TS Nguyễn Sỹ Phương,
CHLB Đức *
Posted by basamvietnam
on 08/11/2012
Cách đây gần 30 năm, đoàn vài chục nghiên
cứu sinh Việt Nam, tuổi trên dưới 30, toàn giáo viên đại học, hoặc ở viện, cục,
trong đó đa số đạt điểm cao thi tuyển được ưu tiên chọn sang Đức, đầu tiên tới
học viện Herder Institut học tiếng.
Bà Maria, giáo viên chủ nhiệm lớp, được học
sinh Việt qúy mến, thế hệ nọ truyền thế hệ kia, luôn gọi là mẹ. Sau buổi làm
quen tại trường, mẹ mời đoàn tới thăm nhà riêng cách viện chừng vài chục km đi
tầu điện.
Từ xa, cả đoàn đã trông thấy mẹ đứng chờ
vẫy vẫy tay. Tầu dừng, mẹ xô tới tận bậc lên xuống, tay bắt mặt mừng, cả đoàn
rối rít hớn hở như được về nhà. Trước khi dẫn đoàn đi, mẹ nắm tay một người,
tay kia ra hiệu ngăn cả đoàn lại, rồi chỉ về ngôi nhà mẹ xa xa phiá bên kia
đường, bảo: “Qua đường cần nhớ, trước hết phải nhìn bên phải, rồi nhìn bên
trái, khi đó mới được đi thẳng“. Cả đoàn ngoan ngoãn làm theo, đánh mặt sang
phải, rồi sang trái, thậm chí có người thấy là lạ ôn lại mấy lần như tập thể
dục. Đó chính là bài học giao thông dạy trẻ em Đức đi nhà trẻ !
Trước khi sang Đức, đoàn họp bầu trưởng phó
đoàn chịu trách nhiệm mọi giao dịch, giấy tờ; xuống sân bay có đại sứ quán ra
tiếp nhận, hướng dẫn, mua vé, tiễn lên tầu về trường, tới nơi có trưởng đoàn
lưu học sinh ở đó ra tận ga đón, đưa về gặp thường trực ký túc xá người Đức,
phân chỗ ở, hướng dẫn trải ga, chăn, đệm, ăn uống. Nhất cử nhất động đều được
hướng dẫn, chỉ cần làm theo, không phải động não, chuẩn bị, lo lắng.
Giờ học đầu tiên, thầy giáo dạy môn phát âm
làm quen, hỏi tình hình đất nước, không một ai dám phát biểu, mọi người ngoái
cổ nhìn nhau, rốt cuộc tất cả dồn mắt vào vị lớp trưởng được bầu, coi như xong
trách nhiệm, chẳng còn gì liên quan tới mình.
Liệu tương lai đất nước có trông chờ và kỳ
vọng nổi về một tầng lớp trí thức trâm anh, tuổi sung mãn cả trường đời lẫn sức
khỏe, được bao cấp, thụ động, phó mặc lãnh đạo như vậy, thậm chí còn kỳ vọng họ
sẽ trở thành những con chim đầu đàn hay cỗ máy cái đào tạo các thế hệ đi sau ?
Trước khi bảo vệ luận án, nhiều khoá nghiên
cứu sinh Việt còn phải thi vấn đáp môn Chủ nghĩa Mác Lê Nin. Giáo sư hỏi:
“Tây Đức có cấp học bổng cho sinh viên
không ?“
Nghiên cứu sinh Việt trả lời tắp lự, không
cần đắn đo, để tỏ rõ thuộc lầu bài: “Không !“
“Xin ngài giải thích?“
“Chủ nghĩa Tư bản sinh ra để bóc lột chứ
đâu vì nhân dân như Chủ nghĩa Xã hội“.
Vị giáo sư lắc đầu: “Đúng vậy, nhưng
thực tế họ cấp học bổng. Tuy nhiên, theo Mác đó là là để đào tạo họ tốt hơn,
nhằm bóc lột nhiều hơn“.
Chức năng của khoa học là tìm kiếm chân lý,
liệu chân lý có cần tìm, và nếu cần liệu có tìm nổi, một khi nó đã được định
hình sẵn trong đầu, bất di bất dịch, cứ thế bắt thực tế phải tuân theo? Những
tiến sỹ giáo sư tương lai này có đóng nổi vai trò phản biện cho chính sách pháp
luật nhà nước vốn đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, mà đất nước
khi gửi đi du học đã kỳ vọng?
Thế giới hiện đã ra khỏi chiến tranh lạnh,
không còn đe doạ tiêu diệt, loại trừ lẫn nhau, bấp chấp thực tế như trước, đã
bước vào thời đại hội nhập, toàn cầu hoá; Việt Nam có hàng triệu kiều bào, hàng
triệu lượt người Việt mỗi năm ra thế giới và cũng hàng triệu lượt người nước
ngoài tới Việt Nam, thậm chí nhập quốc tịch Việt Nam. Đất nước Việt Nam đã như
một thế giới thu nhỏ. Vậy mà những câu hỏi bởi ý thức hệ, từ 30 năm trước xảy
ra ở Đức với nghiên cứu sinh vẫn cứ phải đặt ra cho tương lai của tầng lớp trí
thức trâm anh Việt Nam hiện tại, khi “Thành đoàn TPHCM, Phòng công tác học
sinh sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm, Trưởng khoa CNTP, Bí thư đoàn
trường, Bí Thư đoàn khoa, và một số thầy cô yêu cầu những sinh viên trong danh
sách ký tên gởi thư cho Chủ tịch nước mỗi người phải viết cam kết là không có
viết thư gởi Chủ tịch nước và không có ký tên, để nộp lại cho nhà trường chuyển
đến Chủ tịch nước“.
Nghĩa là bắt sinh viên phải nói theo thầy
cô như đứa trẻ đi mẫu giáo, bấp chấp sai sự thực, đúng cơ chế giáo dục bao cấp
từ những 30 năm trước, cả về tổ chức lẫn nội dung đào tạo, cả về tư duy lẫn
cuộc sống cá nhân, nhất nhất được lãnh đạo.
Ở đây chưa bàn tới cáo buộc Nguyễn Phương
Uyên sai hay đúng thuộc chuyên đề khác, hơn nữa đang trong quá trình điều tra
và Phương Uyên không có luật sư bảo vệ quyền lợi pháp lý cho mình. Nhưng dù bị
cáo buộc phạm tội gì thì vẫn chưa bị toà kết án, đang là một công dân có đầy đủ
quyền công dân. Chưa nói ngay cả kết án tội gì, thì vẫn là một con người cần
được đối xử bằng tính người, chứ không phải “loài vật quay lại nỗi đau của đồng
loại“ như Mác đã cảnh báo; nếu không loài người chỉ còn là một xã hội vô cảm!
Thế giới sinh ra các hiệp hội bác sỹ không
biên giới, phóng viên không biên giới, lặn lộn tới toàn những nơi chết chóc,
chính là xuất phát từ tính người đó. Giải thích tại sao, khi thấy bất cứ ai
chết, kể cả can tội khủng bố giết hại hàng loạt người vô tội, người ta vẫn ngả mũ,
cầu khấn cho linh hồn họ siêu thoát. Chẳng nhẽ Phương Uyên không còn là đồng
loại, phải cách ly bằng bất cứ giá nào với mọi sự giúp đỡ của con người, của
bạn bè cô, kể cả nhà trường dù phải hy sinh cả sự nghiệp giáo dục, đào tạo,
đành dạy và buộc học sinh nói dối, cấm quan hệ? Hay vì Phương Uyên như giặc dã
đe doạ sự tồn vong đất nước tới mức bất chấp tất cả, miễn đạt mục đích, đành
phải buộc học sinh, bạn bè của cô như thế?
Hiện tượng Phương Uyên và trường ĐHCNTP
phản ảnh tập trung rõ nét nhất một vấn đề hệ trọng, căn bản, quyết định sự
nghiệp đào tạo giáo dục chấn hưng đất nước; chừng nào chưa thay đổi chừng đó
chưa có cơ cứu vãn, nằm ở câu hỏi đơn giản nhất: sinh viên là ai? chức năng nhà
trường là gì?
Sinh viên là con người như bất cứ con người
nào khác và trên 18 tuổi. Đó là tuổi tự chịu trách nhiệm pháp lý với mọi hành
vi của mình. Không một ai, kể cả bố mẹ lẫn nhà nước được quyền thay họ bất chấp
ý kiến họ, ngay cả với mục đích tốt đẹp nhất nhằm đem đến cho họ hạnh phúc vô
biên và tương lai tươi sáng. Họ hoàn toàn độc lập. Họ là người dân tự do. Họ là
đồng chủ nhân đất nước.
Giống như người làm công chỉ chịu ràng buộc
bởi hợp đồng lao động với chủ thuê việc, sinh viên cũng chỉ chịu trách nhiệm
với hợp đồng đào tạo đã ký kết với nhà trường, bằng văn bản như các nước hiện
đại, hoặc gián tiếp thông qua giấy nhập học và nội quy nhà trường như ở ta.
Ngoài phạm vi đó, sinh viên là một cá nhân
hoàn toàn độc lập như thầy cô, như hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, bí thư đoàn
thanh niên, không hơn không kém, được gọi là bình đẳng; khi ra đường dù thầy
hay trò, nhân viên hay cán bộ nhà trường, tất cả đều là người bộ hành, về nhà
là thành viên gia đình, đi mua sắm là khách hàng, tham gia đảng phải là chính
khách, bị bắt, bị điều tra, xét hỏi là nghi can thuộc trách nhiệm của cơ quan
tư pháp.
Nhà trường, đoàn thanh niên và thầy cô của
Phương Uyên không thuộc cơ quan tư pháp, vậy văn bản luật nào cho phép họ có
thẩm quyền của cơ quan tư pháp can thiệp vào mối quan hệ giữa sinh viên với
Phương Uyên, vốn không nằm trong hợp đồng đào tạo? Trường ĐHCNTP vốn chỉ có
chức năng đào tạo nhưng đã kiêm luôn chức năng nhà nước, biến sinh viên của
mình thành đối tượng điều tra, xét hỏi, mà lẽ ra tình người phải bảo vệ họ, nếu
thấy đúng, còn không thì không được phép can thiệp, bởi không đúng thẩm quyền,
trái pháp luật.
Sai phạm trên bắt nguồn từ 2 ngộ nhận cơ
bản trong đào tạo giáo dục ở ta xưa nay:
1- Quan niệm chức năng đào tạo phải kiêm cả
chức năng xã hội, nhà nước, chính trị, pháp luật, thậm chí cả gia đình, một khi
có liên quan tới sinh viên mình. Nên mọi hành vi của sinh viên nhất cử nhất
động đều bị giám sát, “dạy dỗ“ từ sinh hoạt, sở thích, lối sống, tới cả yêu
đương… Điểm đạo đức trong học bạ dùng đánh giá sinh viên, chẳng khác gì khi học
phổ thông vốn chưa trưởng thành cần giám hộ, chính là kết qủa quan niệm trên.
Vô hình trung coi sinh viên là trẻ con, chưa phải người lớn. Các nước hiện đại
không ở đâu dám làm vậy.
2- Cũng từ đó, dẫn đến trên thực tế hành xử
không coi sinh viên là độc lập, trong khi họ chính là đối tác, một bên ký hợp
đồng đào tạo với nhà trường, có trách nhiệm và quyền lợi pháp lý ngang nhau.
Không có sinh viên, nhà trường không tồn tại!
Hệ lụy dẫn tới chương trình đào tạo ở ta
quá khác biệt thế giới. Dù học chuyên ngành gì, thì ở ta những năm đầu, sinh
viên đều buộc phải học các môn cơ bản về chính trị, quân sự, thể dục thể thao…
tốn mất chừng 1 năm cho một khoá học. Nước ta đang cần bao du học sinh về nước
làm việc, bao chuyên gia nước ngoài tới giúp đỡ; họ đều không học các môn trên.
Nghĩa là học nó hay không, không đóng vai trò gì đối với chuyên môn khi ra
trường. Đào tạo dù mang sứ mạng, vai trò, ý nghĩa ghê gớm tới mức nào, rốt cuộc
cũng chỉ trang bị kiến thức nghề nghiệp cho học sinh ra trường hành nghề, bất
kể họ là ai, vốn là thước đo đánh giá bằng cấp trên thế giới, không có ngoại lệ
cho Việt Nam.
Ở các nước hiện đại, người ta không dạy môn
chính trị cho chuyên ngành không phải chính trị, nhưng nền chính trị họ vẫn
vừng vàng như bàn thạch, họ không dạy thể dục thể thao cho mọi trường đại học
nhưng vẫn đoạt các giải vô địch quốc tế, họ không dạy quân sự, nhưng không nước
nào xâm chiếm nổi đất nước họ. Bởi đào tạo của họ là đào tạo nghề nghiệp, nghề
chính trị ra chính trị, nghề quân sự ra quân sự, thể thao ra thể thao…, ngoài
ra sinh viên các chuyên ngành khác đều có thể học ngoại khoá các chuyên ngành
nói trên, nếu muốn.
Sinh viên Việt Nam chưa có bằng chứng gì
chứng tỏ thông minh hơn thế giới còn lại, nên trình độ được đào tạo hoàn toàn
tuỳ thuộc qũy thời gian đào tạo, do bị cắt tới 1 năm, nên ra trường thua kém
các nước hiện đại là hiển nhiên, nhiều bằng cấp không được họ thừa nhận.
Do đó chương trình đào tạo ở ta, muốn cải
cách trước hết phải dành toàn bộ qũy thời gian đào tạo chỉ cho những môn học
bắt buộc, không có nó không thể hành nghề, nói cách khác chỉ trang bị những
kiến thức gì nghề nghiệp cần chứ không phải nhà trường có hay muốn!
Chỉ khi sinh viên và trường đại học thực sự
là 2 đối tác trong một hợp đồng đào tạo, độc lập bình đẳng ngang nhau, chỉ nhằm
thực hiện chuyển giao kiến thức nghề nghiệp ở bậc đại học từ thầy sang trò, thì
khi đó mới có thể nói đến cải cách căn bản đào tạo ở nước ta, và chỉ khi đó mọi
chủ trương chính sách thần kỳ về đào tạo nếu có may ra mới phát huy tác dụng,
nếu không mọi cố gắng cải cách kiểu gì cũng chỉ như bịt lỗ rò của một bể nước
không chống thấm.
Hy vọng sự kiện nữ sinh viên Nguyễn Phương
Uyên đang thu hút dư luận quan tâm nhất xưa nay, sẽ trở thành cú hích khởi đầu
cho một cuộc cải cách đào tạo thật sự ở ta theo đúng chuẩn mực của thế giới
hiện đại, hoặc ít nhất cũng đặt được một dấu hỏi không bao giờ phai cho tầng
lớp trí thức trâm anh, cùng các nhà quản lý giáo dục đào tạo, dẫn tới một cú
hích như vậy trong tương lai gần, để dòng giống con lạc cháu hồng, không ai còn
phải chịu “hổ thẹn với các bậc tiền nhân“!
N.S.P.
No comments:
Post a Comment