Tháng Mười Một 3, 2012
Hình như phải cảm ơn cái coóc xê Hồ Cẩm Đào thật. Bởi việc họ biến “sân
khách thành sân nhà”, biến chợ đầu mối hàng xóm thành chợ cóc nhà mình, biến
thị trường hàng xóm thành cái hố rác thì đó là thành công, chứ đâu phải lỗi
thất bại.
Suốt tuần qua báo chí mở chiến dịch “áo ngực lạ”, QLTT
khắp các tỉnh Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Nội, TP HCM… “ra quân” kiểm tra,
thu giữ áo ngực Tàu có chứa “vật thể lạ”. Các chuyên gia “mổ xẻ” áo ngực, đúng
cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Và tất nhiên, các bà, các cô nháo nhào
“rạch áo”.
Không khó để nhận ra sự “lên đồng” của dư luận không hoàn toàn là do chiếc áo con có liên quan đến phạm trù “sức khỏe”, mà chủ yếu do đó là hàng Tàu. Ở đây, chẳng có chính trị chính em gì hết. Vấn đề chỉ thuần túy là chất lượng hàng hóa. Đã qua rất lâu cái thời “máy khâu con bướm, xe phượng (hoàng), mũ cối, dép đúc” khi mà hàng Trung Quốc đồng nghĩa với sự vĩnh cửu. Cũng đã hết sự vồ vập ban đầu với bia Vạn Lực, xe “mui trần hai chỗ” hiệu Loncin. Không có tiền xài hàng Việt giá trên trời thì đành dùng hàng Trung Quốc, cỏ rác, nhưng có giá phù hợp với túi tiền. Tất nhiên, nói như một tiểu thương là “tiền nào của nấy”.
Trong vô vàn những chi tiết xung quanh 6 viên “thuốc lạ”, và thứ “nước lạ trắng đục sờ thấy dính” bên trong chiếc áo bé bằng bàn tay, có hai câu chuyện to như con voi, và rất quen. Đó là cái giá bèo của những chiếc áo có khi chỉ 15 ngàn đồng. Và “tính hố rác” của thị trường Việt khi từ vỉa hè thành phố tới chợ cóc nhà quê đâu đâu cũng tràn ngập hàng Trung Quốc với tình trạng “3 không” điển hình: Không nguồn gốc xuất xứ. Không tem nhãn kiểm định. Không có cả một dòng chữ Việt.
Nhớ hồi tháng 9, trong một tọa đàm về hàng Việt, ông Đỗ Xuân Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân cho biết cái chợ được xây dựng từ năm 1889 này có lượng luân chuyển hàng hóa đến 20 tấn/ngày và doanh thu hàng năm cỡ 4000 tỷ, đang sống nhờ “chủ yếu là hàng Trung Quốc”. Chủ yếu là bao nhiêu? Khoảng 90% các mặt hàng từ đồ lưu niệm, đồ chơi, điện thoại, cặp da, túi sách. Riêng hàng tạp phẩm, vải vóc, quần áo may sẵn, trong đó có chiếc áo con phụ nữ, con số này là 70%. Với thị phần toàn 70 với 90%, có lẽ, Đồng Xuân, từ nhiều năm nay, đã là cái chợ Trung Quốc chứ không phải chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc nữa.
Mà khoảng cách từ trụ sở Tập đoàn dệt may Việt Nam, doanh nghiệp top tỷ đô xuất khẩu, đến chợ Chợ Đồng Xuân nào có xa xôi gì (Chỉ cỡ 3km).
Mà may cái áo con thì nào có khó như chế tạo phi thuyền để phải cần khoa học gia cỡ kỹ sư, tiến sĩ, viện sĩ.
Chiếc áo nịt nói riêng và hàng Trung Quốc nói chung đang chiếm lĩnh thị trường Việt, từ ngôi chợ lâu đời nhất, lớn nhất ở Thủ đô, cho đến thị trường nông thôn bạt ngàn nhu cầu hàng giá rẻ. Chiếc áo ngực Trung Quốc đang rất rẻ. Đó là một thực tế. Rẻ đến mức có người tưởng mình nghe nhầm khi chiếc áo con có khi chỉ 15 ngàn đồng/chiếc. 15 ngàn, mà vẫn đảm bảo lợi nhuận, vẫn có thể chi trả tiền công chuyên chở. Và thậm chí, khiến những tiểu thương phải nói lời “cảm ơn hàng Trung Quốc”. Đây là câu chuyện mà bà Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã kể lại. Họ “cảm ơn hàng Trung Quốc” khi mà 40 năm bán hàng ở ngôi chợ lớn nhất miền Bắc này, chưa từng có 1 DN Việt đến tìm tiểu thương để bán hàng, thậm chí “chúng tôi kiếm họ còn rất khó”.
Hình như cũng phải cảm ơn hàng Trung Quốc thật. Bởi việc họ biến “sân khách thành sân nhà”, biến chợ đầu mối hàng xóm thành chợ cóc nhà mình, biến thị trường hàng xóm thành cái hố rác thì đó là thành công, chứ đâu phải lỗi thất bại.
Cũng còn vì câu chuyện cái áo 15 ngàn đồng có chữa “thuốc
lạ”, “nước lạ” đang phơi bày một thực tế: Nhu cầu hàng giá rẻ, thực ra là hàng
có giá thù hợp với điều kiện thu nhập của người lao động bình dân, đang bị
chính các DN Việt xem thường. Và cái gì gọi là trách nhiệm xã hội của DN Việt
thực chỉ là lời chót lưỡi đầu môi.
Thôi thì đành hiểu là các DN Việt đang chỉ quan tâm đến việc bơi ra biển lớn nên chẳng buồn quan tâm đến chuyện lẻ tẻ. Nhưng liệu có thể nói tới chuyện bơi ra biển lớn khi đang chết chìm trong ao làng?
No comments:
Post a Comment