Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-11-10
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/hntingly-returnday-bird-11102012133726.html
Trong
chương trình văn hóa nghệ thuật kỳ này Khánh Ly đã dành cho Mặc Lâm một cuộc
phỏng vấn đặc biệt về những suy nghĩ, thao thiết của chị trước con đường về quê
vẫn còn xa thẳm.
Mặc Lâm: Thắm thoát mà đã
... mấy mươi năm... cái ngày mà chị đặt chân lên đất Mỹ cũng gần trọn đời
người... Người họa sĩ khi nhìn lại tranh mình thì phát hiện thiếu chút ánh sáng
chỗ này, một vết cọ không chính xác chỗ nọ. Người làm thơ thì tiếc đã không
dùng một chữ khác đắt ý hơn trong bài thơ nào đó, còn là ca sĩ chị thấy điều gì
đã qua mà mình không nắm được, và nếu được làm lại thì chị sẽ thay thế hay sửa
đổi những vuột mất ấy là gì?
Khánh Ly: Trước hết tôi rất
cảm ơn quý đài đã nhớ đến tôi. Thưa anh và thưa quý thính giả đang nghe đài,
người ta thường nói âm nhạc là ngôn ngữ không có biên giới, và âm nhạc đưa
người ta lại gần với nhau. Trong những cảm nghĩ rất tốt đẹp, nhân bản tôi không
thấy loại nhạc nào xúi giục người ta nuôi dưỡng hận thù.
Trong
ý tưởng đó tôi luôn luôn cảm thấy mình may mắn được thượng đế cho một tiếng
hát, và đã nhiều năm dùng tiếng hát này đi khắp nơi cũng không ngoài mục đích
được nhìn thấy qua tiếng hát của mình mà mọi người cùng ngồi lại bên nhau. Tuy
nhiên tôi cảm thấy hình như việc làm của mình chưa đủ. Nó rất nhỏ nhoi đối với
những niềm vui tinh thần rất cần thiết cho mỗi người, mà mỗi ngày đang bị văn
minh thế giới làm soi mòn dần. Soi mòn cả niềm tin, soi mòn cả con người với
nhau. Như vậy có phải rằng những tiếng hát luôn là gạch nối giữa mọi người hay
không?
Tôi
luôn mong mỏi ngày nào tiếng hát của mình còn được sử dụng thì tôi vẫn ở trong
niềm hy vọng là đưa mọi người ngồi lại với nhau.
Mặc Lâm: Tôi tình cờ thấy
một tấm ảnh đen trắng chụp khi chị còn rất trẻ, khoảng 18 hay hai mươi gì đó. Ở
tấm ảnh này tôi cảm nhận được hơi hướm chiến tranh lẩn khuất phía sau chị rất
rõ... Cuộc chiến có ảnh hưởng gì tới gia đình chị trước khi rời Việt Nam hay không?
Khánh Ly: Trong gia đình tôi
có anh em là chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi có một người anh đã bị thương rất
nặng, và cả nhà tưởng anh đã chết khi anh theo binh chủng của anh rời khỏi
thành phố Huế. Nhưng rất may mắn mọi chuyện đều ngưng ở đó và sau đó thì tôi ra
đi.
Mặc Lâm: Thật là may mắn
vì dù sao thì gia đình chị chịu ít thiệt hại nhất trong những gia đình Việt Nam
thuở ấy. Thưa chị "Hội quán Cây tre" là nơi một thời sinh viên chúng
tôi rất thường tới nghe chị hát. Riêng tôi rất nhớ hình ảnh lúc ấy, bởi khi
hình dung ra nó thì chừng như một cuốn phim quay thật chậm trong trí nhớ của
những ngày Sài gòn cũ... Tôi không hiểu chị còn có ký ức gì về những nghệ sĩ
từng có mặt trong thời gian ấy hay không?
Khánh Ly: Vâng, tôi khởi đầu
tại Hội quán Cây tre khi đi hát với anh Trịnh Công Sơn. Phải nói từ lúc đó tôi
mới được mọi người biết đến. Anh Sơn rất chú trọng đến những sinh hoạt học
đường, sinh viên và học sinh bởi vì rõ ràng một điều giới học sinh sinh viên
thời đó không phải là giới khách của phòng trà. Đa số anh em sinh viên học sinh
đều không có tiền cho nên chúng tôi hát với tinh thần đến với anh em mà không
có một lợi nhuận nào cả.
Tuy
nhiên chúng tôi chịu đựng được vì tôi nghĩ rằng chúng tôi đến gần với anh em
sinh viên học sinh trong niềm hy vọng là quê hương đất nước sẽ thanh bình, sẽ
có ngày không còn tiếng súng nữa, Hội quán Cây tre khi thành lập được sự giúp
đỡ của các thầy thuộc phái võ Vovinam mà tôi nhớ rất nhiều đó là thầy Phong mà
bây giờ hình như thầy không còn nữa. Ở đó nhằm tinh thần phục vụ tất cả anh em
sinh viên học sinh, những người không có đủ điều kiện, khả năng vào những phòng
trà tráng lệ mỗi đêm để mà nghe nhạc. Ở đó chúng tôi giới thiệu những tình
khúc, những ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những tình khúc của Vũ
Thành An, của Lê Uyên và Phương, của Từ Công Phụng, của anh Ngô Mạnh Thu và tất
cả các nhạc sỹ trẻ thời đó…
Chúng
tôi được sự đóng góp như của anh Ngô Mạnh Thu, chị Diễm Chi, Ngọc Minh, Lan
Ngọc hay Hồng Vân, những người có lòng với sinh hoạt cộng đồng, với sinh viên
học sinh cũng như mọi quân binh chủng thời đó.
Mặc Lâm: Thưa chị bình
thường thì người ta nhận ra rằng con chim không thể ở một chỗ mãi. Tiếng hót
của nó phải tung bay vào không gian rộng lớn hơn. Chị có nghĩ tiếng hát Khánh
Ly đã lan tỏa đủ với ước ao của một người xa xứ hay không, khi mà thời đại
Internet này, chỉ một tiếng than van là người ta có thể nghe với khoảng cách cả
đại dương...
Khánh Ly: Đủ thì chưa đủ đâu!
Người ta thường nói trời sinh ta có đôi chân để đi. Nhà văn Nguyễn Tuân thì đi
đến hết đời mà vẫn còn muốn đi. Anh Trịnh Công Sơn cũng đi dữ lắm bởi vì không
bao giờ ngừng lại một chỗ cả… Người ta còn đi như thế huống chi là những tiếng
hát… nó phải được bay bổng, nó phải được lan trải qua tất cả sông suối, núi
đồi, len lỏi trong thị thành cũng như các vùng thôn quê. Ở tất cả mọi nơi tiếng
hát đều cần phải đi tới.
Có
thể người ta không đi tìm tiếng hát nhưng mà mình là người có tiếng hát thì
mình đi tìm những người nghe mình. Đó là điều rất quan trọng mà một người ca sĩ
khi nào còn có tiếng hát thì còn có nhu cầu đi tất cả mọi nơi để hát cho tất cả
mọi người nghe. Nơi nào cần tiếng hát thì tiếng hát phải lập tức có mặt ngay!
Mặc Lâm: Ai cũng có ngày
về lại quê hương, về lại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Khánh Ly cũng là người
Việt Nam cũng từng từ đó mà ra đi vì vậy sự trở về là điều hiển nhiên. Câu hỏi
đặt ra là khi có cơ hội cúi xuống hôn mảnh đất yêu dấu và rồi cất tiếng hát thì
bài hát nào sẽ được Khánh Ly chọn? Có lẽ là Diễm Xưa chăng?
Khánh Ly: Thưa anh, anh nói
rất đúng: Diễm Xưa. Từ Diễm Xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tháp cho tôi một đôi
cánh và tôi đã bay bổng giữa những tình thương của người Việt Nam trong và
ngoài nước dành cho tôi. Dĩ nhiên là những ngày tháng sẽ đi qua, kể cả đời
người cũng sẽ qua nhưng Việt Nam thì một ngàn năm nữa cũng còn đó.
Có
lẽ người nào thì cũng phải trở về mà thôi. Nếu không lúc này thì một lúc nào đó
họ sẽ trở về để nằm xuống. Dù có muộn màng đi nữa thì ít ra được nằm lại trên
quê hương của mình cũng là điều rất tốt, là mơ ước của nhiều người. Mặc dù
không phải là ai cũng sẽ sống và được như vậy nhưng nếu được thì một trong
những mơ ước của những con người có một quê hương, một tổ quốc thì ai cũng mơ
ước được trở về. Không có gì đẹp đẽ cho bằng sự trở về để có nơi mở đầu thì xin
được kết thúc tại cái nơi mở đầu đó. Đó là ước mơ.
Tôi
hy vọng là không phải ước mơ chỉ của riêng tôi mà là ước mơ chung của tất cả
những người được gọi là người…
Mặc Lâm: Xin cám ơn chị.
Theo dòng thời sự:
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment