Sunday, 11 November 2012

CỘNG ĐỒNG MÌNH "CÓ TIẾNG NÓI RẤT MẠNH" (Vũ Quí Hạo Nhiên)




Vũ Quý Hạo Nhiên
Gửi tới BBC từ California
Cập nhật: 14:14 GMT - thứ bảy, 10 tháng 11, 2012

Cuộc bầu cử vừa qua đưa đến một tân thị trưởng gốc Việt, một tân nghị viên gốc Việt, nhưng cũng đồng thời có thể trượt mất một nghị viên gốc Việt, trong vùng Little Saigon ở California.

Tại đây, có hai thành phố nhiều người Việt Nam nhất. Thành phố Westminster có tỷ lệ người Việt Nam cao nhất, với 40%, và thành phố Garden Grove có số người Việt Nam đông nhất miền Nam California (và đồng thời đông thứ nhì nước Mỹ), với trên 47,000 người.
Tại Westminster, nghị viên Trí Tạ, 39 tuổi, đắc cử thị trưởng, với hơn 43% phiếu, trở thành thị trưởng dân bầu gốc Việt đầu tiên ở Mỹ.
“Tôi thấy rất vinh dự và tự hào được sự ủng hộ của cộng đồng Việt Nam, của cộng đồng bản xứ,” Trí Tạ nói.

Là thị trưởng, ông sẽ là người điều khiển các phiên họp hội đồng thành phố và ông nói “sẽ uy tín, về tâm lý phiếu mình bỏ mạnh hơn,” mặc dù thị trưởng cũng chỉ một phiếu như nghị viên khác.
Là thị trưởng, Trí Tạ, tên Việt Nam là Tạ Đức Trí, sẽ là người đại diện thành phố gần 90,000 dân này tại các cuộc họp với thị trưởng thành phố khác, với Orange County, hay với tiểu bang.
Thị trưởng cũng sẽ là người đi gặp các viên chức dân cử của tiểu bang, liên bang khi cần vận động điều gì đó cho thành phố. Ông sẽ chính thức nhậm chức ngày 12 tháng 12.

Trí Tạ là người gốc Việt đầu tiên được bầu trực tiếp vào chức vụ thị trưởng. Trước đây, tại thành phố Rosemead gần Los Angeles, nơi không có thị trưởng dân bầu mà do hội đồng thành phố luân phiên nhau, Nghị viên John Trần đã nắm chức thị trưởng tại đó.

'Luật sư của lính'
Trong khi đó, ở Garden Grove, thêm một người gốc Việt nữa là Luật sư, cựu thiếu tá hải quân Hoa Kỳ Chris Phan đắc cử vào hội đồng thành phố. Garden Grove có dân số hơn 170,000 dân, hơn một phần tư là gốc Việt. Đây là chức vụ chính trị đầu tiên của người luật sư cựu chiến binh này.

Qua Mỹ năm 8 tuổi, Chris Phan lớn lên tại Indiana, và sau khi tốt nghiệp tiến sĩ luật đại học Southern Illinois University thì vào lính, phục vụ trong đoàn luật sư quân đội, gọi là JAG corps, của Hải quân Mỹ. Ở lính 8 năm, ông đóng tại Nhật, tại Iraq, nơi ông làm cho đội người nhái.
Thời gian ở Iraq cũng là thời gian Chris học lại tiếng Việt, sau thời gian dài chỉ nói tiếng Anh. “Mẹ tôi gởi đĩa Thúy Nga Paris, Asia cho tôi xem, và tôi học tiếng Việt từ đó.” Chris kể lại, “Bài Căn nhà ngoại ô, mình ở nhà nghe không thấy gì, nhưng phải ở chỗ đóng quân giữa sa mạc, mới thấy thấm thía.”

Làm luật sư, nhưng là luật sư của lính thì cũng là lính. “Bình thường mình làm việc luật sư, nhưng nếu bị tấn công hay bị phục kích cũng phải bắn súng như mọi người,” Chris Phan kể.
Trong thời gian ở Iraq, hai lần căn cử của Chris bị tấn công, một lần Chris bị phục kích lúc đang đi đường. Chris nói ông đi lính, cũng như ra tranh cử, là vì muốn phục vụ cộng đồng.
Giải ngũ lần đầu năm 2008, ông được gọi vào lại quân đội năm 2011 rồi lại giải ngũ cuối năm đó. Khi đó cũng là lúc Chris Phan quyết định ra tranh cử.

“Kỳ thị”
Và phương pháp tranh cử của Chris, là đi từng nhà kêu gọi người ở đó bỏ phiếu cho mình.
“Trong 11 tháng qua, mỗi ngày tôi đi từ 3 tới 5 tiếng, gõ cửa từng nhà,” Chris kể. “Nắng mưa gì cũng đi hết.”
Mỗi lần đi, Chris đi một mình. “Cũng có bạn muốn đi chung, nhưng thường tôi đi một mình. Trong quân đội đi quen rồi, tôi đi một mình đi nhanh hơn.”
Và trong 11 tháng đó, Chris đã đến hết tất cả các địa chỉ trong toàn bộ thành phố rộng hơn 46 km vuông này. “Chỉ có những nhà nào không có ai ở nhà, hoặc nhưng khu biệt lập có cổng tôi vào không được,” là Chris chưa tới thôi.
Trong những lần đi vận động, Chris cũng có lúc gập những chuyện không hay, nhưng phải đến lúc hỏi trực tiếp, Chris mới nói ra. Đó là những người kỳ thị.
Chris kể, “Có một ông, sau khi nghe tôi trình bày, đọc tài liệu về thân thế của tôi, thì ông nói ông cũng thích thân thế và cách làm việc của tôi, nhưng ông nói ông sẽ không bầu cho tôi đâu. Tôi hỏi tại sao, thì ông bảo tại tôi Việt Nam. Ông nói chung quanh người Việt Nam nhiều, ông không thích.”
Tuy nhiên, những trường hợp kỳ thị này, theo Chris, “chỉ 9-10 nhà mới có một nhà.” Mỗi lần như vậy, Chris cảm thấy không yên, nhưng “9-10 nhà kia rất sốt sắng, mình lấy 9 đắp lại 1.”
Thêm Chris Phan vào hội đồng thành phố, Garden Grove sẽ có hai nghị viên gốc Việt trong tổng số 5 người.

‘Đếm bằng tay’
Trong khi đó, ở Westminster thì có tân thị trưởng Trí Tạ thì lại có nguy cơ mất một nghị viên đương nhiệm. Tyler Diệp, một cựu phụ tá Dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn, đang đừng hạng 3 trong cuộc tranh cử cho 2 ghế, và bị dẫn trước 600 phiếu.
Tuy nhiên, con số của Văn phòng Bầu cử Orange County cho thấy tại Westminster vẫn còn hơn 4,500 phiếu còn chưa đếm xong vì phải đếm bằng tay. Nếu Tyler thất cử, hội đồng thành phố Westminster sẽ chỉ còn lại một nghị viên nữa mà thôi.

Dẫn đầu số phiếu tại Westminster hiện nay là Sergio Contreras. Ông đã từng tham gia những đêm không ngủ vì nhân quyền Việt Nam từ thời còn sinh viên.
Tân thị trưởng Trí Tạ, đánh giá về quyền lợi người Việt trong thành phố, cho rằng với một thị trưởng gốc Việt, ít nhất một và có thể hai nghị viên đương nhiệm, “với Sergio cũng sinh hoạt rất nhiều với cộng đồng Việt Nam, cộng đồng Việt Nam mình có tiếng nói rất mạnh trong thành phố.”


Bài thể hiện cách hành văn và góc nhìn riêng của tác giả, một blogger tự do ở California, Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats