Thursday, 15 November 2012

CUỘC TRANH CỬ RẤT TỐN TIỀN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, November 13, 2012 6:16:10 PM

Cuộc vận động tranh cử năm 2012 ở Mỹ tiêu tốn gần 6 tỷ đô la, tăng thêm 600 triệu so với năm 2008. Riêng cuộc vận động tranh cử tổng thống thì chi tiêu ít hơn so với lần trước: 2 tỷ 6 thay vì 2 tỷ 8. Giảm bớt 200 triệu vì năm nay trong đảng Dân Chủ, Tổng Thống Obama không có đối thủ, không ai tốn tiền tranh cử sơ bộ như bên Cộng Hòa.

Kết quả cuộc bầu cử không thay đổi gì cả: Ông Obama vẫn làm tổng thống, đảng Cộng Hòa vẫn kiểm soát Hạ Viện và đảng Dân Chủ tiếp tục nắm Thượng Viện nhưng vẫn không đủ 60 ghế để quyết định một mình. Tại sao người ta phải chi tiêu quá nhiều như vậy?

Một lý do khiến người ta tiêu tốn rất nhiều tiền là vì năm nay cuộc chạy đua gay go thật. Bên nào cũng lo bị thua, cho nên có đồng đô la nào là đem chi ra hết, vớt được lá phiếu nào hay lá phiếu đó. Cũng vì cuộc chạy đua rất gay go cho nên những người có tiền mà thích chính trị thấy phải giúp tiền ngay những ứng cử viên phe mình; nếu hà tiện có khi chỉ thua mấy trăm lá phiếu thì rất ân hận. Nhưng tốn tiền nhiều quá cũng vì ngoài việc chi thật nhiều tiền thì các ban vận động tranh cử không biết làm cái gì khác! Ðây là chuyện thật, không phải nói chơi!
Từ Tháng Bẩy, hai nhà bình luận chính trị nổi tiếng, nghiêng về hai đảng khác nhau (Peggy Noonan trên báo The Wall Street Journal cánh hữu và David Brooks trên tờ New York Times cánh tả) đều than thở rằng cuộc tranh cử tổng thống năm nay quá “buồn nản” (boring). Có lẽ ngay các ứng cử viên cũng thấy chán! Bà Nooman nhận thấy Tổng Thống Barack Obama hầu như coi việc phải đi vận động những người ủng hộ mình là vì phận sự, bất đắc dĩ phải làm! Nếu như được chọn thì chắc ông Obama sẽ không đi tranh cử; ngồi nhà suy nghĩ những giấc mơ “vĩ đại” của ông.

Nhận xét đó không ngờ cũng là một lời tiên đoán: Trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên giữa hai ứng cử viên, trông ông Obama như đang buồn ngủ thật! Ông để đầu óc ở đâu đó, làm phiên phiến cho xong; trong khi ông Romney tấn công tới tấp. Kết quả là ông Romney thắng lớn và uy tín tăng vọt lên sau cuộc tranh luận đầu tiên; đến cuộc tranh luận thứ hai ông Obama mới có vẻ tỉnh ngủ.

Lý do thứ hai là cả hai ứng cử viên tổng thống không đưa ra một cái gì mới mẻ cả. Khi không có một đề tài nào để hấp dẫn cử tri, thì thôi, người ta lo “kiếm phiếu lẻ,” bằng cách chi thật nhiều tiền để lôi cuốn từng nhóm cử tri nhỏ một về phía mình, và tấn công đối thủ để làm nản lòng những cử tri bên địch! Lần chót, trong một cuộc bầu cử tổng thống có người đưa ra một khẩu hiệu hấp dẫn là năm 2000, ông George W. Bush hô hào phải theo đường lối “Bảo Thủ Từ Bi,” (Compassionate Conservative).

Khẩu hiệu đó khi nghe chưa biết rõ nội dung, nhưng ít nhất nó kích thích trí tưởng tượng cả nước, và người ta đua nhau bàn cãi. Trước đó, ông Bill Clinton tranh cử với cụ thân sinh ông Bush cũng đưa ra được khẩu hiệu “Ðảng Dân Chủ Mới” (New Democrat), và sau đó, ông ta có thay đổi thật: Chính đảng Dân Chủ cắt bớt trợ cấp xã hội, buộc người nhận trợ cấp phải đi làm. Năm 2008, ông Obama tung ra các khẩu hiệu: “Thay đổi! Hy vọng! Chúng ta có thể làm được!” Ðó là những tiếng hô làm nức lòng nhiều người trẻ tuổi.

Năm nay, ông Obama không còn khẩu hiệu nào nữa. Nói thẳng, là đã hết ý! Nếu hô lên những tiếng “Phải Thay Ðổi,” hay “Hãy Hy Vọng,” người ta lại tưởng là đang cổ động cho ông Mitt Romney lên thay! Nhưng còn ông Romney, ông cũng không đưa ra được một khẩu hiệu nào mới, chỉ đọc đi đọc lại lại một thần chú, là “Chính Phủ Nhỏ!” Nhưng đây là một câu chú đã được tụng niệm từ thời Tổng Thống Reagan, sau hơn 30 năm đã bớt linh nghiệm. Không kể là chính các vị tổng thống hô khẩu hiệu đó cũng là những người đã mở rộng chính phủ liên bang Mỹ (thêm các bộ mới) và cho chính phủ gia tăng ngân sách chi tiêu nhiều nhất!

Khẩu hiệu “Chính Phủ Nhỏ,” trong thực tế lại làm hại ông Romney. Ông từng hô hào chính phủ liên bang không nên cứu các công ty xe hơi, cứ để cho thị trường quyết định hãng xe nào đáng sống thì sống; nếu các hãng xe hơi thiếu tiền thì hãy đi vay tư nhân chứ không nên ngửa tay nhờ chính phủ. Mấy tiểu bang có kỹ nghệ xe hơi được ông Obama cứu năm 2009, năm nay đều dồn phiếu cho người đã cứu họ, vì tỷ lệ thất nghiệp ở đó thấp hơn tỷ lệ toàn quốc; trong ba năm đã tạo thêm 250,000 công việc làm. Mà ai cũng nhớ là vào năm 2009 thì đào đâu cũng không ra ngân hàng nào có tiền cho vay, trong khi chính các ngân hàng cũng đang lo bị sập. Tự nhiên, người ta thấy cũng có lúc các doanh nhân cần có chính phủ lơn lớn một chút! Ông Romney cũng có lần hô hào việc cứu trợ thiên tai nên để cho các tiểu bang làm, chính phủ liên bang nên tránh xa. Cơn bão Sandy khiến cho người ta thấy vai trò của liên bang cũng cần thiết! Nhất là khi thống đốc New Jersey, một ngôi sao trong đảng Cộng Hòa, lại lên tiếng khen ông Obama đã giúp tiểu bang mình. Người ta thấy ý kiến “chính phủ nhỏ hay to” không là vấn đề chính, điều quan trọng là nó có to lớn quá đáng không, và nó có làm được việc hay không!

Cuối cùng, cuộc tranh cử tổng thống năm 2012 không dựa trên những ý kiến lớn lao nào cả. Mà ngay cả ý kiến nhỏ, tức là những chính sách, đường lối cụ thể, cũng thiếu nữa. Ông Obama đã cạn ý. Dự án lớn về cải tổ y tế nay đã thành luật rồi, bây giờ chỉ còn chuyện giảm bớt nó đi, kéo lùi lại mấy bước, cho nó bớt bị chống đối, chứ khó nói chuyện đẩy nó đi xa hơn. Cải thiện kinh tế, thì có mấy phương thuốc kích thích ông Obama cũng đã đem dùng hết cả rồi, khó đem chuyện chích thêm thuốc mà không khiến mọi người kêu lên vì ngân sách thâm thủng và nợ đầm đìa. Bên ông Romney cũng chỉ đả kích chính sách của ông Obama không thành công, nhưng chẳng thấy một đề nghị cụ thể nào để thay thế. Ông Romney hô chỉ khẩu hiệu “Cắt giảm thuế,” nhưng đó là điều ông Bush đã hô lên 12 năm trước, và đã làm xong rồi. Mà sau hai vụ cắt thuế lớn năm 2001 và 2003 thì đến năm 2007 kinh tế Mỹ lại bị khủng hoảng, đi xuống mức tệ nhất kể từ thời 1930, cho nên ngay cả khẩu hiệu cắt thuế cũng khó lôi cuốn. Sau cùng, cả hai ứng cử viên tổng thống chỉ còn khác nhau ở một điểm, là chuyện có tăng thuế nhà giầu hay không. Mà đây lại là một đề tài đã được tranh luận suốt từ năm 2010 và 2011 đến nay; bao nhiêu lý lẽ đã được trình bày, dân chúng nghe đủ rồi, khó kích thích thêm được người ta và kiếm thêm người ủng hộ nhiều hơn.

Thiếu các ý kiến lớn cũng như nhỏ, cho nên cả hai ban vận động tranh cử quay ra đánh lẻ. Tức là nhặt nhạnh lá phiếu của từng nhóm cử tri cụ thể, được phân tích kỹ càng bằng máy vi tính, để lôi họ về phía mình hoặc kéo họ ra khỏi tay đối thủ. Công việc tìm hiểu cử tri, đếm số người ủng hộ mỗi ứng cử viên ở từng tiểu bang, từng quận, từng khu đặt thùng phiếu, là một việc khá tốn tiền vì cần người nghiên cứu và phân tích giỏi. Sau đó, lại phải ấn định xem ở mỗi nơi làm sao bảo đảm những cử tri phe ta đừng ngủ quên, đến ngày bầu cử nhớ cất công đi bầu. Ðó cũng là một việc cần nhiều người làm việc cho đến chiều ngày 6 tháng 11, tức là cũng cần tiền. Mà trong trận đấu đánh lẻ này, ông Obama có một đạo quân lớn hơn, thiện chiến hơn ông Romney. Ban vận động của ông Obama đã bắt đầu làm việc từ hai năm qua, lại có cơ sở sẵn để lại từ năm 2008. Trên toàn thể nước Mỹ, ông Obama có 800 văn phòng đại diện, ông Romney chưa có được một nửa. Tại tiểu bang gay go phải giành bằng được là Ohio, ông Obama có hơn 120 văn phòng vận động, ông Romey chưa có được 60 ban đại diện.

Cũng vì cuộc vận động ngả về phía “đánh lẻ” cho nên cả hai bên phải tận dụng việc quảng cáo trên đài truyền hình. Ở California hay Texas người ta ít được coi các màn quảng cáo cho hai ứng cử viên tổng thống vì ai cũng đoán trước Obama sẽ thắng ở Cali và Romney đã chắc ăn ở Texas. Nhưng tại các tiểu bang gay go thì tiền đổ vào khiến các màn hình nhỏ tràn ngập quảng cáo. Cả hai bên đều tìm cách kiếm từng trăm phiếu một, của các cử tri “chưa quyết định” ở các tiểu bang gay go này. Những người chưa quyết định chính là mục tiêu để hai bên tấn công bằng quảng cáo. Và công việc đó đòi hỏi rất nhiều tiền!

Ông Romney là một ứng cử viên tổng thống giầu nhất trong cả thế kỷ vừa qua. Nhưng điều không ngờ là trong cuộc vận động tranh cử của ông có lúc lại thiếu tiền! Mà lại thiếu vào lúc gay go, cần chi tiền nhất. Ðó là vào Tháng Sáu năm 2012. Khi đó, tiền tranh cử của ông Romney đã đem chi gần hết vào cuộc vận động sơ bộ, để giành được đảng Cộng Hòa đề cử. Các nhà hào phú như vua sòng bạc Adelson đã đặt tiền vào cửa Newt Gringrich, chưa ủng hộ Romney. Ban vận động của ông phải đi vay 20 triệu đô la để có tiền tạm dùng. Ðúng lúc đó, bên Obama chi 50 triệu đô la (báo Wall Street Journal nói là 100 triệu) để tấn công vào cá nhân Romney, ở những tiểu bang gay go nhất. Họ tràn ngập máy ti vi với các lời tố cáo ông như một nhà tài phiệt chỉ biết lo kiếm tiền, sẵn sàng sa thải công nhân, và đưa công việc sang bên Tàu làm cho đỡ tốn. Những hình ảnh đó gây một ấn tượng xấu, sau này rửa mãi cũng không sạch. Mà cũng vì thiếu tiền nên không rửa được sạch. Ban vận động Romney đã mời được một số vị giám đốc chỉ huy các xí nghiệp mà ông Romney đã cứu lên phim bênh vực ông, nhưng vì thiếu tiền nên không đem chiếu được trên ti vi đủ để phản công xóa bỏ hình ảnh xấu trên.

Ông Romney cũng thiếu tiền, chuyện khó tin nhưng có thật. Sau khi được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng, ông Romney đã được rất nhiều người tài trợ. Nhưng họ không được góp thẳng vào quỹ tranh cử của ông, vì luật lệ giới hạn mỗi người chỉ được góp tối đa 5,000 đô la. Muốn quyên góp bạc triệu, họ phải lập ra những quỹ Siêu Vận động (Super PAC), làm việc độc lập không liên hệ gì với ứng cử viên, và họ đã góp hàng trăm triệu. Nhưng điều không may cho ông Romney là số tiền lớn lao này khi đi mua những phút quảng cáo trên ti vi thì giá đã tăng lên. Bên ông Obama đi mua thời giờ quảng cáo trước đó mấy tháng, lúc giá còn thấp; càng gần ngày bỏ phiếu các đài truyền hình càng tăng giá. Hơn nữa, theo luật lệ thì các đài ti vi phải tính giá quảng cáo hạ cho các ứng cử viên; nhưng đối với các ban vận động bên ngoài thì họ muốn tính giá bao nhiêu cũng được. Cho nên, cũng một đồng đô la, ban vận động của mỗi ứng cử viên mua được nhiều quảng cáo hơn các nhóm siêu vận động ở bên ngoài. Ông Romney dựa vào các nhóm siêu PAC này nhiều hơn, cho nên bị thiệt thòi!

Sau khi thấy cuộc tranh cử tốn nhiều tiền như vậy, nhiều người lo tiền bạc sẽ làm lệch cán cân chính trị ở nước Mỹ. Chắc trong vòng mươi năm tới, sau vài cuộc tranh cử nữa, người ta lại sẽ bàn chuyện làm sao giảm bớt ảnh hưởng của tiền bạc. Nhưng chúng ta cũng biết rằng đồng tiền có thể được đổ vào cả hai bên, chứ không phải chỉ có một bên. Có những tỷ phú góp tiền vận động cho Romney thì cũng có những người giầu bạc tỷ ủng hộ Obama; ảnh hưởng của họ triệt tiêu lẫn nhau. Ông Obama còn được lợi là thu được tiền của rất nhiều người, hơn bốn triệu người đóng góp. Cứ mỗi người trung bình cho mấy trăm là cũng thành mấy trăm triệu rồi. Người Mỹ có thể tin rằng một ứng cử viên tổng thống đắc cử không phải chỉ vì có nhiều tiền hơn đối thủ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats