Tuesday, 13 November 2012

GIÁ TRỊ CỦA BỘ SÁCH "NHÌN LẠI SỬ VIỆT" (TS Vũ Tường)




Tiến sĩ Vũ Tường
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Đại học Oregon
Cập nhật: 13:57 GMT - thứ hai, 12 tháng 11, 2012

Tôi không phải sử gia -- chuyên môn của tôi là khoa học chính trị. Nhưng với tư cách một độc giả và cũng là nhà nghiên cứu, tôi cho rằng Nhìn Lại Sử Việt (NLSV) là một công trình hết sức giá trị, và TS Lê Mạnh Hùng xứng đáng nhận được sự biết ơn của tất cả người Việt Nam chúng ta, kể cả trong và ngoài nước.

Tại sao tôi nói công trình này có giá trị? Trong khi đọc NLSV, tôi không thể không liên tưởng đến bộ Việt Nam Sử Lược (VNSL) của học giả Trần Trọng Kim -- bộ thông sử Việt Nam đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Tôi được may mắn đọc VNSL từ khi còn nhỏ, và tôi đã học được rất nhiều từ bộ sách đó. Tôi nghĩ không ai trong chúng ta phủ nhận giá trị vượt thời gian của VNSL.

Có lẽ Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông của TS Nguyễn Ngọc Bích cũng nghĩ như tôi, nên đằng sau bìa sách NLSV đã ngầm so sánh nó với VNSL. Tôi xin trích lời giới thiệu ở bìa sau NLSV:
Sử gia Trần Trọng Kim xem bộ VNSL của ông mới chỉ tương đương với bộ áo vải để mặc tạm chờ một bộ áo lụa do những sử gia đến sau với đầy đủ phương tiện và tài liệu hơn hoàn tất.

Rất tiếc lời giới thiệu rất hay của TS Nguyễn Ngọc Bích bị hiểu lầm. Trong tập 3 của NLSV mới xuất bản, ở trang 12, tôi đọc thấy lời cải chính như sau:
Sau khi hai tập đầu của bộ sử này được công bố, tác giả Lê Mạnh Hùng đã bị phê phán là ngạo mạn khi dám so bộ NLSV của ông như một bộ áo lụa bên cạnh bộ VNSL của sử gia Trần Trọng Kim (mà chính cụ mô tả mới chỉ như một bộ áo vải "để mặc tạm"). Để giải tỏa ngộ nhận này, Nhà Xuất Bản chúng tôi xin minh xác: mấy lời ghi nơi bìa sau hai tập kia không phải là lời của tác giả Lê Mạnh Hùng mà chỉ là một lời quảng cáo của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ. Và chúng tôi cũng không dám khẳng định bộ sử NLSV là "áo lụa" mà chỉ xin nhắc lại một ước vọng của học giả họ Trần sau khi cụ hoàn tất bộ sử nổi tiếng của cụ...

Tôi hiểu Nhà Xuất Bản cải chính vì không muốn TS Lê Mạnh Hùng bị mang tiếng ngạo mạn. Nhưng tôi nghĩ rằng việc so sánh bộ sách của TS Lê Mạnh Hùng với bộ VNSL của học giả Trần Trọng Kim là hợp lý và cần làm.

Trong bài viết này, tôi sẽ chủ yếu làm công việc so sánh đó. Nhưng trước khi đưa ra bằng chứng cho các lập luận của tôi, tôi xin khẳng định rằng: theo ý tôi, học giả Trần Trọng Kim quá khiêm tốn. Bộ sách của ông không phải là "bộ áo vải" mộc mạc mà thực sự là một bộ áo lụa lộng lẫy vào thời điểm nó ra đời.

Tuy nhiên, dù là áo lụa, do mặc đã lâu nên vải đã sờn và màu đã phai. Bộ sách của TS Lê Mạnh Hùng cũng là một bộ áo lụa lộng lẫy không kém VNSL, nhưng do sinh sau gần một thế kỷ nên kỹ thuật tiến bộ hơn, màu sắc tinh xảo hơn, và chất lượng vải cũng tốt hơn.

Tài liệu phong phú

Đó là ý kiến của tôi, rút ra từ việc so sánh đối chiếu tập 3 của NLSV với tập 2 của VNSL. Sau đây tôi xin nêu ra những lý lẽ và dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho quan điểm của tôi.

Trước hết, NLSV sử dụng tài liệu phong phú hơn VNSL rất nhiều -- đặc biệt là các tài liệu gốc lưu trữ ở nước ngoài và các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam xuất bản trong nửa thế kỷ trở lại đây ở Việt Nam và trên thế giới. NLSV hơn VNSL ở điểm này cũng là điều dễ hiểu, vì những tài liệu trên chỉ được công bố hay chỉ có thể tiếp cận sau khi VNSL ra đời. Nhưng những tài liệu này chính là lý do tại sao NLSV có thể vượt trên VNSL với nhiều chi tiết phong phú hơn và cách kiến giải sâu sắc hơn về các biến cố lịch sử.

Thứ hai, NLSV không giảng đạo đức và có thái độ phán xét khoa học hơn đối với một số nhân vật lịch sử có vấn đề. Một ví dụ là trường hợp Mạc Đăng Dung. Chúng ta biết Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, rồi bị nhà Minh bên Tàu đe dọa xâm lược nên vua tôi tự trói mình ra cửa Nam Quan xin hàng. Kể đến đoạn này, học giả Trần Trọng Kim bình luận (tr. 17):
Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là môt người không biết liêm sỉ.
Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người, là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được.

Mặc dù những lời nhận xét của học giả Trần có nhiều điểm có lý, ông nên để cho độc giả tự rút ra bài học thay vì giảng đạo đức cho họ. Nếu chúng ta xem lịch sử là một khoa học, thì nhà làm sử phải cố gắng giữ sự khách quan khi phán xét và tránh áp đặt quan điểm của mình lên người đọc.

VNSL đáng khen vì đánh giá Nguyễn Huệ rất công bằng, nhưng không làm được điều đó với Mạc Đăng Dung. Nhà Lê đổ đốn là do vua Lê Uy Mục và Lê Tương Dực hoang dâm tàn bạo. Vua không đáng là vua sao có thể đòi thần dân kính trọng? Nếu Mạc Đăng Dung không cướp ngôi thì người khác cũng sẽ cướp ngôi. Trong NLSV, TS Lê Mạnh Hùng không đánh giá Mạc Đăng Dung như vậy. Tôi cho rằng đây là một điểm rất tiến bộ về quan điểm và phương pháp làm sử của NLSV.

Nguyễn Ánh - Tây Sơn

Thứ ba, NLSV có những phần phân tích kiến giải rất sâu sắc không có trong VNSL. Một ví dụ là chương 20 phân tích lý do Nguyễn Ánh chiến thắng nhà Tây Sơn. Chúng ta biết anh em nhà Tây Sơn nổi lên ở Bình Định và sau một thời gian đã lật đổ cả chúa Nguyễn ở đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở đàng Ngoài. Nhưng nhà Tây sơn tồn tại chỉ được một thời gian ngắn thì bị Nguyễn Ánh là dòng dõi của chúa Nguyễn đánh bại. Tại sao? Do đối chiếu nhiều nguồn tài liệu, TS Lê Mạnh Hùng cho ta thấy người Âu châu không đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Nguyễn Ánh. Việc vua Quang Trung chết sớm cũng không phải lý do độc nhất giải thích thất bại của nhà Tây sơn. Còn hai lý do nữa, theo TS Lê Mạnh Hùng: thứ nhất là sự phân hóa giữa anh em nhà Tây Sơn, thứ hai là do họ coi thường tầm quan trọng của đất Gia định. Trong khi đó, Nguyễn Ánh có những chính sách được lòng dân Gia định, giúp cho ông ta chiến thắng.

Thứ tư, học giả Trần Trọng Kim coi những phong trào nông dân vào thế kỷ 18 dưới thời chúa Trịnh là "giặc". Chúng ta hãy nghe ông tả nhân vật Nguyễn Hữu Cầu, một trong những thủ lĩnh nông dân nổi bật nhất vào thời đó (tr. 64-65):
Nguyễn Hữu Cầu tục gọi Quận He, người Hải dương, trước đi ăn cướp, sau theo Nguyễn Cừ làm giặc.... Nguyễn Hữu Cầu là một người kiệt hiệt nhất trong bọn làm giặc thời bấy giờ, mà lại quỷ quyệt, ra vào bất trắc lắm: có khi bị vây hàng mấy vòng, mà chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo. Vì rằng ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, đem cho dân nghèo, cho nên đi đến đâu cũng có người theo...
Các tướng sĩ ai cũng sợ, duy chỉ có ông Phạm Đình Trọng là đánh được Hữu Cầu mà thôi, cho nên Hữu Cầu đào mả mẹ ông ấy đổ xuông sông. Từ đó Phạm Đình Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn Hữu Cầu.

Còn đây là đoạn trong sách NLSV nói về Nguyễn Hữu Cầu:
Nguyễn Hữu Cầu ... có thể nói là một lãnh tụ kiệt xuất của phong trào đấu tranh khởi nghĩa thời đó. Cầu ... xuất thân từ gia đình nghèo nhưng không nghèo lắm vì lúc bé Cầu đã từng đi học và đã từng là bạn học của Phạm Đình Trọng, một trong những tướng giỏi của họ Trịnh. Năm 1739 Cầu tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, trở thành một tướng lãnh dưới trướng Nguyễn Cừ và được Cừ gả con gái cho... (tr. 221).
Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu vốn là hai bạn học từ thưở nhỏ nhưng về sau lại đi theo hai chí hướng đối lập và trở thành hai kẻ thù không đội trời chung. Trọng nhiều lần đánh bại Cầu và bị Cầu đào mộ mẹ đổ xuống sông. Theo truyền thuyết, Cầu và Trọng đã chống đối nhau ngay khi còn là học trò. Một hôm trong lúc còn đi học, ông thầy ra câu đối: "Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo," thì Trọng đối ngay là "Tháng Giêng rét dài, tháng Hai rét lộc." Còn Cầu lại đối là "Tháng Mười sấm rạp, tháng Chạp sấm động." Nghe xong ông thầy nói thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu chỉ có làm giặc, và có ý không dám dạy Cầu nữa. Khi học trò ra chơi, Trọng bảo Cầu rằng, "Mày làm giặc tao sẽ cầm quân tiêu diệt mày." Cầu đáp, "Nếu tao làm giặc, tao sẽ đánh tan những đứa ra luồn vào cúi." (tr. 223)

Qua hai đoạn trích trên, chúng ta có thể thấy TS Lê Mạnh Hùng không những cho biết thêm nhiều truyền thuyết thú vị về con người Nguyễn Hữu Cầu mà còn có cách nhìn ít định kiến về người thủ lĩnh nông dân này. Cách viết của TS Lê Mạnh Hùng thể hiện quan điểm hiện đại của sử gia: sử gia không đứng về phía vua chúa hay tầng lớp thống trị, mà thiên về đám đông dân chúng. Vua chúa có thế nào dân chúng mới phải "làm loạn". TS Lê Mạnh Hùng gọi phong trào nông dân là những cuộc khởi nghĩa, cho thấy ông tin rằng Nguyễn Hữu Cầu và cộng sự có những lý do chính đáng để nổi dậy chống lại chúa Trịnh.

Một ví dụ cuối cùng là vấn đề Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam. Học giả Trần Trọng Kim viết khá sơ sài về việc Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với người Âu châu, và ông cũng nhấn mạnh các va chạm và xung đột, đặc biệt là việc cấm đạo của các chúa. TS Lê Mạnh Hùng trong NLSV do có nhiều tài liệu mới nên có thể viết về mối quan hệ giữa Việt Nam với người Âu châu sâu sắc và chính xác hơn trong tất cả sự phức tạp của nó. Thực ra đạo Thiên Chúa cũng có rất đông người theo, kể cả trong giới quý tộc, và chính sách của chúa Nguyễn và chúa Trịnh không phải chỉ có cấm.

Dưới đây là ba đoạn trích trong NLSV:
Sự thành công trong việc truyền giáo tại Đàng Trong đã khuyến khích các giáo sĩ Dòng Tên mở rộng tầm hoạt động của họ ra miền Bắc. Năm 1626, cha Giuliani Baldinotti được cử ra Đàng Ngoài. Cha Baldinotti được Trịnh Tráng đón tiếp nồng hậu và ở lại Đàng Ngoài bảy tháng. (tr. 207)

Mặc dù những người theo đạo đầu tiên có thể là những người nghèo khổ, ...nhưng theo nghiên cứu của Cadiere được dẫn trong cuốn Lịch sử Đạo Thiên chúa tại Việt Nam ... xuất bản năm 1941, thì trong số những người đầu tiên được rửa tội theo đạo Thiên chúa cũng có rất nhiều người thuộc giới quyền quý tỉ như ngoài Bắc có Đỗ Viên Mãn làm quan đến chức Phụ Quốc Thượng tướng quân Tiết chế Nam quan Đô đốc Kỳ quận công; còn trong Nam có bà Minh Đức Vương Thái phi vợ chúa Sãi ... (tr. 209)

Các chúa Trịnh và Nguyễn sở dĩ đón tiếp nồng nhiệt các nhà truyền giáo là vì họ hy vọng kéo được sự giúp đỡ của các giáo sĩ này trong cuộc nội chiến của họ. Nhưng khi thấy rằng việc mở cửa cho các giáo sĩ đã không giúp gì hơn cho mưu đồ của họ, các chúa cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài bắt đầu chính sách cấm đạo. Tuy nhiên chính sách này không thể hiện một cách nghiêm ngặt mà thay đổi tùy theo sự hợp tác của các giáo sĩ với nhu cầu vũ khí và quân sự của các chúa. (tr. 210)

NLSV cũng dành một trang nói về việc truyền bá chữ quốc ngữ đến Việt Nam. Đây là một yếu tố tích cực trong qua trình Việt Nam tiếp xúc với văn minh Âu châu. VNSL, trái lại, không nói gì về sự kiện này.

Tóm lại, với những ví dụ trên, tôi hy vọng chúng ta có thể nói NLSV là một tác phẩm có giá trị vượt lên VNSL -- nhờ đưa vào nhiều tài liệu mới và áp dụng quan điểm sử học hiện đại. Dĩ nhiên NLSV không phải đã hoàn thiện, không phải không có thiếu sót. Nhưng tôi tin rằng NLSV xứng đáng được xem là một bộ áo lụa công phu và lộng lẫy.
Một câu hỏi cuối: liệu "bộ áo lụa" NLSV có "bền" bằng "bộ áo lụa" VNSL không? Chúng ta biết rằng VNSL vẫn còn được sử dụng hơn nửa thế kỷ sau khi ra đời. Liệu NLSV có "sống dai" như thế không? Thú thực tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi này, chỉ xin chúc tác giả của nó may mắn!

Tiến sĩ Tường Vũ giới thiệu bộ sách Nhìn Lại Sử Việt (vừa được Tổ Hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ ấn hành tập ba, 2012) của tác giả Lê Mạnh Hùng (có bằng tiến sĩ lịch sử của trường LSE, London).






No comments:

Post a Comment

View My Stats