Saturday 17 November 2012

CHRIS PHAN, TỪ LUẬT SƯ CỦA LÍNH ĐẾN NGHỊ VIÊN (Ngọc Lan / Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Friday, November 16, 2012 6:43:44 PM

WESTMINSTER (NV) - “Cách nói chuyện của Chris rất dễ làm cho người ta có cảm tình. Thêm nữa việc Chris chỉ dùng có $18,000 ra tranh cử mà lại về thứ nhì ở Garden Grove thì cả anh Trí Tạ và tôi đều phải nể phục.” Nghị Viên Tyler Diệp của Wesmtinster nói về Chris Phan, một gương mặt mới của Hội Ðồng Thành Phố Garden Grove trong nhiệm kỳ tới.

Luật Sư Chris Phan, nghị viên đắc cử Garden Grove, tại nhật báo Người Việt. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Quả thật, gương mặt thân thiện, nụ cười luôn sẵn trên môi, đặt biệt là giọng nói tiếng Việt của một người gốc Việt nhưng rành tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ của Chris Phan rất dễ khiến người ta cảm thấy muốn gần gũi, muốn chuyện trò cùng anh.
Không chỉ vậy, đằng sau vẻ thư sinh, hiền lành đó, “khát vọng được cống hiến, được phục vụ cho đất nước, cho cộng đồng và muốn làm một tấm gương cho thế hệ đàn em” của Chris Phan còn đáng để người khác suy nghĩ nhiều hơn.

Tranh cử bằng xe đạp trong 11 tháng
Chọn cách đạp xe đến từng nhà kêu gọi người ta bỏ phiếu cho mình là cách mà Chris Phan chọn trong quá trình vận động tranh cử, bởi vì “mình không có nhiều tiền và mình cũng muốn thử xem khả năng cách nói chuyện của mình có thuyết phục được người khác hay không”.
“Từ Tháng Giêng là mình đã bắt đầu đi gõ cửa từng nhà, mỗi ngày, ngày nào cũng đi từ 3 đến 5 tiếng, nắng mưa gì cũng đi hết.” Chris nhớ lại.
Anh kể, “Hồi nhỏ mình hay đi bán báo cho trường và luôn được hạng nhất trong những lần đi như vậy nên mình biết mình có khả năng nói chuyện với dân chúng. Nên mình muốn đi tới nói với mọi người là mình mong lá phiếu ủng hộ của họ. Những lời nói đó mình không thể nói trên báo được. Thành ra cũng phải chịu khó thôi.”
“Bên cạnh đó mình cũng muốn cách nào để cho thấy được là mình không có nhiều tiền, không quen biết nhiều, mà vẫn có thể thành công được.” Chris chia sẻ.
Ði gõ cửa như vậy ngay tại xứ sở này không phải là chuyện đơn giản với mọi người, nhưng cũng không là chuyện khó với Chris, dù rằng bên cạnh sự niềm nở, thân thiện của nhiều người, thỉnh thoảng, anh vẫn gặp những điều “không vui”.
“Mỗi ngày đi là mỗi ngày có những điều mới, có khi mình bị người ta chửi, có khi bị người ta đóng sập cửa trước khi mình nói chưa xong hai câu, mà lý do họ chửi mình mình cũng không biết tại sao nữa.” Người “luật sư của lính” nói một cách hiền lành.
“Cũng may là không có người Việt Nam nào chửi mình, chỉ có tệ nhất là họ hầm hừ nhận cái ‘flyer’ và đóng cửa cái rầm thôi.” Chris nói thêm.
Chris nhớ chuyện một ông Mỹ trắng nói thẳng thừng “Tôi không bỏ phiếu cho ông đâu” ngay sau khi nghe cựu chiến binh gốc Việt này tự giới thiệu.
“Hỏi lý do, người đàn ông này bảo vì mình là người Việt Nam, những nhà xung quanh toàn là Việt Nam, ông không thích. Rồi ông thảy đống tài liệu của mình xuống đất cái bịch. Mình lượm lên rồi đi. Cũng buồn khi nghĩ là thời buổi này mà cũng còn có người nghĩ như vậy. Nhưng mà trong 10 người thì chỉ có chừng một người như vậy thôi.” Chris kể.
Nhưng điều “lạ” nhất với Chris trong 11 tháng đi gõ cửa từng nhà là “sao mà nhiều nhà có chó quá!” Nhiều đến nỗi trong vài tháng đầu, cứ mỗi lần gõ cửa nhà ai nghe chó sủa là Chris lại kêu lên trong bụng “oh, no”.
“Tại vì chó thì dữ, rồi đôi khi chủ không điều khiển được nó, khiến mình có cảm giác như mình đang chửi lộn hay tranh nhau nói với con chó coi ai nói lớn hơn để cho chủ nhà nghe thấy. Có khi bị chó rượt nữa. Nhiều kinh nghiệm lắm!” Chris cười ngất nhớ lại những kỷ niệm “không giống ai”.
Theo lời người nghị viên mới đắc cử này thì “so sánh với nhiều người tranh cử thì mình tốn ít tiền nhất”.
“Chưa làm tổng kết hết, nhưng lần cuối cùng mình coi là mình tốn hết $18,000, còn tổng cộng hết cả tiền quảng cáo trên báo trong những ngày cuối thì chắc hơn $20,000.” Anh cho biết.

Vào lính để “trả nợ nước”
Sinh ra trong một gia đình có cha là luật sư, cũng là một sĩ quan trong quân đội VNCH, và dù “chuyện ba đi lính có kể vài lần nhưng mình nhỏ quá, nghe lỗ tai này chạy qua lỗ tai kia hết” nhưng khát vọng “vào quân đội để trả nợ nước” có sẵn trong tiềm thức của Luật Sư Chris Phan tự bao giờ.
Sang Mỹ năm 1981, lúc 8 tuổi, Chris trải qua tuổi thơ của mình tại tiểu bang Indiana. Anh tốt nghiệp trung học năm 1992, và tốt nghiệp tiến sĩ luật đại học Southern Illinois University năm 1999.
“Có bằng luật sư, tại sao lại chọn con đường quân ngũ?” Tôi thắc mắc.
Anh nói, “Mình muốn phục vụ, muốn đi để tìm hiểu thêm nhiều điều mà trong thời gian đi học, mình không có thời gian tìm hiểu đời sống đó. Nên chuyện chọn vào quân ngũ vừa là cho cá nhân mình, vừa là để trả nợ nước nữa.”
Theo lời Chris, anh quan niệm “khi còn trẻ tuổi, còn nhỏ thì nên ‘đi chơi’. Nhưng vì mình là anh cả, lúc lớn lên không có nhiều cơ hội thực hiện ngay điều mình muốn, do vừa đi học vừa đi làm, cả hai đều toàn thời gian (full time) luôn. Nên ngay khi tốt nghiệp xong, lấy được bằng hành nghề luật ở Illinois là mình vào quân đội.

Luật Sư Chris Phan khi còn phục vụ tại chiến trường Iraq. (Hình: Chris Phan cung cấp)

Suy nghĩ ban đầu của Chris là “vào quân đội, mình làm sĩ quan, lại là luật sư được người ta mướn trả tiền mình phục vụ về luật pháp chứ không phải là để cầm súng bắn nhau”. Thế nhưng, là thành viên của đoàn luật sư quân đội (JAG Corp), sau khi làm việc ở New Jersey, Chris Phan qua Nhật làm biện lý, rồi lại có cơ hội đi theo đội người nhái qua Iraq làm nhiệm vụ, “thành ra mình lại có cơ hội ra chiến trường luôn”. Vị nghị viên đắc cử của Garden Grove kể về thời gian phục vụ trong quân đội của mình một cách hào hứng.
Sách vở trường luật không dạy người luật sư cách cầm súng làm sao, cách ngắm bắn thế nào, nên cảm giác của anh là gì, khi 2, 3 giờ sáng đứng giữa sa mạc Iraq với máy bay trực thăng quần ngay trên đầu, bụi bay mịt trời?
“Trời ơi, rất là sung sướng! Mình cứ thấy như là đóng phim! Thật không thể tưởng tượng được! Mình nghĩ có mấy luật sư trên đất Mỹ này có cơ hội như vậy!” Chris cười giòn tan khi nhìn lại những giây phút cận kề giữa sống và chết.
Tuy vậy, kỷ niệm một lần đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, tiếng nổ của hỏa tiễn, của đạn pháo, vẫn là điều đến giờ cựu thiếu tá hải quân này không quên.
Anh trầm giọng, “Lần đó mình đang ở trong thành phố Baghdad của Iraq để giúp một số người nhái ra tòa thì bị pháo kích vô. Mình không quên được tiếng nổ của những trái hỏa tiễn, đạn pháo. Khi đó nó nổ cách mình chỉ có 15 feet thôi, cũng điếng người luôn, mặc dù mình có súng, nhưng súng thì làm được gì khi đó, cũng phải chạy tìm chỗ núp thôi. Mấy bác đã qua chiến tranh đều hiểu rõ hoàn cảnh này, với mình thì đó là lần đầu tiên.”
Thời gian ở Iraq, mỗi ngày từ 2 giờ đến 6 giờ sáng, trong lúc chờ đội người nhái đi thực hiện nhiệm vụ trở về, Chris tranh thủ “học tiếng Việt” qua những DVD karaoke Thúy Nga mà cha mẹ gửi sang cho.
Năm 2007, Chris từ chiến trường Iraq về, đóng quân cùng đội người nhái ở San Diego. “Cơ hội được cố vấn luật pháp cho những người nhái là một hân hạnh trong cuộc đời mình, bởi vì họ là những người anh hùng, họ biết điều gì họ làm, rất tế nhị, rất là thân thiện.” Chris cho biết.
Năm 2008, Chris Phan giải ngũ và dọn về ở Garden Grove, hành nghề luật sư và để chuẩn bị thực hiện con đường đi vào lãnh vực chính trị. Ðồng thời, anh thành lập Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt (VAAFA), một tổ chức bất vụ lợi, giúp các quân nhân.
Tuy nhiên, cuối năm 2010, anh được gọi trở lại vào quân đội để giúp cho những người lính từ Afganistan trở về.
Ðến Tháng Mười Một, 2011, anh giải ngũ lần nữa, trở lại Garden Grove, và ra ứng cử nghị viên.

Khúc quanh mới
“Có gì thay đổi trong anh không, ngay tại thời điểm này, từ một người luật sư vào quân ngũ, rồi chuẩn bị bước vào con đường làm chính trị?” Tôi hỏi.
“Thấy rất hân hạnh khi có được cơ hội này. Vì từ nhỏ tới lớn mình đã có ao ước được ra phục vụ cộng đồng, giúp cộng đồng có tiếng nói mạnh hơn. Mình đi quân đội để trả ơn cho nước. Nhưng chưa bao giờ mình nghĩ có được cơ hội này, dù mình có ao ước là nó sẽ xảy ra. Nhưng trời thương đã cho mình tham gia chiến trường, trở về đây và có cơ hội này.” Chris Phan bày tỏ.
Anh nói tiếp, “Trả lời cho câu hỏi là mình đã chuẩn bị để ‘quẹo cái cua’ này chưa thì mình cũng chưa biết là quẹo làm sao nữa, tại vì mình đã ráng hết mình để đắc cử, thì bây giờ đã đắc cử rồi. Sắp tới cũng không biết sao, nhưng có nhiều anh chị đi trước mình sẽ giúp dẫn đường mình đi, nên cũng mong là mình không có bị sai nhiều quá.”
Mười một tháng qua làm việc cùng cộng đồng trong quá trình vận động tranh cử, Chris cho rằng “tất cả hãy còn mới mẻ quá”.
“Tôi ra tranh cử, ngoài lý do muốn phục vụ, bảo vệ lý tưởng của những người lính năm xưa, tôi còn muốn mình làm một tấm gương cho các em trẻ. Nhiều em rất giỏi, rất có tài, nhưng các em lại không muốn đi vào con đường chính trị vì nhiều người đã làm thế này thế khác. Thời gian trong quân ngũ đã rèn luyện cho tôi lý tưởng phục vụ không phải vì cá nhân mà vì đất nước trước hết. Tôi không biết các em có đi theo con đường tôi đi hay không, nhưng ít nhất mình muốn làm một tấm gương để các em thấy có những điều tốt.” Anh tâm sự.
“Hôm nay tôi đi dự đám tang ông Frank Fry, tôi thấy cuộc đời ngắn quá! Tôi thấy những gai góc gì mình phải lo từng ngày thật ra không có đáng, nên mình chỉ mong là mình ráng làm những gì đúng cho tất cả thôi, còn lại kết quả như thế nào thì kệ nó. Chứ mình ngồi nghĩ hoài, cái gì cũng sợ thì thôi ở nhà ngủ cho rồi chứ ra đường làm gì. Tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình và tới đâu hay tới đó. Tôi không mong mình sẽ đúng hoàn toàn, nhưng tôi chỉ mong là người ta trân trọng những gì mình có khát vọng thực hiện.” Chris Phan chia sẻ.
Tháng Ba tới đây, Chris Phan sẽ làm đám hỏi và tổ chức đám cưới vào Tháng Mười Một với một cô gái gốc Việt, “em gái út của một anh cũng trong Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt”.

––-
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats