Saturday, 3 November 2012

NHÀ BÁO ĐẢNG VIÊN VIẾT VỀ CHỐNG THAM NHŨNG (Đào Tuấn / Nguyễn Quang Lập)




Tháng Mười Một 3, 2012

Chống tham nhũng vẫn là câu chuyện dài nhiều tập, vẫn sẽ là nỗi bức xúc thường niên khi nó vẫn là câu chuyện ở nơi nào đó, của một ai đó.

Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền trước nghị trường hôm qua đã nói đến câu chuyện bản chất nhất của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay “Chỉ bắt được những vụ kiểu “con mèo ăn miếng mỡ”, chưa bắt được “con cọp cắp con heo”. Các vị đại biểu có lý do để bức xúc khi cả năm, đội ngũ cơ quan tư pháp “hùng hậu” chỉ đưa ra xét xử 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh gắn với mấy chữ “đe dọa sự tồn vong chế độ”. Trong đó, không thấy có “con cọp” nào. “Rồng” đương nhiên lại càng không. Trong đó, sự nghiêm trọng trên lý thuyết được các vị phán quan “nhân danh nhà nước” thẩm định lại, bằng 34,2% án treo. Và trong đó, số tiền 8.000 tỷ kiến nghị thu hồi chỉ thực thu 30%.

Số án tham nhũng ít, giống hệt như phát biểu của tướng Nhã: “cuộc chiến tham nhũng chưa diễn ra”. Hoặc đang biểu hiện căn bệnh “nội bộ hóa, hành chính hóa” các hành vi tham nhũng.

Số tiền tham nhũng nhiều, thu hồi ít, đang là một biểu hiện của tư tưởng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”.
Và số án treo nhiều là điển hình của tình trạng mà Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá là “3 liên”: Liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên, liên kết với nhau chặt chẽ. “3 chạy”: Chạy án, (để) từ có tội thành không tội; chạy tội, (để) từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù, (để) từ tù ngồi thành tù treo. Khiến cho: “Tội phạm tham nhũng tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo, không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh có áo và ốm đã có… thuốc”. Và tham nhũng đã có… án treo.

Đã có rất nhiều tâm huyết đã được phát biểu tại nghị trường ngày hôm qua. Rằng phải: Tuyên chiến. Vì “hai bên đều chưa xảy ra thương vong gì nhiều”. Phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia, xem một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng. Rằng phải “Diệt chứ không phòng chống gì nữa”. Phải “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Phải “Thay đổi cả cách đánh và người đánh”. Phải “Thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng”. Điều này nghe thì sướng tai, nhưng nào đâu phải chuyện mới mẻ gì. Bởi, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, Thủ tướng đã chính thức “tuyên chiến” với tham nhũng ngay trong ngày đầu nhậm chức.

Cái mới nhất trong việc “hiến kế chống tham nhũng” tại nghị trường ngày hôm qua là việc ĐBQH TP HCM Võ Thị Dung đề nghị “Ngay tại kỳ họp này, 498 ĐBQH và các thành viên Chính phủ tuyên hứa trước đồng bào sẽ không tham nhũng và đấu tranh quyết liệt với tham nhũng”- bà Dung là người làm công tác Mặt trận. Và đề xuất của ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham”. Rồi thì “dùng con mắt lương tâm xem mình làm giàu bất hợp pháp thế nào. Rồi thì “mở cuộc vận động từ chức”, như một hành vi “Thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân cho nước”- ông Đương là Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của QH.

Mặt trận thì đề nghị tuyên hứa. Tư pháp thì đề xuất một cuộc vận động. Trước đó thì Chủ tịch nước kêu gọi nhân dân “Không sợ trù úm”. Và Thủ tướng nói về giáo dục “lòng tự trọng”.

Tất cả những điều đó đều cần thiết. Nhưng có hiệu quả hay không lại là chuyện không cần nói cũng biết.
Ông Trần Đình Nhã, một vị tướng hôm qua thậm chí đã khẩn khoản: Xin Quốc hội hãy tỏ rõ thái độ của mình không chỉ bằng lời nói. Bà Nguyễn Thị Khá thì tha thiết “Mong Quốc hội làm rõ tình hình để báo cáo của Chính phủ năm sau không còn lặp lại như bây giờ”.

Xin trân trọng tâm huyết của các vị đại biểu QH. Nhưng có lẽ, chống tham nhũng vẫn là câu chuyện dài nhiều tập, vẫn sẽ là nỗi bức xúc thường niên khi nó vẫn là câu chuyện ở nơi nào đó, của một ai đó. Và quan trọng nhất, người ta không thể, bằng những lời kêu gọi, tiêu diệt được một kẻ thù có quyền, có tiền, có khi cũng đang kêu gọi chống tham nhũng bằng những lời kêu gọi ở một nơi nào đó.


3-11-2012
Sâu ở đây không chỉ là bọn tham nhũng, bọn đấy tất nhiên là sâu rồi khỏi phải nói. Sâu tham nhũng tất nhiên ai cũng ghét, tất nhiên ai cũng muốn loại bỏ chúng.

Những ai yếu về năng lực, kém về phẩm chất mà vẫn tồn tại lâu dài trong bộ máy công quyền cũng gọi là sâu. Nếu anh không tham nhũng nhưng anh im lặng trước tham nhũng, nhắm mắt làm ngơ hoặc bao che cho tham nhũng thì anh cũng là đồng bọn của tham nhũng, chính anh là sâu đấy, gọi là sâu ăn hại.

Sâu ăn hại có rất nhiều loại, nhiều nhất là những kẻ bất tài, vô thưởng vô phạt, leo cao chui sâu vào bộ máy công quyền không phải nhờ năng lực, nói thẳng là nhờ tiền, nhờ quan hệ, nhờ vào dòng họ người thân, và nhờ cả những ràng buộc trong cái gọi là lợi ích nhóm. Tại diễn đàn Quốc hội kì này, đại biểu Nguyễn Bá Thanh đã chỉ loại cán bộ “chả ưu điểm, khuyết điểm gì cả, nếu cứ ì ạch như thế mà vẫn tồn tại cả nhiệm kỳ thì chết thiên hạ.” Chính là ông Nguyễn Bá Thanh đang nói đến loại sâu này.

Loại sâu này có vẻ như vô hại nhưng thực sự có hại, bởi vì chính nó làm ngưng trệ, đình đốn sự nghiệp kiến quốc nước nhà, trực tiếp cản trở công cuộc chống tham nhũng của Đảng. Bằng vào thói quan liêu, sự vô trách nhiêm, chính loại sâu ăn hại đã tạo ra khe hở cho sâu tham nhũng đục khoét, trỏ lối cho sâu tham nhũng ẩn nấp và mở đường cho sâu tham nhũng tháo chạy. Cho thấy tội của sâu ăn hại là rất trầm trọng.

Để loại bỏ loại sâu ăn hại này có nhiều cách mà dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một cách hữu hiệu. Đại biểu Bùi Thị An đã nói: “Việc bỏ phiếu tín nhiệm là rất quan trọng và cấp thiết vào thời điểm hiện nay, vừa có tác dụng răn đe, giám sát và góp phần thanh lọc những “con sâu” trong bộ máy.

Nhưng thanh lọc sâu qua bỏ phiếu tín nhiệm xét cho cùng chỉ là cách hớt ngọn. Phải triệt tận góc, không để cho loại sâu này chui vào hoặc tiếp tục chui vào bộ máy công quyền, mới là điều căn bản. Muốn vậy phải bạch hóa thông tin tất cả những ai được Đảng cử dân bầu cho dân được tường tận họ đã làm gì, làm như thế nào, thái độ của họ trước mọi vấn đề của đất nước và chính kiến của họ trước những lựa chọn trong các đề án, dự thảo, dự án liên quan đến quốc kế dân sinh và sự tồn vong của đất nước.

Liên quan đến bỏ phiếu tín nhiệm của QH, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã nói rất đúng rằng: “khi bỏ phiếu tín nhiệm nên công khai số phiếu để cử tri biết, qua đó cử tri đánh giá đại biểu đã thực hiện sự ủy quyền của mình như thế nào.”. Hoan hô bà Nguyễn Thị Kim Thúy, bà đã nói đúng ý dân. Hãy để cho dân kiểm soát được đại biểu của mình, đó là cách đúng đắn nhất để loại bỏ sâu từ góc.

Sở dĩ sâu ngang nhiên leo cao chui sâu trong bộ công quyền, Đảng và Nhà nước bắt không xuể, chỉ vì khẩu hiệu “Dân biết dân bàn dân kiểm tra” không được tôn trọng, nó luôn bay phấp phới trước mũi dân nhưng chưa lúc nào thành hiện thực. Buồn thay.

Nguyễn Quang Lập




No comments:

Post a Comment

View My Stats