Friday, 24 August 2012

THÔNG BÁO & GIẢI ĐÁP THẮC MẮC về CHIẾN DỊCH NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT ĐÒI TÀI SẢN (BPSOS)




BPSOS  -  Mạch Sống
Wednesday, August 22 @ 10:46:03 EDT

Chiến Dịch Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản

Giải Đáp Thắc Mắc

Tài liệu của BPSOS soạn

Ngày 22 tháng 8, 2012

Trong 2 ngày qua chúng tôi nhận được một số câu hỏi từ giới truyền thông và từ một số đồng hương về chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản”. Chúng tôi xin trả lời chung ở dưới đây.

Hỏi: Trước đây đã có một số người nêu vấn đề đòi chính quyền Việt Nam trả tài sản, nhưng không đến đâu. Chiến dịch này có gì khác?
Đáp: Điểm khác biệt là chiến dịch này không phụ thuộc vào sự hợp tác của chính quyền Việt Nam, mà nhắm vào chính phủ Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm tối thượng là bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có nhiều luật bảo vệ tài sản của công dân. Chúng ta dùng thế công dân Hoa Kỳ và luật Hoa Kỳ để đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ quyền lợi của công dân Hoa Kỳ khi bị một quốc gia khác xâm phạm. Chúng ta không dính dáng gì đến chính quyền Việt Nam, luật Việt Nam. Đó là việc của chính quyền Hoa Kỳ. Chúng tôi biết rằng trước đây có những người đã về Việt Nam đ ể xoay xở tìm cách lấy lại tài sản. Họ làm trong tư cách cá nhân, ở thế của một công dân Việt, và tự đặt mình dưới sự áp chế của luật và chính quyền Việt Nam. Ắt hẳn là vô vọng. Chúng tôi làm khác. Chúng tôi vận động hai bộ phận chuyên trách của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ về đòi tài sản cho công dân từ năm 1949 đến giờ: Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật của Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Liên Bang Giải Quyết Các Hồ Sơ Đòi Tài Sản, một cơ cấu bán độc lập do Quốc Hội hình thành năm 1949.

Hỏi: Có những căn bản luật pháp nào làm điểm tựa cho chiến dịch?
Đáp: Ít ra có 3 luật Hoa Kỳ. Luật Giải Quyết Các Hồ Sơ Đòi Bồi Thường Tài Sản Quốc Tế (International Claims Settlement Act) ban hành năm 1949. Luật này thiết lập Uỷ Hội Liên Bang chuyên trách việc đòi tài sản cho công dân Hoa Kỳ. Luật Mậu Dịch (Trade Act) ban hành năm 1974. Luật này cấm Hoa Kỳ không được ban cấp đặc quyền mậu dịch GSP -- tức là Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát -- cho quốc gia nào tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Và Luật Ngoại Viện (Foreign Assistance Act) tu chính năm 1964, cấm viện trợ cho quốc gia nào tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Hỏi: GSP là gì?
Đáp: GSP viết tắt của Generalized System of Preferences, đặc quyền về mậu dịch mà Việt Nam đã vận động với Hoa Kỳ từ năm 2008. Nếu được đặc quyền này, các mặt hàng Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ được bớt hoặc miễn thuế nhập. Như vậy giá bán sẽ rẻ hơn và mới cạnh tranh được với mặt hàng đến từ các quốc gia khác.

Hỏi: Liệu việc áp dụng các luật này có bị chặn lại bởi các vị dân cử như TNS John Kerry, vốn đã nhiều lần ngăn chặn Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam, nại cớ là có điều khoản cấm viện trợ trong đó?
Đáp: Các vị dân biểu hay thượng nghị sĩ chỉ có thể khuyến khích hay đòi hỏi Hành Pháp thi hành luật chứ không thể kêu gọi không thi hành luật quốc gia. Xin lưu ý là điều khoản cấm viện trợ trong Luật Ngoại Viện mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì đề nghị trong Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam. Chẳng hạn, không những không được viện trợ mà Hành Pháp Hoa Kỳ còn phải bỏ phiếu chống các khoản tiền cho Việt Nam vay bởi các định chế tài chánh quốc tế (như Ngân Hàng Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu…)

Hỏi: Tháng 2 vừa qua, 150 nghìn người Việt đã thỉnh nguyện Tổng Thống Obama can thiệp về nhân quyền. Đến nay đã có kết quả gì chưa?
Đáp: Thỉnh nguyện thư vừa rồi là một cuộc diễn tập, để chuẩn bị cho chiến dịch dài hạn này. Mục đích chính của cuộc diễn tập này là: (1) tạo ý thức trong cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ về sức mạnh của tiếng nói công dân qua sự hợp quần, và (2) chứng minh cho giới chức Hoa Kỳ thấy khả năng huy động của tập thể người Việt ở Hoa Kỳ. Chúng ta đã đạt được cả hai mục đích này. Mục đích phụ của cuộc vận động thỉnh nguyện thư là rà soát thực trạng của chính cộng đồng để rồi chọn đúng thành phần hợp tác trong chiến dịch đòi tài sản này.

Hỏi: Hành Pháp Obama đã đáp ứng gì chưa nguyện vọng của cộng đồng Mỹ gốc Việt về vấn đề nhân quyền?
Đáp: Ngoài những lời phát biểu thì chưa có gì. Điển hình là năm nay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn không đưa Việt Nam vào danh sách CPC mặc dù tình trạng đàn áp tôn giáo ngày càng thô bạo. Bộ Ngoại Giao rút Việt Nam ra khỏi “danh sách theo dõi” về nạn buôn người mặc dù ở Việt Nam tình trạng buôn người chưa hề cải thiện và mới đây lại lòi ra tình trạng cưỡng bách lao động trong các trại cải huấn và nhà tù để sản xuất “hạt điều máu”. Chuyến đi Việt Nam vừa rồi, Ngoại Trưởng Clinton không hề tiếp xúc với nhà đấu tranh dân chủ nào, khác hẳn với chuyến bà ta viếng thăm Miến Điện. Phái đoàn của Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, trực thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, khi đến Việt Nam gần đây thì chỉ gặp giới lãnh đạo của giáo hội Phật Giáo quốc doanh chứ không hề tiếp xúc với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đồng thời Hành Pháp Obama đang ráo riết thương thảo với Việt Nam về ban cấp đặc quyền mậu dịch GSP và hợp tác xuyên Thái Bình Dương.

Hỏi: Nếu thế thì cuộc vận động Hành Pháp lần này liệu có kết quả hơn không?
Đáp: Lần này chúng ta đặt vấn đề trách nhiệm của Hành Pháp phải bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ. Hành Pháp có thể đặt vấn đề nhân quyền lên bàn cân chính sách, và xem nó nhẹ hơn những ưu tiên khác của họ, như mậu dịch chẳng hạn. Tuy nhiên, trong trách nhiệm bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ thì họ không có chọn lựa. Không thể đặt nó lên bàn cân được. Nó là trách nhiệm tối thượng của mọi Tổng Thống Hoa Kỳ và của mọi giới chức Hành Pháp cũng như các vị dân cử dù trong thâm tâm họ muốn bênh vực Hà Nội.

Hỏi: Tại sao lại phát động chiến dịch vào thời điểm này?
Đáp: Đây là thời điểm thuận lợi để hành động. Trước hết, Hành Pháp Obama đang ráo riết thương thảo với Việt Nam về đặc quyền GSP. Theo các nguồn tin đáng tin cậy, Hành Pháp Obama mong muốn hoàn tất cuộc thương thảo sớm để ban cấp cho Việt Nam đặc quyền mậu dịch này vào cuối năm nay. Nếu làm vậy thì Hành Pháp Obama sẽ vi luật khi Việt Nam đã từng tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Chúng ta cần cảnh báo điều này trước khi họ hành động, để sau này họ không thể viện cớ là không biết và đặt chúng ta trước sự đã rồi.

Hỏi: Chiến dịch đòi tài sản được phát động cận với ngày bầu cử (6 tháng 11) ở Hoa Kỳ. Liệu cuộc bầu cử Tổng Thống có là yếu tố trong việc chọn thời điểm này?
Đáp: Vâng. Đây là yếu tố thứ hai quyết định thời điểm phát động chiến dịch. Vấn đề bảo vệ tài sản của công dân là vấn đề đòi hỏi thái độ dứt khoát. Qua đó chúng ta dễ dàng thẩm định thực tâm của Tổng Thống đương nhiệm và ứng cử viên đối lập. Dựa vào đó, các cử tri người Mỹ gốc Việt có thể quyết định dồn phiếu cho ai. Hơn nữa các cử tri Mỹ nói chung cũng có thể sẽ quan tâm vì khi quyền lợi của một nhóm công dân bị xem thường thì đó là dấu hiệu đáng lo cho mọi công dân khác.

Hỏi: Vấn đề đòi tài sản ảnh hưởng quyền lợi của các công dân Mỹ gốc Việt có tài sản ở Việt Nam đã bị xâm phạm bởi chính quyền Việt Nam. Chiến dịch này có liên quan gì đến vấn đề nhân quyền?
Đáp: Có. Song song với việc đòi tài sản cho chính mình, chúng ta lấy tư thế công dân Hoa Kỳ làm lá chắn bảo vệ cho đồng bào trong nước không trở thành dân oan. Và đây là lý do thứ ba để chọn thời điểm này: chúng tôi tiên liệu tình trạng cưỡng chế đất của nông dân sẽ tăng vọt vào cuối năm 2013, khi thời hạn 20 năm cho nông dân sử dụng đất mãn hạn. Chúng ta phải đánh chặn từ giờ. Chúng ta đòi hỏi Hành Pháp Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam hoãn lại mọi ý định cưỡng chế đất đai để có thời gian xác định dứt khoát rằng không tài sản nào của công dân Hoa Kỳ bị vi phạm. Như ở Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng chẳng hạn, chúng tôi truy ra được nhiều tài sản nơi ấy thuộc công dân Hoa Kỳ. Khi thực hiện chính sách cưỡng chế đất Cồn Dầu, chính quyền Đà Nẵng cũng đã tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Để tránh tình trạng này, Việt Nam phải công bố ý định cưỡng chế khu đất nào, rồi cho đủ thời gian để mọi công dân Hoa Kỳ phối kiểm rằng họ không có tài sản trong khu đất sẽ bị cưỡng chế.

Hỏi: Tại sao chỉ trì hoãn mà không ngăn chặn luôn?
Đáp: Đất đai là vấn đề nội bộ của một quốc gia; Hoa Kỳ không thể can thiệp vào. Duy chỉ khi nào quốc gia ấy tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ thì đó không còn là vấn đề nội bộ nữa. Do đó chúng ta chỉ có thể trì hoãn để có thời gian phối kiểm chủ quyền. Thời gian trì hoãn ấy có lẽ phải là vài năm.

Hỏi: Chính phủ Hoa Kỳ có bao giờ can thiệp cho những công dân Hoa Kỳ khi bị xâm phạm tài sản không? Nghĩa là có tiền lệ không?
Đáp: Có rất nhiều tiền lệ trong hơn 60 năm qua. Năm 1949 Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật để thành lập Uỷ Hội Liên Bang Giải Quyết Các Khiếu Nại Về Tài Sản, gọi tắt là FCSC (Federal Claims Settlement Commission), để chuyên lo việc này. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có Văn Phòng Cố Vấn Pháp Lý chịu trách nhiệm lên tiếng cho công dân khi bị quốc gia khác xâm phạm tài sản. Từ năm 1949 đến giờ, chính quyền Hoa Kỳ đã giải quyết vấn đề hoàn trả hay bồi thường tài sản cho công dân Hoa Kỳ bị xâm phạm bởi các quốc gia: Yugoslavia, Panama, Bulgaria, Hungary, Romania, Ý, Liên Xô, Tiệp, Slovakia, Ba Lan, Trung Quốc, Đông Đức, Ethiopia, Ai Cập, Péru, Cuba…

Hỏi: Chính phủ Hoa Kỳ có bao giờ đòi tài sản cho công dân bị xâm phạm bởi chính phủ Việt Nam?
Đáp: Có. Năm 1986, Hoa Kỳ đòi Việt Nam phải bồi thường cho các bất động sản và cơ sở kinh doanh của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã bị chính quyền cộng sản cưỡng chiếm kể từ sau ngày 29 tháng 4, 1975. Đó là điều kiện để bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Việt Nam đã phải nộp 203 triệu Mỹ kim cho Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, và Uỷ Hội FCSC rút từ đó ra để bồi thường cho các công dân và công ty Hoa Kỳ bị xâm phạm tài sản. Đó là các người Mỹ sinh sống hay làm ăn ở miền Nam Việt Nam trước tháng 4, 1975.

Hỏi: Tại sao chính phủ Hoa Kỳ không tranh đấu như vậy cho công dân Mỹ gốc Việt?
Đáp: Đó là vì chúng ta chưa lên tiếng đòi hỏi. Qua chiến dịch này chúng ta lên tiếng đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải bảo vệ tài sản cho công dân Mỹ gốc Việt.

Hỏi: Nếu lên tiếng rồi mà Hành Pháp Hoa Kỳ vẫn không can thiệp thì sao?
Đáp: Chúng ta không chỉ vận động với Hành Pháp mà còn vận động Quốc Hội đôn đốc, theo dõi và, nếu cần, kiểm soát Hành Pháp bằng các phương tiện lập pháp. Song song chúng tôi cũng đang nghiên cứu triển vọng đưa vấn đề ra toà án.

Hỏi: Đã có tiền lệ nào về việc Quốc Hội can thiệp đòi tài sản cho công dân Hoa Kỳ?
Đáp: Có. Năm 1996, Quốc Hội ban hành luật mệnh danh là LIBERTAD để ấn định chính sách, thể thức, tiêu chuẩn mà HànhPháp phải thực thi để đòi tài sản cho công dân Hoa Kỳ gốc Cuba. Luật này còn ấn định rằng những ai mua đi bán lại các tài sản bị tước đoạt cũng phải đồng trách nhiệm bồi thường cho khổ chủ là công dân Mỹ. Công dân Mỹ gốc Cuba có hoàn cảnh bị tước đoạt tài sản bởi chế độ cộng sản rất tương tự với công dân Mỹ gốc Việt.

Hỏi: Bao nhiêu người Mỹ gốc Việt có thể bị ảnh hưởng?
Đáp: Theo chúng tôi ước lượng, có thể có đến vài chục nghìn cho đến cả trăm nghìn gia đình bị tước đoạt tài sản sau khi một người trong gia đình đã trở thành công dân Hoa Kỳ.

Hỏi: BPSOS có chứng cớ về các điều trên để dùng trong vận động hay không?
Đáp: Chúng tôi bắt đầu thu thập hồ sơ từ nhiều năm qua nên có một số tạm đủ cho cuộc vận động Hành Pháp. Chúng tôi tiếp tục thu thập thêm hồ sơ cho cuộc vận động Quốc Hội. Vì Quốc Hội bao gồm 435 vùng cử tri, lý tưởng là phải có ít ra một hồ sơ cho mỗi vùng cử tri. Muốn vậy, chúng tôi có lẽ sẽ cần khoảng 2 đến 3 nghìn hồ sơ để sàng lọc.

Hỏi: Sàng lọc hồ sơ theo tiêu chuẩn nào?
Đáp: Để dùng cho vận động, chúng tôi cần những hồ sơ thật rõ ràng mà không ai có thể phủ nhận hay tranh cãi. Đây là giai đoạn vận động chính sách chung cho nên phải trưng dẫn các hồ sơ mạnh nhất, đầy đủ giấy tờ nhất. Các hồ sơ này lại phải rải đều ra ở các vùng cử tri.

Hỏi: Nếu tài sản bị tước đoạt đã chuyển qua tay nhiều người thì biết đòi ai?
Đáp: Chính quyền Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm vì chính họ đã tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Làm sao lấy lại tài sản ấy để hoàn trả cho công dân Hoa Kỳ thì đó là vấn đề của chính quyền Việt Nam. Nếu không lấy lại được thì họ có thể bồi thường bằng một tài sản tương đương hoặc bồi thường bằng tiền.

Hỏi: Nếu Hành Pháp Hoa Kỳ nhập cuộc, thì tiến trình can thiệp của họ sẽ diễn ra như thế nào?
Đáp: Khi ấy vị Phụ Tá Cố Vấn Luật Pháp của Bộ Ngoại Giao đặc trách vấn đề đòi tài sản (Assistant Legal Adviser for International Claims and Investment Disputes) sẽ phải điều đình với chính quyền Việt Nam về việc bồi hoàn hay bồi thường cho các tài sản đã tước đoạt của công dân Hoa Kỳ. Trong thời gian này, Tổng Thống Hoa Kỳ phải ngưng mọi ý định ban cấp đặc quyền GSP và các đặc quyền mậu dịch khác cho Việt Nam. Tổng Thống cũng phải chỉ thị ngưng mọi khoản viện trợ cho Việt Nam và ngăn chặn mọi khoản tiền của các định chế tài chính quốc tế cho Việt Nam vay, cho đến khi Việt Nam chấp nhận bồi thường hay hoàn trả tất cả các tài sản đã tước đoạt. Song song, Uỷ Hội FCSC sẽ thu thập hồ sơ đòi tài sản của công dân Hoa Kỳ. Đối với những trường hợp không được hoàn trả thì FCSC ước lượng trị giá tài sản. Bộ Ngoại Giao dựa vào đó yêu cầu chính quyền Việt Nam nộp khoản tiền bồi thường tổng cộng cho Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, từ đó FCSC sẽ trích ra để bồi thường cho từng trường hợp riêng. FCSC đã tích luỹ kinh nghiệm từ năm 1949 về việc giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ.

Hỏi: BPSOS cần thêm hồ sơ tài sản bị tước đoạt, để dùng vận động Quốc Hội. Cách nào để chuyển hồ sơ cho BPSOS?
Đáp: Bây giờ chúng tôi đang tập trung vận động Toà B ạch Ốc. Giữa tháng 9 chúng tôi sẽ thông báo tiêu chuẩn sàng lọc hồ sơ và thể thức để gởi hồ sơ.

Hỏi: BPSOS có thử nghiệm kế hoạch kể trên bao giờ chưa?
Đáp: Chúng tôi bắt đầu lưu tâm đến vấn đề này từ năm 1996 và dần dà hình thành kế hoạch như kể trên. Khi xẩy ra vụ cưỡng chế Giáo Xứ Cồn Dầu năm 2010, chúng tôi ứng dụng kế hoạch này với sự hợp tác của các thân nhân của giáo dân Cồn Dầu đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thực hiện cuộc vận động Hành Pháp và Quốc Hội và nhờ vậy mà đã bảo vệ được sự hiện hữu của Giáo Xứ Cồn Dầu cho đến nay. Chỉ có lãnh vực tư pháp thì chưa thử nghiệm thôi. Chúng tôi đang bàn với các thân nhân Cồn Dầu về việc thành lập quỹ pháp lý để thử nghiệm con đường tư pháp.

Hỏi: Xin cho biết triển vọng thành công của chiến dịch này.
Đáp: Qua nghiên cứu và thử nghiệm, chúng tôi thấy rằng chúng ta có cơ hội. Chúng ta có căn bản pháp luật , chúng tôi có hồ sơ trong tay, và chính s ách Hoa Kỳ đã có nhiều tiền lệ. Tuy nhiên, muốn lay chuyển chính quyền Hoa Kỳ, chúng ta sẽ phải dốc sức, phối hợp nhịp nhàng, và cần kiên nhẫn. Sự đồng lòng, hiệp lực của toàn thể cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ trong thời gian vài năm tới đây là yếu tố quyết định có thành công hay không.

Hỏi: Người Việt ở các quốc gia khác có thể thực hiện những chiến dịch tương tự?
Đáp: Về nguyên tắc thì trong thể chế dân chủ, các chính quyền đều có trách nhiệm bảo vệ tài sản của công dân. Tuy nhiên luật, chính sách ở mỗi quốc gia một khác. Phải có người ở từng quốc gia nghiên cứu đường đi nước bước. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và yểm trợ đồng hương ở các quốc gia khác để dấy lên phong trào người Việt tị nạn trên toàn thế giới đòi tài sản.

Hỏi: Nếu nói ra toàn bộ kế hoạch như trên thì có e rằng đối phương biết trước và đề phòng?
Đáp: Chúng tôi không e ngại điều này. Chúng tôi chỉ trình bày nét đại cương về kế hoạch để mọi người theo đó cùng nhau hiệp lực. Kế hoạch này thực ra chúng tôi đã trình bày trong một số bài viết về chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” trước đây. Còn trong thực hiện thì luôn luôn phải chuẩn bị sẵn những yếu tố bất ngờ, không nói ra trước.

Hỏi: Nếu cần thông tin thì lấy ở đâu?
Đáp: Có nhiều nguồn. Trước hết là trang mạng của BPSOS: www.bpsos.org và blog mới thiết lập: www.doitaisan.wordpress.com . Hai nơi đây lưu trữ các tài liệu liên quan đến chiến dịch lâu dài và đa dạng này. Hàng tuần Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại có buổi hội thoại với các chuyên gia về chiến dịch này. Các chuyên gia này sẽ xuất hiện trên nhiều đài phát thanh và truyền hình địa phương. Nhiều tờ báo cũng cho biết sẽ yểm trợ chiến dịch. Hệ thống các văn phòng chi nhánh của BPSOS sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc cho đồng hương với các chuyên gia tại địa phương mình. Nói tóm lại, chúng tôi sẽ dùng nhiều phương thức để chuyển tin và giải đáp thắc mắc cho đồng bào, vì đây là một vấn đề rất đa dạng với nhiều chi tiết kỹ thuật khá phức tạp.

Bài liên quan:

Sang Năm, Hàng Triệu Dân Mất Dất?
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2483


Kiến Nghị Cảnh Báo Toà Bạch Ốc
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2489

BPSOS  - Mạch Sống
Wednesday, August 22 @ 02:46:16 EDT

BPSOS, ngày 21/08/12.

Trong hai ngày qua, chúng tôi nhận được nhiều email của đồng hương có tài sản bị tước đoạt. Qua các trường hợp này chúng tôi đã khám phá ra nhiều hình thức khác nữa mà chính quyền Việt Nam dùng để tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Chẳng hạn, trong nhiều gia đình, cha mẹ qua đời để tài sản lại cho con cái. Trong số anh chị em thì người ở Việt Nam, người ở Hoa Kỳ. Khi bán nhà đi, chính quyền giữ phần tiền của những ai ở Hoa Kỳ, nại cớ rằng họ không là công dân Việt Nam nên không được thừa hưởng số tiền ấy. Đây là một hình thức tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Hiện nay, chúng tôi đang phát động Kiến Nghị Cảnh Báo TT Obama để tất cả những ai có lòng với đất nước và dân tộc cùng tham gia.

Riêng những ai có tài sản đã bị tước đoạt thì ngoài việc ký Kiến Nghị còn có những cách thức khác nữa để lên tiếng với chính quyền Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ có các hướng dẫn chung trong vài ngày tới đây. Xin quý vị kiên nhẫn.

Ngay trước mắt, xin quý vị tham gia ký Kiến Nghị Cảnh Báo tại: http://wh.gov/4oS4. Nếu có trở ngại, xin xem phần chỉ dẫn tại: http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2490  hoặc liên lạc với cô Kim Cúc tại: 703-538-2190.

Chúng tôi thiết tha kêu gọi giới truyền thông phổ biến bản thông báo này đến rộng rãi đồng hương. Chúng tôi nghĩ rằng còn nhiều hình thức tước đoạt tài sản mà chúng tôi chưa biết đến và cần nghiên cứu thêm.


--------------------------------------------




18-8-2012





No comments:

Post a Comment

View My Stats