Tuesday, 6 November 2012

HỆ QUẢ LỚN NHẤT CỦA HỘI NGHỊ 6 : VUA NGUYỄN TẤN DŨNG (Trần Giang)








Trần Giang
Cập nhật: 3/11/2012

Chỉ sau khoảng vài ngày lắng đọng kể từ diễn văn của Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng kết thúc Hội nghị Trung ương 6, hầu hết các nhà phân tích, bình luận đã gạt qua bên các điểm mang tính trang điểm khác để tập trung vào hệ quả lớn nhất của Hội nghị Trung ương đảng 6, đó là hiện tượng không còn thế lực nào đủ sức đối đầu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nói cách khác, ông Nguyễn Tấn Dũng thực chất vừa lên ngôi VUA tại Việt Nam

Dù được diễn tả bằng nhiều cách thức và từ ngữ khác nhau, nhưng kết luận sau cùng không thể tránh khỏi của nhiều người vẫn là: ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm một việc mà chưa một đảng viên CSVN nào làm nổi — Ông vừa vô hiệu hóa Bộ Chính Trị, cơ chế quyền lực cao nhất và tuyệt đối của đảng CSVN.

Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử đảng CSVN, dù ghi trong điều lệ đảng thế nào đi nữa, trong thực tế, Bộ Chính Trị là nơi nắm toàn quyền sinh sát trong toàn đảng, toàn nhà nước, và toàn xã hội Việt Nam. Quyết định của Bộ Chính Trị luôn mang tính tối hậu và tuyệt đối. Việc đưa ra Trung ương đảng bỏ phiếu, (cũng giống như đưa ra Quốc Hội hay đưa ra Tòa Án) hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, lễ tân.

Xưa nay, ít đảng viên nào dám cả gan đặt câu hỏi về các quyết định đã có của Bộ Chính Trị. Một vài đảng viên hiếm hoi dám hỏi, như Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, Trần Độ, đều lập tức bị lôi ra hành hạ đến hết đời để làm gương. Cả gia đình họ cũng bị trừng phạt hàng mấy thập niên sau đó.

Phải ôn lại những hình ảnh và cảm giác hãi hùng của giai đoạn trước mới cảm được tầm hệ trọng của hiện tượng lật ngược quyết định của Bộ ChínhTrị vào tháng 10/2012. Quyết định kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng dù đã có 100% số phiếu thuận tại Bộ Chính Trị, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, đã bị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, gồm 175 thành viên, bác bỏ.

Các lý do “bác bỏ” mà TBT Nguyễn Phú Trọng báo cáo chẳng giải thích được gì và chỉ càng làm bật lên vô số câu hỏi. Ông Trọng cho biết: sau khi cân nhắc kỹ nhiều mặt, Trung ương quyết định không kỷ luật “ủy viên Bộ Chính Trị” đó để tránh các thế lực thù địch xuyên tạc, đánh phá.

Trước hết, như vậy Bộ Chính Trị không suy nghĩ chín chắn bằng Trung ương sao? Ai có nhiều dữ kiện mật hơn ai? Bộ Chính Trị cân nhắc ròng rã mấy tháng trời vẫn không kỹ bằng Trung ương trong vòng chưa đến 2 tuần?
Kế đến, các thế lực thù địch đang ở đâu? Tại sao tình hình nghiêm trọng đến thế mà Bộ Chính Trị không biết, chỉ có Trung ương biết? Hay cả 14 ủy viên Bộ Chính Trị đều chủ quan xem thường các thế lực này? Xem thường đến độ không đưa vào báo cáo chính trị tại Hội nghị?

Thêm nữa, thế thì các lần có kỷ luật đảng viên cao cấp trong quá khứ, ngay cả trong thời chiến tranh, thì sao? Không lẽ khi đó không có các thế lực thù địch? Hay các thế lực thù địch thời đó thua xa bây giờ?

Nhưng còn quan trọng hơn nữa, như vậy có phải từ nay trở đi cứ hễ lúc nào còn thế lực thù địch (dù ở đâu đó mà cả Bộ Chính Trị cũng không biết) thì miễn kỷ luật đảng viên cao cấp? Trong suốt lịch sử đảng, có giai đoạn nào mà đảng không có các thế lực thù địch không? Chắc chắn tương lai cũng không khác, và vì vậy kỷ luật chỉ áp dụng cho đảng viên cấp trung và thấp?

Và còn nhiều câu hỏi khác nữa khiến người nghe, đặc biệt là tập thể đảng viên, khó nuốt nổi các lý lẽ trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị. Có lẽ điều duy nhất mọi người còn nhớ là hình ảnh mếu máo, nghẹn ngào của ông Trọng.
Theo giới quan sát thì chính ông Trọng và ông Sang, 2 nhân vật trên lý thuyết đang đứng ở hàng số 1 và số 2 trên nấc thang quyền lực đảng, đều rơi vào tình trạng kinh ngạc khi chứng kiến bắp thịt chính trị của ông Dũng. Mọi người mọi nơi đều biết bắp thịt kinh tế của thủ tướng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên bắp thịt chính trị (con đẻ của bắp thịt kinh tế) đã được đưa ra để hạ đo ván đối thủ. Cái té giật ngược của ông Trọng và ông Sang càng nặng vì cả hai đang lao tới trong tâm trạng hồ hởi đầy tự tin chiến thắng khi cho triệu tập ngay Hội nghị vào đầu tháng 10, dù chờ thêm 2 tuần nữa như đã lên kế hoạch cũng không muốn.

Tiền lệ chưa từng có trong lịch sử đảng này đang gởi một thông điệp vang động đến hàng ngũ đảng viên đang nắm quyền. Đó là kể từ nay (1) Trung ương đảng, chứ không phải Bộ Chính Trị, có quyền lực tối thượng; và (2) ông Dũng là người nắm đa số ủy viên, tức nắm Trung ương Đảng!

Nói cách khác, kể từ nay các quyết định của Bộ Chính Trị, nếu không vừa ý ông Dũng, khi đến Trung ương sẽ đi vào sọt rác. Xác quyết đó sẽ ngày càng chắc nịch vì số ủy viên Trung ương theo ông Dũng sẽ chỉ tăng theo thời gian chứ không giảm vì những lý do sau đây:

- Sự kiện không còn ai có thẩm quyền trừng phạt ông Dũng cũng hàm ý rằng những cán bộ theo ông Dũng sẽ được hưởng qui chế an toàn mới. Dù tội nặng tới đâu và tới tận cấp thủ tướng cũng chỉ cần "nhận trách nhiệm chính trị" là hết, miễn kỷ luật, thì mọi tội khác của cấp dưới đều không đáng kể nếu đi đúng đường của thủ tướng. (Cho đến nay, chẳng ai giải thích được “trách nhiệm chính trị” là gì). Đặc biệt, nếu trong những ngày tới, các bị cáo như Bầu Kiên, Trầm Bê, Xuân Giá, ... liên tục nhận tội, viết tự kiểm, rồi lãnh án treo ra về, thì quân số dưới trướng thủ tướng sẽ tăng gấp chục lần hiện nay.

- Sau những đấu đá tại Hội nghị 6, nhiều ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Trung ương, và nhiều cấp cán bộ đang theo ông Trọng, ông Sang sẽ sang đầu quân với ông Dũng để tránh bị trả thù.

- Toàn bộ mớ vũ khí "phê và tự phê" của ông Trọng từ nay không những trở nên vô hiệu đối với những cán bộ đã đứng dưới trướng thủ tướng, mà còn thúc đẩy nhiều cán bộ khác chạy gấp vào dưới dù của ông Dũng để lánh nạn.
Và với kết quả của Hội nghị 6, ông Dũng nay không còn lo ngại và bất chấp ai sẽ giữ ghế chủ tịch Ủy Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng. Ông cũng chẳng sợ Ban Nội Chính, Ban Kinh Tế, hay bất kỳ ban nào khác, vì không có ban ngành nào có thẩm quyền cao bằng Bộ Chính Trị, cái mà ông đã vô hiệu hóa.

Sự tự tin của phe ông Dũng hiện rất rõ ngay trong 2 tuần lễ sau Hội nghị. Ông bắt đầu tăng áp suất, cho bắt người của phe đối thủ như cha con ông Đặng Văn Thành,...; ngang nhiên một mình lựa lọc giữ lại các tập đoàn kinh tế còn béo bở, đẩy các tập đoàn sắp chết yểu xuống cho các bộ, và thế là hết trách nhiệm; cho con gái là Thanh Phượng lên báo chí tấn công ngược những kẻ đã tố cáo các vụ tham nhũng của gia đình thủ tướng với nhiều bằng chứng; v.v.

Chiến thắng của ông Dũng trọn vẹn đến độ ý định giựt các bộ Quốc Phòng, Ngoại Giao, và Công An ra khỏi tay thủ tướng cũng không thành. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ được gỡ gạc chút sĩ diện bằng việc cho chức năng gật đầu khi có thăng chức cho cấp tướng. Nhưng những ông tướng được đề cử vẫn đến từ bộ Quốc Phòng dưới quyền thủ tướng.

Nhưng có lẽ bằng chứng tột đỉnh về chiến thắng và uy quyền hiện nay của ông Dũng là khả năng khóa miệng luôn cả tổng bí thư và chủ tịch nước. Ông Trọng chỉ được phép nói đến “một ủy viên Bộ Chính Trị” và ông Sang chỉ dám gọi “đồng chí X”, chứ không được nhắc tới chữ “thủ tướng”, và lại càng không được đụng đến tên họ thủ tướng.
Xưa nay, chính sách gọi “nước lạ”, “tàu lạ” của đảng chỉ áp dụng cho loại uy quyền cực cao và đáng “kính sợ” như Bắc Kinh. Rõ ràng VUA Nguyễn Tấn Dũng vừa bước lên nấc thang đó.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào là phải!


Các bài liên hệ :

Cùng tác giả:




No comments:

Post a Comment

View My Stats