Tuesday, 1 April 2025

ĐỂ DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG CAO, VIỆT NAM BUỘC PHẢI THÚC ĐẨY KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN (Thanh Phương / RFI)

 



Để duy trì tăng trưởng cao, Việt Nam buộc phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 31/03/2025 - 13:33

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20250331-%C4%91%E1%BB%83-duy-tr%C3%AC-t%C4%83ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-cao-vi%E1%BB%87t-nam-bu%E1%BB%99c-ph%E1%BA%A3i-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-khu-v%E1%BB%B1c-kinh-t%E1%BA%BF-t%C6%B0-nh%C3%A2n

 

Hôm 17/03/2025, báo chí chính thức ở Việt Nam đã đồng loạt đăng một bài viết của tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm. Việc truyền thông nhà nước phổ biến quan điểm của lãnh đạo đảng là chuyện bình thường ở Việt Nam, nhưng bài viết này đáng chú ý vì ông Tô Lâm đã không hết lời ca ngợi khu vực kinh tế tư nhân tại một đất nước mà về mặt chính thức kinh tế nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo “trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

HÌNH :

Bốc dỡ hàng tại cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 03/05/2020. AP - Hau Dinh

 

Ngay từ năm 1986, khi bắt đầu “đổi mới”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã công nhận “kinh tế tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế”. Đến năm 2001, đảng cầm quyền ở Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân “trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” Nhưng thực ra thì đến năm 2011, tại Đại hội Đảng lần thứ 11, cụm từ "kinh tế tư nhân" mới lần đầu tiên được sử dụng chính thức, với chủ trương "hoàn thiện cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế". 

 

Năm 2017, Đảng ra nghị quyết nhấn mạnh cần "phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nghị quyết này lần đầu tiên đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân, như đến năm 2025 sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp khoảng 55% GDP. Tuy nhiên, những mục tiêu này đến nay vẫn chưa đạt được.

 

Trong bài viết mang tựa đề "Phát triển kinh tế tư nhân: Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", tổng bí thư Tô Lâm ghi nhận: “Với gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP.” Nói chung, theo ông Tô Lâm, khu vực tư nhân “ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.”

 

Quan điểm của ông Tô Lâm là: “Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay FDI, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước.”

 

Nhưng ông Tô Lâm nhìn nhận rằng kinh tế tư nhân ở Việt Nam “vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển và năng lực cạnh tranh.” Cụ thể, theo lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam doanh nghiệp tư nhân “còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.”

 

Ấy là chưa kể “hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.”

 

Trong bản đánh giá về hiện trạng của khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, đăng vào tháng 09/2021, Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cũng đã từng nêu bật sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam :

 

“Quy mô và ảnh hưởng lớn của doanh nghiệp nhà nước có thể cản trở cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và mới hoạt động. Doanh nghiệp tư nhân khó tham gia và cạnh tranh đầy đủ ở nhiều thị trường do các ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước. Các ngân hàng thương mại tiếp tục cho những doanh nghiệp nhà nước có kết quả hoạt động yếu kém được vay tiền trên cơ sở phi thương mại, do đó làm tăng chi phí vay trong nước của các công ty làm ăn có lợi nhuận tốt.

 

Các doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn về tài chính có thể nhận được hỗ trợ của nhà nước bằng việc xóa nợ và kéo dài thời gian trả nợ, hạn chế các nguồn lực lẽ ra có thể được chuyển đến các công ty tư nhân. Trong khi luật lệ, quy định hiện hành về giao đất và cho thuê đất kinh doanh, sản xuất không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 70% đất đai dành cho sản xuất và kinh doanh”.

 

Trong bài viết nói trên, ông Tô Lâm còn nhìn nhận: “ Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước thường thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, vốn, tín dụng; còn doanh nghiệp nước ngoài thường được hỗ trợ về thuế, thủ tục hải quan, tiếp cận đất đai.” 

 

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 18/03/2025, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng chính phủ phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận đất đai và tiếp cận các ưu đãi như là với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: 

 

“Ví dụ như là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc mà đầu tư vào một tỉnh thì tỉnh đó sẵn sàng cấp thêm đất và giảm giá đất vượt khỏi khung pháp luật của Việt Nam để giữ tập đoàn đó ở địa phương đó. Bây giờ nên áp dụng ưu đãi đó cho doanh nghiệp trong nước.

 

Hiện nay, vì nhiều lý do, cho nên một số địa phương ưu đãi rất lớn đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bởi vì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có tiềm lực lớn, có thể, trong một thời gian ngắn, phù hợp với thời gian cầm quyền của ông bí thư hay chủ tịch tỉnh, có thể đầu tư và nhanh chóng nâng cao thu nhập về thuế hay GDP, nhưng thực chất giá trị gia tăng được tạo ra ở Việt Nam thì lại không cao. 

 

Và tôi muốn nhấn mạnh rằng doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp dân tộc, còn doanh nghiệp nước ngoài thì mang thương hiệu nước ngoài và sẽ chuyển lợi nhuận cũng như vốn đầu tư về nước họ. Doanh nghiệp tư nhân thì mang thương hiệu Việt Nam, sẽ đóng thuế và ở lại với đất nước Việt Nam.”

 

Một hướng phát triển khác để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, đó là phải đẩy mạnh việc chuyển sang chính phủ điện tử và thực hiện công khai, minh bạch.

 

“Luật doanh nghiệp năm 1999 đã thực hiện sự thay đổi quan trọng đó và bây giờ cần phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa. Tôi nghĩ rằng để làm việc đó thì phải chuyển mạnh sang kinh tế, chính phủ điện tử, thực hiện công khai minh bạch và tinh giản tối đa các giấy phép, các thủ tục hành chính, công khai trên mạng cho mọi người biết là việc này là do ai xử lý và xử lý đến bao giờ.

 

Cũng về công khai minh bạch, nếu nhìn vào niên giám thống kê của Việt Nam thì phần lớn chỉ có thu, chi, tức là không nói rõ chi cho những gì, thu thì từ đâu. Trong khi đó, nếu đọc niên giám thống kê của Thụy Điển thì họ nói rất rõ, tức là nhà vua chi như thế nào, có đi chuyên cơ hay là đi máy bay thương mại. Thậm chí bữa cơm mà nhà vua tiếp khách nước ngoài thì gồm có 3 món nào, đãi rượu vang gì.

 

Trên cơ sở đó, tôi hy vọng là môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ mạnh hơn. 

 

Hiện nay thì trước hết là con số giấy phép con hiện nay đã tăng rất nhiều.Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp thì con số giấy phép con đã vượt hơn 5.000.

 

Rất cần lập lại một lần nữa bài học của thủ tướng Phan Văn Khải, người đã ký và bãi bỏ 258 giấy phép vào năm 2001. Tôi nghĩ là bây giờ bên cạnh việc vận dụng chính phủ điện tử và công khai minh bạch, việc giảm bớt các thủ tục hành chính, các giấy tờ là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

Việt Nam đã có những tiến bộ như ta đã thấy, tức là có những hãng hàng không tư nhân như Vietjet, có quy mô và hoạt động về mặt trình độ chuyên môn có thể cạnh tranh được với. Với tầm nhìn như vậy, tôi nghĩ là nên mở rộng hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào chính phủ điện tử, vào công nghệ thông tin.”

 

Bên cạnh đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh còn lưu ý về chính sách thu hút nhân tài để đóng góp cho việc phát triển nền kinh tế tư nhân ở Việt Nam: 

 

“Còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần cải cách và phát triển lên. Một là chiến lược về nhân lực và chính sách đối với nhân tài, làm sao cho các nhân tài từ nước ngoài về được sử dụng ở Việt Nam sẽ được đối xử một cách tương xứng. Tôi không muốn nói là thu nhập của họ phải bằng như ở Pháp hay ở Mỹ, nhưng cũng phải là thu nhập cao đáng kể so với thu nhập bình thường ở Việt Nam, để họ có thể sống một cách thoải mái."

 

Trong bài viết nói trên, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm cũng đã đề ra một số giải pháp để « tạo ra một động lực đột phá » cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có việc tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, thứ hai, bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, , tạo cơ hội cho khu vực tư nhân tiếp cận hiệu quả, công bằng các nguồn vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ.

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats