Friday 24 August 2012

TANG LỄ NHÀ BÁO SƠN ĐIỀN NGUYỄN VIẾT KHÁNH (Việt Báo)




Việt Báo
08/24/2012

SAN JOSE (TVNs) - “Có ai đó đã từng nói: “Khi sinh ra, bạn đã khóc trong khi mọi người chung quanh cười vui. Hãy sống như thế nào để khi bạn ra đi, chung quanh ai cũng khóc trong khi bạn được mỉm cười” và nếu nghĩ như vậy thì trên 200 người đã khóc mà chỉ có một người đang nằm im lặng trong chiếc áo quan đang mĩm cười”. Đó là hình ảnh ghi nhận được trong buổi tiển đưa “cây đa cổ thụ của làng báo Việt Nam”, Giáo sư/Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (SĐNVK) đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Được biết, ở ngày cuối của chương trình tang lễ GS/NB SĐNVK đã diễn ra khá trang nghiêm nhưng không kém phần xúc động tại Oak Hill Funeral Home & Memorial Park vào lúc 10:10AM Thứ Tư, ngày 22-8-2012.

Tuy chương trình đã được báo được bắt đầu từ 100:00AM nhưng từ 9:00PM đã có nhiều người, trong hai ngày trước, chưa kịp thăm viếng nên đã tranh thủ đến sớm để thắp nhang và nhìn mặt người quá cố một lần chót.

Phái đoàn thăm viếng đến sớm nhất đó là phái anh em báo chí đến từ Nam Cali với nhà báo Phan Tấn Hải, nhà báo Vũ Ánh, phóng viên Nguyễn Thanh Huy, bà Quyên Trần, đại diện TNS tiểu bang Lou Correa và phu quân. Những người viếng thăm đến từ xa có nhà báo Trần Dzạ Từ và nhà thơ Nhã Ca, nhà văn nhà báo Phạm Quốc Bảo, nhật báo Người Việt Nam Cali; nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, Gs nhà văn Doãn Quốc Sỹ đến từ Houston, nhà báo Mai Đức, chủ nhiệm kiêm Chủ Bút Bút Việt News Dallas, Texas; các môn sinh của người qua cố tại Vạn Hạnh và Đà Lạt, đến từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada… cùng đầy đủ giới truyền thông báo chí miền Bắc California và các nhân vật quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng.

Toàn bộ chương trình tưởng niệm GS/Nhà báo SĐNVK được điều khiển bởi môn đệ của người quá cố tại Đại Học Vạn Hạnh, chuyên viên địa ốc Khổng Trọng Hinh.

* Đi và về cùng một nghĩa như nhau!

Người phát biểu đầu tiên, trong phần tưởng niệm là nhà báo Lê Văn Hải, trước năm 1975 là Sĩ Quan phi hành của QLVNCH, không hề có một liên hệ nào với người quá cố trong cả hai lãnh vực báo chí và giáo dục. Hiện nay, anh Lê Văn Hải là Chủ kiêm kiêm Chủ Bút hệ thống tuần báo Thằng Mõ, một tờ báo từ 20 năm nay, thường trực đăng bài “Trước Thời Cuộc” có sự đồng ý của tác giả.

Anh Lê Văn Hải cũng là Trưởng Ban Tổ Chức các buổi ra mắt tác phẩm “Tâm Pháp Khí Công”,- do nhà xuất bản Thằng Mõ ấn hành,- tại hai miền Bắc/Nam California mà được xem là những buổi ra mắt sách thành công nhất từ trước đến nay.

Nhà báo Lê Văn Hải đã trình bày:

“Trước nhất tôi xin được cám ơn quý anh chị em cựu Sinh Viên Vạn Hạnh, đã nhường cho tôi những giây phút quý hóa này để vẽ lại đôi chút về cuộc đời của người Thầy, người đồng nghiệp, người thân mà tất cả quý vị hiện diện nơi đây hằng thương mến.

Đầu tiên, cho tôi xin được gởi lời chia buồn sâu xa đến quý tang quyến, nhất là với những đứa con yêu quý của thầy Khánh vì sự mất mát lớn lao này. “Con không cha như nhà không nóc!” Quý anh chị em vừa mới mất mẹ không lâu, nay lại mất cha, còn sự đau đớn nào lớn hơn.

Tôi hân hạnh quen biết và cộng tác trên phương diện báo chí với thầy Khánh gần 20 năm qua, cùng sinh hoạt với Thầy trong Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt, và hân hạnh hơn nữa là nhà xuất bản tác phẩm “Tâm Pháp Khí Công” của Thầy. Đây phải nói là một trong những tác phẩm thành công nhất tại hải ngoại, một năm tái bản 3 lần.

Nên nói về thầy Khánh, thì tôi có đứng đây đến mai cũng nói không hết, cuộc đời với bề dầy nghề nghiệp nếu kể chi tiết phải mất cả chục pho sách mới đủ. Nên tôi chỉ phác họa một hai nét chính, những chi tiết khác đã có các bạn đồng nghiệp, bạn tù, học trò của thầy kể lại trong những phần phát biểu sau.

Nhà báo SĐNVK là một cổ thụ trong làng báo Việt Nam. Năm 1951 ông là ký giả đầu tiên của VTX. Năm 1965 Ông giữ chức Tổng Thơ Ký cho đến ngày gần mất nước. Chưa kể từ năm 1965 là giáo sư dậy khoa báo chí tại đại học Vạn Hạnh và đại học Đà Lạt. Sau năm 1975, như bao chiến sĩ quốc gia khác, ông chịu tù đày cộng sản 12 năm cũng vì ngòi bút của mình. Năm 1992, ông đoàn tụ với các con tại San Jose, từ đó đến nay ông viết liên tục không ngừng nghỉ, chỉ gián đoạn chưa đầy một tháng trước ngày ông qua đời mà thôi!

Gần 70 năm sống với chữ nghĩa, gần 70 năm cầm bút, sự ra đi của thầy Khánh là một mất mát lớn cho sinh hoạt báo chí Việt hải ngoại, gần một tháng rồi độc giả/thính giả vĩnh viễn không thấy trang Trước Thời Cuộc trên các báo chí, đài phát thanh nữa. Vĩnh biệt một cây bút bực thầy, đầy lương tâm nghề nghiệp.

Để kết luận, tôi xin phép dược dùng một hai phút còn lại để có vài lời tâm sự với người quá cố.

Kính thưa thầy,

Đứng trước mặt thầy là Hải, đứa học trò cách đây hơn một tuần có đến thăm thầy với vài anh em, thầy rất vui chỉ vào Hải nói với một chút tự hào: “Sau 75 thầy đã thôi dậy, vậy mà bây giờ nằm trên giường bệnh, vẫn có những học trò mới, đến hỏi thăm chăm sóc, thầy thấy hạnh phúc lắm! Vài bữa nữa thầy mạnh thầy sẽ gởi bài Trước Thời Cuộc lại!”

Thầy ơi,

Gần 20 năm được gặp thầy, lúc nào thầy cũng vui vẻ, hỏi han, nâng ly cà phê với một vài điếu thuốc. Nhưng sao hôm nay, con cái thầy đứng chung quanh thầy đây, đã hết đâu, bạn đồng nghiệp của thầy, bạn tù, học trò, thân hữu, độc giả đang hiện diện hết tất cả nơi đây, sao thầy vẫn nằm bất động, miệng không mỉm cười, bàn tay không nắm bàn tay nồng ấm thân tình?

Tại sao thầy ơi?

Thầy nằm bất nhắc nhở tôi thầy đã chết! Chẳng bao giờ còn được gặp thầy nữa! Nhắc nhở thảm kịch chia ly của kiếp nhân sinh “từ tro bụi sẽ trở về cát bụi, từ hư không sẽ trở về hư vô, đi và về cùng một nghĩa như nhau!” Kiếp con người là thế đấy!

Vĩnh biệt thầy, thầy đi, nhưng hình ảnh người thầy đáng kính vẫn còn mãi trong tim mọi người.

Nguyện cầu hương linh thầy sớm siêu thoát! Xin vĩnh biệt!”.

* Tuyên dương đến từ Thượng Viện California

Kế tiếp, là phần điếu văn của GS Lưu Khôn, một dồng nghiệp với người quá cố tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. GS Lưu Khôn đã nêu rỏ đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của người quá cố là một nhà giáo được đồng nghiệp quý mến, sinh viên kính phục.

Người được MC giới thiệu tiếp theo là Bà Quyên Trần, đại diện Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, thuộc địa hạt 34 California. Bà Quyên Trần cho biết, qua nhật báo Việt Báo của ông bà Trần Dzạ Từ - Nhã Ca, TNS Lou Correa được biết đến nhà báo SĐNVK và rất kính phục ông. TNS vô cùng luyến tiếc trước sự ra đi của ông. Thay mặt Thượng Viện tiểu bang, TNS Lou Correa đã tuyên dương sự đóng góp của người quá cố cho sự phát triển cộng đồng nói chung, cho giới báo chí Việt ngữ nói riêng. Bà Quyên Trần cũng đã thay mặt TNS Lou Correa trao bảng tuyên dương nhà báo SĐNVK đến anh Nguyễn Viết Dũng, là trưởng nam người quá cố.

* Có một không hai

Được MC Khổng Trọng Hinh giới thiệu, là người có mối quan hệ trong lãnh vực báo chí tại hải ngoại từ 20 năm qua cũng như là người bạn tù thân thiết của người với SĐNVK, nhà thơ/nhà báo Trần Dzạ Từ, người cùng phu nhân là nhà văn Nhã Ca diều hành nhật báo Việt Báo đã trình bày: “Trên đường đi đến Cao Nguyên, dọc theo quốc lộ, có một đỉnh núi cao mang tên la Mang Yang. Mang Yang có nghĩ là Cổng Trời và CSVN đã giam giữ khổ sai một số văn nghệ sĩ miền Nam Việt Nam ở đó. Cùng với nhà báo Trần Việt Sơn, là vị Chủ Nhiệm đầu tiên, nhà báo SĐNVK

và nhiều văn nghệ sĩ khác như GS nhà báo Doãn Quốc Sỹ, nhà báo Mạc Thu Lưu Đức Sinh, nhà báo Hồ Văn Đồng, GS nhà văn Nguyễn Sĩ Tế, nhà báo Thanh Thương Hoàng, họa sĩ Chóe, nhà báo Cao Sơn… bị bắt giữ trong chiến dịch được gọi là “truy quét tàn dư phản động Mỹ Nguy”. Trong số gần 30 văn nghệ sĩ bị CSVN chuyển đến trại tù lao động khổ sai

năm gần với Cổng Trời Mang Yang là trại Gia Trung, nhà báo Lưu Đức Sinh là người lớn tuổi nhất, sinh năm 1920. Kế đó, nhà báo SĐNVK sinh năm 1921, GS nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1922, GS nhà văn Nguyễn Tế sinh năm 1923… và hai người trẻ nhất là nhà báo/họa sĩ Chóe và ký giả Cao Sơn.

Cái may mắn của giới văn nghệ sĩ miền Nam bị CSVN bắt giữ là đã có những đàn anh đạo đức, tư cách bao trùm, tấm gương sáng về đức độ để các bạn trẻ noi gương nên hầu hết các văn nghệ sĩ trong thời gian tù tội đều rất tư cách, giữ dược úy tin người văn nghệ sĩ của dưới chế độ VNCH. Nếu nhà báo Mạc Thu Lưu Đức Sinh trong nhận định chút “lạc quan tếu” thì với kinh nghiệm của bạn thân, Nhà báo SĐNVK lúc nào cũng yêu đời, tin tưởng vào sự tất thắng của chính nghĩa trong cung cách ứng xử với bạn tù lúc nào cũng giữ tư cách là một vị Thầy, một người đàn anh. Nhà báo SĐNVK và nhà văn Nguyễn Sĩ Tế là hai người bị biệt giam lâu nhất, trên 12 tháng. Khi ra khỏi biệt giam, cả hai người chân tay khẳng khiu như cây sậy mà chưa bao giờ người ta thấy có những cái đầu to lớn kinh khủng như thế, trên một thân hình ốm tong teo!

Theo ông Trần Dzạ Từ, các bạn tù, ông và nhà báo Cao Sơn, nhìn nhà báo SĐNVK dựa theo bức tường mà lết đi từng bước một mà nghĩ rằng ông sẽ chết. Nhưng SĐNVK nhìn anh em mỉm cười nói nhỏ “không sao đâu, rồi sẽ sống bình yên”.

Đề cập tới sự yêu nghề người quá cố,- nhà báo Trần Dzạ Từ nói về vị chủ biên sáng lập nhật báo Việt Báo và là chánh chủ khảo đầu tiên của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ cho hay qua 20 năm Việt Báo, 12 năm Viết Về Nước Mỹ luôn có sự hiện diện của nhà báo SĐNVK,- là trên đời không có người yêu nghề như nhà báo SĐNVK. Năm 1992, khi vừa qua định cư tại Hoa Kỳ với gia đình, nhà báo SĐNVK, sau ba tháng nghỉ ngơi đã trở lại với làng báo. Năm 1992 dù đã 72 tuổi, ông đã một mình một túi xách, rời bỏ tổ ấm tại San Jose, đến Nam Cali “sống bụi đời” cùng vợ chồng Trần Dzạ Từ/Nhã Ca để thực hiện tờ Việt Báo và cuộc sống này kéo dài trên 10 năm ông mới quay trở lại với gia đình San Jose. Yêu nghề dám từ bỏ mái ấm gia đình, để đi theo tiếng gọi nghề nghiệp, thì có một không có hai. Hai ngày trước đây, biết không thể về dự họp mặt, khi điện đàm từ San Jose, ông yêu cầu Việt Báo chuyển tới buổi họp mặt hôm nay lời ông kính chào quí vị quan khách, thăm hỏi các tác giả Việt Báo Viết Về Nước Mỹ và chúc tất cả một buổi chiều thật vui. Nhà báo SĐNVK đã từ trần tại tư gia đúng 12 trước đồng hồ trước khi buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm Việt Báo, 12 năm Viết Về Nước Mỹ.

Cuối cùng, nhà báo Trần Dzạ Từ đã nhắc đến bài bình luận Trước Thời Cuộc của người cố được viết vào ngày 18-7-2012 với tựa đề “Kinh Động Vũ Trụ”, một bài bình luận có tính cách khoa học và nhà báo SĐNVK đã tiên đoán rất chính xác trước khi ông chia tay với độc giả và thính giả khoảng chưa đầy 1 tháng viết về một chuyện lạ, lớn hơn: đó là chuyện kinh động vũ trụ với việc Hoa Kỳ phóng xe Thám Xa Curiosity Di Chuyển Trên Mặt Hỏa Tinh.

Việc cơ quan NASA và các nhà Thiên văn học Mỹ đã tạo ra ở Mountain View một loại máy đặc biệt sẽ khám phá những bí mật lâu đời của Hỏa Tinh (Sao Mars), khi đến tháng 8 máy bay vũ trụ tự động sẽ bay tới Sao Hỏa, để phân tích đất đá trên hành tinh đó.

Cách xa Trái đất đến 150 triệu dậm, máy bay không gian do nhà Địa chất học NASA David Blake tạo ra, gọi là Curiosity dài 72 bộ và rộng 9 bộ nặng một tấn đã được phóng lên không gian mang theo 10 dụng cụ khoa học và sẽ hạ xuống Hỏa Tinh vào đầu tháng 8.

Nó sẽ phân tách những kim loại thu lượm được trong chuyến bay này, vì thế máy Curiosity còn được gọi là “Phòng Thí Nghiệm Hỏa Tinh” có sứ mạng mở rộng tầm khảo sát hơn bất cứ phi thuyền không gian nào trước đây đã thực hiện về Hành tinh này. Giờ đây Curiosity đang đến gần mục tiêu của nó. Trong vòng 2 năm tới phi thuyền Curiosity sẽ tìm những mẫu đá trong một hang sâu thẳm và trên quả núi cao hơn núi Whitney 14,500 bộ. Nhu cầu hiểu biết sự sống trên Sao Hỏa là một nét đặc biệt, bằng cách tìm hiểu những bằng chứng về kỹ thuật học ở đây.

Đây là một chương trình mà cơ quan NASA sau hơn 2 tháng yên vị, thám xa Curiosity bắt đầu di chuyển trên mặt sao Hỏa đã được người quá cố tiên đoán từ 18-7 và trở thành hiện thực đúng vào ngày 20-8, ngày phát tang cố nhà báo SĐNVK.

Các kỹ sư của Phòng thí nghiệm hỏa tiễn đẩy (tại Pasadena, California) thuộc NASA đã trắc nghiệm, thành công khả năng lái của chiếc xe 6 bánh. Quản lý của chương trình Curiosity, ông Mike Waltkins, tuyên bố "Mọi sự tốt đẹp - có nghĩa là chúng tôi sẽ lái thử lần đầu tiên". Chuyển động đầu tiên sẽ là ngắn, tiến tới chừng 10 feet, rẽ phải tại chỗ rồi lùi vài mét. Ông Watkins ước luợng thời gian lái chiếc Curiosity không dài hơn nửa giờ.

* Ứng xử cởi mở, thuần hòa và đạo hạnh

Tiếp tục là phần phát biểu của đại diện VTX. VTX là một tổ chức độc lập trực thuộc thẳng với Tổng Thống hoặc Thủ Tướng tùy theo từng giai đoạn với hàng trăm nhân viên. Trong cơ chế tổ chức VTX, bộ phận chủ yếu là Sở Tin Tức với Ban Tin Tức Quốc Nội và Ban Tin Tức Quốc Tế mà người trực tiếp điều hành là nhà báo SĐNVK với cương vị Tổng Thơ Ký. Ông Phan Thế Hải, nguyên là Thông Dịch Viên Ban Tin Tức Quốc Tế đã trình bày:

“Chúng tôi gồm các cựu nhân viên Việt Nam Thông Tấn Xã (VNVTX) hải ngoại trước nắm 1975, hôm ny xin có đôi lời tâm cảm cùng quý vị về GS SĐNVK, cựu Tổng Thơ Ký VNVTX, là bậc thâm niên, cao tuổi nhất từng điều hành các ban ngành trong cơ quan báo chí này.

Thực vậy, quý vị hầu hết cũng đã biết rõ về bỉnh bút kỳ cựu này. Qua kiến thức phong phú của GS Khánh về nhiều lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục và khoa học, biết nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật Hoa, cùng kinh nghiệm đa diện 65 năm trong ngành, lòng yêu nghề GS Khánh đã viết nên hàng vạn bài bình luận tuy ngắn gọn nhưng uyên thâm với những ý kiến, quan điểm xây dựng, trung dung và tích cực. Và đáng trân trọng nhất là chúng tôi vô cùng quý trọng cách ứng xử cởi mở, thuần hòa và đạo hạnh của bác Khánh.

Khi hồi tưởng lại, chúng tôi nhớ, là vào giây phút cuối cùng trước khi hết giờ làm việc vào ngày cuối tuần, bác Khánh đến các ban phiên dịch Anh, Pháp, Hoa hàn huyên tâm sự, chia sẻ, truyền đạt các kinh nghiệm của bác với anh chị em nhân viên.

Ngoài ra, bác Khánh từng tích cực luyện khí công hàng ngày cũng giúp bác có sức làm việc bền bỉ. Cách đây 3 tháng, bác Khánh vẫn viết bài xã luận dù trên 90, chứng tỏ vẫn có nghị lực phi thường và tinh thần minh mẫn. Bác Khánh quả là nhà bình luận lão thành, hiếm thấy trong ngành báo chí thế giới vì bác kiên nhẫn, cặm cụi ngồi đánh lấy bài viết lên máy vị tính vào tuổi 92 năm nay.

Mấy năm gần đây, nhóm chúng tôi vẫn thường họp mặt với bác Khánh để học hỏi thêm kinh nghiệm sống dồi dào và quý báu.

Nay niên trưởng đã ra đi. Khi hay tin chúng tôi bàng hoàng vô cùng xúc động. Với vài cảm nghĩ về GS Khánh, chúng tôi xin cám ơn tất cả quý vị hiện diện hôm nay, đã cho phép chúng tôi trình bày mối cảm xúc sâu xa về GS Khánh. Tấm gương nghị lực phi thường của bác Khánh là hình ảnh soi sáng cho thế hệ con em chúng ta noi theo.

Kính thưa bác Khánh,

Tuy bác đã đi xa nhưng bác cũng đã gieo vào lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm thấm đậm tình tự thân thương trong đại gia đình VTX và chắc chắn chúng tôi vẫn còn nhớ mãi mãi Bác mỗi khi họp mặt.

Chúng tôi cũng nguyện cầu anh linh của Bác được sớm an lạc trong chốn Tiên Bồng Vĩnh Phúc.

Cùng các thành viên trong đại gia đình GS SĐNVK, nhân tiện đây, chúng tôi xin chân thành phân ưu và chia sẻ tâm tư thành kính trên đây.

Và một lần nữa, chúng tôi xin cảm tạ tất cả quý vị”.

* "Dai sem pai" và "Kohai"

Đại diện Radio Bolsa, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, Chủ nhiệm tuần báo Mõ San Francisco đến cùng xướng ngôn viên Minh Phượng, mới từ Nam Cali dến đã phát biểu:

“Trước hết, chúng tôi xin được thay mặt cho Tuần Báo Mõ San Francisco, Đài phát thanh Radio Bolsa xin được ngỏ lời chia buồn đến tang quyến và nghiêng mình trước linh cửu của bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.

Thưa quý vị, phải thành thật mà nói là chúng tôi là những hậu bối sinh sau đẻ muộn trong ngành truyền thông, nhưng lại có cơ may được làm việc chung với một "cây cổ thụ" trong ngành truyền thông nước nhà là bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.

Cho tôi được phép nhắc đến các cơ may này.

Tôi du học Nhật Bản từ năm 1969 đến năm 1984 thì sang Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi hơi ngạc nhiên vì để ý thấy rất nhiều tờ báo Việt ngữ tại đây khi đề cập đến một chính đảng lớn nhất của Nhật Bản là Đảng Tự Do Dân Chủ nhưng hầu hết đều viết là Đảng Dân Chủ Cấp Tiến.

Tôi có liên lạc thông báo sự sai lầm này cho vài tờ báo để họ sửa lại. Nhưng chỉ một thời gian sau, các sai lầm đó lại tái diễn. Về sau, nhà báo Đỗ Ngọc Yến , chủ nhiệm tờ Người Việt có giải thích với tôi là vì trong bản tin tiếng Anh danh xưng của Đảng Tự Do Dân Chủ của Nhật lại được viết là Liberal Democratic Party, cho nên người dịch dịch ra là đảng Dân Chủ Cấp Tiến là vậy.

Cho tới một hôm, tôi tình cờ đọc một bài bình luận trên tờ Việt Báo viết về tình hình chính trị Nhật Bản , trong đó, tác giả đã viết đúng danh xưng Đảng Tự Do Dân Chủ và nội dung bài bình luận về tình hình chính trị Nhật Bản rất chính xác và sâu sắc chúng tỏ tác giả phải là một người rất am tường chính tình Nhật Bản. Tôi rất cảm phục và nhìn kỹ một lần nữa, tên của tác giả bài bình luận là Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.

Không thể chờ đợi được, tôi đã gọi phone ngay xuống tờ Việt Báo để muốn thưa chuyện và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến tác giả nhưng rất tiếc không gặp đượcc ông mà chỉ gặp và nhờ nhà báo Trần Dạ Từ nhắn lại. Hôm sau bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh gọi lại cho tôi . Chúng tôi trao đổi vối nhau khá lâu và được biết ông đã từng du học, tu nghiệp về ngành báo chí tại Nhật trước tôi nhiều năm. Theo phong tục của Nhật, từ đó, tôi nhận ông là "Dai sem pai" tức Đại Tiền Bối và tôi là "Kohai" tức hậu bối. Từ cơ duyên đó, chúng tôi xin phép được đăng tải các bài bình luận giá trị của ông trên tờ báo Mõ San Francisco của chúng tôi. Thời gian sau, chúng tôi lại hân hạnh được Đài phát thanh Radio Bolsa mời giữ mục "Bình Luận Trước Thời Cuộc" mà nhân vật chính của mục này chính là bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Có thể nói, đây là một trong những tiết mục được thính giả ưa thích và đón nghe nhiều nhất. Lý do là bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh có biệt tài trình bày, phân tích các vấn đề tranh chấp phức tạp của tình hình thế giới một cách rất đơn giản dễ hiểu và qua phong thái trình bày rất từ tốn, mạch lạc và hấp dẫn của ông đã giúp thính giả lĩnh hội vấn đề một cách thích thú và dễ dàng.

Thời gian gần đây vì ngã bệnh, bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã không thể viết bài hay lên Đài phát thanh thưa chuyện cùng quý thính giả khiến biết bao nhiêu người lo lắng chờ đợi. Ngày 28-7 vừa qua nhân dịp cùng một số cựu môn sinh Đại học Vạn Hạnh đến thăm bác. Bác Khánh có nhờ tôi nhắn lại với quý độc giả , thính giả là bác cám ơn những quan tâm của họ đến sức khỏe của bác và xin quý vị vui lòng chờ thêm một thời gia ngắn nữa, bác sẽ bình phục để tiếp tục phục vụ mọi người.

Thưa bình luận gia Nguyễnn Viết Khánh, bác bảo mọi người hãy yêm tâm chờ đợi nhưng nay bác đã vội vã ra đi. Được hung tin này, nhiều thính giả, độc giả của bác đã bày tỏ lòng xúc động thương tiếc và nhiều người cho biết từ nay họ sẽ không chờ nữa mà sẽ mãi mãi nhớ đến bác. Nhớ đến Bình Luận Gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh”.

Xin thay mặt quý độc giả, thính giả của bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh chúng tôi xin gửi đến bác lời cám ơn chân thành nhất về những bài bình luận vô cùng sâu sắc giá trị , vằ những công trình tim óc tuyệt vời khác của bác đã để lại cho mọi người.

Thưa bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh,

Bác đã dành cả cuộc đời phục vụ cho tha nhân. Hôm nay, Bác có quyền an nghĩ.

Một lần nữa, chúng tôi xin được gửi lời chia buồn đến tang quyến và xin nghiêng mình đưa tiễn hương linh bình luận Gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh về nơi cỏi Phật.

Xin vĩnh biệt Bác Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh”.

* Học hàng vạn chữ từ SĐNVK

Riêng XNV Minh Phượng trong sự xúc động đã trình bày, trên 15 năm qua, cô được vinh dự đọc bài viết Trước Thời Cuộc của nhà báo SĐNVK. Nhà báo SĐNVK từng bảo với cô, ông bận nhiều việc, nếu mở email không có bài thì chịu khó lấy Trước Thời Cuộc trên Việt Báo để đọc. Tuy nói như thế, nhưng suốt 15 năm qua, ông vẫn đều chuyển bài cho Minh Phượng trên email.

Người ta bảo “nhất tự vị sư, ban tự vi sư”. Hơn 15 năm qua Minh Phượng đã học hàng vạn chữ nhưng không được may mắn như các anh chị cựu SVVH là học trò của thầy. Trong lần ra mắt tác phẩm “Những Mùa Xuân Trở Lại” nhà báo SĐNVK muốn Minh Phượng cùng đảm trách MC cùng với anh Không Trọng Hinh. Từ đó, do yêu cầu của Minh Phượng, nhà báo SĐNVK xem Minh Phương là môn đệ mới của ông từ sau năm 1975”.

Tiếp đến nhà thơ Đông Anh Nguyễn Đình Tạo, Cố Vấn, nguyên Chủ Tịch Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt đã trình bày mối quan hệ giữa người quá cố với tổ chức, mà lúc sinh tiền ông là Cố Vấn. (Nguyên văn bài phát biểu của nhà thơ Đông Anh cùng bài thơ vĩnh biệt nhà báo SĐNVK đã dược đăng tải trên tuần báo Tin Viên News số báo tuần trước)

Cuối cùng nhà văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng, nguyên Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam kiêm Chủ Tịch Ban Quản Trị Làng Ký Giả Việt Nam trước năm 1975 đã phát biểu:

“Sáng ngày thứ hai tuần trước một anh bạn phone cho tôi báo tin Anh SĐNVK từ trần. Tôi hỏi lại anh bạn: lại tin vịt phải không? Tôi không tin vì ít lâu nay có nhiều cú phone gọi tới báo tin ông nọ ông kia qua đời. Hỏi lại thì là tin vịt. Trường hợp Anh SĐNVK cũng vậy. Tôi không tin vì mấy ngày trước tôi còn đọc bài của anh trên tờ Việt Báo. Và cách đây khoảng nửa tháng anh còn tới dự buổi phát giải thưởng của Văn đàn Lạc Việt tại nhà hàng Phú Lâm. Trước nữa, tôi nghe tin anh phải vào nằm bệnh viện, chưa kịp tới thăm thì anh đã về nhà. Tuổi già ốm đau là chuyện bình thường, nhất là sau đó anh lại viết xã luận vẫn sắc bén như thường thì hỏi làm sao tôi có thể tin anh qua đời được. Thế là sau Anh Hà Thượng Nhân giờ tới anh ra đi. Anh em viết văn viết báo ở San Jose chúng tôi mất đi hai người Anh, hai người Bạn, học trò hai Anh mất đi người Thầy xuất sắc vô cùng quý mến. Hôm vừa rồi sau khi dẫn anh Doãn Quốc Sỹ từ quận Cam tới viếng anh, ra về anh Sỹ thở dài nói như than: “Thế là đám văn nghệ chúng mình bị tù ở trại Gia Trung lại mất thêm ông bạn nữa!” Cách đây gần 30 năm một số anh em viết văn viết báo chúng tôi bị cộng sản bắt giam và sau đó đầy lên trại lao động cải tạo Gia Trung ở miền rừng núi Pleiku. Tôi ở đội trồng rau, anh Khánh ở đội làm gạch nên ít gặp nhau. Nếu tình cờ gặp, anh chỉ hỏi về tin tức tình hình thời sự. Rồi anh bình luận. Vào tù bao năm rồi mà “máu” bình luận thời sự vẫn “sống” trong anh như người ta hằng ngày phải ăn cơm uống nước. Rồi biến cố Trung cộng đánh cộng sản Việt Nam, không rõ vì nguyên do nào anh và một số đông anh em bạn tù bị bắt nhốt vào nhà đá, hai chân bị cùm hàng tháng trời. Khi được thả ra và chuyển sang K1, (K tôi đang ở) tôi thấy anh gầy guộc xanh xao, chân bước siêu vẹo đi không nổi phải chống gậy lê lết từng bước. Tôi tưởng anh khó mà thoát khỏi tay tử thần. Thế rồi anh vẫn sống và vẫn hăng hái bình luận thời sự với bạn bè thân thiết trong những ngày nghỉ . Anh được anh em bạn tù già trẻ đều quý mến và kính trọng. Anh là tấm gương sáng về đức độ để các bạn trẻ mang tội phục quốc mến mộ và tôn trọng kính nể như một người thầy. Anh thường kể truyện kiếm hiệp của Kim Dung cho tất cả buồng nghe những lúc nghỉ ngơi. Anh kể có lớp lang thứ tự từng hồi. Mọi người đều nhìn nhận anh có trí nhớ tuyệt vời. Anh tin tưởng tuyệt đối có ngày về nên đã mang lại niềm tin vào sự sống cho mọi người. Sau hơn 10 năm tù anh ra về thật. Những ngày sống lê lết, vô vị khi rời bỏ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn, chúng tôi thường gặp nhau ở nhà anh Mai Văn Lễ, nguyên trưởng khoa Luật đại học Huế. Vì nhà anh Khánh và nhà anh Lễ gần nhau. Và chúng tôi lại tiếp tục nghe anh bình luận thời sự.

Khi sang đất nước Hoa Kỳ sống, anh lại tiếp tục viết bình luận cho các báo, các đài phát thanh và viết hăng viết nhiều hơn bao giờ hết. Ở tuổi tám, chin mươi chân bước thấp bước cao loạng choạng trong buổi hoàng hôn đời người mà vẫn còn viết được những bài bình luận thời sự sáng suốt và sắc bén như anh quả thật xưa nay trong làng văn làng báo i hiếm hoi. Rồi tới khi sắp lìa cõi thế anh vẫn không ngừng viết. Quả là con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Cái nghiệp văn bút đến thác anh vẫn chưa chịu rời. Anh ra đi con cháu anh mất đi một người cha, một người ông đức độ. Làng văn Làng báo chúng tôi mất đi một cây viết tài ba. Và người Việt nơi hải ngoại mất đi một tài năng LỚN, tràn đầy tin tưởng lạc quan về Đất Nước mai này.

Thưa Anh SĐNVK, chúng tôi vô cùng mến mộ và thương tiếc anh: một người Anh, một người Thầy của Làng báo hải ngoại. Xin cầu nguyện hương hồn Anh sớm thênh thang cất bước nơi cõi Bình An Vĩnh Cửu.

Vĩnh biệt Anh.

Xin kính chào quý vị, quý bạn”.

Vì đến giờ nghi lễ động quan, di quan theo nghi thức Phật giáo, nên chương trình tưởng niệm, đành phải cắt bỏ phát tưởng niệm của Anh Nguyễn Hồng Đức, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu SVVH Bắc Cali (HAHCSVVH/BC) và phần trình bày “Kỷ Niệm của Bố Tôi” của Thứ Nam Nguyễn Viết Sơn để trước khi chuyển sang phần nghi thức tôn giáo,

Trưởng nam người quá cố anh Nguyễn Viết Dũng đã đại diện tang gia ngỏ lời cảm tạ:

Chúng tôi là Nguyễn Viết Dũng, con trai trưởng của ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh cùng toàn thể gia đình, vô cùng xúc động trước tấm lòng thương mến của tất cả quý vị đối với thân phụ chúng tôi. Trong lúc sinh thời, thân phụ chúng tôi vẫn thường nhắc nhở đến sự ưu ái của quý vị và trân trọng quý mến mối thâm tình của quý vị dành cho ông, trong đó có tình nghĩa thầy trò, mặt dù bao năm xa cách mái trường xưa.

Thay mặt toàn thể gia đình,chúng tôi chân thành cảm tạ quý vị đã không quản ngại đường xa và thì giờ để đến thăm viếng, gởi vòng hoa phân ưu dến buổi tang lễ của thân phụ chúng tôi.

Nhân cơ hội này, toàn thể gia đình chúng con xin chân thành cảm tạ lòng từ bi của Thượng tọa Thích Viên Dung, và quý tăng ni của chùa Bảo Phước, đã khai thị và quy y cho hương linh của thân phụ chúng con là Nhật Hỉ.

Đăc biệt gia đình chúng tôi xin gởi lời cảm ơn đến Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Vạn Hạnh đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi trong toàn bộ 3 ngày tang lễ của thân phụ chúng tôi.

Chúng tôi mong quý vị niệm tình tha thứ nếu có những sơ xuất xảy ra. Một lần nữa gia đình chúng tôi chân thành cảm tạ quý vị và nguyện cầu hương linh của thân phụ chúng tôi sớm về miền vĩnh cữu”.

Được biết, trước đó trong ngày đầu của chương trình tang lễ, Thứ Hai 20-8 sau lễ phái tang, một phái đoàn Chư Ni từ Thiền Viện Diệu Nhân Sacramento và Thiền Viện Trúc Lâm Bảo Tánh San Jose (thuộc hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử do Vua Trần Nhân Tông thành lập) của Hòa Thượng Thích Tịnh Từ được sự hướng dẫn của Ni Sư Thích Nữ Thuần Tuệ

đã viếng thăm va giảng giải ý nghĩa của sự ra đi trong tinh thần Thiền của đạo Phật. Cũng cần đề cập, người quá cố lúc còn sinh tiền rất rành về phương pháp tập luyện Khí Công, mà trong nguyên lý căn bản của Khí Công có phần tập Thiền.

Nhìn chung, tang lễ của Giáo Sư/Nhà Báo Nguyễn Viết Khánh diễn ra trong trang nghiêm nhưng không kém phần cảm động. Những người hiện diện không tránh khỏi xúc động ở phần phát biểu của cựu nhân viên VTX Phan Thế Hải và XNV Minh Phượng, khi hai nhân vật này ràn rụa nước mắt, vừa phát biểu vừa nức nở khóc khiến MC Khổng Trọng Hinh phải chuyển mục, giảm nhẹ không khí đau buồn, mời ca sĩ Thu Nga và nhạc sĩ Lê Minh Hiền trình bày một bản nhạc thiền mang tựa đề “Đến Rồi Đi” do chính Lê Minh Hiền sáng tác.

Điều gì để tất cả mọi người hiện điện, và còn rất nhiều người vì hoàn cảnh không tham dự tang lễ đã phải thương tiếc đối với sự ra đi của nhà báo SĐNVK? Đành rằng “Sinh Ký Tử Quy”, chuyện đến rồi đi, ai cũng một lần phải ra đi . Nhưng nhà báo SĐNVK lúc sinh tiền vốn là một người

“Đơn Giản, Khiêm Cung và Tự Tại” cộng với tinh thần của một người từ thuở thiếu thời đã tập luyện khí công với bí quyết 8 chữ “Tu Tâm, Dưỡng Tính - Huấn Nhục, Luyện Công”, trong 92 năm trong cõi sống tạm đã được mọi người kính trọng, nể phục và thương mến, để khi ông ra đi, chung quanh ai cũng khóc thì chính ông đang được mỉm cười mà thong dọng tự tại bước vào cõi sống thật!

Với quá trình 65 năm làm báo, trên 10 năm giảng dạy tại Phân Khoa Báo Chí của Viện Đại Học Vạn Hạnh và Viện Đại Học Đà Lạt và 12 năm bị tù đầy khổ sai dưới chế độ CSVN, hôm nay, khi nhà báo SĐNV được nhiều người thương tiếc, đó cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.


 
 
 
 


No comments:

Post a Comment

View My Stats