
tuyên truyền chống lại Tiệp Khắc. Ở Liên Xô, một số bài báo đã được xuất bản
nhằm giải thích ‘tư tưởng đúng đắn’ về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Tại cuộc họp
thành viên của khối Hiệp ước Warsaw vào đầu tháng Bảy, Tiệp Khắc vừa bị khiển
trách vừa bị đe dọa cùng một lúc. Moscow tiếp theo đó khởi xướng một hình thức
đe dọa "truyền thống", họ tuyên bố diễn tập quân sự quy mô lớn dọc
theo biên giới Tiệp Khắc.
Sau đó, vào đêm
20/8/1968, không hề có cảnh báo trước nào, lực lượng quân sự của khối Hiệp ước
Warsaw đã xâm lược Tiệp Khắc. Ngay trong những giờ đầu của ngày 21/8, Dubček và
các nhà cải cách khác đã bị bắt và đưa đi khỏi Tiệp Khắc.
Các sự kiện Mùa
xuân Prague cho thấy một mô hình để thấy rằng trong tương lai bất đồng chính
kiến có tổ chức chống lại nhà nước Đảng trị sẽ bị người ta xử như thế nào và
Mùa Xuân Prague cũng đưa ra một ví dụ về việc làm sao người ta không nên thách
thức nhà nước Đảng trị.
Hiến chương 77
và Cách mạng Nhung
Ký kết Hiệp định
Helsinki năm 1975 có vai trò như một chất xúc tác cho những người bất đồng
chính kiến ở Tiệp Khắc. Như Havel đã chỉ ra, bằng cách ký kết Hiệp định, các
chính phủ Cộng sản ở cung cấp cho những người bất đồng chính kiến trong nước
một cơ sở pháp lý để họ có thể kiên định đề cao các quyền con người. Nhóm có
ảnh hưởng nhiều nhất để làm điều này là nhóm Hiến chương 77.
Hiến chương 77
đã chính thức công bố bản thân cho Nhà cầm quyền trong lá thư đề ngày
01/1/1977. Hoạt động chính yếu của của Hiến chương 77 là phân phối samizdat –
các tác phẩm bị ngăn chặn, kiểm duyệt. Tầm quan trọng của việc sản xuất, phổ
biến, phân phát samizdat đối với hoạt động đối lập cho thấy sự khác biệt với
các ấn phẩm chính thức (của nhà nước) ra sao. Các ấn phẩm thường được đánh máy
trên loại giấy carbon rất mỏng. Bản sao được trao cho tác giả và được chuyền
tay đến công chúng là những người sau đó lại tự sao chép chúng. Hầu hết các tài
liệu có chữ ký của tác giả, và phổ biến chuyền tay, không gửi bưu điện.
Như thường diễn
ra ở Đông Âu, ấn phẩm samizdat thường được chuyển cho phóng viên hay giới ngoại
giao nước ngoài. Cùng với mối nguy hiểm khi liên can đến samizdat là những khó
khăn về lưu trữ nó. Người đánh máy, đóng bìa, phân phối, hoặc những người chỉ
sở hữu nó thường bị truy tố.
Phản ứng của
Đảng cộng sản (KSC) đối với Hiến chương 77 là 'nhắc nhở mọi người ngay lập tức
về những kẻ mắc chứng cuồng loạn vào đầu những năm 1950.’ Chiến dịch bôi nhọ
được đặc trưng hóa bằng các bài xã luận khét tiếng trên tờ Právo Rude đặc biệt
tỏ ra cay độc. Các thành viên của Hiến chương 77 ở đây được mô tả như "một
nhóm người xuất thân từ giai cấp tư sản phản động Tiệp Khắc đã bị phá sản '.
Chiến dịch
truyền thông này được hậu thuẫn bởi một nỗ lực huy động sức mạnh chống lại
phong trào Hiến chương 77. Một sáng kiến trong đó liên quan tới một bài báo có
tiêu đề 'Dành cho những chiến công sáng tạo mới nhân danh chủ nghĩa xã hội và
hòa bình'. Thường được gọi là bản 'Phản Hiến chương,’ tài liệu này được chuyển
tới các trí thức để lấy chữ ký. Đã có một 'áp lực lớn để ép người ta ký vào bản
“Phản Hiến chương” từ phía giới chủ, những người mà đến lượt họ cũng phải chịu
trách nhiệm cá nhân về việc đạt được thành công một số lượng các chữ ký tại nơi
làm việc của nhân viên của họ. Tên của hơn 7.500 nhà văn, nghệ sĩ, học giả và
trí thức khác ký vào bản tuyên bố Phản Hiến pháp xuất hiện hàng ngày trên tờ
Právo Rude. Đồng thời, lực lượng an ninh Tiệp Khắc đã thực hiện một chiến dịch
sách nhiễu và đàn áp chống lại phong trào Hiến chương 77.
Con đường tới
1989
Việc thừa kế ghế
lãnh đạo của Mikhail Gorbachev, và đặc biệt hơn nữa là hai chính sách glasnost
và perestroika, đã làm thay đổi mối quan hệ giữa Tiệp Khắc và Liên Xô. Tuy
nhiên, trái ngược với các sự kiện ở Ba Lan, các cuộc phản kháng cuối những năm
1980 ở Tiệp Khắc không nhắm vào điều kiện kinh tế đói nghèo. Thay vào đó, các
cuộc biểu tình dấy lên từ sự phản kháng gia tăng trong xã hội.
Vào ngày Chủ
Nhật, 18/11/1989, tại địa điểm nhà hát mà nay đã trở nên nổi tiếng Magic
Lantern Theatre, các nhóm đối lập khác nhau, trong đó có cả các thành viên cá
thể của các đảng bù nhìn Nhân dân và Xã hội, đã đồng ý thành lập “Občanské
fórum”, hay Diễn đàn Dân sự, làm nơi phát ngôn đại diện cho công chúng Tiệp
Khắc vốn ngày một trở nên phê phán giới lãnh đạo quốc gia vốn đang bị rung
chuyển sâu sắc sau vụ thảm sát tàn bạo các sinh viên biểu tình một cách hòa
bình. 'Tuyên bố thành lập "của Diễn đàn bao gồm 4 điểm mà họ đưa ra để
khởi đầu đàm phán: loại bỏ các quan chức chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược năm
1968, loại bỏ những người chịu trách nhiệm cho vụ đàn áp biểu tình ôn hòa của
sinh viên; mở điều tra về hành động này của cảnh sát đối với cuộc biểu tình; và
thả ngay lập tức các tù nhân chính trị. Nhóm chính trị mới được thành lập cũng
huy động thêm sự ủng hộ bằng cách phát ra lời kêu gọi tổng đình công.
Cuộc tổng đình
công tổ chức vào ngày 27/11/1989 báo hiệu sự khởi đầu cho cáo chung của chế độ
cộng sản ở Tiệp Khắc. Trong tuần lễ tiếp sau cuộc đình công, ba trụ cột chính
của quyền lực cộng sản ở Tiệp Khắc đã được gỡ bỏ, trước hết là Điều 4, vốn đảm
bảo bằng Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; thứ hai, các sửa đổi với
các Điều 6 và 16, vốn bảo đảm sự thống trị của các đảng phái chính trị thuộc
Mặt trận Quốc gia; và cuối cùng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị bãi bỏ như là hệ tư
tưởng chính thức của nhà nước và là cơ sở cho chính sách văn hóa và giáo dục.
Giai đoạn hậu
1989
Một trong những
vấn đề khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi từ một chế độ độc tài, toàn trị
sang một thể chế dựa trên các thiết chế chính trị dân chủ là làm thế nào để
đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản. Các xã hội hậu chuyển đổi phải đối mặt với một
vấn đề phổ biến – đó là làm thế nào để xử lý những người từng hợp tác với một
hệ thống chính trị mà các chuẩn mực đạo đức cơ bản nay đã bị bác bỏ? Các vấn đề
rất phức tạp, nhu cầu tái xây dựng niềm tin của công chúng trong việc thực thi
quyền lực nhà nước một cách có trách nhiệm phải được cân đối với sự cần thiết
phải thành lập các chuẩn mực dân chủ. Vấn đề hóc búa nổi lên với nhận thức rằng
việc loại trừ những người cựu cộng sự của thể chế cũ có thể trở thành rủi ro
khi phá hoại các chuẩn mực dân chủ được chính quyền hậu chuyển đổi tuyên bố,
trong khi việc cho phép những người từng cộng sự với chế độ cũ đó nắm giữ vị
trí ở các cơ quan công cộng lại có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng đối
với tính hợp pháp dân chủ của trật tự mới. Một hình thức đặc biệt của công lý
có hiệu lực về trước đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong các chế độ cựu Cộng
sản là luật thanh lọc: “rà soát giới công chức và các lãnh đạo chính trị để xác
định những người nào đã hợp tác với cảnh sát mật hay mật vụ thời Cộng sản '.
Tương phản với
Ba Lan, Tiệp Khắc hậu cộng sản khởi xướng và tiếp nhận các đạo luật thanh lọc
rất nhanh chóng sau cuộc Cách mạng Nhung, với Quốc hội Liên bang được bầu chọn
một cách dân chủ đã ban hành các đạo luật thanh lọc của Tiệp Khắc vào ngày
14/10/1991. Có sự xác nhận trong luật rằng riêng việc là đảng viên Đảng Cộng
sản tự nó không được coi là cơ sở hồi cứu để loại trừ khỏi các vị trí công
chức. Nhưng đạo luật về thanh lọc xác định rõ rằng việc gắn bó gần gũi với các
hoạt động đặc biệt nhất định trước đây của Đảng Cộng sản lại là cơ sở để thanh
lọc đối với các vị trí ở cơ quan công quyền.
Trong khi có sự
phân biệt về kỹ thuật với Luật thanh lọc, đạo “Luật về tính bất hợp pháp và
chống chế độ cộng sản' năm 1993 lại có thể được coi là bổ sung trong chừng mực
nào đó của đạo luật thanh lọc.
Pháp luật về
thanh lọc của Czech được mô tả là “kỹ lưỡng và toàn diện', là một trong những
đạo luật ‘mạnh mẽ nhất 'và' sâu rộng nhất’ trong số tất cả hệ thống luật về
thanh lọc ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, cũng có những phản đối với các quy
định của các luật này, những người chỉ trích dựa trên hai điểm. Trước tiên,
không giống luật về thanh lọc của Ba Lan, luật của Czech “không hàm chứa bất kỳ
cơ sở miễn trừ nào đối với những người bị đe dọa và buộc phải cộng tác hoặc
những người đã gia nhập chỉ một thời gian rất ngắn." Thứ hai, các nhà chỉ
trích chỉ ra rằng điều mà Jiri Priban gọi là "nguyên tắc trách nhiệm tập
thể, vốn tạo ra cảm giác sai lầm rằng người ta có thể phân loại và dễ dàng phân
biệt những kẻ áp bức từ các nạn nhân của chúng". 'Bên trong khái niệm về
trách nhiệm tập thể, ‘nó có nghĩa là tất cả mọi người đồng thời là một người
bạn và là kẻ thù của nhà nước cộng sản.'
Các chế độ cộng
sản tồn tại ở Tiệp Khắc trong hơn bốn mươi năm là một chế độ mà trong đó niềm
tin được giả định đóng vai trò trung tâm. Năm 1968, niềm tin mà chính phủ
Prague đặt vào Moscow đã hoàn toàn bị xói mòn khi quân đội của khối hiệp ước
Warsaw xâm lược nước này. Trong khi đòi hỏi và mong đợi niềm tin từ phía công
dân, đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KSC) đã một mặt thông qua các hoạt động của cảnh
sát mật vụ, mặt khác công khai thông qua các tuyên bố trên báo chí, tìm cách
gieo hạt giống của sự mất lòng tin trong những người chống đối chế độ.Và cuối
cùng, những đạo luật hậu 1989 được thông qua đã truy ngược quá khứ, trừng phạt
những ai hợp tác với chế độ cộng sản, đã thể hiện không chỉ mức độ thù địch đối
với chủ nghĩa Cộng sản mà còn cho thấy cấp độ mà ở đó nhà nước Cộng sản, vốn
không được ưa chuông, đã ép buộc người dân phải phản bội lại ngay chính những người
mà thường là thân thiết nhất đối với họ ra sao.
Tiến sĩ Matt
Killingsworth có nhiều khảo cứu về bất đồng chính kiến và phe đối lập tại các
nước cựu cộng sản Trung và Đông Âu, ông còn nghiên cứu luật pháp về chuyển đổi
thể chế tại Ba Lan và Tiệp Khắc cũ, cũng như tính hợp pháp chính trị của chế độ
cộng sản ở Liên Xô, Tiệp Khắc và Ba Lan.
No comments:
Post a Comment