Nhà văn Rózsás János
Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ và chú
giải
[06.11.2012
00:11 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Người lính
Xô-viết dù có làm việc gì nhơ bẩn đến mấy đi nữa, họ cũng vẫn là anh hùng, danh
dự người lính của họ được bảo vệ. Người ta bấu víu vào huyền thoại giả tạo của
một quân đội giải phóng anh hùng. Nhiệm vụ của tôi là phá vỡ huyền thoại của
thể chế Xô-viết, bằng những chứng liệu thực tế” – tâm niệm của nhà văn Rózsás
János, nhà viết sử biên niên của Gulag.
Nhà văn Rózsás János, người mang
trong lòng tâm nguyện “để cả đời mình
để trở thành nhà viết sử cho những đồng hương Hungary bị bắt sang trại tập
trung Gulag Liên Xô” - Ảnh: Kristó Róbert
Tiếp theo Phần 1 , nhà văn Rózsás János – “tự điển sống” về hệ thống trại
tập trung Xô-viết - hồi tưởng về những năm tháng tù ngục tại Gulag.
- Ở Kazakhstan khá hơn so với miền Bắc?
- Thoạt đầu thì không. Stalin nghĩ ra việc xây dựng một thành phố giữa vùng hoang mạc vì tại đó người ta phát hiện ra một trữ lượng than lớn. Tôi sống cùng một ngàn hai trăm bạn tù trong những lều trại ngoài trời, chúng tôi là những người đầu tiên sống ở vùng hoang mạc đó. Bốn năm sau, khi tôi được phóng thích, thành phố này đã có mười lăm ngàn dân cư.
- Một ngày trong trại khổ sai, nếu ông làm đúng như luật lệ nhà tù?
- Theo lệ thường, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc mười hai tiếng; phạm nhân có bổn phận thực hiện chỉ tiêu, nếu nhiệt độ không xuống dưới 42 độ âm (- 42 độ C). Mỗi ngày chúng tôi được 65 dkg bánh mì đen và được húp thỏa thích xúp bắp cải, xúp ngô hoặc xúp dưa chuột; không có gì khác biệt lớn giữa ba loại xúp đó. Đây là những thứ xúp không hề có cái, không có chất mỡ, chỉ mặn và vừa có chút màu.
Về mặt lý thuyết chúng tôi có khẩu phần thịt: một tù nhân được 4,5 dkg thịt hoặc 12 dkg cá, nhưng những thứ này chẳng bao giờ đến tay chúng tôi vì chúng phải qua tay biết bao người. Ngoài đời mọi người cũng đói khát. Một lần vào năm 1945, sếp của chúng tôi, viên chỉ huy trại bảo nhiều người dân sẵn sàng đổi chỗ với chúng tôi, vì ít nhất chúng tôi còn có khẩu phần bánh mì hàng ngày, chứ ngoài đời, trong thành phố, lắm lúc phải chờ hàng tuần, hàng tháng mới có xe chở bánh mì đến. Như vậy, có lẽ dễ hiểu là mọi người đều cố ăn trộm theo khả năng của họ.
- Tù nhân được ăn mặc ra sao?
- Thời gian đầu chúng tôi mặc bộ quần áo rách rưới của mình. Tới Ukraine, tôi được nhận quần áo, của những người lính tử trận ngoài trận địa. Trên áo quần, còn có lỗ đạn thủng, vết máu và vết cháy sém. Mùa thu, lần đầu chúng tôi có đồ lót, lúc đó áo quần chúng tôi đã rách như tổ đỉa, không thể khâu vá vì người ta cấm chúng tôi dùng kim. Theo tôi, chúng tôi đói và rét không phải vì họ muốn, mà đơn thuần bởi người ta cũng không có gì để cho chúng tôi.
- Thật khổ...
- Ngoài đói và rét, thường xuyên chúng tôi còn bị đối xử một cách thô bạo. Những người quản lý lao động bắt chúng tôi làm việc quá sức, thường xuyên hành hạ chúng tôi về thể xác và tinh thần, nhục mạ chúng tôi...
- Tù nhân có được vệ sinh cá nhân tử tế không?
- Tùy từng thời, các hoàn cảnh cũng khác: trong chín năm, tôi đã trải qua mười sáu trại tập trung. Hồi đầu ở Nicolayev, chúng tôi không được tắm rửa gì cả. Người ta chở nước để nấu nướng bằng xe thùng từ ngoài vào. May ra ở nơi làm việc, thỉnh thoảng chúng tôi được phép rửa mặt đôi chút. Năm tháng trôi qua, bỏ lại cuộc chiến sau lưng, hoàn cảnh cũng được cải thiện: chúng tôi được tắm rửa nơi thì hàng tuần, nơi thì ba tuần một lần. Cuối cùng, năm 1953, chúng tôi được thay đồ lót hàng tuần.
Tuy nhiên trong những năm đầu, khi chúng tôi lâm vào cảnh khốn cùng ở ranh giới của sự sinh tồn và bất sinh tồn, chúng tôi sống gần như thú vật, không mấy ai quan tâm đến chuyện tắm táp, vệ sinh cá nhân. Có khi phải dùng gậy để lùa chúng tôi vào buồng tắm vì thay quần áo cũng là cả một cực hình. Chúng tôi chỉ muốn nằm dài trên tấm phản gỗ, đừng bị ai quấy rầy. Chúng tôi thường nói: “Bọn mình chỉ TỒN TẠI, chứ không SỐNG.”
- Có tồn tại một loại thứ hạng gì giữa các tù nhân không?
- Tù thường phạm là những ông chủ. Về mặt xã hội, tù thường phạm được coi là những kẻ thuộc giai cấp “gần gũi”, do đó họ luôn được Ban quản lý ưu đãi, phân cho những chỗ ăn ở tốt, thậm chí còn được giao nhiệm vụ quản lý tù chính trị. Họ không chịu lao động, ngược lại, họ còn tước khẩu phần ăn cùng những bộ quần áo còn lành lặn đôi chút của chúng tôi, vì đội gác tù cho họ cả thứ quyền ấy.
Tù nhân người bản địa đôi khi được tiếp tế, nhưng lũ thường phạm cũng cướp đi những gì tốt nhất của họ. Cố nhiên điều này không ứng với người ngoại quốc như chúng tôi: chúng tôi không được gửi và nhận thư từ cũng như quà tiếp tế.
- Trong trại tập trung, có thứ đời sống tinh thần, thơ ca, chuyện trò rôm rả như ở các nhà tù bình thường không?
- Không có mấy, trại tập trung là chuyện khác. Chúng tôi phải sống cách ly nhau. Tôi sống bốn năm ở Kazakhstan, nhưng không bao giờ được biết có bao nhiêu người Hung ở trại bên cạnh. Nếu muốn gặp gỡ ai đó, tôi phải tìm cách lẩn trốn. Để tránh lũ chỉ điểm, chỉ có thể trò chuyện về những việc không đâu vào đâu, ví dụ “ở nhà, cậu nấu món bắp cải nhồi thịt như thế nào?”.
Trong trại tập trung, hỏi “trước kia cậu làm gì?” hay “tại sao cậu bị án tù mười lăm năm?” là một hành vi bất lịch sự, chẳng kém gì hỏi tuổi một phụ nữ. Không hề có thứ chuyện trò chân thật hay thân tình, ai nấy đều ngại nhau.
Tình hình chúng tôi khá lên chút đỉnh sau một cuộc nổi loạn trong tù. Đó là năm 1952. Sau tám năm, đây là năm đầu tiên chúng tôi không bị đói. Thậm chí, chúng tôi còn được mức lương tối thiểu, có thể dùng nó mua bánh mì. Chúng tôi còn được đọc báo nữa. Thoạt đầu, tất nhiên người ta chỉ đọc cho chúng tôi nghe những đoạn đã được bộ máy kiểm duyệt cho phép. Nếu ai đó có ý liếc trộm tờ báo, anh ta sẽ được một cái tát, mặc dù báo chí Xô-viết thời đó có quái gì đâu...
Về sau, người ta đặt tờ “Pravda” (Sự thật) vào tủ kính, tôi học đọc tiếng Nga bằng cách đó. Thời gian cuối chúng tôi còn có thể mượn báo về đọc, nhưng không được trò chuyện, bàn tán về những bài viết trong báo.
- Ai kiểm tra xem tù nhân có trò chuyện về các bài báo hay không?
- Lũ chỉ điểm sẽ báo cáo ngay. Vào thời gian đó chúng tôi đã được tách khỏi tù thường phạm. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhiều, nhưng đồng thời người ta cũng thực hiện một chế độ kỷ luật nghiêm ngặt hơn, trại chúng tôi được coi là một nhà tù trừng giới. Hơi một tí là bị nhốt vào xà-lim, nghĩa là trong năm ngày trời, người tù phải nhảy lò cò trong cái rét 2-4 độ để thoát chết.
- Cuộc nổi loạn trong tù diễn ra như thế nào?
- Người Ukraine, người Chechnya và người Estonia được coi là những phần tử nguy hiểm nhất, họ bị cách ly khỏi những tù nhân khác và bị dồn vào trại số 1. Chúng tôi ở trại số 2. Đám gác tù ngày càng tổ chức trà trộn nhiều tên chỉ điểm, bằng cách đe dọa hoặc tạo cho chúng những lợi lộc nho nhỏ. Đến năm 1951, bầu không khí đã ngột ngạt và con số chỉ điểm đã tăng đến mức không ai còn dám trò chuyện với nhau, kẻ này sợ người khác là mật vụ. Tất cả mọi người đều trở nên đáng ngờ, không thể chịu đựng nổi tình cảnh ấy.
Đúng lúc đó, những chiến sĩ đấu tranh cho tự do của dân tộc Ukraine bị bắt giam và bị đưa vào trại. Trong thời gian 1944-1952, các chiến sĩ này tổ chức chiến tranh du kích, thoạt đầu chống Đức, sau chống Liên Xô. Quả là những tay anh chị, họ bị đưa thẳng từ rừng về trại chúng tôi. Họ mang một làn gió mới đến trại vì chúng tôi, những kẻ bị tù tội từ năm 1944, là những quả chanh đã bị vắt kiệt, không còn sức lực và cũng không còn đầu óc kháng cự. Nhưng những người Ukraine vẫn còn những nhân tố đó.
Họ quyết định chấm dứt sự thống trị của lũ chỉ điểm. Họ chọn một giải pháp đặc biệt: bầu ra trong nội bộ một tòa án, một viện công tố, một phòng điều tra, thậm chí, cả một đội hành quyết. Không ai biết cụ thể các cơ quan này gồm những ai. Mọi thứ diễn ra hệt như ở ngoài đời. Nếu điều nghi ngờ được chứng thực, khi đó họ tuyên án tử hình và đội hành quyết thực hiện bản án, hoặc họ yêu cầu một kẻ tình nghi khác phải giết một tên chỉ điểm đã bị kết án; bằng không, tay này cũng phải chịu chung số phận. Nhưng nếu hoàn thành nhiệm vụ, hắn sẽ được trắng án.
- Bản án được thực hiện như thế nào?
- Tùy từng trường hợp. Chẳng có cách nào khác, luật pháp của bầy sói ngự trị, hoặc hắn, hoặc tôi phải chết. Thường thường, người ta dùng búa hay rìu choảng vào đầu tội nhân ở nơi làm việc, hoặc dùng dao đâm hay cứa cổ.
- Nhưng làm sao điều tra được ai là chỉ điểm?
- Có thể biết điều này một cách khá chắc chắn. Nói chung, những ai đi vào tòa nhà Ban quản lý nhà tù và bị phát giác, đều bị đánh dấu hỏi. Ngoài ra, ai có chỗ ở quá tốt, được hưởng nhiều lợi lộc, cũng là kẻ đáng nghi. Thông thường, lũ chỉ điểm thuộc số người làm ở nhà bếp hoặc giữ kho quần áo. Khó giữ được bí mật trong một cộng đồng khép kín như thế.
- Những vụ “hành quyết” ấy có để lại hậu quả ra sao?
- Thoạt đầu, người ta coi đó là những tai nạn trong phân xưởng. Mùa xuân năm 1951, sau khi những cuộc hành quyết đã diễn ra liền trong mấy tháng, Ban quản lý trại bắt đầu mở cuộc điều tra. Những người Ukraine khả nghi bị giam trong xà-lim riêng và bị canh phòng cẩn mật. Đồng thời, lũ chỉ điểm, sau khi cảm thấy tính mạng bị đe dọa, đã đề nghị viên chỉ huy trại cho chúng vào một nhà tù xây bằng đá tảng để lánh nạn.
Chẳng mấy chốc, một tin được lan truyền: bọn chỉ điểm, sau khi vào “nhà đá”, đã hành hạ các tù nhân Ukraine để trả thù. Cả trại phát khùng và tấn công khu nhà đá. Cuộc nổi loạn trong trại khởi đầu như thế. Các tù nhân xé rách hàng rào, đánh nhừ tử đội lính gác. Nhưng chúng tôi không vào được trong nhà tù vì cánh cửa quá chắc. Rồi quân đội tràn đến, họ bắn chỉ thiên lên trời. Thương thay, có một người bất hạnh đang ngồi trên chiếc giường tầng, bị trúng một viên đạn lạc về hướng lán trại. Sau đó, chúng tôi tuyệt thực trong bốn ngày.
Dường như Ban lãnh đạo nhà tù nhận thấy họ đã xử sự quá trớn, thành thử theo lệnh của trung ương, tình hình chúng tôi dần dần được cải thiện. Chế độ nhà tù bớt hà khắc, thời gian cuối người ta còn xây cho chúng tôi một sân chơi bóng chuyền và chúng tôi còn có một chiếc máy hát có loa kiểu cũ.
- Như vậy, cuộc nổi loạn đã không bị đàn áp?
- Không bao giờ Ban quản lý trại biết được ai là người khỏi xướng và trong nhóm tù nhân Ukraine, những ai là người thực hiện các vụ “thanh trừng”. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn ít lâu, người ta tập trung toàn bộ các thanh niên Ukraine và đưa họ xuống làm việc ở mỏ đồng.
- Sau chín năm ngồi tù, ông có cảm tưởng ra sao khi biết mình được tự do?
- Dần dần, chúng tôi đoán là mình sẽ được phóng thích. Sau cái chết của Stalin vào tháng 3-1953, tù thường phạm lại được hưởng ân xá. Tháng Sáu, Ban quản lý bắt đầu triệu tập những người nước ngoài (có hai mươi bảy người Hung), họ thông báo sẽ đưa chúng tôi khỏi trại, nhưng không nói sẽ trả tự do cho chúng tôi. Viên chỉ huy trại, vốn quý người Hung vì họ làm việc rất cừ, đã giải quyết cho chúng tôi đi bằng tàu hỏa chở khách đến vị trí tập trung ở Lemberg (1).
Chỉ khi đến đó, người ta mới thông báo rằng chúng tôi được về nhà trong vòng một vài tuần lễ. Nhưng nào phải vài tuần! Chúng tôi phải đợi năm tháng rưỡi vì đồng chí Rákosi (2) không muốn cho chúng tôi trở về. Theo các nguồn tư liệu, ông ta nói với các đồng chí Liên Xô như sau: nếu để lũ phát-xít như bọn tôi về nước, ông ta sẽ không bảo đảm việc xây dựng CNXH ở Hung! Cuối cùng, Rákosi vẫn đành phải nhận chúng tôi vì dân Romania, dân Đức và người các dân tộc khác đã được về nước từ lâu.
Chặng đường về nước vô cùng buồn bã. Một thiếu tá Liên Xô đi tay không đưa chúng tôi đến Csap. Con tàu lắc lư chở chúng tôi đi trên chiếc cầu biên giới, đúng vào lúc chúng tôi nghe tiếng chuông ở Záhony (3) điểm mười hai giờ trưa, chúng tôi khóc nức nở và hát Quốc ca. Qua cầu, một toán người có vũ trang vận áo bông, dẫn chó vây quanh đoàn tàu. Họ nói tiếng Hung, nhưng trông bộ dạng hệt như người Liên Xô. Chúng tôi không thể đoán ra họ là ai, nhưng không ai nghĩ đến một quang cảnh tiếp đón như thế.
Người ta gào lên với chúng tôi bằng một giọng thô lỗ nhất: “Cút mẹ chúng mày đi, đồ phát-xít khốn nạn!”. Giữa chừng, lũ chó xếp hàng xung quanh chúng tôi. Cố nhiên, giấc mơ trong từng ấy năm trời của chúng tôi - quỳ xuống hôn đất mẹ sau khi bước xuống tàu hỏa - đã hoàn toàn tan biến. Cái giọng điệu mà chúng tôi được nghe chẳng khác gì trong trại tập trung, chỉ khác là bằng tiếng Hung.
Chúng tôi phải xếp hàng ba, khác với ở Nga, tại đó thường là hàng năm. Trong tiếng chó sủa râm ran, chúng tôi bị toán người vũ trang giải đến một căn nhà nghỉ ở Nyíregháza, tại đó chúng tôi phải làm bản tường trình lý lịch. Chúng tôi đã ngỡ là ở quê hương, chúng tôi cũng phải tiếp tục đời sống lao tù. Khó tin nổi rằng năm ngày sau chúng tôi được tự do. Trong số chúng tôi, có những người bị tách ra và bị giam trong tù. Tôi nghĩ rằng có thể đó là những cựu chính khách hoặc sĩ quan cao cấp.
Chúng tôi sống ở cạnh nhà ga Kanizsai, tôi đã nhìn thấy căn nhà qua cánh cửa sổ, nhưng tôi hoàn toàn không biết điều gì sẽ chờ tôi ở nhà. Không thể diễn tả nổi khoảng khắc tôi được gặp lại cha mẹ tôi sau chín năm trời xa cách. Lúc đó tôi mới hay rằng cha tôi cũng bị bắt làm tù binh và bị giam nửa năm trời (đến tháng 9-1945) trong một trại tập trung ở Liên Xô.
- Ông hòa nhập với cuộc sống ở quê hương ra sao?
- Khó khăn lắm. Tôi được nhận làm kế toán. Năm 1956, tôi là thành viên Ủy ban Cách mạng, vậy mà tôi vẫn không bị bắt giữ một lần nữa mới lạ chứ. Tuy nhiên, tôi cũng biết là mình bị theo dõi.
- Ông hay được nhắc đến như “Solzhenitsyn của nước Hung”. Quả thực hai người đã là bạn tù?
- Chúng tôi bị giam cùng trại tập trung ở Kazakhstan, tình bạn giữa hai chúng tôi còn kéo dài đến bây giờ. Thời đó, chúng tôi bị coi là những kẻ kỳ quặc vì cả hai đều không lăng xăng trong nhà bếp, mà thường quanh quẩn bên thư viện. Năm 1962, khi cuốn sách “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” được đăng tải trên tờ tạp chí văn học “Noviy Mir” (Thế giới mới), thông qua tờ báo, tôi liên hệ với Solzhenitsyn, chúng tôi bắt đầu trao đổi thư từ về các vấn đề văn học.
Về sau, khi ông trở thành một nhân vật “khó xử” về mặt chính trị, tôi liên lạc thư từ thông qua vợ ông. Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách ấy, chúng tôi sẽ đánh lạc hướng được cơ quan KGB. Quả là ngây thơ! Năm 1974, khi Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi Liên Xô, Nhà xuất bản Chính trị (4) gửi thư cho tôi từ Moscow, họ đề nghị tôi viết hồi ký rồi họ sẽ in. Họ tin rằng trái với Solzhenitsyn, tôi sẽ viết tốt về cuộc sống trong trại tập trung vì tôi yêu quý nền văn hóa Nga, tôi tìm hiểu và nghiên cứu nền văn học Nga và tôi đồng cảm với dân tộc Nga, là dân tộc phải chịu đựng nhất trên hoàn cầu.
Tôi hỏi làm sao họ biết tất cả những điều này. Họ thông báo cho tôi biết: tất cả những lá thư tôi viết cho Solzhnitsyn đã đều qua tay họ. Họ nghĩ rằng tôi sẽ là đối âm của người bạn tôi. Thoạt tiên tôi không muốn viết, nhưng sau đó tôi vẫn viết, cố nhiên tôi đã không được khen ngợi vì những gì mình viết. Họ không nhận được những gì họ muốn. May cho tôi là thời đại Gorbachev đến đúng lúc.
Về sau, bằng cách nào không rõ, tập bản thảo của tôi được chuyển sang Munchen và được xuất bản tại đó. Các “đồng chí” có thẩm quyền bảo tôi: “Người ta sẽ không biến anh thành kẻ “tử vì đạo”, anh sẽ không thành Solzhenitsyn của nước Hung đâu”. Còn có thể kể nữa, nhưng tôi không muốn...
- Ông vẫn còn ngại KGB, hay các “đồng chí” người Hung ư?
- KGB vẫn chưa giải thể.
- Tuy nhiên, dường như các nhân viên KGB và các đồng nghiệp người Hung của họ để ý đến các vụ phạm pháp có tổ chức là chính, chứ họ đâu có quan tâm mấy đến việc tẩy rửa những tàn tích nhơ bẩn của cái thể chế đã mất.
- Trước mắt, tốt hơn cả là chưa nên khuấy đảo! Chủ nghĩa xã hội chưa phải là một việc đã qua, những thế lực rất đáng kể còn muốn phục hồi lại đế chế Liên Xô. Chủ nghĩa Đại Slav (5), sự hoài niệm về đế chế Liên Xô có cội rễ rất sâu trong nước Nga.
- Hiện tại, ông đang viết cuốn “Bách khoa toàn thư về Gulag”, theo lịch trình, sẽ được ấn hành bởi Nhà xuất bản Puski vào năm sau. Xin ông cho vài lời về cuốn sách?
- Năm 1989, tôi bắt đầu thu thập tư liệu về những tù nhân Hung ở Gulag; khi đó, tôi quyết định sẽ viết một cuốn tự điển bách khoa - dựa trên tài liệu, giấy tờ, lời khai của các bạn tù - để chứng tỏ chúng tôi không phải là phát-xít, không phải là tội phạm chiến tranh. Nhiều người bảo tôi gắng sức làm gì, mọi sự sẽ được đưa ra ánh sáng nếu KGB công bố các tài liệu lưu trữ. Đúng vậy, có điều theo ý tôi, nếu các tài liệu lưu trữ được công bố, mọi thứ giấy tờ sẽ cho thấy chúng tôi là những tên phát-xít hung hãn!
Thành thử, khi chúng tôi còn sống và những tư liệu về chúng tôi vẫn còn, cần phải giải quyết và thu thập chúng, làm sáng tỏ lịch sử chân thực của chúng tôi. Nếu bây giờ tôi không làm điều này, năm chục năm về sau các sử gia “xã hội” sẽ nói rằng cơ quan tư pháp Xô-viết đã giúp nước Hung loại trừ hàng vạn tên phát-xít hung ác, tạo điều kiện phát triển cho công cuộc xây dựng hòa bình ở nước này. Cần phải chứng minh bằng thực tế rằng người ta đã hủy hoại xương sống, đã cướp đi phần tinh túy của một dân tộc, biến giới thanh niên thành những nô lệ.
Cho đến nay, tôi đã tái tạo lại lịch sử chính xác của bốn ngàn người, thường là dựa trên các tài liệu do Tòa án Tối cao Moscow hoặc Viện Kiểm sát Tối cao Liên Xô gửi, và những tài liệu ấy cũng củng cố nhận định trên của tôi. Sau khi khảo cứu hàng ngàn trường hợp, tôi nhận ra rằng cạnh bản án gửi cho tôi, người ta tự động kèm thêm một văn bản phục hồi danh dự cho người bị án. Theo đó, chính phía Liên Xô cũng nhận thấy những lời buộc tội đều là giả trá.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ: cho đến nay, những người bị buộc tội sát hại binh lính Nga vẫn chưa được phục hồi. Mặc dù chúng tôi biết lý do những vụ “sát hại” đó: nạn nhân đã hãm hiếp, cướp bóc, hoặc có khi chính anh ta là kẻ giết người đầu tiên. Người lính Xô-viết dù có làm việc gì nhơ bẩn đến mấy đi nữa, họ cũng vẫn là anh hùng, danh dự người lính của họ được bảo vệ. Người ta bấu víu vào huyền thoại giả tạo của một quân đội giải phóng anh hùng. Nhiệm vụ của tôi là phá vỡ huyền thoại của thể chế Xô-viết, bằng những chứng liệu thực tế.
Ghi chú:
(1) Còn được gọi theo tên khác là Lvov, một thành phố thuộc lãnh thổ Ukraine ngày nay.
(2) Rákosi Mátyás (1892-1971): Tổng bí thư đảng Cộng sản Hung, người du nhập và xây dựng mô hình Stalinist vào Hung.
(3) Csap và Záhony là hai thành phố ở biên giới Hung - Ukraine.
(4) Nhà xuất bản APN ở Liên Xô.
(5) Phong trào chủ trương thống nhất các dân tộc Slav sưới sự lãnh đạo của nước Nga - Sa hoàng.
- Ở Kazakhstan khá hơn so với miền Bắc?
- Thoạt đầu thì không. Stalin nghĩ ra việc xây dựng một thành phố giữa vùng hoang mạc vì tại đó người ta phát hiện ra một trữ lượng than lớn. Tôi sống cùng một ngàn hai trăm bạn tù trong những lều trại ngoài trời, chúng tôi là những người đầu tiên sống ở vùng hoang mạc đó. Bốn năm sau, khi tôi được phóng thích, thành phố này đã có mười lăm ngàn dân cư.
- Một ngày trong trại khổ sai, nếu ông làm đúng như luật lệ nhà tù?
- Theo lệ thường, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc mười hai tiếng; phạm nhân có bổn phận thực hiện chỉ tiêu, nếu nhiệt độ không xuống dưới 42 độ âm (- 42 độ C). Mỗi ngày chúng tôi được 65 dkg bánh mì đen và được húp thỏa thích xúp bắp cải, xúp ngô hoặc xúp dưa chuột; không có gì khác biệt lớn giữa ba loại xúp đó. Đây là những thứ xúp không hề có cái, không có chất mỡ, chỉ mặn và vừa có chút màu.
Về mặt lý thuyết chúng tôi có khẩu phần thịt: một tù nhân được 4,5 dkg thịt hoặc 12 dkg cá, nhưng những thứ này chẳng bao giờ đến tay chúng tôi vì chúng phải qua tay biết bao người. Ngoài đời mọi người cũng đói khát. Một lần vào năm 1945, sếp của chúng tôi, viên chỉ huy trại bảo nhiều người dân sẵn sàng đổi chỗ với chúng tôi, vì ít nhất chúng tôi còn có khẩu phần bánh mì hàng ngày, chứ ngoài đời, trong thành phố, lắm lúc phải chờ hàng tuần, hàng tháng mới có xe chở bánh mì đến. Như vậy, có lẽ dễ hiểu là mọi người đều cố ăn trộm theo khả năng của họ.
- Tù nhân được ăn mặc ra sao?
- Thời gian đầu chúng tôi mặc bộ quần áo rách rưới của mình. Tới Ukraine, tôi được nhận quần áo, của những người lính tử trận ngoài trận địa. Trên áo quần, còn có lỗ đạn thủng, vết máu và vết cháy sém. Mùa thu, lần đầu chúng tôi có đồ lót, lúc đó áo quần chúng tôi đã rách như tổ đỉa, không thể khâu vá vì người ta cấm chúng tôi dùng kim. Theo tôi, chúng tôi đói và rét không phải vì họ muốn, mà đơn thuần bởi người ta cũng không có gì để cho chúng tôi.
- Thật khổ...
- Ngoài đói và rét, thường xuyên chúng tôi còn bị đối xử một cách thô bạo. Những người quản lý lao động bắt chúng tôi làm việc quá sức, thường xuyên hành hạ chúng tôi về thể xác và tinh thần, nhục mạ chúng tôi...
- Tù nhân có được vệ sinh cá nhân tử tế không?
- Tùy từng thời, các hoàn cảnh cũng khác: trong chín năm, tôi đã trải qua mười sáu trại tập trung. Hồi đầu ở Nicolayev, chúng tôi không được tắm rửa gì cả. Người ta chở nước để nấu nướng bằng xe thùng từ ngoài vào. May ra ở nơi làm việc, thỉnh thoảng chúng tôi được phép rửa mặt đôi chút. Năm tháng trôi qua, bỏ lại cuộc chiến sau lưng, hoàn cảnh cũng được cải thiện: chúng tôi được tắm rửa nơi thì hàng tuần, nơi thì ba tuần một lần. Cuối cùng, năm 1953, chúng tôi được thay đồ lót hàng tuần.
Tuy nhiên trong những năm đầu, khi chúng tôi lâm vào cảnh khốn cùng ở ranh giới của sự sinh tồn và bất sinh tồn, chúng tôi sống gần như thú vật, không mấy ai quan tâm đến chuyện tắm táp, vệ sinh cá nhân. Có khi phải dùng gậy để lùa chúng tôi vào buồng tắm vì thay quần áo cũng là cả một cực hình. Chúng tôi chỉ muốn nằm dài trên tấm phản gỗ, đừng bị ai quấy rầy. Chúng tôi thường nói: “Bọn mình chỉ TỒN TẠI, chứ không SỐNG.”
- Có tồn tại một loại thứ hạng gì giữa các tù nhân không?
- Tù thường phạm là những ông chủ. Về mặt xã hội, tù thường phạm được coi là những kẻ thuộc giai cấp “gần gũi”, do đó họ luôn được Ban quản lý ưu đãi, phân cho những chỗ ăn ở tốt, thậm chí còn được giao nhiệm vụ quản lý tù chính trị. Họ không chịu lao động, ngược lại, họ còn tước khẩu phần ăn cùng những bộ quần áo còn lành lặn đôi chút của chúng tôi, vì đội gác tù cho họ cả thứ quyền ấy.
Tù nhân người bản địa đôi khi được tiếp tế, nhưng lũ thường phạm cũng cướp đi những gì tốt nhất của họ. Cố nhiên điều này không ứng với người ngoại quốc như chúng tôi: chúng tôi không được gửi và nhận thư từ cũng như quà tiếp tế.
- Trong trại tập trung, có thứ đời sống tinh thần, thơ ca, chuyện trò rôm rả như ở các nhà tù bình thường không?
- Không có mấy, trại tập trung là chuyện khác. Chúng tôi phải sống cách ly nhau. Tôi sống bốn năm ở Kazakhstan, nhưng không bao giờ được biết có bao nhiêu người Hung ở trại bên cạnh. Nếu muốn gặp gỡ ai đó, tôi phải tìm cách lẩn trốn. Để tránh lũ chỉ điểm, chỉ có thể trò chuyện về những việc không đâu vào đâu, ví dụ “ở nhà, cậu nấu món bắp cải nhồi thịt như thế nào?”.
Trong trại tập trung, hỏi “trước kia cậu làm gì?” hay “tại sao cậu bị án tù mười lăm năm?” là một hành vi bất lịch sự, chẳng kém gì hỏi tuổi một phụ nữ. Không hề có thứ chuyện trò chân thật hay thân tình, ai nấy đều ngại nhau.
Tình hình chúng tôi khá lên chút đỉnh sau một cuộc nổi loạn trong tù. Đó là năm 1952. Sau tám năm, đây là năm đầu tiên chúng tôi không bị đói. Thậm chí, chúng tôi còn được mức lương tối thiểu, có thể dùng nó mua bánh mì. Chúng tôi còn được đọc báo nữa. Thoạt đầu, tất nhiên người ta chỉ đọc cho chúng tôi nghe những đoạn đã được bộ máy kiểm duyệt cho phép. Nếu ai đó có ý liếc trộm tờ báo, anh ta sẽ được một cái tát, mặc dù báo chí Xô-viết thời đó có quái gì đâu...
Về sau, người ta đặt tờ “Pravda” (Sự thật) vào tủ kính, tôi học đọc tiếng Nga bằng cách đó. Thời gian cuối chúng tôi còn có thể mượn báo về đọc, nhưng không được trò chuyện, bàn tán về những bài viết trong báo.
- Ai kiểm tra xem tù nhân có trò chuyện về các bài báo hay không?
- Lũ chỉ điểm sẽ báo cáo ngay. Vào thời gian đó chúng tôi đã được tách khỏi tù thường phạm. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhiều, nhưng đồng thời người ta cũng thực hiện một chế độ kỷ luật nghiêm ngặt hơn, trại chúng tôi được coi là một nhà tù trừng giới. Hơi một tí là bị nhốt vào xà-lim, nghĩa là trong năm ngày trời, người tù phải nhảy lò cò trong cái rét 2-4 độ để thoát chết.
- Cuộc nổi loạn trong tù diễn ra như thế nào?
- Người Ukraine, người Chechnya và người Estonia được coi là những phần tử nguy hiểm nhất, họ bị cách ly khỏi những tù nhân khác và bị dồn vào trại số 1. Chúng tôi ở trại số 2. Đám gác tù ngày càng tổ chức trà trộn nhiều tên chỉ điểm, bằng cách đe dọa hoặc tạo cho chúng những lợi lộc nho nhỏ. Đến năm 1951, bầu không khí đã ngột ngạt và con số chỉ điểm đã tăng đến mức không ai còn dám trò chuyện với nhau, kẻ này sợ người khác là mật vụ. Tất cả mọi người đều trở nên đáng ngờ, không thể chịu đựng nổi tình cảnh ấy.
Đúng lúc đó, những chiến sĩ đấu tranh cho tự do của dân tộc Ukraine bị bắt giam và bị đưa vào trại. Trong thời gian 1944-1952, các chiến sĩ này tổ chức chiến tranh du kích, thoạt đầu chống Đức, sau chống Liên Xô. Quả là những tay anh chị, họ bị đưa thẳng từ rừng về trại chúng tôi. Họ mang một làn gió mới đến trại vì chúng tôi, những kẻ bị tù tội từ năm 1944, là những quả chanh đã bị vắt kiệt, không còn sức lực và cũng không còn đầu óc kháng cự. Nhưng những người Ukraine vẫn còn những nhân tố đó.
Họ quyết định chấm dứt sự thống trị của lũ chỉ điểm. Họ chọn một giải pháp đặc biệt: bầu ra trong nội bộ một tòa án, một viện công tố, một phòng điều tra, thậm chí, cả một đội hành quyết. Không ai biết cụ thể các cơ quan này gồm những ai. Mọi thứ diễn ra hệt như ở ngoài đời. Nếu điều nghi ngờ được chứng thực, khi đó họ tuyên án tử hình và đội hành quyết thực hiện bản án, hoặc họ yêu cầu một kẻ tình nghi khác phải giết một tên chỉ điểm đã bị kết án; bằng không, tay này cũng phải chịu chung số phận. Nhưng nếu hoàn thành nhiệm vụ, hắn sẽ được trắng án.
- Bản án được thực hiện như thế nào?
- Tùy từng trường hợp. Chẳng có cách nào khác, luật pháp của bầy sói ngự trị, hoặc hắn, hoặc tôi phải chết. Thường thường, người ta dùng búa hay rìu choảng vào đầu tội nhân ở nơi làm việc, hoặc dùng dao đâm hay cứa cổ.
- Nhưng làm sao điều tra được ai là chỉ điểm?
- Có thể biết điều này một cách khá chắc chắn. Nói chung, những ai đi vào tòa nhà Ban quản lý nhà tù và bị phát giác, đều bị đánh dấu hỏi. Ngoài ra, ai có chỗ ở quá tốt, được hưởng nhiều lợi lộc, cũng là kẻ đáng nghi. Thông thường, lũ chỉ điểm thuộc số người làm ở nhà bếp hoặc giữ kho quần áo. Khó giữ được bí mật trong một cộng đồng khép kín như thế.
- Những vụ “hành quyết” ấy có để lại hậu quả ra sao?
- Thoạt đầu, người ta coi đó là những tai nạn trong phân xưởng. Mùa xuân năm 1951, sau khi những cuộc hành quyết đã diễn ra liền trong mấy tháng, Ban quản lý trại bắt đầu mở cuộc điều tra. Những người Ukraine khả nghi bị giam trong xà-lim riêng và bị canh phòng cẩn mật. Đồng thời, lũ chỉ điểm, sau khi cảm thấy tính mạng bị đe dọa, đã đề nghị viên chỉ huy trại cho chúng vào một nhà tù xây bằng đá tảng để lánh nạn.
Chẳng mấy chốc, một tin được lan truyền: bọn chỉ điểm, sau khi vào “nhà đá”, đã hành hạ các tù nhân Ukraine để trả thù. Cả trại phát khùng và tấn công khu nhà đá. Cuộc nổi loạn trong trại khởi đầu như thế. Các tù nhân xé rách hàng rào, đánh nhừ tử đội lính gác. Nhưng chúng tôi không vào được trong nhà tù vì cánh cửa quá chắc. Rồi quân đội tràn đến, họ bắn chỉ thiên lên trời. Thương thay, có một người bất hạnh đang ngồi trên chiếc giường tầng, bị trúng một viên đạn lạc về hướng lán trại. Sau đó, chúng tôi tuyệt thực trong bốn ngày.
Dường như Ban lãnh đạo nhà tù nhận thấy họ đã xử sự quá trớn, thành thử theo lệnh của trung ương, tình hình chúng tôi dần dần được cải thiện. Chế độ nhà tù bớt hà khắc, thời gian cuối người ta còn xây cho chúng tôi một sân chơi bóng chuyền và chúng tôi còn có một chiếc máy hát có loa kiểu cũ.
- Như vậy, cuộc nổi loạn đã không bị đàn áp?
- Không bao giờ Ban quản lý trại biết được ai là người khỏi xướng và trong nhóm tù nhân Ukraine, những ai là người thực hiện các vụ “thanh trừng”. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn ít lâu, người ta tập trung toàn bộ các thanh niên Ukraine và đưa họ xuống làm việc ở mỏ đồng.
- Sau chín năm ngồi tù, ông có cảm tưởng ra sao khi biết mình được tự do?
- Dần dần, chúng tôi đoán là mình sẽ được phóng thích. Sau cái chết của Stalin vào tháng 3-1953, tù thường phạm lại được hưởng ân xá. Tháng Sáu, Ban quản lý bắt đầu triệu tập những người nước ngoài (có hai mươi bảy người Hung), họ thông báo sẽ đưa chúng tôi khỏi trại, nhưng không nói sẽ trả tự do cho chúng tôi. Viên chỉ huy trại, vốn quý người Hung vì họ làm việc rất cừ, đã giải quyết cho chúng tôi đi bằng tàu hỏa chở khách đến vị trí tập trung ở Lemberg (1).
Chỉ khi đến đó, người ta mới thông báo rằng chúng tôi được về nhà trong vòng một vài tuần lễ. Nhưng nào phải vài tuần! Chúng tôi phải đợi năm tháng rưỡi vì đồng chí Rákosi (2) không muốn cho chúng tôi trở về. Theo các nguồn tư liệu, ông ta nói với các đồng chí Liên Xô như sau: nếu để lũ phát-xít như bọn tôi về nước, ông ta sẽ không bảo đảm việc xây dựng CNXH ở Hung! Cuối cùng, Rákosi vẫn đành phải nhận chúng tôi vì dân Romania, dân Đức và người các dân tộc khác đã được về nước từ lâu.
Chặng đường về nước vô cùng buồn bã. Một thiếu tá Liên Xô đi tay không đưa chúng tôi đến Csap. Con tàu lắc lư chở chúng tôi đi trên chiếc cầu biên giới, đúng vào lúc chúng tôi nghe tiếng chuông ở Záhony (3) điểm mười hai giờ trưa, chúng tôi khóc nức nở và hát Quốc ca. Qua cầu, một toán người có vũ trang vận áo bông, dẫn chó vây quanh đoàn tàu. Họ nói tiếng Hung, nhưng trông bộ dạng hệt như người Liên Xô. Chúng tôi không thể đoán ra họ là ai, nhưng không ai nghĩ đến một quang cảnh tiếp đón như thế.
Người ta gào lên với chúng tôi bằng một giọng thô lỗ nhất: “Cút mẹ chúng mày đi, đồ phát-xít khốn nạn!”. Giữa chừng, lũ chó xếp hàng xung quanh chúng tôi. Cố nhiên, giấc mơ trong từng ấy năm trời của chúng tôi - quỳ xuống hôn đất mẹ sau khi bước xuống tàu hỏa - đã hoàn toàn tan biến. Cái giọng điệu mà chúng tôi được nghe chẳng khác gì trong trại tập trung, chỉ khác là bằng tiếng Hung.
Chúng tôi phải xếp hàng ba, khác với ở Nga, tại đó thường là hàng năm. Trong tiếng chó sủa râm ran, chúng tôi bị toán người vũ trang giải đến một căn nhà nghỉ ở Nyíregháza, tại đó chúng tôi phải làm bản tường trình lý lịch. Chúng tôi đã ngỡ là ở quê hương, chúng tôi cũng phải tiếp tục đời sống lao tù. Khó tin nổi rằng năm ngày sau chúng tôi được tự do. Trong số chúng tôi, có những người bị tách ra và bị giam trong tù. Tôi nghĩ rằng có thể đó là những cựu chính khách hoặc sĩ quan cao cấp.
Chúng tôi sống ở cạnh nhà ga Kanizsai, tôi đã nhìn thấy căn nhà qua cánh cửa sổ, nhưng tôi hoàn toàn không biết điều gì sẽ chờ tôi ở nhà. Không thể diễn tả nổi khoảng khắc tôi được gặp lại cha mẹ tôi sau chín năm trời xa cách. Lúc đó tôi mới hay rằng cha tôi cũng bị bắt làm tù binh và bị giam nửa năm trời (đến tháng 9-1945) trong một trại tập trung ở Liên Xô.
- Ông hòa nhập với cuộc sống ở quê hương ra sao?
- Khó khăn lắm. Tôi được nhận làm kế toán. Năm 1956, tôi là thành viên Ủy ban Cách mạng, vậy mà tôi vẫn không bị bắt giữ một lần nữa mới lạ chứ. Tuy nhiên, tôi cũng biết là mình bị theo dõi.
- Ông hay được nhắc đến như “Solzhenitsyn của nước Hung”. Quả thực hai người đã là bạn tù?
- Chúng tôi bị giam cùng trại tập trung ở Kazakhstan, tình bạn giữa hai chúng tôi còn kéo dài đến bây giờ. Thời đó, chúng tôi bị coi là những kẻ kỳ quặc vì cả hai đều không lăng xăng trong nhà bếp, mà thường quanh quẩn bên thư viện. Năm 1962, khi cuốn sách “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” được đăng tải trên tờ tạp chí văn học “Noviy Mir” (Thế giới mới), thông qua tờ báo, tôi liên hệ với Solzhenitsyn, chúng tôi bắt đầu trao đổi thư từ về các vấn đề văn học.
Về sau, khi ông trở thành một nhân vật “khó xử” về mặt chính trị, tôi liên lạc thư từ thông qua vợ ông. Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách ấy, chúng tôi sẽ đánh lạc hướng được cơ quan KGB. Quả là ngây thơ! Năm 1974, khi Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi Liên Xô, Nhà xuất bản Chính trị (4) gửi thư cho tôi từ Moscow, họ đề nghị tôi viết hồi ký rồi họ sẽ in. Họ tin rằng trái với Solzhenitsyn, tôi sẽ viết tốt về cuộc sống trong trại tập trung vì tôi yêu quý nền văn hóa Nga, tôi tìm hiểu và nghiên cứu nền văn học Nga và tôi đồng cảm với dân tộc Nga, là dân tộc phải chịu đựng nhất trên hoàn cầu.
Tôi hỏi làm sao họ biết tất cả những điều này. Họ thông báo cho tôi biết: tất cả những lá thư tôi viết cho Solzhnitsyn đã đều qua tay họ. Họ nghĩ rằng tôi sẽ là đối âm của người bạn tôi. Thoạt tiên tôi không muốn viết, nhưng sau đó tôi vẫn viết, cố nhiên tôi đã không được khen ngợi vì những gì mình viết. Họ không nhận được những gì họ muốn. May cho tôi là thời đại Gorbachev đến đúng lúc.
Về sau, bằng cách nào không rõ, tập bản thảo của tôi được chuyển sang Munchen và được xuất bản tại đó. Các “đồng chí” có thẩm quyền bảo tôi: “Người ta sẽ không biến anh thành kẻ “tử vì đạo”, anh sẽ không thành Solzhenitsyn của nước Hung đâu”. Còn có thể kể nữa, nhưng tôi không muốn...
- Ông vẫn còn ngại KGB, hay các “đồng chí” người Hung ư?
- KGB vẫn chưa giải thể.
- Tuy nhiên, dường như các nhân viên KGB và các đồng nghiệp người Hung của họ để ý đến các vụ phạm pháp có tổ chức là chính, chứ họ đâu có quan tâm mấy đến việc tẩy rửa những tàn tích nhơ bẩn của cái thể chế đã mất.
- Trước mắt, tốt hơn cả là chưa nên khuấy đảo! Chủ nghĩa xã hội chưa phải là một việc đã qua, những thế lực rất đáng kể còn muốn phục hồi lại đế chế Liên Xô. Chủ nghĩa Đại Slav (5), sự hoài niệm về đế chế Liên Xô có cội rễ rất sâu trong nước Nga.
- Hiện tại, ông đang viết cuốn “Bách khoa toàn thư về Gulag”, theo lịch trình, sẽ được ấn hành bởi Nhà xuất bản Puski vào năm sau. Xin ông cho vài lời về cuốn sách?
- Năm 1989, tôi bắt đầu thu thập tư liệu về những tù nhân Hung ở Gulag; khi đó, tôi quyết định sẽ viết một cuốn tự điển bách khoa - dựa trên tài liệu, giấy tờ, lời khai của các bạn tù - để chứng tỏ chúng tôi không phải là phát-xít, không phải là tội phạm chiến tranh. Nhiều người bảo tôi gắng sức làm gì, mọi sự sẽ được đưa ra ánh sáng nếu KGB công bố các tài liệu lưu trữ. Đúng vậy, có điều theo ý tôi, nếu các tài liệu lưu trữ được công bố, mọi thứ giấy tờ sẽ cho thấy chúng tôi là những tên phát-xít hung hãn!
Thành thử, khi chúng tôi còn sống và những tư liệu về chúng tôi vẫn còn, cần phải giải quyết và thu thập chúng, làm sáng tỏ lịch sử chân thực của chúng tôi. Nếu bây giờ tôi không làm điều này, năm chục năm về sau các sử gia “xã hội” sẽ nói rằng cơ quan tư pháp Xô-viết đã giúp nước Hung loại trừ hàng vạn tên phát-xít hung ác, tạo điều kiện phát triển cho công cuộc xây dựng hòa bình ở nước này. Cần phải chứng minh bằng thực tế rằng người ta đã hủy hoại xương sống, đã cướp đi phần tinh túy của một dân tộc, biến giới thanh niên thành những nô lệ.
Cho đến nay, tôi đã tái tạo lại lịch sử chính xác của bốn ngàn người, thường là dựa trên các tài liệu do Tòa án Tối cao Moscow hoặc Viện Kiểm sát Tối cao Liên Xô gửi, và những tài liệu ấy cũng củng cố nhận định trên của tôi. Sau khi khảo cứu hàng ngàn trường hợp, tôi nhận ra rằng cạnh bản án gửi cho tôi, người ta tự động kèm thêm một văn bản phục hồi danh dự cho người bị án. Theo đó, chính phía Liên Xô cũng nhận thấy những lời buộc tội đều là giả trá.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ: cho đến nay, những người bị buộc tội sát hại binh lính Nga vẫn chưa được phục hồi. Mặc dù chúng tôi biết lý do những vụ “sát hại” đó: nạn nhân đã hãm hiếp, cướp bóc, hoặc có khi chính anh ta là kẻ giết người đầu tiên. Người lính Xô-viết dù có làm việc gì nhơ bẩn đến mấy đi nữa, họ cũng vẫn là anh hùng, danh dự người lính của họ được bảo vệ. Người ta bấu víu vào huyền thoại giả tạo của một quân đội giải phóng anh hùng. Nhiệm vụ của tôi là phá vỡ huyền thoại của thể chế Xô-viết, bằng những chứng liệu thực tế.
Ghi chú:
(1) Còn được gọi theo tên khác là Lvov, một thành phố thuộc lãnh thổ Ukraine ngày nay.
(2) Rákosi Mátyás (1892-1971): Tổng bí thư đảng Cộng sản Hung, người du nhập và xây dựng mô hình Stalinist vào Hung.
(3) Csap và Záhony là hai thành phố ở biên giới Hung - Ukraine.
(4) Nhà xuất bản APN ở Liên Xô.
(5) Phong trào chủ trương thống nhất các dân tộc Slav sưới sự lãnh đạo của nước Nga - Sa hoàng.
Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ và chú
giải
-------------------------------------------
[04.11.2012
15:08 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
No comments:
Post a Comment