Thanh Thu (Phụ Nữ Today)
Thứ
Hai, 05/11/2012, 07:13 [GMT+7]
(Đời sống) - Chỉ với khoảng mấy chục ngôi mộ được
xây cất đàng hoàng song nghĩa trang thai nhi ở Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, HN
hiện đang là nơi yên nghỉ của 60.000 hài nhi xấu số, bị bố mẹ tước đoạt quyền
sống khi chưa kịp chào đời. Ở nơi chất chứa đau thương ấy, khoảng chục người
trong làng đã cùng nhau thành lập Đội bảo vệ sự sống.
TIN LIÊN QUAN
|
Gần
chục năm nay, họ thầm lặng làm công việc rửa ráy, nâng niu những sinh linh nhỏ
bé ở khắp các nơi được mang về đây, giúp các em có được nấm mồ yên ổn để không
phải chịu cảnh bị hắt hủi, quăng quật nơi thùng rác bệnh viện.
Công việc an ủi các
linh hồn
Nghĩa
trang thai nhi Đồi Cốc được thành lập một cách tự phát. Một người phụ nữ ở làng
trong lần đi chợ tình cờ nhìn thấy xác một thai nhi bị bỏ ở góc chợ đã không
thể kìm lòng mang về chôn.
Dần
dần, công việc này được mọi người trong làng hiểu và ủng hộ, phạm vi nghĩa
trang được mở rộng, số lượng các thai nhi được đưa về đây cũng ngày càng nhiều
thêm.
Khi
mới thành lập, Đội bảo vệ sự sống chỉ có 7 người phụ nữ cùng làng, hiện nay số
lượng người trong đội khoảng 10 - 12 người, có thêm cả cánh nam giới. Hằng
ngày, cứ khoảng 4 – 5h chiều, những thành viên sẽ bớt chút thời gian đến nghĩa
trang làm công tác mai táng cho các thai nhi xấu số.
Một góc nghĩa trang
thai nhi
Là
một thành viên có mặt trong đội từ những ngày đầu thành lập, cô Nguyễn Thị Chín
chia sẻ: “Các bé khi trở về trong bàn tay chúng tôi, mỗi cháu một dáng vẻ, hình
hài. Có bé được 6 – 7 tháng đã thành hình người, có những bé còn nhỏ quá, chỉ
là những cục máu tím bầm, cũng có bé bị các dụng cụ y tế làm cho tan nát hết cả
các bộ phận”.
Với
các bé đã lớn tầm 6 – 7 tháng tuổi thì mọi người trong đội sẽ tắm rửa sạch sẽ
rồi mặc quần áo và đặt các bé vào trong tiểu. Những bé mới chỉ 1 – 2 tháng tuổi
thì sẽ được bọc vào khăn xô trắng, cho vào túi ni lon cẩn thận, đặt vào tiểu
hoặc hũ sành trước khi chôn.
Từ
ngày bắt đầu công việc này, cô Chín từng gặp không ít cặp bố mẹ mang con đến
đây chôn. Đa phần những người này đều rất trẻ, họ trót dại có thai nhưng không
biết hoặc biết nhưng giấu diếm người thân.
Vì
không biết giải quyết thế nào, đến khi cái thai to quá thì lộ ra, mọi người
trong gia đình mới biết và họ chọn cách phá bỏ. Một số trường hợp để thai to
quá, họ còn dùng thuốc tiêm để đẩy cái thai ra ngoài. Do vậy một số bé khi mang
đến vẫn còn thở thế nhưng chỉ vài tiếng sau là chết.
Nhận
thức được tội lỗi của mình nên khi đến đây, họ đều khóc, chôn cất xong là họ
cũng lặng lẽ đi luôn chứ ít khi quay lại. Còn với những người quyết nạo phá
thai ngay từ đầu thì thai chỉ tầm 1 – 2 tháng.
Với
những cặp vợ chồng cưới xin hẳn hoi mà không may con cái chết non hoặc bị dị
tật không thể giữ lại được thì họ mới hay nói chuyện, tâm sự với các thành viên
của đội. Thỉnh thoảng họ vẫn đến thăm nom nghĩa trang thường xuyên.
Mỗi
ngày số lượng thai nhi được gom về nghĩa trang khác nhau. Cô tâm sự: “Thông
thường có khoảng 20 bé/ngày được mang về. Những ngày thứ 7, chủ nhật số lượng
có thể lên tới 50 – 70 bé. Có bận đỉnh điểm 3 xe cải tiến đầy thai nhi được đưa
về đây khiến chúng tôi vừa rửa ráy, mai táng cho các bé vừa nước mắt lưng tròng
vì quá xót xa”.
Mang
theo nỗi ám ảnh bởi những hình ảnh đau thương ấy, đôi khi đang làm dở công việc
đồng áng gia đình, cô Chín lại đứng thần người ra khi nghĩ tới các em. Đôi khi
cô lại thầm trách những người bố người mẹ thiếu trách nhiệm, nỡ tước đoạt những
mạng sống nhỏ nhoi ngay khi chúng chưa một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Bác
Nguyễn Thị Lập, 56 tuổi cũng làm công việc này từ khi mới có nghĩa trang. Vì
nhận thức được đây là việc làm rất thiện nên dù tính tình nhút nhát, nhìn thấy
máu là sợ, bác Lập cũng dứt khoát phải tham gia vào đội.
Lần
đầu tiên nhìn thấy những em bé còn đỏ hoe máu, thậm chí chỉ là những cục thịt
bầm, bác Lập đã sợ hãi tới mức nhắm tịt mắt lại, tưởng rằng sắp ngất. Ấy thế mà
dần dần thành quen, về sau cảm giác sợ hãi cũng giảm đi, nhìn thấy các bé được
mang về mai táng, bác thấy sự tiếc xót vượt lên trên nỗi sợ cố hữu, nước mắt
lăn dài, có cảm giác như những em bé ấy cũng chính là con cháu trong nhà.
Những bức ảnh kinh
hoàng về các thai nhi khi mang về nghĩa trang
Những tấm lòng dạt
dào tâm đức
Mỗi
ngôi mộ ở đây chứa đựng nhiều số phận khác nhau. Chúng được xây cất giống nhau
song số lượng các bé được mai táng trong từng ngôi không đồng đều. Trước kia
khi chưa có kinh phí, không mua được tiểu, các bé được đưa vào những bình sành
nhỏ để chôn.
Gần
đây, nghĩa trang mới sắm thêm một chiếc hòm lạnh. Trước kia, vì không có vật
dụng rất quan trọng này nên mỗi khi mang các bé về đến nơi, mọi người đều phải
khẩn cấp đưa các bé đi chôn cất ngay, sợ để lâu các bé sẽ có mùi.
Có
những lần mưa gió tầm tã 3, 4 ngày liền, các mộ được đào sẵn nên nước đọng,
bỗng chốc trở thành hố nước lớn. Để có thể cho các thai nhi được yên nghỉ chu
đáo và sạch sẽ nhất, mọi người phải cùng nhau đội mưa múc hết nước ra ngoài rồi
mới tiến hành các thủ tục chôn cất khác.
Hiện
nay, khi đã có thêm chiếc tủ lạnh, những bé chưa kịp chôn thì sẽ được để vào
trong đó. Vừa rồi, nhờ có sự ủng hộ đóng góp của nhiều người, nghĩa trang cũng
sắm thêm được mấy trăm chiếc tiểu để sẵn trên gờ tường, phục vụ cho những lần
mai táng tiếp theo.
Không
chỉ những thành viên trong Đội bảo vệ sự sống mới gắn bó với công việc này. Mọi
người dân trong làng khi có cơ hội đều thể hiện tình thương yêu đối với các hài
nhi vô tội.
Em
Nguyễn Thị Luyến, năm nay mới học lớp 9 nhưng đã có thâm niên mai táng cho các
thai nhi được 3 năm. Nhà ở gần nghĩa trang, hay quanh quẩn ở khu vực này để
chơi nên khi thấy những bác lớn tuổi trong làng làm công việc chôn cất cho các
em nhỏ bị từ chối sự sống, Luyến cũng tò mò vào làm cùng.
Đến
nay, Luyến đã mai táng cho khoảng 100 em nhỏ. Luyến kể: “Em chỉ chôn được các
em còn nhỏ mà người ta bọc trong túi ni lon thôi. Các em ấy sẽ được em cho vào
hũ sành, các em lớn hơn thì các bác khác làm”.
Khi
được hỏi còn bé thế mà đã làm công việc này Luyến không thấy sợ hay sao thì cô
bé cười: “Lần đầu tiên em thấy cũng hơi sợ vì nhìn các bé được đặt trong túi
bóng, bé nào cũng nát bét. Nhưng lúc đó chẳng hiểu tại sao em lại vào giúp bác
quản trang chôn các bé.
Dần
dần thành quen nên giờ em chẳng còn sợ hãi gì cả. Hễ các bác có việc gì nhờ, em
mà làm được là giúp liền”. Luyến cũng kể thêm rằng từng có lần người ta nạo phá
thai nhưng không bọc các bé vào, khi mang về đây, tự tay Luyến phải buộc các em
lại gọn gàng, cho vào túi bóng rồi mới đem chôn.
…Và câu chuyện về
người đàn bà “tâm thần” thích làm việc thiện
Nói
về công lao của những người bảo vệ sự sống nơi nghĩa trang thai nhi này, không
thể không nhắc tới công lao của bác Nguyễn Thị Nhiệm. Người phụ nữ đầu tiên
thấy xác hài nhi mang về chôn cất tại đây chính là bác.
Trong
Đội bảo vệ sự sống, bác là người thường xuyên tới thăm nom nghĩa trang nhất.
Cũng chính bác là người trực tiếp tắm rửa, mặc quần áo cho các thai nhi đã
nhiều tháng tuổi trước khi mai táng. Quyển sổ ghi chép số lượng hài nhi được
chôn cất tại đây một tay bác ghi chép.
Những
người khác trong đội có thể vắng mặt nhưng bác thì không. Cứ đúng tầm giờ ấy là
bác có mặt tại nghĩa trang để an ủi linh hồn cho các bé, chỉ cần chưa ra kịp
giờ là bác đã thấy nóng ruột không yên.
Trong
một lần đi chợ, bác lặng người khi thấy một thai nhi bị người ta vứt bỏ, nằm
chơ vơ nơi góc chợ. Cảm giác đau xót tột độ bỗng dâng lên trong lòng, ký ức về
câu chuyện năm xưa cũng bất chợt ùa về, đôi chân bác run rẩy đến gần cái xác.
Kỳ
lạ ở chỗ, bình thường nhìn thấy máu là bác sợ nhưng khi bước tới trước mặt sinh
linh nhỏ bé đó, bác trở nên mạnh dạn lạ thường. Mặc cho ánh mắt tò mò đang nhìn
mình xung quanh, bác nhẹ nhàng gói ghém em bé đó vào một chiếc túi ni lông rồi
mang về nhà chôn cất.
Từ
cái ngày định mệnh đó đến nay đã 10 năm, người phụ nữ này vẫn thầm lặng làm
công việc mai táng cho những thai nhi bị bố mẹ tước đi quyền sống. Trước khi
làm việc này, mỗi lần nhìn thấy tai nạn giao thông, thậm chí chỉ nghe thấy
tiếng va chạm, tiếng phanh rít trên mặt đường là bác đã sợ hãi chạy thật xa. Ấy
vậy mà giờ đây, bác đã chẳng còn sợ hãi gì khi chứng kiến các vụ tai nạn.
Thời
gian đầu, sáng bác đi khắp nơi nhặt nhạnh hài nhi rồi tối về chôn cất. Sợ mọi
người trong nhà biết chuyện nên bác giấu diếm làm công việc này. Về sau, khi đã
quen việc, bác mới tâm sự với mọi người trong gia đình. Chồng đồng tình, con
cái ủng hộ khiến bác mừng rớt nước mắt.
Mỗi
lần tới các nơi đó, bác đều trình bày việc mình đang làm. Thế nhưng không phải
ai cũng tin lời của người phụ nữ thôn quê ấy. Bác kể: “Họ sợ tôi có mục đích
xấu, đến xin các cháu bị bỏ về ngâm rượu rồi nấu cám cho lợn… Dù tôi cố gắng
giải thích thế nào họ cũng một mực không cho”.
Không
nản lòng, bác cứ tiếp tục đến các nơi đó để nài nỉ. Một số nơi thấy bác kiên
trì, thành tâm trông cũng hiền lành, thật thà nên đồng ý. Thế nhưng trong quá
trình ròng rã đi xin các bé về mai táng, bác cũng gặp phải không ít cảnh “mếu
dở khóc dở”.
Từng
có trường hợp người ta tưởng bác đến mua con nên lúc đầu đón tiếp rất nhiệt
tình. Đến khi nghe bác trình bày rằng chỉ xin về để giúp cháu bé có một nơi yên
nghỉ thì họ lạnh tanh: “Người ta xin ngâm rượu em còn chẳng cho”.
Cũng
có lần, bác mạnh dạn đến gặp một nữ bác sỹ sản khoa để trình bày mục đích.
Trước khi đến, mọi người đã rỉ tai bác rằng chị này chỉ thích mỗi tiền. Bác
không tin bởi nghĩ rằng những sinh linh bé bỏng tội nghiệp ấy là vô giá, làm
sao lại có người nỡ nói đến chuyện tiền nong.
Thế
nhưng đến nơi, đúng là bác bị đòi tiền thật. Bác chỉ kịp phân trần: “Em làm thế
này trong người cũng làm gì có đồng nào? Chúng em cũng chỉ là đi làm phúc, sao
lại còn đòi hỏi tiền nong?” rồi không bao giờ quay trở lại đó nữa.
Thời
gian đầu, bác Nhiệm còn vấp phải sự dèm pha của mọi người trong làng. Hễ đi đâu
trong làng cũng thấy người ta bàn tán về câu chuyện của bác:
“Họ
bảo tôi tâm thần gàn dở nên mới làm việc này. Ai đời tự dưng lại vác thêm một
cái nghĩa trang về làng, người lành lặn thì không sao, biết đâu có những em bé
bố mẹ nhiễm bệnh, hóa ra là mang bệnh về rồi còn gây ô nhiễm môi trường chung”.
Biết
rằng mọi người đồn đoán công việc của mình chẳng hay ho gì nhưng mỗi lần nghĩ
tới cái sinh linh bé bỏng bị vứt vào thùng rác, bị thú nuôi tha đi khắp nơi bác
lại không cầm được nước mắt, quyết tâm phải gạt hết lời ong tiếng ve để làm
thật tốt công việc này.
Dần
dà, mọi người cũng hiểu rằng đây là việc tốt và những lời đồn đoán kia tuyệt
nhiên không còn nữa. Đội bảo vệ sự sống cũng bắt đầu thành lập từ đó.
Lúc
đầu nghĩa trang chỉ có một nửa sào ruộng được trích ra từ ruộng nhà bác, đến
nay nghĩa trang đã rộng hơn nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Bác cho
biết: “Đất của nhà tôi bỏ ra, cộng với số đất của làng, tổng diện tích nghĩa
trang này hiện rộng ngót 2 sào. Chúng tôi cũng sắp phải cơi nới thêm ra bởi nó
đã chật lắm rồi”.
Hài nhi báo mộng
Bác
Nhiệm không biết đi xe máy nên chồng bác phải thay vợ đi thu gom các bé về để
mai táng. Mỗi lần đỡ các bé ra khỏi các túi ni lon, bác đều xúc động tới mức
chưa thể đem chôn được ngay, cứ đứng lặng người ngắm các bé rồi nước mắt giọt
ngắn giọt dài.
Dù
trời nắng trời mưa, thậm chí bão bùng, bác vẫn động viên chồng đi gom các cháu
về đều đặn. Bác ngậm ngùi: “Mỗi ngày có hàng bao nhiêu cháu cần được tôi chôn
cất, mình mà không đi để các cháu ngoài trời sương gió tôi không đành lòng”.
Bác
bảo các bé tuy còn nhỏ nhưng thiêng lắm. Từ ngày làm công việc này bác được rất
nhiều bé báo mộng. Gần đây nhất, ngày 31/9 vừa qua bác mới đón nhận một cháu về
mai táng: “Đêm hôm trước tôi nằm mơ có ca sinh ngược. Linh cảm lạ nên 9h sáng
hôm sau tôi vội tới nghĩa trang. Đến đây thì đã thấy có người mang một cháu đến
rồi. Hóa ra cháu về báo mộng giúp tôi”.
Mẹ
của cháu bé đó là một cô gái còn rất trẻ, dáng người gầy gò, điệu bộ có phần
yếu đuối, mệt mỏi như vừa ốm dậy. Từ lúc đến cho đến lúc về, cô gái cứ khóc ròng,
cặp mắt đỏ hoe. Hỏi ra mới biết cô gái này là sinh viên năm cuối của một trường
Đại học, vì quan hệ với bạn trai nên lỡ dính bầu.
Biết
rằng không thể để đứa con này trong khi còn đang đi học nên cô giấu diếm bạn
trai đi phá thai. Bác Nhiệm kể: “Nhìn cháu ấy yếu lắm, cứ nói được từ nào là
khóc rồi thở phì phò. Cháu nó cũng mới phá được mấy hôm, về để cái thai trong
tủ lạnh, hôm ấy thấy sức khỏe khá hơn nên mới đi xe buýt mang tới đây”.
Cũng
có đêm, bác Nhiệm nằm mơ thấy một bà cụ đã mất mấy chục năm trước bỗng hiện về
bảo rằng có một thằng bé mới chết. Hôm sau thì có người mang một bé tới nghĩa
trang luôn. Lại có bé báo mộng bảo đừng giẫm vào cháu, hóa ra vẫn có bé còn bị
dính lại trong chậu máu…
Đặc
biệt, trong số những thai nhi được mang về mai táng, có những bé may mắn còn
thở. Bác Nhiệm từng nuôi bé Tiểu Duyên trong vòng 19 ngày bằng tất cả sự tận
tâm và lòng yêu thương của một người bà, người mẹ.
Thế
nhưng số phận của Tiểu Duyên cũng chỉ có thể ngắn ngủi trong 19 ngày. Bởi sau
đó bé đã qua đời do bị vỡ mạch máu não. Bé Phạm Hồng Quân cũng được bác nuôi
trong 4 ngày thì mất.
Đó
là những bé khiến bác Nhiệm không thể quên. Bác đã làm tất cả bằng chút sức lực
nhỏ bé của mình nhưng những bậc làm cha làm mẹ đã từ bỏ các em quá sớm và bác
chẳng thể níu giữ các em lại trên cõi đời này.
Mặc
dù công việc đồng áng, gia đình luôn tất bật nhưng cứ đến 4 – 5 h chiều là bác
Nhiệm lại có mặt tại nghĩa trang để rửa ráy và chôn cất cho các hài nhi xấu số.
Công việc này khiến bác suy nghĩ nhiều đến nỗi có lần bác ra thăm nghĩa trang
tới mấy lần.
Đến nay, nghĩa trang Đồi Cốc đang là nơi yên nghỉ của
60.000 hài nhi.
Phần lớn các bé đều được chính tay bác Nhiệm chôn cất. Nhờ có tâm nên từ ngày
làm công việc này, bác chưa từng một lần ốm đau. Bác bảo:
“Nếu
may mắn sống thọ đến 70, 80 tuổi, dù phải bò thì hàng ngày tôi cũng ra đây với
các cháu. Chỉ trừ khi già đến nỗi chân tay run rẩy không thể gói hay mặc quần
áo cho chúng thì tôi mới nguyện giao lại công việc cho con cái”.
Mặc
dù có tình thương và lòng nhiệt tình nhưng không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để làm
công việc của một nhân viên “nhà xác thai nhi”. Đã từng có rất nhiều người
nhiệt tình muốn góp một phần công sức cho nghĩa trang song có người nhìn thấy
máu là ngất, có người chỉ giao cho cho nhiệm vụ chụp ảnh lại các bé, ấy vậy mà
khi nhìn thấy những thân thể không còn toàn vẹn, họ đã chạy ra ngoài nôn thốc
nôn tháo vì hoảng sợ.
Những
người “bạo gan” như bác Nhiệm cùng một số thành viên trong Đội bảo vệ sự sống
không nhiều. Và mỗi ngày, họ lại đang viết tiếp những trang nhật ký đầy xúc
động về công việc an ủi các linh hồn bé bỏng…
Thanh Thu
No comments:
Post a Comment