Sunday 25 November 2012

HỌA SĨ LÊ TÀI ĐIỂN, BẰNG HỮU, & "NHỮNG MẢNG RỜI" (tin tổng hợp)




Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, November 24, 2012 1:56:01 PM

WESTMINSTER (NV) - Chiều hôm Chủ Nhật 18 tháng 11, tại Việt Báo Gallery, Westminster, có một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật quy tụ được khá đông những người làm văn học nghệ thuật ở miền Nam Việt Nam vào thời gian mà nền văn học nghệ thuật ấy đã rực sáng trong nhiều lãnh vực.

Họa sĩ Lê Tài Ðiển (giữa) chuẩn bị cắt bánh giữa những thân hữu. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Sở dĩ có buổi sinh hoạt này là để đón tiếp họa sĩ Lê Tài Ðiển, vừa từ Paris sang viếng thăm bạn bè thân hữu ở Little Saigon. Và cũng nhân dịp này phát hành tuyển tập “Những Mảng Rời” của ông.

Nhưng theo người điều hợp chương trình Ðinh Quang Anh Thái cho biết thì đây không phải là một buổi ra mắt sách mà chỉ là một buổi chào đón họa sĩ, của những anh chị em đã cùng một thời trải tình văn chương nghệ thuật với nhau. Ðây cũng không phải là một buổi triển lãm tranh, những bức tranh quí của nền hội họa thời bấy giờ mà qua một thời hoang phế văn học nghệ thuật sau 1975, họa sĩ Lê Tài Ðiển đã “gìn vàng giữ ngọc” được (những tranh này được in trong tuyển tập “Những Mảng Rời”).

Vẫn theo nhà báo Ðinh Quang Anh Thái thì cũng không giới thiệu vỗ tay như thường lệ. Tuy nhiên, một số tên tuổi cũng được nhắc đến như Doãn Quốc Sỹ, Kiều Chinh, Nhã Ca, Viên Linh, Rừng, Nguyên Khai, Ðinh Cường (từ xa đến), Phạm Xuân Ðài, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ðồng, Nguyễn Thị Hợp, Phạm Quốc Bảo, Du Tử Lê, Phan Nhật Nam.

Không khí buổi sinh hoạt bỗng toát lên cảnh “Văn Nghệ Hôm Nay” thời Sáng Tạo, Hiện Ðại 1956-1968 khi những tên tuổi trên được nhắc đến. Kể ra thì những nhân vật này tuy không hẳn là “Nhóm Sáng Tạo” của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa nhưng họ đã cùng nhóm này tạo cho miền Nam Việt Nam một nền văn học nghệ thuật sáng chói trên nhiều phong cách thể hiện mà cho mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy được một nền văn học nghệ thuật nào thay thế được kể cả trong lẫn ngoài nước.

Bảy văn nhân nghệ sĩ đã được anh Ðinh Quang Anh Thái mời lên để bày tỏ tâm tình với Lê Tài Ðiển cũng là với khoảng hơn 100 người tham dự. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, thành viên trong ban tổ chức buổi sinh hoạt này, cho biết: “Anh em muốn làm một cuốn sách cho Lê Tài Ðiển, khi xong đã thỉnh một nghệ sĩ là họa sĩ Lê Tài Ðiển từ kinh đô ánh sáng qua nói chuyện. Ðầu tiên thì chỉ dự định tổ chức trong vòng thân hữu với nhau nhưng rồi nghĩ lại thấy phải mở rộng ra cho các bạn trẻ cùng đến tham dự.”

Nhà thơ Viên Linh lên nói về Lê Tài Ðiển sau khi nhà thơ, chủ báo Nhã Ca có vài lời chào mừng ông và thân hữu tham dự. Bằng vào “39 năm quen biết,” nhà thơ Viên Linh giới thiệu họa sĩ Lê Tài Ðiển là một trong số “bảy nhân tài ở Pháp được chính phủ VNCH mời về nước vào năm 1968”.

Ông nói: “ Chúng tôi hoạt động văn nghệ với tôn chỉ là phải sống với thời cuộc.”

Sau đó, nhà thơ cho biết Lê Tài Ðiển đã sáng lập ra Hội Họa Sĩ Trẻ có điều kiện là phải dưới 35 tuổi. Hội đã qui tụ được khá nhiều nhân tài và đã gây nên một phong trào hội họa rất phong phú, đem cách thể hiện nghệ thuật trong hội họa đến gần với người thưởng ngoạn hơn sau khi lớp đi trước cách đó không lâu đã để lại một nền hội họa “cao sang, bí hiểm” qua những trường phái Ấn Tượng, Lập Thể đầy hơi hướng phương Tây. Hội Họa Sĩ Trẻ khi ra đến hải ngoại tuy không là một tổ chức như trước nhưng vẫn giữ được trọn tình nghĩa văn nghệ nên thường có những buổi gặp gỡ nhau qua những cuộc triển lãm của bạn bè.

Nhà thơ Viên Linh cũng cho biết là đã cùng với Lê Tài Ðiển chủ trương tờ “Thời Tập” cho đến tận ngày tan đàn xẻ nghé 30 Tháng Tư, 1975.

Nói về Lê Tài Ðiển, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng là một trong những người ở Pháp được chính phủ VNCH mời về, nhận xét: “Ðiển là ở trong cuốn sách này, không ở ngoài. Ðọc tuyển tập ‘Những Mảng Rời’ sẽ thấy Ðiển là nhà văn, nhà thơ, nhà báo và anh đã sinh hoạt như thế nào.”

Trước những tấm tình của “những người muôn năm cũ,” Lê Tài Ðiển đã bày tỏ mối chân tình của mình với bạn bè nay tản lạc khắp bốn phương. Ông nói về chuyện viết ra được cuốn sách này, cả phần văn thơ và họa phẩm từ khi trở lại được đất Pháp sau năm 1975 cộng tác với tờ Nhân Bản, tờ báo hậu thân của tờ Sinh Viên của sinh viên Việt Nam quốc gia tại Pháp. Ông cũng cho biết “tại sao lại là ‘Những Mảng Rời’. ‘Những Mảng Rời’ nhưng đã cô đọng lại thành tảng văn học nghệ thuật một thời.”

Giải thích thêm về tờ báo Sinh Viên, ông Nghĩa cho biết trước 1975, sinh viên Việt Nam tại Pháp bị Cộng Sản khôn khéo khuyến dụ nên thân cộng khá đông, thường đánh phá tờ báo này gây nên những xô xát với sinh viên quốc gia, trong đó có Lê Tài Ðiển. Sau 1975, Lê Tài Ðiển trở lại Pháp đã đi tiếp con đường của mình cùng anh em làm tờ báo Nhân Bản nói lên ý hướng quốc gia dân tộc trước Cộng Sản.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, từ San Jose xuống gặp bạn, cũng nói về “Những Mảng Rời” qua câu chuyện bị gẫy xương sườn khi ở Pháp được các bác sĩ Pháp chuẩn nhận tuy gẫy rời nhưng tự nó lại sẽ liền thôi và nó liền thật. Ðó là ý nghĩ của “Người Ði Trên Mây” về “Những Mảng Rời” của Lê Tài Ðiển.

Thân hữu và các bạn trẻ tới với họa sĩ Lê Tài Ðiển đông chật Việt Báo Gallery. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ba mươi bảy năm qua, không khí “văn nghệ hôm nay” đã làm nên thịnh thời văn học VNCH, nay qua buổi gặp mặt thân hữu với Lê Tài Ðiển trong buổi chiều này lại thấy thấp thoáng ẩn hiện với tuyển tập “Những Mảng Rời” của Lê Tài Ðiển được giới thiệu.

Quí độc giả yêu văn nghệ, hội họa của thời Trăm Hoa Ðua Nở tại miền Nam, có thể hỏi mua tuyển tập này tại nhật báo Việt Báo. Ấn phí của sách là $50.

––

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com


Ngọc Lan/Người Việt
Saturday, November 10, 2012 2:42:30 PM

WESTMINSTER (NV) - Tôi không biết và cũng chưa một lần nghe đến tên ông, họa sĩ Lê Tài Ðiển.
Nhưng hôm nay, đọc qua những gì có trong tuyển tập “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển,” tôi hiểu, vì sao bạn bè ông, những người tên tuổi như Du Tử Lê, Ðặng Mai Lan, Ðinh Cường, Nhã Ca, Nguyễn Xuân Nghĩa, Thụy Khuê, Viên Linh, Kiệt Tấn, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Ðồng, Nguyễn Thị Hợp, Trần Thị NgH... lại dành cho ông những ân tình đặc biệt đến như vậy.

***

Họa sĩ Lê Tài Ðiển và “những mảnh rời”. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Họa sĩ Lê Tài Ðiển sinh năm 1937 tại Mỹ Tho, trong một gia đình có quốc tịch Pháp. Cha là giáo sư Lê Trung Tài, dạy Pháp văn và môn Sử tại trường trung học Võ Trường Toản ở Sài Gòn.
Ông học trung học Nguyễn Ðình Chiểu và tốt nghiệp Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế năm 1962.
Từng học điêu khắc với điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ và học trang trí với họa sĩ Mai Lan Phương.
Cuối năm 1963 ông sang Pháp du học và tốt nghiệp Cao Ðẳng Mỹ Thuật Paris năm 1968. Trong thời gian này, ông làm việc tại xưởng vẽ của họa sĩ Raymond Legueult, làm báo Sinh Viên của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ở Paris và báo Ái Hữu của hội sinh viên Orsay.

Cuối năm 1971, họa sĩ Lê Tài Ðiển trở về Việt Nam làm việc tại nhà in Sài Gòn Ấn Quán và là thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ. Năm 1974, ông cùng nhà báo Viên Linh thực hiện tờ Thời Tập.

Năm 1977, ông trở lại Pháp, dạy tại trường mỹ thuật ở Sartrouville 16 năm cho đến khi về hưu năm 2005. Cùng thời gian này, ông làm việc cho một hãng bán và sản xuất đồ tiểu công nghệ và trang trí.

Các giải thưởng ông từng đạt là giải nhất “4eme Rencontre Internationale de peinture” tại Turin, Ý, năm 1967 và giải ba “Grand Prix de New York” năm 1968.

***

Tuyển tập “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển” là “món quà do bạn bè của họa sĩ Lê Tài Ðiển dành cho anh, thành hình sau hơn một năm chuẩn bị”. Ðó là lời mở đầu cho tập sách “đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất” của người họa sĩ này.

Tuyển tập có thể được chia làm hai phần chính.

Phần về bản thân họa sĩ Lê Tài Ðiển, bao gồm phần tiểu sử, hình ảnh của 58 bức tranh do ông vẽ, 42 bích chương và bìa sách do ông thiết kế và 8 bài viết của Lê Tài Ðiển, với nhiều thể loại, từ giới thiệu họa sĩ, đến những ghi nhận, cảm nghĩ về hội họa, về con người, về cuộc đời.
Phần thứ hai của tập sách là 16 bài viết của bạn bè bằng hữu viết về họa sĩ Lê Tài Ðiển dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Nhận xét về tranh của họa sĩ Lê Tài Ðiển, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, một họa sĩ khá nổi tiếng trong lãnh vực hội họa dòng chính, cho biết: “Tôi không có dịp xem tranh họa sĩ Lê Tài Ðiển trực tiếp. Tranh ông cũng không phổ biến nhiều trên Internet. Nhưng qua tác phẩm sơn dầu ‘Vũ Khúc Xanh’ của ông, tôi nhìn ra những mảnh màu theo từng thể khối, nét cọ với cảm xúc dứt khoát, vang vang âm điệu từ sắc độ sáng tối. Tác phẩm này có thể là sự kết hợp của trường phái hội họa Hiện Ðại với những trường phái Biểu Hiện, Siêu Thực, Lập Thể, và Trừu Tượng, của những ảnh hưởng từ họa sĩ Paul Cezanne, Pablo Picasso, và có lẽ rất Paul Klee. Tôi nghĩ đây là những ảnh hưởng rất tự nhiên trong quá trình hấp thụ những tinh hoa nghệ thuật, khác với những sao chép, bởi vì đến từ sự tích lũy và phát tiết không kiểm soát khi sáng tác.”

Trong bài viết “Paris, người Việt và tranh Lê Tài Ðiển,” tác giả Thụy Khuê cho rằng “tranh Lê Tài Ðiển chia ra làm hai vùng. Một vùng dễ hiểu chứa đựng những màu sắc, những đường nét tươi sáng, rất trừu tượng, trẻ trung, mạnh bạo, dứt khoát vươn lên như muốn phá vỡ bức thành cổ của phục hưng hay ấn tượng, để xây dựng họa hình mới, tác phẩm mới, vào muôn vàn ngõ rẽ khác biệt.” Và “Lê Tài Ðiển còn một vùng tối. Phần sâu kín, âm u, bi quan và bí mật.”

Với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa thì “trong nhà tôi, duy nhất có bức tranh sơn dầu của một tác giả Việt Nam thì đấy là tranh Lê Tài Ðiển”.

Trong bài “Lê Tài Ðiển, 'Trong Tôi Xuân Về,'” ông Nguyễn Xuân Nghĩa kể về kỷ niệm khi chứng kiến Lê Tài Ðiển thiết kế sân khấu cho đêm văn nghệ Tết Kỷ Dậu, từ lúc “chẳng hiểu gì khi Ðiển nguệch ngoạc vẽ màu đen đỏ chằng chịt trên vuông giấy to bằng tấm carte postale. 'Ðấy mà maquette của sân khấu, mô hình theo đó tụi mày cố mà làm!'” Ðến lúc “kinh hãi” nhìn “Lê Tài Ðiển mở ra từng thùng sơn đỏ, cam, xanh, đen. Ông lấy thanh gỗ pha ngoáy lung tung và đổ ào lên tấm bạt rồi lấy cây cọ bự bằng cái chổi mà quét ngang dọc liên hồi... Ðợi sơn hơi khô, Ðiểm cầm chổi vẽ dọc ngang từng mảnh đen ngòm...”
Ðể cuối cùng, “Khi sân khấu mở màn thì tôi học được bài học về sự sáng tạo của nghệ thuật.”

Nói về Lê Tài Ðiển, như nhận xét của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, “Tên tuổi ông có vẻ không thông dụng đại chúng như những họa sĩ cùng thời “Hội Họa Sĩ Trẻ,” nhưng có điều ông được sự yêu mến từ các bạn văn nghệ sĩ.”

Quả là vậy, khi đọc những gì bạn bè viết về ông.

Từ “Phác họa một chân dung” Lê Tài Ðiển là “người lành nhất trong những người hiền tôi đã gặp” với “nón phớt trùm đầu, tóc bạc dài phủ ót, mắt kính kiểu cũ, ống vố bập bập ngậm lệch một bên miệng mom móm” của Cổ Ngư, đến “Bạn ta, người rất có vấn đề” của Kiệt Tấn, “Lê Tài Ðiển và những bức tranh theo buổi chiều trôi vào xa, vắng” của Du Tử Lê, “Chân dung của biển” của Ðặng Mai Lan, “Nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm” của Ðinh Cường, hay “Lê Tài Ðiển ở Sài Gòn” của Viên Linh, “Gặp gỡ Lê Tài Ðiển ở Paris” của Nguyễn Ðồng và Nguyễn Thị Hợp, “Vài kỷ niệm với họa sĩ Lê Tài Ðiển, nhân tình nhân tính” của Lê Hữu Khóa, “Họa sĩ Lê Tài Ðiển, người nghệ sĩ tài tâm tình vẹn toàn” của Bích Anh, hay “Nụ cười xé hai” của Trần Thị NgH, “Những con đường có đấy” của Nam Dao, “Lê Tài Ðiển, người bạn” của Nhã Ca, “Mai sau dù có bao giờ. Lần trang viết cũ ngắm mơ thuở nào” của Phan Thị Trọng Tuyến... Người đọc đều nhận ra được, khi rõ ràng, khi bàng bạc, trong những trang viết đó, những dòng chữ đó, là tình cảm bạn bè dành cho ông, họa sĩ Lê Tài Ðiển, “người thầm lặng, đi về cô lẻ giữa những bạn bè, đôi khi vui cười nghiêng ngửa thật, nhưng cũng lắm lúc âm u tuyệt vọng vì trĩu nặng những bí mật của thế hệ đầu thai lầm thế kỷ” (Lời giới thiệu).

***
Như đã đề cập, trong “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển” còn có dăm ba bài viết của chính tác giả. Có bài tròn trịa, đủ đầy cho một chuẩn mực báo chí, văn chương. Có bài thực sự có những mảnh rời, ghi vội khoảnh khắc của những suy nghĩ trong một biến động nào đó của “Sài Gòn, cuối tháng 7, 1970” hay “Sài Gòn trung tuần tháng 8, 1970”...

Tuyển tập “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển”. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Với tôi, “tuổi trẻ và hành trình” của Lê Tài Ðiển từ mấy mươi năm trước dường như còn nguyên cảm xúc của tuổi trẻ hôm nay. Bởi có khác gì đâu, khi “chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một đất nước nhiều bi thảm và nhiễu nhương. Bây giờ chúng tôi biết phải bắt đầu lại từ đâu? Chúng tôi ngồi lại và hòa đồng, dù với một kiến thức quá ư là chật hẹp, chủ quan, kinh nghiệm không có, nhưng chúng tôi chưa thấy một khởi đầu hợp lý, một hành trình còn thiếu cả kích thước, cả chiều dài lẫn chiều sâu?”

Có lẽ chính từ những điều như thế, nên “Những Mảnh Rời” của họa sĩ Lê Tài Ðiển đến từ Paris, có thể xem là “Chứng từ một gia đoạn lịch sử, đọc để sống lại với một thời, một không gian đã qua”.

Buổi ra mắt “Những Mảnh Rời của Lê Tài Ðiển” sẽ được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 18 Tháng Mười Một, tại Việt Báo Gallery, 14841 Moran Street, Westminster, CA 92683; điện thoại (714) 894-2500.
––
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com


11/17/2012

Lê Tài Điển nhìn bởi Đinh Cường

Từ trái: Nguyễn Trung, Lê Tài Điển, Nhã Ca.

Bài viết của Nhã Ca 

Bạn mà không phải bạn. Không phải bạn mà bạn. Có khi còn bạn hơn bạn, theo kiểu thường thấy. Đó là họa sĩ Lê Tài Điển và chúng tôi.
Cố nhớ, chuyện Sàigòn kiếp trước. Gặp nhau hồi nào? Không biết. Khỏi cần nhớ.
Tên tuổi Lê Tài Điển có đó, từ lâu, giữa Nguyễn Trung và các bạn hoạ sĩ.

Với Nguyễn Xuân Nghĩa thời Tổng Hội Sinh Viên Paris, chuyện từng kể là Lê Tài Điển đã phụ trách dựng cảnh cho Hội Tết Sinh Viên 1969, chỉ với mấy bình sơn xịt, làm sống lại không khí trận chiến Mậu Thân.
Sau thời Mậu Thân rồi hoà đàm Paris, một số lớn các bạn kéo nhau về nước, trong số này có ông bạn hoạ sĩ.
Tại Saigon, ngôi nhà gia đình của Nguyễn Xuân Nghĩa ở đường Hiền Vương có tranh Lê Tài Điển nghênh ngang  ngay trên tường phòng khách. Tranh lớn ngoại khổ. Hơn sáu thước vuông. Nghe nói hoạ sĩ đã phải làm  khung căng bố vẽ ngay tại chỗ. Đó là thời sơn dầu Lê Tài Điển còn đủ mầu sáng láng gợi nhớ tranh Marc Chagall.
Bên bức tranh lớn ấy,  đêm Giáng Sinh Sàigon sau đổi đời 1975, đám bạn còn lại vài chục tên  đã ngồi lại bên nhau lần cuối. Nửa đêm, có Mai Thảo đọc thơ, Hoài Bắc cầm lại đàn ghi ta, và Thái Thanh  hát trong nước mắt dàn dụa.
Sau họp mặt lần ấy là tan nát. Chẳng hiểu cái  tranh Lê Tài Điển bây giờ ra sao?

Với tôi, sau hơn 14 năm tù đầy, treo bút, khi đã tái sinh một kiếp khác, hai tên "chưa là bạn mà vẫn bạn" mới có dịp gặp nhau.
Mấy năm đầu ở Thụy Điển, một lần điện thoại của Nguyễn Trung từ Paris, nhắc tới Lê Tài Điển, nói hai tên  đang đứng bên nhau, uống quá trời uống. Chúng tôi gửi lời thăm nhau qua Nguyễn Trung.

Năm 1992, vợ chồng chúng tôi cùng Kiều Chinh từ Đức sang Pháp, đi xe hơi bằng đường làng! Họp mặt, có bạn hữu đông vui. Điển đến với Nguyễn Cầm. Tôi nhìn khuôn mặt vừa lạ vừa quen. Đó là cái  vênh váo, mới coi tưởng "ngầu",  thật ra là vụng về, ngây thơ vô số tội.  Gặp là thân, như đã từ bao năm với Nguyễn Trung, rồi với Kiệt Tấn, với Trần Tam Tiệp. Ông Tiệp lúc đó còn chưa ngồi xe lăn, khoe sáng sáng vẫn đủng đỉnh đi nhìn mấy bà đầm, cô đầm dẫn chó xuống phố.

Lần thứ hai tôi tới Pháp một mình. Càng thân thêm với Điển. Không chỉ có Trần Tam Tiệp, mà còn thêm cặp bạn Phạm Kế Viêm-Diệu Tâm,  anh chị Đỗ Việt và chị Phương Lan. Nơi hẹn gặp là một quán phơ của quận 13. Điển tới, tay xách chai rượu đỏ, lại vênh váo cái mặt với giọng nói ú ớ, "Phải uống cho hết. Một chai cho bà đó." Nhìn mà thấy cười. Ngồi giữa Paris, khui  Cabernet Sauvignon của Bordeaux ra uống với... phở. Vậy mà cả bọn cũng đốn ngã, không chỉ một mà còn thêm hai ba chai tiếp viện. Vậy mà rượu vang trộn phở vẫn làm cả bọn cùng "phê", họa sĩ và nhà văn có lúc tranh nhau nói, Lê Tài Điển ú ớ không địch nổi  Kiệt Tấn.

Lần thứ Ba, lại Paris, sau một buổi sinh hoạt.
Vừa trả bài xong là có Lê Tài Điển chờ sẵn.
"Đi. Đi thôi. Các bạn gọi."
Lại quán Việt quận 13. Đỗ Việt đón Trần Tam Tiệp, Kiệt Tấn. Thêm mấy bạn "đồng bọn." Lê Tài Điển cho biết Nguyễn Trung có để lại 3 cái tranh, nói để dành cho tôi, còn dặn dò Điển là phải trao tận tay.

Buổi chiều đó, trên một căn lầu nhỏ, Điển mở mấy tấm bố, trải dưới nền xi măng, nói: "Không phải Nguyễn Trung đâu. Rượu nó vẽ đó." Kể, lúc Trung ở Paris, tối tối cả bọn thường say mèm. Một đêm giữa cơn say, Trung lôi bố ra quẹt, thoáng cái là xong. Lúc tỉnh coi lại, Trung bảo mấy bức này phải dành cho mụ Nhã. 
Trung là tay làm tranh kiểu rị mọ, hết cọ lại dao, đôi khi cả ngày chỉ làm cho bằng được một điểm sáng hay tối. Nhờ vậy mà dù là khoảnh màu tối ám, vẫn bật lên cái chất sơn trong veo lấp lánh.  Mấy tấm tranh Trung bắt  Điển trao tận tay cho tôi hôm ấy không giống bất cứ tranh Nguyễn Trung nào khác. Cả ba đều là những nhát sơn đen quẹt nhanh quẹt mạnh trên khung bố rồi có sao để vậy.

Lâu không có dịp cụng ly,  mấy năm trước, biết có Nguyễn Xuân Nghĩa ở Việt Báo, Lê Tài Điển gửi từ Paris sang bài viết dành cho Việt Báo xuân Ất Dậu, 2005: "Trong Tôi Xuân Đến." Kèm bài còn có cặp rượu đỏ, nhắn để các bạn uống mừng Lê Tài Điển... mổ tim. 
Chẳng biết trái tim của hoạ sĩ ra sao, nhưng bài viết cho mùa xuân trong chàng thì có mòi lai láng. Chàng kể về một chân dung thần thoại:
"Đêm nay, cùng một bầu trời, cùng những vì sao anh với em cùng nhìn. Con đóm hoang di động, em mói tuổi nhỏ thường chụp bắt nó, cùng chui vào mền để nhìn ánh sáng chập chờn trong bóng tối - đang chứng kiến đội ta.
Anh dừng lại nơi có ánh sáng cuối đường, tìm cái bằng lòng của gã du mục. Hoàn thành cuộc hành trình trầm tư. Nét cọ cuối cùng cho điểm sáng trong tranh sau những đơn giản và gạn lọc, để rôài anh đặt cho nó một cái tên: Thần thoại."
(Trích Trong Tôi Xuân Đến, Lê Tài Điển)

Chân dung thần thoại của nàng có "màu xanh phong rêu, màu hồng nhạt chất chứa nhiều sắc độ". Có cả "cánh hồng" nữa. Nhưng với nàng thì, "em không nhìn được chân dung của em".  Và chàng tự thú là đã phạm một trọng tội, chỉ vì có một người Ý Đại Lợi  đổi  "một số tiền không đáng giá cho anh."
Không đáng giá mà vẫn phải để cho thần thoại ra đi.
Tội chàng với nàng đúng là đáng mổ, đáng xẻ.
Chỉ mổ cái tim thôi, là còn nhẹ. Rất hên cho ông.

Đọc "Trong Tôi Xuân Đến" của Lê Tài Điển xong, về nhìn kỹ mấy cái tranh "rượu vẽ" của Nguyễn Trung mà Điển tự tay cuốn cho tôi mang đi,  tôi không ngạc nhiên khi thấy cả hai ông hoạ sĩ  đều đã rời bỏ hình tượng mầu sắc cũ để sang tranh trừu tượng.

Bài viết của Điển cũng nhắc  "...đã một lần trên chuyến tầu tách rời hải cảng, chuyên chở một linh hồn, mang theo tâm sự xuôi miền đất lạ..." 
Tôi nhớ câu này khi đọc bài Thụy Khuê viết về Điển, kể về những đêm say một mình trên con tầu Paris - Sartrouville,  Điển quên bẵng bến xuống, và cứ ở lì  trên tàu, đề nó đưa đến đâu thì đến. 

*

Ông bạn ngây thơ vô số tội,
Không phải chỉ một tội túng tiền bán luôn thần thoại đâu.
Tiếp tục thú tội bằng cách viết bài báo xuân Việt Báo năm tới đi. 
Cặp rượu ông bắt bạn vác từ Paris sang cho, Nguyễn Xuân Nghĩa khui xong từ lâu, mà vẫn chưa có dịp cụng ly với bạn mình. Nghe đâu cuối năm nay, có Nguyễn Trung trở lại California. Còn sức bay sang không? Cả bọn nhớ bạn.

Nhã Ca 

---------------------------


Thụy Khuê – RFI
Thứ sáu 04 Tháng Năm 2012
Để tìm những ký hiệu ngôn ngữ gắn bó với con người, tôi thường hình dung những chữ phù hợp với phong cách nghệ thuật của một vài nghệ sĩ, ví dụ với Lê Thị Lựu là niềm âu yếm, dịu dàng; Vũ Cao Đàm là những mãnh liệt thầm kín; tranh Nguyễn Trung chứa đựng khát vọng dục tình... nhưng chưa bao giờ nghĩ đến một ký hiệu cho tranh Lê Tài Điển bởi hội họa của ông với tôi là bí mật, dù đã quen nhau rất lâu và cùng sống trên đất Pháp. Có một chữ gần ông nhất là ít : nói ít, viết ít, vẽ ít...

Ở người hoạ sĩ vẽ ít ấy, tranh Lê Tài Điển chia làm hai vùng :
Một vùng dễ hiểu chứa đựng những màu sắc, đường nét tươi sáng, rất trừu tượng, trẻ trung, mạnh bạo, dứt khoát vươn lên như muốn phá vỡ bức thành cổ của phục hưng hay ấn tượng, để xây dựng họa hình mới, tác phẩm mở, vào muôn vàn ngõ rẽ khác biệt.

Những bức tranh trong sáng của ông còn rọi về tuổi trẻ của chúng tôi, lớp người sang Pháp thập niên 60-70, xuất dương du học hay tập nghề, một niềm tin vào "tương lai xán lạn".

Mầu xanh lơ trên bầu trời không gợn mây hay những mảnh lam biếc đầy hấp lực, biểu dương lý tưởng tự do, mà chúng tôi vừa tập tễnh tiếp xúc trên đường tha hương sách vở. Cái mầu xanh ấy, màu xanh mà ngày nay, bất cứ chính trị gia nào cũng dành làm "nền" cho các bài diễn văn của mình, thời ấy còn là hiếm. Những vạch sơn vững chãi đầy nam tính trên tranh ông, là sự tự tin, đôi khi thái quá, và cũng là niềm kiêu hãnh của một tuổi trẻ muốn chinh phục thế giới bên ngoài.

Đó là phần lạc quan, dễ hiểu, trong tranh Lê Tài Điển, phần họa hình ánh sáng.

Nhưng Lê Tài Điển còn một vùng tối. Phần sâu kín, âm u, bi quan, và bí mật.

Nụ cười xé hai của ông luôn luôn gợi cảm giác đớn đau, một thứ phũ phàng của định mệnh, một khối u trong tâm hồn, một bệnh chứng di căn không có cách gì lành trong con người. Người Việt.

Ông không dùng ký hiệu ngôn ngữ bình thường để giao tiếp. Tất cả dường như đã cất kỹ vào kho, khuất trong nội tạng, thỉnh thoảng hé ra một chút, loé lên trong ánh mắt, phẫn nộ như một tia lửa, bùng lên rồi biến mất, để lại cho người nhận chút hoài bão, sững sờ, tê dại.

Ở Lê Tài Điển là sự truyền chân cảm, rất ít, rất nhanh và thật vội, như sợ người ta biết được, nhận được và hiểu được bí mật của mình.

Bí mật ấy là một vũ trụ u ám, phải chú ý lắm mới có thể bắt gặp.

Trong một buổi triển lãm tranh ông tại Paris, đã khá lâu, tôi không còn nhớ rõ ngày tháng. Kỷ niệm mạnh nhất để lại cho người xem là những gam màu tối, vô thể, vô hình, chứa đựng những khối u, tan nát, vỡ vụn.

Dường như ông muốn vẽ cái đau đớn, cô độc của chính mình trong cuộc đời nghệ sĩ những đêm say lạc ngủ quên trên con tàu từ Paris ra ngoại ô, đến cuối đường lại quay trở lại.

Thân xác đi, ở, nhập, vào toa tầu những đêm đông lạnh và buồn ấy, đến sáng.

Còn tranh đã nhúng hồn và máu trong những con tầu say.

Tranh ông thể hiện con đường rầy ngoại ô Paris-Sartrouville, lạnh lội những đêm đông mưa dầm giá buốt, những căn nhà xiêu vẹo cạnh đường rầy đuổi nhau trên khung kính toa tầu, những mảnh đời nhờ nhờ đen như mầu da những người sống bên cạnh lộ.

Tranh ông ngoặc những nét sần sùi thô nhám trên những khung cửa lõm vào mình immeuble HLM (Habitation à loyer modéré - nhà cho thuê rẻ tiền) tối om và ẩm ướt, những gờ thang máy bẩn thỉu hỏng quanh năm, những cửa kính vỡ, toác hoác đón gió lùa, những bức tường bôi bác vết nhơ, những đứa trẻ bơ vơ, lạc, loạn trong xì ke ma tuý...

Tranh ông thể hiện chái sau những quán ăn Tàu, Việt, Paris khu mười ba, mười tám, những xưởng may quần áo lậu, hậu trường thiếu vệ sinh, thuê người trái phép, bóc lột nhân công, cả một hệ thống bí mật giấu trong những gói rác, đổ vội trong đêm khuya sau khi thực khách cuối cùng rời tiệm.

Tranh ông phản ảnh niềm tuyệt vọng ẩn trong những giấc mơ của người dân nhược tiểu, hăm hở đến kinh đô ánh sáng để tìm "tương lai tươi sáng", lại chỉ gặp được định mệnh đắng cay, tàn khốc.

Tranh ông thể hiện niềm tuyệt vọng chung của người nhập cư từ những nước nghèo tìm đến Paris, mong hưởng chút bơ thừa, sữa cặn, của một xã hội thừa ánh sáng, thiếu nhân tình.

Và cũng từ Paris, nẩy sinh niềm tuyệt vọng riêng của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, sự lưu lạc của một kẻ sống dưới ánh sáng, mà vẫn tưởng mình là bóng tối.

Ông vẽ những thất lạc của con người trong đêm, như con tàu, cứ lao đi, đi mãi, mà không biết dừng lại ở một chốn nào...

Sự lưu lạc của ông cũng là sự lưu lạc của chúng tôi, hậu duệ của bọn người đầu thai nhầm thế kỷ. Paris, dĩ nhiên huy hoàng và mỹ lệ, dưới vạn ánh đèn. Nhưng có mấy ai biết Paris còn là một vũ trụ đen sâu đầy cạm bẫy của bóng đêm và bất hạnh, của những thất bại không ngừng, của những thờ ơ và lãnh đạm, của những kỳ thị hoang vu, của những chuyện chẳng lành đến từ quê cũ, của những hổ thẹn của một dân tộc đội sổ về quyền làm người...

Paris càng sáng càng vui càng tự do bao nhiêu, thì lũ đầu thai nhầm thế kỷ chúng tôi càng cảm thấy lạc loài sinh nhầm tổ quốc, có lúc tự nhủ giá mình là người Lào, người Thái...

Tranh Lê Tài Điển nói lên được cái "trót lỡ" ấy, cái trót lỡ đầu thai nhầm thế kỷ ấy, mà chúng tôi phải gánh như cây thánh giá trên mình, đeo nó bước đi trong kinh thành ánh sáng, nơi mọi người hoan hỷ, chỉ riêng bọn chúng tôi héo hắt với thập tự trong tim, bởi bao nhiêu "thành công" nghề nghiệp cũng không xoá được nỗi bất lực toàn diện, bó tay, không thể rút độc tài ra khỏi guồng máy thống trị, rút tham nhũng ra khỏi dân mình, rút bất công ra khỏi số phận những đứa trẻ bụi đời trên khắp nẻo Sài Gòn Hà Nội, rút ê chề khỏi thân thể những cô gái bán mình sang Hồng Kông, Hàn Quốc...

Sống trên đất Pháp từ lâu, quá lâu, gần ba phần tư cuộc đời, đã là một nửa người Pháp, đã có thể trở thành người Pháp, nhưng tại sao nửa kia vẫn muốn, vẫn nhận, vẫn là người mình, mặc dầu khó ai biết rõ mình là ai, là người gì, ngoài tấm thẻ căn cước và tờ hộ tịch. Người ta bảo đó là người Pháp gốc Việt, người Mỹ gốc Việt, nhưng có ai rõ người là gì và gốc là gì? Điểm rõ nhất là sự xuất huyết nội tâm cả người lẫn gốc mỗi khi được tin về nước mình, từ thuở thuyền nhân vượt biển.

Ở những thuyền nhân sống sót đến Paris, lại một kỳ vọng mới cho tương lai. Bao nhiêu thế hệ đã qua, đến Pháp, hết lớp này lớp khác, mỗi lần đều mang một khát vọng mới: và nếu ai đó có thành công về kinh tế xã hội, cũng không khoả lấp được niềm tuyệt vọng của một dân tộc.

Một dân tộc không thiếu nhân tài, có nền văn hoá lâu đời, nhưng bao nhiêu thập niên đã trôi qua, không thể ngóc mình lên khỏi nấc thang chót về quyền làm người, cũng là nấc thang xác định nền văn minh của một nước. Đó là một cái nhục mà chúng tôi phải chịu, và chúng tôi có trách nhiệm.

Cái nhục ấy, chúng tôi, những kẻ đầu thai nhầm thế kỷ phải chịu trách nhiệm và mang trong người như một ung nhọt nội tâm, chưa có thuốc chữa và cũng không thể ngỏ cùng ai. Mà nói thế nào? Ngoài niềm tuyệt vọng dấu kín trong lòng, rồi một phút nào đó, bí mật trào qua nét bút.

Tranh Lê Tài Điển mang những nét bí mật như thế.

Một họa sĩ bảo: "Có những khuôn mặt dễ bắt, có những khuôn mặt khó bắt". Chữ bắt của ông thật tài tình, mà không chỉ với tranh, dường như với bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, đều có những đối tượng khó bắt và những đối tượng dễ bắt.

Lê Tài Điển là một khuôn mặt khó bắt. Khuôn mặt ở đây cũng là toàn bộ con người và nghệ thuật. Nhìn một bức tranh "tươi" của ông, với màu xanh hy vọng, sắc thắm, nhiều ánh sáng, đường nét dứt khoát không lưỡng lự, các gam màu ăn khớp trong mật độ hài hoà, vẫn thấy như có cái gì không ổn, "không đúng", chưa phải ông, chưa phải chúng tôi, không phải.

Trong tim của mắt, có sự từ chối những gì quá sáng, quá vui, nơi Lê Tài Điển. Ngược lại, chỉ khi nhìn những nét vá víu, ngượng nghịu, như quẹt vội, như bút ráp, những nét âm u, vô hình thức, chưa phải là hình, một thứ ánh sáng chưa thoát khỏi bóng đêm, một tương lai chưa đến đã vỡ, một kết hợp chưa thành đã vữa, đó mới thực là Lê Tài Điển.

Bởi tranh ông cũng là hiện thân cái mâu thuẫn, cái đen tối trong tâm hồn chúng tôi, những người Việt sống ở chốn này: ánh mắt nào cũng muốn lừ lên một chút phẫn nộ, uất ức cái gì đó, rồi lại dịu xuống chịu đựng, đợi chờ. Ai cũng muốn làm một cái gì đó cho đất nước, nhưng rồi vẫn ngồi trơ đó, bó tay, hoặc hồ hởi đi về, ngậm ân huệ mà nuốt trôi nhân cách.

Lê Tài Điển vẽ được cái bãi rác ấy trong tim chúng tôi. Vẽ được cái vùng phân tranh, bất phân thắng bại, nhưng không ai nhường ai, trong thâm tâm người Việt, đã có hoà bình gần một phần ba thế kỷ. Ông vẽ những đen tối cạnh tranh, của một cộng đồng chưa từng hội ngộ, chưa từng đoàn kết, nhưng đã lên ngôi những nghi ngờ, những đố kỵ, những đổ vỡ, những tàn tạ.

Paris, những ngày tuyết tháng 2/2012
Thụy Khuê
*

Tin nhanh: Hoạ sĩ Lê Tài Điển  Oct 24, 2012 - 12:15 AM

---------------------------------------


Đinh Cường
November 15, 2012

Du Tử Lê
Published by tint2599 on February 2, 2012






No comments:

Post a Comment

View My Stats